(Bài dịch từ báo The Atlantic)

Hằng ngày vào tháng 6, tháng có nhiều đám cưới nhất trong năm, khoảng 13000 cặp đôi trên khắp nước Mỹ tuyên thệ “Tôi xin thề”, tuyên bố gắn chặt cuộc đời của họ với một mối quan hệ tràn ngập tình bạn, niềm vui và tình yêu, những thứ sẽ giúp họ đi cùng nhau đến chân trời góc bể.

Tất nhiên là những điều đó sẽ không xảy ra với rất nhiều người.  Phần lớn các cuộc hôn nhân đều đổ vỡ, nếu nó không kết thúc bằng những vụ li dị thì nó sẽ kết thúc với một sự cay đắng và sự chia cắt trong gia đình. Trong tất cả những người lấy nhau, chỉ có 3 trên 10 người là có mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc, như nhà tâm lý học Ty Tashiro đã cho thấy trong quyển sách của mình Khoa học của hạnh phúc trọn đời, mới được xuất bản đầu năm 2014.

Các nhà khoa học xã hội bắt đầu nghiên cứu về hôn nhân từ những năm 1970 để nhằm tìm ra cách giải quyết cho một cuộc khủng hoảng xã hội lúc bấy giờ: tỷ lệ ly di đang tăng cao chưa từng có. Lo lắng về những tác động của ly dị lên những đứa trẻ của những gia đình tan vỡ, các nhà tâm lý học quyết định phải tìm hiểu vấn đề này và mời những cặp vợ chồng đến phòng nghiên cứu và tìm hiểu về những công thức tạo nên gia đình hạnh phúc. Liệu có phải những gia đình bất hạnh thì đều bất hạnh mỗi kiểu khác nhau, như nhà văn Nga Leo Tolstoy từng viết, hay họ đều có chung những đặc điểm dẫn đến thất bại trong hôn nhân?

Nhà tâm lý học John Gottman nằm trong những người nghiên cứu vấn đề đó. Trong những thập kỷ qua, ông đã tìm hiểu về hàng ngàn cặp đôi để nhằm tìm ra bí kíp giúp tình yêu của họ bền vững. Tôi gần đây đã có cơ hội được phỏng vấn John Gottman và vợ ông, Julia, cũng là một nhà tâm lý học ở thành phố New York. Cả hai đều là chuyên gia nổi tiếng về vấn đề hôn nhân bền vững ở Viện Nghiên Cứu Gottman, một viện nguyên cứu chuyên về giúp đỡ các cặp vợ chồng xây dựng và duy trình hôn nhân của mình.

Gottman bắt đầu thu thập những thông tin quan trọng nhất cho việc nghiên cứu của mình vào năm 1986 khi ông dựng nên “Phòng thí nghiệm tình yêu” cùng với đồng sự Robert Levenson tại Đại học Washington. Gottman và Levenson mời những cặp đôi mới cưới vào phòng thí nghiệm để quan sát cách họ cư xử với nhau. Cùng với nhóm nghiên cứu của mình, họ gắn những dây dẫn lên người các cặp đôi và hỏi họ về mối quan hệ của mình, ví dụ như những vụ xung đột gần đây hay những kỉ niệm đẹp trong tâm trí họ. Khi các cặp đôi trả lời câu hỏi, các mấu nối của dây dẫn trên người sẽ thu thập tín hiệu và huyết áp, nhịp tim và lượng mồ hôi tiết ra. Sau khi hỏi xong, các nhà nghiên cứu để các cặp đôi ra về và sẽ tìm gặp lại họ 6 năm sau để xem hôn nhân của họ còn tồn tại không.

Từ những dữ liệu thu thập được, Gottman tách các cặp đôi ra hai nhóm: nhóm Chuyên Gia (Masters) và nhóm Thảm Họa (Disasters). Nhóm Chuyên Gia thì vẫn hạnh phúc với nhau sau 6 năm gắn bó và hạnh phúc, còn nhóm Thảm Họa thì nếu không li dị thì cũng chịu đựng bất hạnh thường xuyên.  Khi các chuyên gia phân tích dữ liệu họ thu được, họ thấy có một sự khác biệt rõ ràng giữa nhóm Chuyên Gia và nhóm Thảm Họa. Những người trong nhóm Thảm Họa tuy bề ngoài thì rất điềm tĩnh lúc trả lời câu hỏi nhưng những dữ liệu lại cho thấy một điều khác. Nhịp đập tim của họ tăng lên, tuyến mồ hôi hoạt động mạnh và máu chảy trong người cũng nhanh hơn. Theo dõi hàng ngàn dữ liệu khác được thu thập sau này, Gottman rút ra kết luận là cơ thể người nào phản ứng càng mạnh trong lúc trả lời phỏng vấn thì mối quan hệ của họ với bạn đời càng xấu đi với tốc độ nhanh hơn.

Nhưng phản ứng sinh lý đó thì liên quan gì đến chuyện tình cảm? Vấn đề nằm ở chỗ người trong nhóm Thảm Họa phát ra những tín hiệu cho thấy họ bị kích động – hay nói cách khác là rơi vào tình trạng “chiến đấu-hay-bỏ chạy” – trong mối quan hệ của họ. Truyện trò với người yêu ở bên cạnh họ thì giống như là đang nói chuyện với hổ dữ vậy. Ngay cả lúc tâm sự về những kỷ niệm đẹp nhất thì cơ thể họ phản ứng cứ như là họ sắp tấn công hay sắp bị tấn công bởi người ngồi bên cạnh. Điều đó khiến nhịp tim của họ tăng lên và khiến họ trở nên hung hăng hơn. Ví dụ như mỗi cặp đôi sẽ bắt đầu kể về một ngày mới trôi qua của họ và người chồng trong trạng thái kích động sẽ nói với người vợ: “Sao em không nói gì hết đi. Sẽ không mất thời gian gì đâu.”

Ngược lại, nhóm Chuyên Gia cho thấy họ bị kích thích ít hơn và chậm hơn. Họ cảm thấy điềm tĩnh và gắn bó với nhau, và điều đó dẫn đến những hành vi cử xử ấm áp đầy yêu thương ngay cả khi họ đang xung đột với nhau. Đó không phải là vì nhóm Chuyên Gia đã được sinh ra với một cơ thể như vậy mà là vì họ đã tạo ra một bầu không khí gần gũi và đầy tin tưởng với nhau, cả hai thứ đó khiến họ thoải mái khi ở bên cạnh nhau về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Gottman muốn tìm hiểu xem nhóm Chuyên Gia tạo ra bầu không khí thân mật đó như thế nào và nhóm Thảm Họa đã phá tan sự tin tưởng ra sao. Một cuộc nghiên cứu sâu hơn đã được tiến hành vào năm 1990, ông đã tạo ra một phòng thí nghiệm trong khuôn viên Đại học Washington và biến nó thành một nơi nghỉ ngơi và ăn sáng lý tưởng cho các cặp vợ chồng. Ông mời 130 cặp đôi mới cưới đến nơi này và quan sát họ làm những việc mà các cặp đôi vẫn hay làm với nhau khi đi nghỉ mát: nấu ăn, dọn dẹp, nghe nhạc, ăn uống, tâm sự và đi chơi. Và Gottman đã có một phát hiện quan trọng, một yếu tố quyết định cho sự thành công hay thất bại của mối quan hệ của những cặp vợ chồng này.

Trong suốt ngày nghỉ ngơi đó, một trong hai người sẽ cố gắng kết nối với người kia bằng những yêu cầu mà Gottman gọi là “bid”. Ví dụ, người chồng là một người đam mê thiên nhiên hoang dã, thích ngắm chim và phát hiện một con chim kim yến bay qua (một loài chim vô cùng hiếm và đẹp, tên tiếng Anh goldfinch, giá khoảng 10 triệu VND/con – chú thích người dịch). Anh ta sẽ thốt lên với người vợ: “Em ơi, nhìn con chim kia kìa, nó rất đẹp.” Anh ta không chỉ đang bình luận về một con chim, anh ta đang mong một sự hồi đáp từ người vợ - một dấu hiệu của sự quan tâm và ủng hộ - và hi vọng cả hai người sẽ cảm thấy được gắn bó với nhau, dù là một khoảnh khắc ngắn ngủi, qua một chú chim.

Bây giờ thì người vợ có sự lựa chọn. Cô ấy có thể chọn giữa “quay đến” (turning toward) và “quay đi” (turning away) khỏi người chồng, theo thuật ngữ của Gottman. Mặc dù chủ đề về con chim đó nghe có vẻ ngớ ngẩn và là chuyện nhỏ nhưng nó cho thấy rất nhiều về tình trạng của mối quan hệ. Người chồng nghĩ rằng con chim đó đủ quan trọng để tạo ra một cuộc tâm sự và vấn đề là người vợ có nhận ra và tôn trọng điều đó.

Trong cuộc nghiên cứu, những người “quay đến” người yêu của họ phản hồi bằng cách bắt lấy cái “bid”, trò chuyện về chủ đề đó và đưa ra những dấu hiệu cho thấy họ quan tâm và ủng hộ bạn đời mình. Còn những người “quay đi” thì chỉ phản hồi ở mức tối thiểu và tiếp tục làm việc mà họ đang làm, như xem TV hay đọc báo. Một vài người còn trả lời với sự bực dọc: “Đừng làm phiền em, em đang đọc báo.”

Những phản ứng với cái “bid” đó có ảnh hưởng rất lớn đến sự bền vững của mối quan hệ giữa hai người. Trong vòng sáu năm sau đó, những cặp đôi chia tay nhau là những cặp đôi có tỉ lệ “quay đến” rất thấp, chỉ 33%. Chỉ có 3 trong 10 lần bid là được gắn kết bởi hai người. Còn những cặp đôi vẫn hạnh phúc với nhau sau sáu năm có tỷ lệ “quay đến” là 87%, tức 9 trên 10 lần họ đều cố gắng kết nối cảm xúc với bạn đời của mình.

Bằng cách quan sát các mối tương tác này, Gottman có thể tiên đoán với độ chính xác 94% là cặp đôi nào – dù là già, trẻ, gay, nghèo, giàu, vô sinh hay không - sẽ chia tay, ở với nhau nhưng không hạnh phúc hay là chung sách hạnh phúc lâu dài. Phần lớn điều đó phụ thuộc vào những gì mà các cặp đôi mang lại cho nhau. Họ có mang đến cho nhau lòng tốt và sự rộng lượng, hay là sự khinh miệt, chỉ trích và ác cảm?

“Đó là thói quen trong suy nghĩ của những cặp đôi Chuyên Gia.” Gottman giải thích trong cuộc phỏng vấn, “thói quen đó là: họ sẽ quan sát môi trường sống chung quanh của họ và tìm ra những thứ mà họ trân trọng và thầm cám ơn về điều đó. Họ xây dựng nên một văn hóa của lòng biết ơn và sự trân trọng. Những người Thảm Họa thì ngược lại, họ quan sát để bắt lỗi, để bới lông tìm vết.”

“Đó không chỉ là quan sát môi trường xung quanh”, Julia Gottman thêm vào, “mà là quan sát người kia để biết xem họ đang làm gì đúng và làm gì sai, và chỉ trích người đó thay vì tôn trọng và tỏ lòng trân trọng.”

Sự khinh miệt là thứ mà các chuyên gia tin rằng là yếu tố số một chia cắt hai người. Những người liên tục chỉ trích người khác không nhìn thấy được một nửa những điều tích cực mà người kia làm và họ thấy những điều tiêu cực ở nơi không có nó. Những người quay lưng lại với bạn đời của mình, như là cố tình mặc kệ bạn đời và trả lời ở mức tối thiểu, phá hỏng mối quan hệ bằng cách khiến bạn đời của họ cảm thấy không có giá trị và như tàng hình, cứ như là họ không có ở đó và không được trân trọng. Và những người đối xử với người yêu của mình bằng sự khinh miệt và chỉ trích không chỉ giết chết tình cảm giữa hai người mà còn làm suy yếu của khả năng miễn dịch của người yêu họ, khiến họ dễ bị virus tấn công và trở thành nạn nhân của bệnh ung thư. Sự ích kỉ đó là dấu chấm hết cho mọi mối quan hệ.

Ngược lại, lòng tốt là chất keo kết dính gắn kết hai người. Những kết quả nghiên cứu khác cho thấy lòng tốt (cùng với cảm xúc chính chắn) là thước đo chính xác về sự bền vững và ổn định của mối quan hệ giữa hai người. Lòng tốt khiến cho mỗi người trong cặp đôi cảm thấy họ được thấu hiểu, được quan tâm, được công nhận – hay là được yêu. “Tài sản của em là mênh mông như biển cả”, Juliet trong kịch của Shakespear nói, “Tình yêu của em thì thật sâu thẳm, em càng cho đi em càng có nhiều hơn. Cả hai đều là bất tận.”

Lời nhắn gửi đến hàng ngàn các cặp đôi sẽ lấy nhau vào tháng này – và hàng triệu cặp đôi khác, đã cưới hay chưa – là hãy nghe theo kết luận từ bài nghiên cứu này: nếu bạn muốn có một mối quan hệ ổn định, lành mạnh thì hãy làm những điều tốt thường xuyên.

Đọc tiếp phần 2