Vào năm 2013, tớ may mắn được biết đến Sara Bareilles với album “The Blessed Unrest”.
The Blessed Unrest - Wikipedia

Một trong những bài hát khá nổi tiếng trong album này mang tên Brave. Bài hát được lọt top 30 BillBoard Hot 100 để mang về cho Sara đề cử tại hạng mục “Trình diễn giọng Pop xuất sắc nhất” tại giải Grammy 2014. Tâm sự với khán giả trên kênh Youtube riêng của mình, Sara chia sẻ câu trích dẫn của Martha Graham như vai trò một nguồn cảm hứng để cô đặt tên album của mình là “The Blessed Unrest”:
“There is a vitality, a life force, an energy, a quickening that is translated through you into action, and because there is only one of you in all of time, this expression is unique. And if you block it, it will never exist through any other medium and it will be lost. The world will not have it. It is not your business to determine how good it is nor how valuable nor how it compares with other expressions. It is your business to keep it yours clearly and directly, to keep the channel open. You do not even have to believe in yourself or your work. You have to keep yourself open and aware to the urges that motivate you. Keep the channel open. … No artist is pleased. [There is] no satisfaction whatever at any time. There is only a queer divine dissatisfaction, a blessed unrest that keeps us marching and makes us more alive than the others”
Tớ xin được mạo muội dịch lại như sau:
Từng nhịp thở của sức sống, sinh lực và năng lượng của cuộc đời hóa thân vào hành động của bạn, và bởi vì chỉ có duy nhất một bản thể xuyên suốt thời gian, nên biểu đạt này cũng mang tính đơn nhất. Và nếu bạn chối bỏ, điều này sẽ không thể tồn tại dưới bất kỳ dạng thức nào khác và dần phai màu vào miền vô thức. Không thế giới nào có thể níu giữ. Chẳng phải việc của bạn để quyết định xem điều này tốt thế nào, giá trị ra sao, hay có được so sánh thiệt hơn với những thứ khác hay không? Thứ bạn cần làm là giữ cho các trạng thái biểu đạt nhuốm màu cuộc sống ấy thật rõ ràng và thẳng thắn, tức là luôn để mở nguồn kênh dẫn trong mình. Bạn cũng chẳng cần tin cố chấp vào bản thân hay thứ mình đang làm. Bạn phải thực sự đặt bản thân mình vào trạng thái tiếp nhận có ý thức nhất để tri nhận những động lực thúc đẩy mình – hãy luôn mở kênh dẫn trong bạn. Không nghệ sĩ nào thực sự thấy hài lòng vừa ý. Chẳng có điều gì gọi là sự viên mãn dù là ở bất kỳ thời điểm nào. Chỉ có một thứ duy nhất gọi là “lòng bất mãn, ngờ hoặc thiêng liêng”, một làn sóng ngầm vĩ đại giúp chúng ta tiến lên phía trước và khiến ta tràn đầy sức sống hơn những người khác.
Quả thật đây là một câu nói ám ảnh tớ suốt 7 năm nay đến nỗi mà tớ giờ đã thuộc lòng đoạn trích dài phía trên. Và cũng phải mất 7 năm để tớ thực sự hiểu được ý tứ sâu xa của câu trích dẫn giàu hình ảnh này. Nhân đây, tớ xin được chia sẻ lại với các cậu 2 điều này:
1 – Đánh giá tốt hoặc xấu?
Ai là người đánh giá chất lượng sản phẩm của ta? Ai dám cho những đứa con tinh thần của ta hai chữ tốt xấu? Đối tượng đầu tiên mang tên “không ai cả”. Và đối tượng tiếp theo là “tập khán giả” tay dày công xây dựng. Những con người này không phải là đại chúng lạ lẫm, mà là một số lượng giới hạn những người ta yêu quý và tin tưởng. Ta dành một khoảng thời gian dài cho dự án của mình, nên đều có xu hướng nghĩ rằng đây là những điều rất hay ho (vì nếu không ta đã không bắt đầu). Nhưng một khi tác phẩm này bước ra khỏi ngưỡng cửa cá nhân, các góp ý và phê bình trái chiều rồi sẽ như chiếc mỏ neo ghìm ta chết cứng tại một chỗ. Nếu như ta cứ đứng đó để hau háu sự phản hồi, thì ta cũng chìm xuồng trong sự thất vọng mong ngóng mà thôi. Là một người sáng tạo (ở bất kỳ ngành nghề nào), liều thuốc chữa bách bệnh cho ta chính là tiếp tục sáng tạo.
Thả một chiếc mỏ neo để làm một giấc nghỉ trưa phục hồi năng lượng sau khi đã mệt nhọc phiêu cùng những con sóng dữ dội của biển cả là một điều cần thiết. Nhưng nếu sình lại quá lâu, con tàu ấy rồi sẽ không làm tròn sứ mệnh gửi gắm trong sự kiến tạo nguyên thủy của mình: Phiêu với những con sóng để biết được sự vĩ đại của biển cả.
2 – Sáng tạo, làm việc và tiếp tục sáng tạo…
Sáng tạo có phải làm việc không? Không mà cũng có.
Để sáng tạo, không cần thiết bạn phải là nghệ sĩ. Chúng ta đều có thể trở thành người nghệ sĩ theo cách riêng của mnihf khi đang làm công việc gì đó. Bản thân tớ cũng không xác định viết sách là một nghề kiếm sống vì công việc ban ngày tớ làm là nghiên cứu và phát triển chương trình giáo dục. Thực chất thì tớ đã từng mơ mộng theo đuổi sự nghiệp viết sách cách đây nửa năm trước với quyết định nghỉ việc ở nhà để tập trung cho công cuộc sáng tạo mình hoa mộng trong đầu. Nhưng trong khoảng thời gian “tự do lông bông” ấy, tớ lại không nghĩ ra được gì nhiều mấy và còn luôn thấy chán nản vì thời gian trôi qua mà trang vở vẫn trắng nguyên.
Khi đang ngồi viết những dòng này, tớ thật sự thấu hiểu sự cần thiết của công việc ban ngày song song với những thứ tớ mong muốn sáng tạo. Một công việc kiếm tiền hợp với chuyên môn tốt nghiệp sẽ cho tớ tiền, sự kết nối với xã hội và quan trọng nhất là một nhịp sinh học cần phải duy trì hàng ngày.
Chúng ta không kiểm soát được sự yêu thích của khán giả với tác phẩm của mình, nhưng ta hoàn toàn có quyền chọn lựa công việc ban ngày để học hỏi và “ăn trộm chất liệu” để từ đó lại sáng tạo hơn. Tớ rèn giũa khả năng thuyết trình và nói trước đông người khi đứng lớp dạy trẻ. Làm nghề xây dựng chương trình giáo dục khiến tớ luôn đối mặt với việt gọt câu, tỉa chữ làm sao để các giáo viên hiểu và triển khai được sản phẩm của mình trơn tru nhất, từ đó mang lại bài giảng hứng thú cho học sinh.
Nếu bạn muốn tạo ra thứ gì đó nghệ thuật, hãy luôn mở kênh dẫn của mình (keep the channel open) và lắng nghe mọi sự thôi thúc đang xảy đến với bạn. Chất liệu sáng tạo có thể đến từ bất kỳ đâu nếu ta hòa mình cùng với nhịp điệu của đất trời: một mẩu email, một tờ giấy báo cũ, một câu phát biểu trong lúc họp, hay thậm chí một mẩu quảng cáo bất chợt của Tiki trên facebook… Bạn rồi sẽ luôn bất mãn vì không đủ thời gian, vì mình làm chưa đủ tốt hay vì người khác hiểu lầm mình, nhưng cũng chính những điều này khiến bạn thấy như đang hiện hữu hơn ai hết. Hay đó được gọi là “The Blessed Unrest” (that keeps us marching and makes us more alive than the others.)