"Luật là lý, mà trong lý có tình"
Thầy Thủy dạy môn Pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại bảo lớp như vậy.
Và mình, như một thói quen, chép vội bằng bút chì cùn vô góc giấy đang ghi bài dở. Lòng sướng ran vì bữa nay được khai sáng thêm một quy luật mới.
Hôm đó, thầy kể chuyện về các loại hình công ty thương mại ở Việt Nam. Mỗi loại hình sẽ có hình thức tính thuế riêng. Thầy đặt vấn đề rằng: "Liệu những người bán hàng rong, bán xôi với trà đá trước cổng trường có đăng phải đăng ký doanh nghiệp không? Và họ có bị tính thuế không?"
Câu trả lời là "Không". Vậy có thể coi hành vi kinh doanh đó là trái phép, là vi phạm pháp luật không?
Câu trả lời lại là "Không".
Rồi thầy kết luận như vậy đấy: "Luật là lý, mà trong lý có tình". Nhà Nước xây dựng hệ thống luật chặt chẽ phức tạp là thế, song vẫn có những khoảng trống để những người bần cùng họ mưu sinh, khe hở để họ thở.
Cô (quên tên cô rùi) dạy Nghiệp vụ hải quan cũng kể chuyện tương tự. Rằng là, hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước đều phải được thông quan ở các chi cục hải quan đặt ở biên giới. Tuy nhiên, nhiều người dân sống ở khu vực giáp ranh này vẫn điềm nhiên vác thúng vác vại qua lại buôn bán với nhau. Các chú hải quan trông thấy cũng ngoảnh mặt làm ngơ, tạo điều kiện cho bà con kiếm sống đó thôi. Đấy là cái tình.
Cô kể chuyện thời sự khá hot gần đây (vụ 39 người ) với giọng lạnh băng: "Họ không may thôi."
Cô bảo, hồi còn du học Đức, cô gặp mấy đứa cũng nhập cư bất hợp pháp. Chúng nó đi qua đây trồng cỏ. Chúng ta ở nhà không biết thì cứ nghĩ họ dại dột, nhưng nghĩ xem ở Việt Nam vay nợ 1 triệu đô thì bao giờ trả được. Còn đây, họ đầu tư 1 triệu để 3 năm sau thu về 10 triệu. Nguy hiểm mấy cũng chịu, mình không thể phán đúng sai vì mỗi người một lựa chọn.
Khi kiểm hàng thông quan xuất nhập khẩu, phía hải quan chẳng mấy khi soát hết các container. Có khi chỉ 5-10% lô hàng. Nếu suôn sẻ thì họ cho qua luôn. Giả dụ có nghi ngờ thì người ta mới kiểm tra kĩ hơn, nhiều hơn.
Cô lấy ví dụ, người ta phải tính trước khả năng chịu đựng của con người trong một cái container ấy là 15 phút, nhưng chẳng may anh hải quan giữ lại vặn vẹo lâu hơn, tới hàng tiếng thì hiển nhiên môi trường/ nhiệt độ trong container vượt quá ngưỡng chịu đựng, để xảy ra sự vụ như vậy.
Cô bảo, thị trường nhập cư trái phép như vậy diễn ra "sôi động" lắm, âu cũng vì cơ hội mưu sinh tốt chứ chẳng ai muốn tha hương vậy cả. Chẳng may có bị nước sở tại bắt, sớm muộn gì người ta cũng thả họ ra thôi. Đấy là cái "tình" thầy Thủy nói đấy.
d4be34fcbbc147fbee252d78959af5d5


Đọc báo thấy Trung Quốc yêu cầu Anh đứng ra nhận trách nhiệm về sự việc này. Mình thấy kỳ quặc. Sao họ không đặt câu hỏi, tại sao công dân nước họ (và cả nước mình) chịu chui vào cái thùng đó để được vô nước người ta nhỉ?
Đây là quả bom cảnh tỉnh các quốc gia giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người lao động mà.
 À, nếu cậu muốn tìm hiểu về vụ 39 thì mình đề đạt bài này luôn: https://baomoi.com/nghi-ve-39-than-phan-noi-xu-nguoi/c/32741370.epi.
Giữa một rừng báo chí đùn đẩy với update bề nổi, có một bài viết phân tích sâu hơn một thực trạng xã hội sẽ giúp cậu hiểu vấn đề hơn đó, thay vì ngập ngụa trong tin mạng và ngày càng hoang mang.
p/s: 4 năm học đại học chưa bao giờ mình "ham học" cả. Cảm thấy may mắn vì trong những môn cuối cùng học ở trường F, có những thầy cô biết kể chuyện, đủ khiến mình được nghĩ, đủ khiến mình thấy háo hức tới trường, để mình thấy thế giới quả là rộng lớn, có rất nhiều việc phải làm.
Mình có niềm tin rằng ai cũng mang một sứ mệnh. Dấu hiệu nhận biết sứ mệnh của bản thân là khi cậu nghe tới một vấn đề gì đó, cậu đau đáu, cậu nghĩ nhiều về nó, cậu mong muốn góp phần hành động để giải quyết vấn đề đó.
Như hôm nọ, mình đi xem pitching một cuộc thi startup với L.
Có một đội chạy dự án sản xuất đồ bảo hộ công nhân.
Một bạn trong nhóm có người thân bị thương trong xưởng sản xuất mà không có đồ bảo hộ.
Có một đội khác sản xuất các sản phẩm từ hoa thanh long.
Trước đó, một bạn trong nhóm từng ghé thăm vườn thanh long ở tỉnh, bác nông dân bảo bạn là: "Các cháu đi học nhớ về giúp người nông dân".
🌿Lại là blog của mình: https://nalinhblog.wordpress.com/
🌿Ảnh nguồn Pinterest.