Đời sống thông thường không thể tránh được việc tranh cãi với một ai đó. Đôi khi là về một bài toán, về một quan điểm trái chiều, hay về những điều tưởng chừng vặt vãnh như con bò trên lon bò húc là đực hay cái. Tranh cãi là một phần của đời sống, nhưng mấy ai được trang bị kỹ năng biện luận, biện luận một cách logic, khoa học ? Tuy nhiên, hầu hết người Việt Nam lại bị vướng vào các lỗi ngụy biện, hay đơn giản hơn là lỗi tranh luận phi logic.

Từ góc nhìn toán học...

Bằng các phép suy diễn toán học tương đương, ta thường có cái nhìn trực quan và dễ hiểu đối với các lỗi sai toán học. Điều rõ ràng và quan trọng nhất trong việc suy diễn toán học là phải tôn trọng các nguyên tắc cộng, trừ, nhân, chia, khai căn, chia cho số 0,..v.v. Cũng có thể hiểu khi giải toán, ta phải đảm bảo việc tuân thủ quy tắc đã được đề ra; nhưng được mấy ai tuân thủ các nguyên tắc khi lập luận, suy luận ?
Một trong những cụm từ làm khó hiểu nhiều người nhất có lẽ là "Điều kiện cần-Điều kiện đủ", điều căn bản và được dạy ngay từ đầu ngay khi bước chân vào cấp Trung học Phổ thông, lớp 10. Lấy phép suy ra A=>B, mệnh đề A suy ra mệnh đề B, làm ví dụ giải thích. Phép suy diễn trên có thể được dịch lại một cách văn học hơn là : "Mệnh đề A là điều kiện đủ để có mệnh đề B". Có nghĩa là, để muốn rút ra được kết luận là mệnh đề B, thì ta chỉ cần căn cứ vào duy nhất mệnh đề A là đủ.
Phép suy diễn trên cũng có thể hiểu một cách ngược lại, là mệnh đề B là điều kiện cần để có mệnh đề A. Hiểu một cách đơn giản, thì muốn rút ra được mệnh đề A, ta không chỉ dựa trên duy nhất vào mệnh đề B mà còn phải dựa vào nhiều mệnh đề khác. Ví dụ như ta có ông bố và cậu con trai, sự tồn tại của con trai là điều kiện đủ để suy luận được sự tồn tại của người bố, nhưng sự tồn tại của người bố chưa chắc đã dẫn đến sự tồn tại của con trai. Và đây là lỗi sai điển hình của người Việt, khi dựa vào các điều kiện không chắc chắn và đầy đủ để kết luận.

.... đến góc nhìn tam đoạn luận.

Phương pháp "Tam đoạn luận" là một phương pháp suy luận, rút ra một điều cần tìm dựa trên 2 mệnh đề khác. Ví dụ như :
"Mọi người đều phải chết, Aristotle là người, vậy Aristotle phải chết"
Có nghĩa là, Aristotle là một con người, và vì con người mang các đặc điểm này, nên Aristotle cũng phải mang các đặc điểm trên.
Kết luận của tam đoạn luận có giá trị chặt chẽ, khi và vì nó là một kết quả tất yếu, không chối bỏ được một khi đã thừa nhận tiền đề, tức là các giả thiết ban đầu.
Thật ra mà nói, đây chính là phương pháp tranh luận thông thường và dân dã nhất, các nhà triết học Hy Lạp chỉ đặt tên để chúng ta có nhận thức sâu sắc và rõ ràng về cách suy luận này.
Tuy nhiên, cách suy luận trên rất dễ rơi vào ngụy biện. Bởi vì nhiều khi chúng ta ngộ nhận 2 giả thiết ban đầu là đúng đắn, hoặc thiếu đi 1 trong 2 giả thiết.

Các lỗi ngụy biện điển hình mà người Việt hay mắc phải.

Trong số chúng ta, khi tranh luận thường sẽ mắc phải 2 lỗi điển hình sau :
Ngụy biện công kích cá nhân, hay "Anh có giỏi như người ta không mà nói người ta sai". Đây rõ ràng là một kết luận sai, vì địa vị hay trình độ của một người chỉ có thể đảm bảo mức độ uy tín cho kết quả của họ, chứ không thể khẳng định được họ làm đúng hay sai. Ngụy biện "anh cũng vậy" , hay " Vì anh cũng sai, nên anh không được nói tôi sai". Một lỗi suy luận vì việc người này làm sai không thể chứng minh được người khác làm đúng hay sai.
Và còn rất nhiều, vô vàn lỗi ngụy biện khác nữa.

Đi tìm nguyên nhân.

Việc giáo dục mang tính sao chép, rập khuôn có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến việc này. Các bài văn phải theo một khuôn mẫu theo ý giáo viên, các bài toán phải theo trình bày mẫu, đã dập tắt đi tư duy và khả năng suy luận của người Việt.
Một lý do khác là người Việt hay có thói quen sinh hoạt mang tính xóm làng, cái lý không thể thắng cái tình, dẫn đến việc nhìn nhận sự việc hay bằng cảm tính chăng ?
Nhìn chung, việc chúng ta đang bị vướng phải lỗi tư dụy ngụy biện là có thật, nếu không nhanh chóng giải quyết, thì chúng ta sẽ mãi chìm trong sai lầm và mất khả năng phân biệt đúng đắn.