Về việc phát âm tiếng Anh chuẩn hay là nắm chắc căn bản
Theo dòng thời sự, Husky cũng viết một bài về việc phát âm chuẩn tiếng Anh. Đây là bài viết ngắn thôi. Như thường lệ, mỗi...
Theo dòng thời sự, Husky cũng viết một bài về việc phát âm chuẩn tiếng Anh. Đây là bài viết ngắn thôi.

Như thường lệ, mỗi khi có một người cất lên tiếng nói về những điều cần phải sửa trong đời sống chúng ta, thì sẽ có những người bắt đầu phản đối bằng những lý do không liên quan và sau đó đưa ra một kết luận hoàn toàn nằm ngoài nội dung chính được bàn tới, hoặc nếu có liên quan thì chỉ là rất ít. Lần này thì người cất lên tiếng nói là thầy giáo dạy tiếng Anh đến từ Mỹ, thầy Dan Hauer, và tất nhiên có một đội quân cộng đồng mạng hùng mạnh vô chỉ trích video ngắn của thầy về việc phát âm tiếng Anh.
Đây là video của thầy Dan:
Mọi thứ nó rất rõ ràng. Thầy Dan được ELSA nhờ giúp quảng bá phần mềm của họ, phần mềm học tiếng Anh được thiết kế hoàn toàn 100% bởi người Việt, và ưu thế của phần mềm này là giúp các bạn sửa lỗi phát âm. Để quảng bá, thầy Dan chỉ ra những lỗi phát âm của người Việt mà thầy kiếm được trên mạng.
Nhưng các bạn biết đấy, như thường lệ cộng đồng mạng Việt Nam với trí tưởng tượng phong phú vô bờ bến cho những điều vụn vặt và tài năng thiên bẩm cho việc suy diễn những thứ không liên quan đã lập tức tấn công thầy Dan. Các hình thức chỉ trích rất đa dạng, bao nhiêu tinh hoa của dân tộc và bộ phận cơ thể được nhắm hết vào thầy, từ tấn công cá nhân ("Ổng nói tiếng Việt có hay đâu mà đi sửa tiếng Anh người khác") đến tấn công cá nhân kết hợp thông tin không liên quan (''Mấy thằng Tây thất nghiệp hay qua Việt Nam dạy tiếng Anh"), đến kết luận ẩu ("Nó làm video để kêu gọi mọi người đi học chỗ Tây balo, giết chết giáo viên Việt Nam") và, chủ đề mình thích nhất, đưa ra nhận xét phiến diện:
"Cần đ** gì phải nói tiếng Anh chuẩn, chỉ cần tự tin ra đường nói là được."
Thật ra nếu bạn muốn chỉ trích thầy Dan thì rất đơn giản, bạn hãy tìm câu trả lời cho hai câu hỏi sau:
"Bản thân mình bị thiệt gì khi nghe lời khuyên của thầy Dan? Và cái thiệt có lớn hơn cái lợi ích đem lại không?"
Nhưng bài viết này không xoay quanh hai câu hỏi đó, bài viết này sẽ xoay quanh sự quan trọng của phát âm chuẩn cũng như tác động của nó lên việc sử dụng tiếng Anh và thậm chí là công việc của bạn sau này.
Đọc thêm:
Sự quan trọng của phát âm đúng
Thế phát âm đúng có quan trọng không?
Trả lời ngắn gọn: có, rất quan trọng.
Trả lời nhiều chữ hơn:
Học ngôn ngữ là để giao tiếp, và chúng ta giao tiếp qua việc viết và nói. Để nói tốt thì cần phát âm chuẩn, ngữ pháp chuẩn và tổng hợp hai cái lại, đó là phát âm chuẩn câu. Rất đơn giản vì nếu bạn không phát âm chuẩn một chữ hay một câu thì người nghe sẽ khó hiểu bạn đang nói gì.
Đó là những sự thật hiển nhiên chúng ta có thể dễ dàng suy đoán ra được. Nhưng có những vấn đề nghiêm trọng hơn bạn sẽ gặp phải khi sống ở nước ngoài mà vấn đề cơ bản bắt đầu từ việc phát âm tiếng Anh. Đó là nó khiến bạn tự cô lập mình.

Theo cá nhân mình thấy, có rất nhiều du học sinh Việt Nam rất nhát và ngại giao tiếp (và phòng mấy bạn đọc không kỹ vô bắt bẻ, mình nói rất nhiều chứ không phải là tất cả). Khi qua học ở nước lạ, nhiều bạn cũng cố gắng giao tiếp, nhưng vì vừa không hiểu người khác nói gì, vừa không khiến người khác hiểu được mình nói gì, khiến họ nản. Họ nản vì có quá nhiều thứ để họ phải sửa, nhưng không biết bắt đầu từ đâu và nó tốn thời gian. Đó là chưa kể đến việc mỗi lần định học lại họ lại buồn, buồn vì mang danh du học sinh nhưng nói tiếng Anh không chuẩn. Bạn có thể ở Việt Nam, nói tiếng Anh không chuẩn và người nước ngoài khen bạn tiếng Anh khá, nhưng khi bạn phải thuyết trình, phải lên tiếng trong lúc làm việc nhóm, hay phụ giúp mọi người làm event, việc tiếng Anh không chuẩn khiến mọi người khó chịu, cản trở công việc và làm bạn cảm thấy xấu hổ. Tồi tệ hơn là bạn đang sống trong thời đại của tin nhắn và Facebook, nó khiến người ta càng mất động lực giao tiếp bằng nói chuyện, người ta sẽ chuyển qua nhắn tin, lúc làm việc chung thì chọn im lặng hoặc nói càng ít càng tốt, đến lúc về sẽ giải thích thêm qua tin nhắn, nó giống như kiểu: tôi là người ít nói, từ ngày có Facebook tôi câm luôn.
Nhưng dù có chat nhiều thế nào thì nó cũng không thay thế được bằng giao tiếp nói. Khi bạn ở nước ngoài, việc giao tiếp đã vượt qua mức tập nói theo mẫu để có điểm cao và hỏi han xã giao. Nó đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn thế. Nói chuyện là một trong những thứ hiệu quả để giúp con người đến gần nhau hơn, giúp bạn mở rộng mối quan hệ, gặp gỡ người mới và mở mang đầu óc. Nếu bạn sống ở nước ngoài mà chỉ chơi với người dân tộc mình, thì bạn hầu như không thể trụ nổi ở xã hội ấy. Và trong giao tiếp nói, phát âm chuẩn là thứ quan trọng cốt yếu, là chìa khóa để mở rộng ra những thứ khác. Bạn không thể chỉ nói chuyện khơi khơi về thời tiết, học hành mà còn về văn hóa, giá trị cuộc sống, về kinh tế, thiên nhiên, chính trị và kể truyện cười. Nó giống như bạn chơi game lên cấp vậy, muốn lên cấp cao (tức thiết lập được một mối quan hệ bền chặt với người bản địa), bạn phải vượt qua được cấp thấp trước (tức phải làm sao để nói chuyện mà hiểu nhau).
Khi người nghe liên tục phải nói bạn lặp lại điều vừa nói hoặc hiểu sai ý bạn vì bạn không phát âm đúng, không nói chuẩn, dần bạn sẽ tự ti và tự cô lập mình, nếu không nói là sợ. Bạn ngại giao tiếp, sợ giao tiếp, và khi thấy một công việc mức lương hấp dẫn nhưng yêu cầu giao tiếp tốt, bạn sẽ né. Và tệ hơn, bạn sẽ cảm thấy kinh hoàng mỗi lần đi phỏng vấn. Cũng nói thêm là đi phỏng vấn là đã đáng sợ với nhiều người rồi, phỏng vấn bằng tiếng nước ngoài thì hơn cả ác mộng với nhiều người.
Đọc thêm:
Về vấn đề tự tin nói
Tự tin không phải là phép mầu giúp bạn có thể nói tốt. Có hai kiểu người tự tin, loại một là họ tự tin vì họ biết tiếng Anh của họ tốt, loại hai là họ tự tin vì họ không biết họ đang dùng sai tiếng Anh. Những người trong video của thầy Dan là loại người thứ hai và mình cũng đã gặp vài người như thế.
Chúng ta nên hiểu rằng sự tự tin giúp tạo ra cơ hội cho một người học hỏi, nhưng nếu họ không biết nắm lấy cơ hội đấy thì tiếng Anh họ vẫn dở tệ. Chính bản thân mình đã quen những người ở nước nói tiếng Anh gần 10 năm, nói tiếng Anh "như chim hót" nhưng dở tệ, để hiểu họ đòi hỏi suy đoán nhiều hơn là nghe. Tệ hơn là vì người bản địa lịch sự không nhắc họ, nên họ vẫn tự tin rằng tiếng Anh của họ tốt.
Vấn đề những người tự tin dù dở đó gặp phải cũng như những người nhát là họ khó có thể thiết lập mối quan hệ bền chặt với người bản địa được. Họ vẫn có thể giao tiếp tốt ở mức độ thông thường, nhưng khó có thể vượt qua những câu chuyện phiếm hay lời chào xã giao. Những người bản địa khi nghe họ nói chuyện sẽ cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp và do đó sẽ có xu hướng tránh những chủ đề khó nói, những chủ đề dễ gây hiểu lầm.
Do đó một người tự tin khi nói không chắc là sẽ giúp anh ta nói tốt hơn, anh ta chỉ nói tốt hơn nếu anh ấy có tinh thần học hỏi, nhạy cảm với lời nói. Tức anh ta phải chủ động so sánh phát âm của mình và phát âm của người bản địa, để ý sự nhấn âm, và thường xuyên tập ở nhà.
Hãy nắm vững căn bản
Theo bản thân mình thì lời khuyên tốt nhất cho những bạn đang học tiếng Anh là nên nắm chắc căn bản trong việc nói (và rộng hơn là cả viết, đọc và nghe), tức bạn phải được hướng dẫn nói và phát âm bài bản. Sau khi hiểu được về việc phát âm thì bạn thực hành mới tiến bộ. Quan niệm sai lầm mà nhiều người tin là đúng rằng họ chỉ cần ra đường thực hành là họ sẽ tự khắc nói tiếng Anh tốt. Bạn còn nhớ bài viết về việc tại sao rút kinh nghiệm hoài mà quy hoạch đô thị nước ta vẫn không khá lên được của mình không? Bài viết ấy mình đã chỉ ra rằng chúng ta làm sai ngay từ đầu, thì dù có cố gắng thực hành thế nào thì cũng sai. Nó giống như xây nhà mà làm móng không bền, thì, trừ khi xây lại móng, còn không thì sửa kiểu gì nhà vẫn hỏng. Và như đã nói ở trên, chi phí tiền bạc và thời gian dành ra để sửa sai thì lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra để học đúng từ đầu.
Có rất nhiều rắc rối mà chúng ta có thể tránh được nếu ngay từ đầu chúng ta đã biết cách phát âm chuẩn. Do đó hãy theo học một giáo viên tốt để nắm vững căn bản ngay từ đầu, thực hành thường xuyên nhưng phải để ý lỗi của mình, liên tục sửa lỗi. Và, rộng ra, đừng hẹp hòi và hạn hẹp như những kẻ chỉ trích thầy Dan. Khi đó bạn sẽ thành công.
Chúc các bạn may mắn.
Husky


Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Viet Anh Tran

Đúng đúng :)) Upvoted
Mở rộng ra thêm tí quan điểm của tôi về chuyện học tiếng Anh:
Bản thân t đã gặp một số bạn viết/nói rất nhiều và tràn đầy tự tin mặc dù cơ bản sai tùm lum. Nói thật là đọc câu văn hoặc nghe câu nói thôi là thấy có gì đó sai sai vì rất awkward (về cấu trúc hoặc về cách nhấn nhá). Cũng không phải phê phán gì đâu vì mỗi người một cách học - nhưng rất không thích kiểu khuyến khích "nói thật nhiều vào, viết thật nhiều vào rồi dần dần sẽ lên". Mông lung như một trò đùa. Lên là lên đâu? Lên nóc nhà bắt con gà?
Cách tiếp cận đó ko sai nhưng thiếu hệ thống và khiến người ta phải lần mò tìm đường tắt để sắp xếp lượng nguyên liệu ít ỏi (từ vựng, ngữ pháp, phát âm, trọng âm) mình có chỉ "để cho ông/bà Tây đó hiểu là được". Đó là con đường đến với tiếng "bồi" - nhanh, có thể giao tiếp cơ bản, và chỉ dừng lại ở đó.
Còn nếu đã mang tiếng học rồi thì nên học cho đáng và đừng đặt ra mục tiêu kiểu như "tiếng chỉ để giao tiếp, người ta hiểu là được". Nhiều người cũng hay lập luận kiểu "Người bản ngữ cũng sai ngữ pháp tùm lum, cần gì phải lo." để bảo vệ cho quan điểm học hành cực kỳ hời hợt này. Trên thực tế, người bản ngữ mà có học hành tử tế chẳng mấy khi sai mấy lỗi ba lăng nhăng mà họ bảo vệ bằng ngụy biện này. Đi so sánh toàn so sánh với người dân lao động bản ngữ không có học hành nghiêm túc thì so làm gì cho khập khiễng...
Đáng lẽ ra trước khi viết hãy khuyến khích đọc nhiều trước, còn trước khi nói hãy bắt lắng nghe để "cảm" được ngôn ngữ của người bản ngữ, từ đó dần dần hình thành phản xạ nhận biết khi "có gì đó sai sai". Cái này chẳng ai dạy được, chỉ có tự luyện nhiều mà thôi.
Cá nhân t cũng giống ông, ủng hộ Dan vì ông ấy nói chẳng sai gì và cũng góp phần cảnh tỉnh một bộ phận (có lẽ) đang lạc lối trong dạy và học tiếng Anh. Tóm lại sai thì phải chịu bị tát nước vào mặt cho tỉnh và tìm cách nhanh chóng sửa chữa lỗi lầm. Chứ như trung tâm Elight hôm qua còn post cái clip lên khóc lóc với mang cả vùng miền lên (chả hiểu liên quan gì?!) thì không mê nổi.
- Báo cáo

Thuong
Em có 1 thằng bạn, nó áp dụng đúng phương châm nói nhiều sẽ lên. Mỗi ngày nó nói rất nhiều, công nhận khả năng tự tin nói của nó có lên thật. Nhưng về ngữ pháp lẫn ngữ điệu, vốn từ của nó hầu như vẫn tệ y nguyên sau mấy tháng. Chỉ chăm chú vào mục tiêu nói nhiều mà không có lộ trình cụ thể trong việc học lẫn cải thiện cái phần nào mình yếu
- Báo cáo

LittleGiddyTeddy
Thực sự em thấy chuyện này siêu đơn giản, thầy Dan chả có ý cạnh tranh hay đả kích ai cả và mấy trung tâm kia sai thì sửa. Xong, mọi chuyện thế là xong, mọi người làm mọi chuyện dài dòng.
Em cũng là du học sinh và em khẳng định là việc phát âm chuẩn rất rất quan trọng, em phát âm cũng chưa chuẩn và em vẫn đang phấn đấu. Em thấy học tiếng Anh cũng khó lắm chứ bộ, thi ielts xong vẫn thấy còn nhiều thứ phải cố gắng lắm. Ở bên này du học sinh quốc tế rất nhiều, thực sự em rất sợ nghe các bạn Trung Quốc, Ấn Độ thuyết trình vì em k thể hiểu hết được. Nhất là các bạn Tung Của toàn chơi với nhau nên nói tiếng Anh rất kém xong em thấy còn dùng gg dịch để dịch giáo trình T_T Kể cho mọi người 1 điều thú vị, hôm trước em thảo luận bài cùng 1 bạn cùng nhóm người Sri Lanka, accent cũng khó nghe lắm nhưng khi em dùng từ "all night" thì nó cứ bảo online, em bảo no i mean all night, nó bảo yeah get it online, em bảo what's wrong i said all night, xong tầm 3 4 lần nữa em phải viết ra vở em 2 chữ đó, nó bảo em kiểu mày sao thế t nghe đc m nói Online mà =)) và lúc đó em nhận ra, ồ không bạn ý bị ngọng. Và đó là lần đầu tiên trong đời em hiểu là nước nào cũng có người ngọng l và n. Peace. Học ngoại ngữ khó lắm các bác. Bye

- Báo cáo

Huskywannafly

Nhưng có nhiều người không dám đối diện với sự thật nên ko nghĩ đơn giản được bạn ơi
Cám ơn bạn đã bổ sung thêm hen.

- Báo cáo

Huy Đức
Là người tốt nghiệp ngành dịch nên mình nhận thấy phát âm cực kỳ quan trọng, sai một từ thôi cũng đã loạn hết cả lên rồi.
Trong video mà ông thầy này có chỉ ra lỗi "How much does it cost", mình còn cảm thấy ngại thay cho người đấy "nhớ nhé, hao mớt đa dit co" gì đấy, phát âm sai, chỉ ra lỗi sai cái là nhảy dựng lên. Rất nhiều người khi bị chỉ ra cái sai là không tiếp thu mà phản bác lại quan điểm. Đã từng làm trong ngành này tiếp xúc, ớn nhất là cách phát âm của người Nhật, Hàn, Ấn, Tây Ban Nha vì không hiểu họ nói gì cho đến khi họ chỉ vào vật đó.
Ok, có thể cho là mấy người nói tiếng Anh không chuẩn làm nghề này nghề nọ; nhưng giả sử bạn có giao dịch với người Anh, người Mỹ ( các quốc gia có phần phát âm mà sách giáo khoa hay sử dụng) thì khi nói sai loạn xa, họ có hiểu những gì bạn nói mà trong video của Dan, bố mẹ của Dan là minh chứng nếu họ là đối tác của bạn ?
Dạy tiếng Anh tràn lan không theo chuẩn, vậy thì những cái bằng như TOEIC, IELTS hay các chứng chỉ dành cho thanh thiếu niên liệu có giá trị ?
Còn ai nói " cần đ gì chuẩn, ra ngoài đường tự tin là được" thì mình xin kiếu, cứ để họ tự tin với những gì họ có, cãi nhau với mấy người này chỉ tổ thêm mệt xác.
- Báo cáo

Nga Levi

Husky bắt trend nhanh lắm :v
- Báo cáo

Viet Anh Tran

Cái này có thể gọi là hóng hớt :v
- Báo cáo

Huskywannafly

Aiya, bật radar hóng hớt 24/7 mà :>
- Báo cáo

Hùng Lý

Nói chung là: khi sai nên sửa, bị ng khác chỉ ra cái sai để có thể sửa lại càng là 1 điều tốt, họ muốn chính người bị bắt lẫn những người học họ đều tốt lên với nhau... Chỉ những thành phần bệnh sĩ cao và trúng tim đen mới đi chỉ trích những người chỉ dẫn điều đúng cho họ.
- Báo cáo