Ngày 15/11, một bài báo Trung Quốc được dịch ra Tiếng Việt với tiêu đề "Tội phạm giết người bỏ trốn suốt 29 năm lại trở thành triệu phú". Trong đó đề cập đến thông tin tên tội phạm này bị bắt khi đã là "một ông chủ lớn với khối tài sản bạc triệu".
Không ngoài dự đoán, dưới phần bình luận là những dòng như:
- "Sống thoải mái tự do suốt 29 năm trên nỗi đau của người khác, những gì nên trả thì cũng phải trả rồi".
- "Quả thực chẳng có báo ứng trên đời này, vì nếu có đã chẳng để tên tội phạm này trốn tội suốt 29 năm, lại còn để hắn ta trở nên giàu có".
- "Nhưng dù sao quả báo vẫn đến, tuy hơi muộn".
Bài báo này đã thành công trong việc kích thích tâm lí tò mò của người đọc. Một bộ phận thấy hả hê, vui mừng vì cuối cùng kẻ ác cũng phải trả giá. Số khác thấy phẫn nộ, bức xúc trước thông tin tên tội phạm đã nhởn nhơ quá lâu.
Kiểu tư duy như vậy được gọi là ngụy biện về thế giới công bằng (just-world fallacy).

Thực tế chúng ta đã ngụy biện như thế nào về thế giới này ?

Tại sao người làm việc thiện sẽ lên thiên đường, kẻ làm việc ác phải xuống địa ngục? Thiên đường, cõi tiên trong các tôn giáo thực chất có tồn tại không? Hay đó vốn chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người nhằm biểu đạt khát vọng về một nơi mà tất cả mọi người đều bình đẳng.
Suy đoán về thế giới bên kia trong ‘Thiên đường và Địa ngục’ (Heaven and Hell) - The Boston Globe
Suy đoán về thế giới bên kia trong ‘Thiên đường và Địa ngục’ (Heaven and Hell) - The Boston Globe
Bạn có thấy bất công khi những ca sĩ, diễn viên mới nổi lại có thể kiếm được bộn tiền trong khi nhiều nhà khoa học phải bỏ dở công trình nghiên cứu giữa chừng vì không đủ kinh phí.
Bạn có thấy khó chịu khi bọn lừa đảo thì sống trong giàu sang trong khi bác sĩ, lính cứu hỏa phải làm việc cật lực với đồng lương bèo bọt.
Chúng ta có xu hướng tin rằng người chăm chỉ sẽ gặt hái thành công, kẻ lười biếng sẽ phải gánh chịu thất bại. Bạn nhìn vào một người vô gia cư đang ăn xin trên đường và tỏ vẻ không hiểu nổi tại sao anh ta không thể tự kiếm lấy một công việc, thay vào đó lại trông chờ vào sự bố thí của người khác. Ngược lại, chúng ta nhìn vào Elon Musk, Bill Gates hay Steve Jobs và nói rằng họ xứng đáng với tất cả sự nỗ lực đã bỏ ra. Chúng ta quên mất việc cân nhắc đến các yếu tố ví dụ như thời điểm, hoàn cảnh và sự may mắn. Đó chính là xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân – ví dụ của ngụy biện về thế giới công bằng.  

Tại sao chúng ta lại ngụy biện?

Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được chính xác nguyên nhân của xu hướng này. Một vài quan điểm đã được nêu ra như cảm giác an toàn giả tạo được gây dựng nhằm loại bỏ suy nghĩ rằng một ngày nào đó bạn có thể trở thành nạn nhân của cái xấu; tâm lí ưa thích suy đoán kết quả nhằm giảm thiểu nỗi lo về tương lai bất định.  
Luật nhân quả ít nhiều cũng mang bóng dáng của ngụy biện về thế giới công bằng. Theo nhà tâm lý học Jonathan Haidt, dù có tin vào luật nhân quả hay không thì sâu thẳm trong tâm trí mỗi chúng ta vẫn đặt niềm tin vào quy luật này ở một mức độ nào đó, có thể chỉ là dưới những cái tên khác nhau mà thôi.  

Vậy rốt cuộc việc ngụy biện này là đúng hay sai?

Xã hội càng phát triển, kèm với phân hóa giai cấp sâu sắc thì con người lại càng nhận thức được thực tế rằng “Trời ơi, sao mình phải chịu nhiều bất công thế này”. Chính câu than thở đó đã chứng minh chúng ta hiểu rõ bản chất thế giới này vốn không tồn tại sự bình đẳng tuyệt đối giữa người với người.
Bìa Album 'Welcome to Reality' của ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ Ross Copperman
Bìa Album 'Welcome to Reality' của ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ Ross Copperman
Tuy nhiên, cuộc đời bất công không có nghĩa là bạn nên từ bỏ việc hưởng thụ. Bạn vẫn nắm quyền kiểm soát hầu hết các quyết định trong cuộc đời mình và đương nhiên, bạn cũng phải chịu trách nhiệm cho những hành vi đó.
Thế giới thực tế vẫn luôn tồn tại cái ác và bình thường thôi nếu Luật nhân quả bỏ sót ai đó, vì công bằng không dành cho tất cả mọi người.
Để vượt qua ngụy biện về thế giới công bằng, chúng ta sẽ cần thêm chỗ cho lòng vị tha, ngưng việc đổ lỗi cho nạn nhân và luôn cẩn thận xem xét thông tin dưới nhiều góc độ.
Quay trở lại bài báo ban đầu, chúng ta quên mất chi tiết tên tội phạm này “vô tình đâm chết đối phương” và nếu như không bị phát giác thì hắn đã là một công dân gương mẫu suốt 29 năm đó.

Vậy bạn sẽ nghĩ gì nếu bây giờ tiêu đề bài báo được đổi lại thành “Tội phạm giết người sau 29 năm hoàn lương trở thành một triệu phú” ?

Nguồn:
- Tội phạm giết người bỏ trốn suốt 29 năm lại trở thành triệu phú (15/11/2022). Xem tại: https://maybe.vn/p/25796?fbclid=IwAR0Ia0p-HNrDj1iZXs7kybkKof9uZfzWqniXlFg6MCzJimBRmzsZ5Zrze_Y
- What Is the Just-World Phenomenon? (18/05/2022). Xem tại: https://www.verywellmind.com/what-is-the-just-world-phenomenon-2795304