Đầu năm nay, vượt qua mọi sự xấu hổ và nhục nhã, tôi ngửa tay xin bố mẹ hỗ trợ. Lần đầu tiên tôi xin. Lần đầu tiên tôi khóc. Lần đầu tiên, tôi thấy bố khóc. Lần đầu tiên, tôi thấy bố thương mình thật.
Thú thật, tôi từng hoài nghi về tình thương bố dành cho gia đình.
Ảnh: Canva
Ảnh: Canva

THẾ NÀO LÀ TÌNH THƯƠNG?

Trong một thảo luận Tâm lý học về Cảm xúc và Sự gắn kết, tôi và các anh chị học viên, đa số đã có gia đình và con cái, cùng đồng thuận: Thật khó để mình trao cho con cái hay vợ chồng cảm giác được yêu thương. Nhiều khi cách mình thể hiện tình thương chẳng hề khiến người nhận cảm thấy được thương.
Vậy thì, trong gia đình, “TÌNH THƯƠNG” có đồng nghĩa với việc “ĐƯỢC CHO ĂN NO, MẶC ẤM”? Liệu thể hiện tình thương là đem lại “CẢM GIÁC AN TOÀN cho một ai đó, cho họ cảm giác ấm áp và mong muốn trở về khi hoạn nạn” là “SỰ HY SINH VÔ ĐIỀU KIỆN vì một lợi ích của ai đó”?
Trước khi trả lời, một trong những nghiên cứu Tâm lý học đầu tiên về sự gắn bó gia đình đã cho thấy:
Khi đưa một chú khỉ con vào chiếc lồng có hai chú khỉ trưởng thành giả bằng dây kẽm uốn: chú thứ 1 được gắn với một bình sữa, chú thứ 2 được quấn bông ấm áp, chú khỉ con chỉ tìm tới chú khỉ thứ 1 khi đói, và dành toàn bộ thời gian còn lại cho chú khỉ thứ 2, thậm chí còn ôm và dịu vào lòng. Cảm giác gắn bó này, có vẻ rất giống tình thương?
Lần đầu biết tới nghiên cứu này năm 2015, những cảm xúc mâu thuẫn trước đây tôi từng có cho gia đình lần đầu được soi tỏ. Tôi muốn trở thành người có hiếu, nhưng vì tình thương, chứ không phải vì trách nhiệm. Nhiệm vụ cả đời của tôi, giải nghĩa tình thương bố mẹ-con cái, để chữ “HIẾU" nó được trọn vẹn hơn.
“THƯƠNG cái *** gì? Không có tiền thì lấy *** mà ăn à?” - tôi chắc chắn, đọc đến đây, bố tôi ngày xưa sẽ nói như vậy. Điều này không sai, đặc biệt là khi bố mẹ và các bác tôi đã từng sống qua một quá khứ nghèo khổ như thế. Bóng ma của sự nghèo khổ của đeo bám dai dẳng, trở thành một nỗi lo luôn thường trực bất kể sự thật giờ đã đổi thay.
Đâu đấy trong nhà tôi, có tấm ảnh của một đứa trẻ gầy nhom, đầu khổng lồ, bụng chướng lên, suy dinh dưỡng khủng khiếp. Nhưng không phải là tôi! Tôi lớn lên với sữa bột và đồ chơi rải rác khắp nhà. Thật khó để tôi hiểu được vì sao hay bố lại cần hy sinh thêm nữa? Bao giờ mới là đủ? 
Chắc, đơn giản thôi, vì bố không thích ở nhà với mẹ con mình.
.
.

TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI NAM CÓ QUAN TRỌNG ĐẾN NHƯ THẾ?

Theo Hiệp Hội Nhi Khoa Franklin, người bố có vai trò quan trọng không kém người mẹ trong gia đình. Các con trông chờ để nương tựa vào bố cả về mặt thể chất và tinh thần. Sự hiện diện của bố củng cố nội lực và sức mạnh của các con. 
Các con nhìn cách bố tương tác với mọi người để đặt ra những quy định riêng trong mối quan hệ của chính chúng, cách chúng chọn bạn, người yêu, hay bạn đời. Mối quan hệ với bố là hình mẫu để con gái tìm kiếm người yêu sau này. Con gái có xu hướng cảm thấy gần gũi và bị thu hút bởi những người đàn ông giống bố mình, dù tốt hay xấu, muốn hay không. Với con trai, bố là người đầu tiên chúng muốn gây ấn tượng và làm cho tự hào. 
Chẳng phải ngẫu nhiên những người con gái thiếu tình thương của bố cứ mãi sa đà vào các mối quan hệ độc hại còn những người con trai không có bố dẫn đường cứ mãi vất vả định vụ bản thân họ trong xã hội.
Ngược lại, khi bố dành thời gian tương tác với con, vùng não cảm xúc của bộ được kích hoạt, hệ thần kinh tiết ra các chất dẫn truyền củng cố sự hưng phấn và thích thú khi được ở cạnh con.
Nếu không có gia đình thì sao?
Tình thương là một khái niệm rất khó để dịch sang tiếng Anh. Nó vừa là yêu mến, vừa là sự rung động mạnh mẽ trước nỗi đau của một ai đó, khiến ta mong muốn ở bên và che chở họ, bất kỳ ai, chứ không chỉ riêng con cái.
Một người chỉ có thể thương khi họ biết cảm. “Cảm” trong cảm động, cảm xúc, cảm giác, đồng cảm. Nếu không cảm được thì sẽ chẳng thể thương ai khác thật lòng, cho dù là chính mình, bạn bè hay người yêu. Những hành động thể hiện tình cảm lúc này chỉ để thoả mãn nhu cầu cá nhân dưới danh nghĩa “vì người khác". Việc cố gắng hơn, hơn nữa, thực chất cũng chẳng vì ai ngoài vì những mục tiêu và đích đến đầy vô cảm do người khác đặt ra. 
.
.

CHO PHÉP NAM GIỚI “THƯƠNG" VÀ ĐƯỢC THƯƠNG

Càng lớn, tôi càng thương bố tôi, anh tôi, các anh em của tôi. Tôi thương vì những lề thói và quan niệm xã hội không cho họ học cách thương chính bản thân mình và thương những người họ cần thương! 
Một khảo sát về tính nam trong xã hội Việt Nam bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho thấy (cái này khỏi cần khảo sát ấy chứ…), một người đàn ông chuẩn “nam tử hán, đại trượng phu, đầu đội trời, tay đạp đất” phải có những đặc điểm sau:
- Có học thức, biết lãnh đạo, có công ăn việc làm, đặt sự nghiệp lên đầu
- Có ham muốn tình dục cao, nhiều trải nghiệm và chủ động khi làm tình
- Uống được rượu, phải biết hào phóng và bảo vệ phụ nữ hay danh dự của mình khi cần
- Là trụ cột gia đình, kiếm đủ tiền nuôi vợ con và lo việc nhang khói
- Sẵn sàng vượt khó, không được thể hiện sự yếu đuối, phải mạnh mẽ, quyết đoán, cương trực, không thua kém ai. 
Sống cùng những quy tắc, điều lệ này, khoảng 3% nam giới trong khảo sát này đã từng có ý định tự tử, 15.5% coi cuộc sống của họ như một sự thất bại, 34.2% cảm thấy cô đơn và lạc lõng, 34.6% cảm thấy mất động lực, 67.7% từng hút thuốc và 58,2% từng uống đến khi say mèm.
Bản thân việc kìm nén, không chia sẻ cảm xúc cũng dẫn đến các rối loạn cả thể chất và tinh thần, cũng như ngăn cản sự phát triển của các mối quan hệ sâu sắc.
Nên lưu ý, dù chưa có nghiên cứu chính thức ở Việt Nam, những tiêu chuẩn về tính nam và ảnh hưởng của chúng không chỉ tác động tới nam giới mà còn tới bất kỳ ai có bản dạng giới là nam hay có tư tưởng mình phải mạnh mẽ hơn như nam giới (vâng, chính tôi).
Ảnh: Dân Trí. Đại diện cho nơi tôi lớn lên
Ảnh: Dân Trí. Đại diện cho nơi tôi lớn lên
Tôi vẫn nhớ dù vất vả và thường xuyên nổi nóng vì ti tỉ những chuyện lặt vặt, chỉ có đúng một lần, chỉ một lần duy nhất, bố mất hết mọi sự kiên nhẫn, cầm con dao phay chặt thịt gà, giậm chân quanh nhà và gào thét, tôi và bà nội ngồi im re bên cạnh bể cá: “Bà không biết, tôi khổ như nào đâu.”
Tôi luôn ước, mình có thể chịu khổ thay được, dù chỉ là một chút. 
Cũng là năm nay, tôi nói bố “Có gì chia sẻ được, bố chia sẻ với con trước nhé.” Bố trả lời, “Bố là đàn ông, không phải cái gì cũng nói ra như thế.” 
Ôi, tôi phát mệt! Mệt với những tiêu chuẩn nam giới phải gánh, mệt với những rào cản ngăn họ được “thương”. Con người kết nối với nhau qua gian khó, hoạn nạn, chẳng ai chỉ bên nhau những lúc thuận lợi, hanh thông mà coi đó là mối quan hệ chân thành và bền vững. Những người đàn ông quanh tôi, chuyện gì, họ cũng chỉ muốn xử lý một mình.
Ngay cả khi đang làm tâm lý, liên tục giới thiệu thân chủ cho những anh chị đồng nghiệp tôi quen, số lượng thân chủ nam tôi đã giới thiệu được là MỘT… Như thể, một ngày mọi chuyện sẽ lại ổn, họ sẽ lại tiếp tục mạnh mẽ, vô tình và mù quáng đi theo những lối mòn, trở thành chính người đàn ông họ từng không mong muốn trở thành: một người bố cáu giận, một người sếp khinh khỉnh, hay một tình nhân bội bạc.
---------------------------
Cảm ơn các bạn đã đọc tới dòng chữ này. Tôi muốn chia sẻ và kêu gọi sự tham gia cho một NGHIÊN CỨU KHOA HỌC rất quan trọng gia tăng sự hiểu biết về sự nam tính, sức khỏe tinh thần và hành vi tìm kiếm sự giúp đỡ ở nam giới Việt Nam, thực hiện bởi NCS Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật. 
Kết quả nghiên cứu có thể góp phần đưa ra các giải pháp phù hợp hơn trong việc hỗ trợ tinh thần nam giới khi cần thiết.
Hoàn thành nghiên cứu chỉ hết 15-20’. Link thực hiện và mọi thông tin liên quan tới nghiên cứu: https://sites.google.com/jcu.edu/masculinity-stigma-helpseeking/trang-ch%E1%BB%A7?authuser=0 
Keira Ngo (Ngô Thùy Trang)