Mẹ thiên nhiên từng kể cho chúng ta nhiều câu chuyện, trong đó có câu chuyện kỳ lạ về những chú cá hồi – một câu chuyện ý nghĩa dạy con người cách sống. 
Chúng được sinh ra ở thượng nguồn của một con sông nước ngọt. Sau khoảng hơn 1/3 cuộc đời sống ở đấy, chúng sẽ rời bỏ quê nhà, bơi ra biển lớn. Vẫy vùng ở biển nhiều năm, chúng học được cách bơi sao cho giỏi, học được cách đối phó với kẻ thù. Cho đến một mùa nọ, chúng nhận được tín hiệu từ giống loài: đã đến lúc phải quay về nơi “chôn nhau cắt rốn” để sinh ra thế hệ tiếp theo.
Thế là cả bọn cùng nhau lên đường về với dòng suối quê hương. Bơi ngược dòng nước dữ dài hàng ngàn cây số, vượt qua bao nhiêu kẻ thù từ gấu xám, hải ly cho đến những loài ký sinh ti tiện, số thành viên trong đoàn di cư đã phải bỏ mạng dọc đường nhiều không sao kể xiết. Cuối cùng khi về đến quê nhà, chúng lại phải hoàn thành nốt một sứ mệnh tréo ngoe: kết đôi và đẻ trứng.

Tréo ngoe là vì việc này đồng nghĩa với tự sát. Vì đã quen với biển, cá hồi trưởng thành không chịu được nước ngọt, sức khỏe của chúng vì thế giảm sút rất nhanh. Thêm nữa, một khi đã đẻ trứng, chúng giải phóng đi một lượng lớn chất corticosteroid, khiến cơ thể trở nên suy nhược, dễ nhiễm bệnh và dần phân rã. Hầu hết đều sẽ chết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh con.
Sau khi nghe giai thoại bi tráng này của những chú cá hồi, hẳn nhiều người tự hỏi: vì sao chúng phải vất vả hy sinh như thế? Tiếc thay, mẹ thiên nhiên lại bỏ ngỏ phần này để chúng ta tự ngồi suy đoán. Có người bảo đó là một tập tính được lập trình sẵn trong gien nhằm duy trì nòi giống, có người lại nói vì chúng muốn được chết ở quê hương, người khác nữa thì cho rằng những con cá này đến một độ tuổi nhất định sẽ “bị điên”, tự tìm cái chết.
Dù câu trả lời là gì, chúng ta vẫn thấy rằng câu chuyện về vòng đời của cá hồi thực sự đã dạy cho con người nhiều bài học quý giá.

Học được gì từ những chú cá hồi?

Những kiến giải của chúng ta về động cơ của cá hồi tuy có phần ngô nghê và chủ quan nhưng đã giúp nâng tầm câu chuyện về giống loài này lên thành một biểu trưng ẩn dụ cho nhiều bài học dạy con người cách sống.
Hãy cho mình một mục đích sống: Có lẽ trong nhiều năm rong chơi ở biển lớn, cá hồi nhận ra mình không thể cứ “lông bông” mãi được. Chí ít phải làm một việc gì đấy có ý nghĩa trong cuộc đời này. Thế là nó chấp nhận đi theo tiếng gọi của giống loài. Ngay cả khi không thể thực hiện được sứ mệnh duy trì nòi giống, cái chết của cá hồi cũng là một sự hiến mình cho tự nhiên.
Cá hồi được xem là một loài chủ chốt (keystone species), có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự bền vững của một hệ sinh thái. Những con cá hồi bỏ mạng dọc hành trình hồi hương giúp những loài như chim, gấu, rái cá không bị tuyệt chủng vì thiếu thức ăn. Xác của chúng phân rã, chuyển hóa thành nhiều chất vô cơ lẫn hữu cơ nuôi sống hệ sinh thái rừng.


Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình: Cá hồi biết rằng để nó được sinh ra và lớn lên, cha mẹ đã phải hi sinh cả cuộc đời. Và để cha mẹ nó được chào đời, ông bà cũng phải làm điều tương tự. Cuộc sống tự do của nó hiện tại là một món quà vô giá mà nhiều thế hệ đi trước ban tặng. Vậy bản thân nó cũng phải có nghĩa vụ hi sinh chính mình cho những thế hệ tiếp theo.
Thà chết chứ không gục ngã: Hơn 2000 km bơi ngược dòng từ biển lớn về đến thượng nguồn sông là một hành trình chỉ nghe thôi cũng phát sợ. Đó là một hành trình không ngơi nghỉ, vì chỉ cần nghỉ lại một chút là đã bị nước đẩy thụt lùi. Chưa kể đến hiểm nguy luôn rình rập, có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà cá hồi không bao giờ từ bỏ. Vẫn cứ tiến lên với một ý chí kiên cường, mạnh mẽ. Đây là điều mà con người cần phải học ở cá hồi.
Thay lời kết, chúng ta hãy cùng nghe một bài hát ca ngợi loài cá tuyệt vời đã dạy con người cách sống này nhé:


Only dead fish go with the flow.