Mình đã được nghe giới thiệu về cuốn sách này từ rất lâu, đặc biệt là ngày nay lối sống tối giản như là một xu hướng mới của các bạn trẻ. Đã nhiều lần mình nhìn vào bìa sách, nhưng lại bỏ qua vì chưa cảm thấy thực sự muốn đọc. Dạo gần đây khi mình có thời gian để thực hiện sắp xếp lại mọi thứ trong cuộc sống thì mình nghĩ là nên thử đọc nó, vì biết đâu trong cuốn sách này sẽ có gợi ý trong việc sắp xếp cho mình.
Câu chuyện trong sách là câu chuyện cá nhân của tác giả, bắt đầu từ sau khi anh thực hiện tối giản hết những thứ đồ đạc trong căn phòng rộng lớn anh đang sống, thì mọi thứ trong cuộc sống của anh dần dần thay đổi. Thay vì cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an trước đây khiến anh phải mua thật nhiều đồ thì vứt bớt chúng đi đã làm làm cho anh cảm thấy vui vẻ, hài lòng, và có thêm nhiều thời gian để tận hưởng cuộc sống hiện tại hơn….Chính thay đổi trong cuộc sống khi anh cảm nhận cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc đã trở thành nguồn động lực to lớn để anh viết nên cuốn sách.
Cuốn sách mở đầu bằng việc lý giải nguyên nhân vì sao bản thân chúng ta lại có nhiều đồ. Chúng ta có rất nhiều đồ, không những thế, càng ngày chúng ta càng muốn mua thêm vì chúng ta chưa thực sự cảm thấy bản thân mình có đủ. Mỗi món đồ, khi mua thêm, chúng ta cho rằng đó là thứ để cộng thêm giá trị cho mình. Chúng sẽ khiến cho mình đẹp lên; chúng giúp trông mình sang hơn; giúp mình trông bằng bạn bằng bè hơn; hoặc chí ít cũng là để mình không thua kém người khác. Cứ hết thứ này, rồi thứ khác liên tục được mua mỗi khi ta mong muốn chứng tỏ bản thân mình có điều gì đó để so sánh được với những người xung quanh, mà chúng ta quên mất là “núi cao thì sẽ luôn có núi cao hơn”. Chúng ta sẽ luôn có một người hoặc một hình tượng để chắc chắn thua ở một điểm nào đó bất cứ khi nào ta đem mình ra so sánh. Chính sự thiếu hài lòng vào bản thân, chính sự tự so sánh bản thân mình với người khác đã khiến cho chúng ta gom góp rất nhiều thứ vào mình mà không ý thức được rằng những thứ đồ mình đang sở hữu không hề thể hiện được giá trị của mình.
Để bắt đầu học cách sống tối giản, tác giả không bảo chúng ta ngay lập tức phải bỏ hết đồ đạc đi mà anh cho rằng sự vứt bỏ phải thực hiện dựa trên điều quan trọng nhất đó là hiểu chính mình. Chúng ta cần hiểu bản thân mình thực sự muốn gì và điều gì đối với mình là quan trọng nhất. Khi hiểu được bản thân mình chúng ta sẽ dễ dàng biết được mình cần giữ lại món đồ nào món nào thì nên bỏ. Nhưng nếu chúng ta vẫn chưa biết với mình điều gì thực sự là quan trọng thì điều cần nhất lại là sự can đảm để vứt bỏ chúng đi. Khi không còn thứ gì bên mình, thì thứ ta cần nhất chính là thứ mà ta cần đến đầu tiên. Còn nếu vứt chúng đi mà chúng ta còn chẳng nhớ là mình từng có chúng, thì vứt đi là quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Trong sách, tác giả có chia sẻ nhiều gợi ý mà mình thấy khá hữu ích khi thực hiện dọn dẹp đồ đạc. Ví dụ như khi dọn dẹp chắc chắn sẽ có những món đồ mà vứt đi khiến mình rất đau lòng vì tiếc tiền, hoặc một vài vật kỷ niệm; nhưng tinh thần quan trọng nhất vẫn là điều gì không còn quan trọng cho cuộc sống hiện tại của chúng ta thì đều nên buông bỏ. Nếu nó là vật thật sự quan trọng, nó sẽ quay về.
Phần cuối tác giả nói về hạnh phúc ở hiện tại. Nhiều người cho rằng sách hơi lý thuyết, có thể do phần bàn về hạnh phúc của tác giả nhiều hơn so với việc chỉ cho bạn làm sao để vứt bớt đồ đạc trong nhà, nhưng đối với mình thì cuốn sách thật sự đã đưa ra được nguyên nhân sâu xa và cách giải quyết tốt nhất cho đống đồ đạc ùn ứ. Nhiều đồ đạc vì chúng ta chưa cảm thấy thực sự hạnh phúc nên cách giải quyết chính là tự tạo hạnh phúc cho mình. Khi chưa tự mình tạo ra hạnh phúc cho dù bạn thực hiện bao nhiêu kỹ thuật vứt bỏ, bao nhiêu thứ đồ đạc phải ra đi thì, không sớm cũng muộn, mọi thứ sẽ trở về nguyên dạng ban đầu mà đôi khi còn có thể khiến chúng ta tốn nhiều tiền hơn.
Sống tối giản chính là để chúng ta cảm nhận được hạnh phúc bằng việc giữ lại những gì quan trọng nhất đối với mình và cũng là những thứ khiến bản thân chúng ta cảm thấy hạnh phúc thực sự; không chỉ với đồ đạc mà còn là với tất cả mọi thứ khác trong cuộc sống.