CHỦ NGHĨA XÊ DỊCH LIỆU CÓ PHẢI LÀ ƯỚC MƠ CHUNG CỦA TUỔI TRẺ?
Bài viết này là sự chia sẻ với các bạn trẻ dưới 30 tuổi về quan điểm cá nhân của mình, một người đã từng trải qua khoảng thời gian đó của đời người, đã từng mong ước được đi khắp nơi, và rồi cũng lại đã từng quay về thực tại.

Không phải chỉ gần đây mình mới đọc được những bài viết về chủ nghĩa xê dịch và việc dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ; rằng phải dám buông bỏ vòng quay cơm áo gạo tiền để thực hiện ước mơ, đi để tìm và khám phá bản thân mình, còn trẻ là còn đi... mà xu hướng này đã được thành hình và được cổ súy từ rất lâu rồi, trở thành một-cách-hay-ho để khẳng định mình của giới trẻ. Mình không nghĩ điều đó khi tạo thành trào lưu, ảnh hưởng đến nhiều người một cách không rõ ràng là điều thật sự tốt.
Bài viết này là sự chia sẻ với các bạn trẻ dưới 30 tuổi về quan điểm cá nhân của mình, một người đã từng trải qua khoảng thời gian đó của đời người, đã từng mong ước được đi khắp nơi, và rồi cũng lại đã từng quay về thực tại.
CÓ NÊN CHĂNG CỨ PHẢI ĐI THẬT NHIỀU MỚI LÀ TUỔI TRẺ?
Việc đầu tiên, có lẽ các bạn nên định nghĩa ước mơ của mình là gì, và phải định nghĩa chi tiết và rõ ràng. Nó không phải câu trả lời chung chung là "Trở thành một người thành đạt", "Giàu có", "Có cuộc đời như ý mình", hay "chỉ cần được hạnh phúc"... Các bạn cần có những câu trả lời rõ ràng hơn như thế, tự đặt ra các câu hỏi sâu hơn như "thế nào là thành đạt?" "giàu có đến mức nào?" "hạnh phúc với mình là gì" để tìm kiếm câu trả lời cho mình.

Mình có một cậu em sinh năm 1991 làm Kỹ sư Xây dựng, hiện đang làm việc 12-14h/ngày. Lâu lâu anh em ngồi trà cháo, cũng những trăn trở như vậy, nhưng với cậu em mình thì "Ước mơ của em là trở thành 1 trong số các kỹ sư kết cấu giỏi nhất Việt Nam, có thu nhập thụ động khoảng 200tr/tháng trước-tuổi-45; có 2 đứa con. Sau đó em sẽ dành thời gian viết lách và xuất bản 1 quyển sách của mình năm 50 tuổi về kết cấu thép". Đó là 1 ước mơ mình cho là rõ ràng.
Cũng lại là những câu hỏi: Đi xa, đi nhiều, đi chinh phục thử thách với mục đích của bạn là gì? Để tìm hiểu bản thân mình? Để trải nghiệm? Để thăm thú nhiều hơn, biết nhiều hơn về thế giới xung quanh? Và rồi sau đó thì sao?
Không phải ai cũng có ước mơ là phải được đi đây đi đó. Khi các bạn còn trẻ, các bạn dễ dao động và thiếu định hướng. Mỗi người trong xã hội sinh ra đều khác nhau, bản tính khác nhau, thể trạng khác nhau, thẩm mỹ cũng khác nhau. Ước mơ không phải ai cũng may mắn tìm được khi mình còn trẻ, nhưng nếu các bạn không tìm cách để biết được nó là cái gì, thì có thể các bạn đang cầm nhầm ước mơ của người khác. Vậy nên, điều trước tiên là phải hiểu được mong muốn và nội tại của bản thân mình trước đã, trước khi đặt ra lộ trình những trải nghiệm cho riêng mình.
SỰ NGỤY BIỆN VỀ TƯ DUY ĐÁM ĐÔNG
“Mình đi đến nơi có biển bạc núi xanh Ϲhạу con xe anh chở em tròng trành Mình phóng tầm mắt ngắm chân trời mới toanh”
“Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”
như Đen Vâu đã từng rap và những điều đại loại như thế là một ước mơ rất đẹp, yên bình và êm đềm, nhưng còn mang ý nghĩa của sự chạy trốn thực tại.
Khi trong xã hội hiện đại quá nhiều bon chen, con người không tránh khỏi những mơ mộng được thoát khỏi áp lực, được sống lại thời vô lo vô nghĩ, được tự do làm điều mình thích; đó cũng là điều đẹp nhất của tuổi trẻ, khi chưa bị nhuộm quá nhiều bởi hiện thực tàn nhẫn hay gánh nặng về trách nhiệm với những mối quan hệ xung quanh mình. Ước mơ vốn dĩ là món quà tuyệt vời mà cuộc sống ban tặng cho con người để tiếp thêm động lực, nhưng không phải vì vậy mà chạy theo một cách mù quáng và đánh đổi.
Bỏ qua những yếu tố kiểu “lấy đâu ra tiền mà mua đất ở quê để trồng rau và thả cá”, bỏ qua những yếu tố kiểu “rồi đi chán xong lấy gì để sống” hay “bố mẹ, gia đình gặp khó khăn thì lấy gì để lo”… điều mình đang muốn chia sẻ, đó là đó có thực sự là điều các bạn mong chờ hay chỉ là ham muốn nhất thời khi quá mệt mỏi. Tâm lý đám đông là thế, khi “khái niệm về sự giải thoát” được lan tỏa quá nhiều, sẽ tác động không nhỏ đến tư duy và lập trường của những người vốn không có chính kiến và thế giới quan riêng của mình. Đó là ý chí, là mong ước của Đen Vâu, hay của bạn bè xung quanh các bạn, nhưng chưa chắc đó là điều các bạn thực sự cần cho bản thân mình.

“Chạy trốn” thực tại xét theo một khía cạnh nào đó, là dễ, và chắc chắn là dễ hơn đương đầu và vượt qua khó khăn thực tại. Mình không đánh đồng tất cả mọi người trong quan điểm này, mình chỉ chia sẻ với những bạn còn trẻ, ít nhất là dưới 30 tuổi, chưa định hình được thật sự lập trường của mình và bị cuốn theo tư duy đám đông này, nó trở thành sự ngụy biện cho chính bản thân các bạn.
Cốt lõi vẫn là, đó có thực sự là điều các bạn muốn hay đó chỉ là xu hướng của số đông mà các bạn tin rằng sẽ giải thoát được cho những gánh nặng hiện tại của mình mà thôi.
CUỘC SỐNG LÀ SỰ LỰA CHỌN

Chúng ta có thể lựa chọn buông bỏ tất cả, đi đến nhiều nơi, nhiều vùng đất để thỏa mãn đam mê, để chiêm nghiệm bản thân, để trưởng thành hơn theo một cách nào đó.
Chúng ta có thể lựa chọn cắn răng chịu đựng vượt qua khó khăn hiện tại, để hi vọng đến một tương lai tươi sáng hơn, có vật chất, có tinh thần để thỏa nguyện cho mình.
Chúng ta cũng có thể lựa chọn chẳng làm gì cả, để mặc cuộc sống cuốn đi theo cách của nó, đến đâu lo đến đó.
Mỗi người đều liên tục phải đưa ra các lựa chọn mỗi ngày về cuộc sống, và theo quan điểm của mình, mọi lựa chọn đều luôn luôn đúng, bởi đó là điều bản thân cần tại thời điểm đó và là lựa chọn của chính mình, thế nên không ai có quyền phán xét hay phê phán khi các bạn đưa ra lựa chọn, điều đó mới là sự tự do tư tưởng đúng nghĩa. Khi đưa ra lựa chọn, đồng nghĩa với việc chấp nhận đánh đổi và trả giá với tương lai sau này.
Cuộc sống vốn dĩ là sự tự do, có quá nhiều lựa chọn và quá nhiều sự tác động; nhưng sự tự do chỉ thực sự được gọi là tự do nếu đó là điều mong muốn thực sự của bản thân mình mà thôi.
Mỗi con người là một cá thể độc lập, có khao khát riêng, mục đích riêng, ước mơ riêng, vì thế, hãy là chính mình, thật sự hiểu mình cần gì, muốn gì... nếu không để mình bị cuốn lấy và bị sống với ước mơ của người khác, mọi thứ sẽ tuyệt diệu hơn rất nhiều như nó vốn dĩ phải thế.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Cris Đi Hoang
Mình đồng tình với các quan điểm của Tác giả về chủ đề trên về việc : " người trẻ < 30t nên độc lập về suy nghĩ , tránh đi theo đám đông và bị định hướng bởi đám đông dư luận "
Mình có một số quan điểm hơi khác như sau :
1 - Bản chất mình phải đi theo đám đông thì mình mới biết mình có phù hợp với đám đông hay không . Đám đông cũng là một tín hiệu của xu hướng phát triển xã hội . Ví dụ : sau những năm ai ai cũng chạy đua cơm áo gạo tiền bằng cách vắt kiệt sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thân - những năm gần đây có nổi lên phong trào YOLO . Sống một lần trong đời nên tận hưởng cuộc sống theo cách riêng . Và mặt trái chiều của phong cách sống đó là lối sống buông thả , sống tuỳ tiện , vô kỷ luật rồi tự nhận mình là YOLO . Mình cũng từng hưởng ứng phong trào này bằng cách nghỉ việc và đi du lịch . Tuy nhiên hướng du lịch của mình là phượt , khám phá , trải nghiệm , và thu về rất nhiều bài học từ mỗi chuyến đi .
2 - Khờ dại , ngông ngênh , bốc đồng là đặc quyền của người trẻ . Người trả có sức khoẻ , chưa có hình ảnh hay vị trí trong xã hội . Nên họ được quyền phạm sai lầm - té chỗ nào đứng lên chỗ đó , sai chỗ nào sửa chỗ đó . Mỗi bài học sau một vấp ngã là cơ sở người trẻ đi đúng với định hướng của mình . Ngay cả Việt Nam về các bậc cha mẹ rất yếu về việc giao dục - định hướng theo lợi thế của trẻ . Hoặc không định hướng hoặc định hướng theo quan điểm cá nhân . Nên việc người trẻ rất loay hoay khi bước vào đời . Nên việc trải nghiệm rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và bản sắc riêng cho người trẻ . Nhưng trải nghiệm phải thực sự có đầu tư và tính toán .
3 - Yêu cầu mức độ trưởng thành quá cao cho người trẻ . Thường thì người trẻ không đủ trưởng thành để nhìn nhận một sự việc quá sâu sắc . Đặc thù của người trẻ là phô diễn , thể hiện , sống cho kỳ vọng hoặc cái nhìn của người khác . Nên việc để một người trẻ có cái nhìn thâm trầm , sâu sắc trong một đám đông hổ lốn thì ngoài năng lực . Vì họ chưa đủ trải nghiệm đủ sâu , đủ lâu , đủ nhiều . " Không vào hang cọp sao bắt được cọp con " nên người trẻ muốn có cái nhìn sâu sắc khi trưởng thành thì phải bắt con cọp .
Trào lưu đám đông không xấu không tốt - xấu tốt do cảm nghiệm của bản thân . Nếu theo đám đông sợ mình bị ảnh hưởng cái xấu mà không dám trải nghiệm thì đồng nghĩa với việc từ chối trưởng thành - lí do mà nhiều thanh niên >30t vẫn phụ thuộc vào quyết định của cha mẹ và luôn là đứa trẻ ngoan trong vòng tay cha mẹ . Đến lúc cha mẹ cần con đưa ra quyết định thì con chỉ biết lắc đầu nũng nịu . Nên việc có theo đám đông tốt hay xấu - phụ thuộc vào bản thân có chuẩn bị gì khi dấn thân vào bất kỳ trải nghiệm , môi trường nào hay không. Và hiểu rõ mục đích từ việc trải nghiệm đó , ghi chép lại được mất sau mỗi trải nghiệm ( lần đầu tiên phượt nước ngoài của mình đi Sing Malaysia chỉ tốn 7tr cho 6 ngày - tuy nhiên mất tiền ngu hết 3tr do thiếu kiến thức ) . Nên quan trọng của người trẻ phải dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm mới quan trọng . Người ta thường tiếc vì điều không dám làm , ít khi tiếc về việc mình từng làm . Nếu có thì cũng tiếc sau lúc đó mình không làm việc chuyên chú - chuyên tâm hơn .
Cám ơn nhiều bài viết của bạn
- Báo cáo