Tâm lý học đã trở thành một thể loại sách yêu thích mới trong sự ngạc nhiên của chính mình. Lý do ngạc nhiên là bởi vì khi mình đọc cuốn sách đầu tiên thuộc thể loại này thì mình thực sự chả thấy hào hứng gì với đề tài này, nhưng (thật may), hai mặt lại chính là một phần không thể thiếu của con người (mình), hơ hơ. 🙃
Ảnh bởi
Madison Oren
trên
Unsplash
Cuốn sách tâm lý học đầu tiên mà mình đọc là “Tư duy nhanh và chậm”. Thực sự thì trong các cuốn sách Tâm lý học cơ bản dành cho dân không chuyên thì có lẽ đây là một trong những cuốn sách tâm lý học hay và tốt nhất. Nó đề cập đến tâm lý học một cách khá toàn diện và tác giả của nó là một nhà Tâm lý học cực kỳ uy tín,  ông đã từng đạt giải Nobel, ghi nhận cho những cống hiến của mình về tài chính hành vi. Tác phẩm này được trích dẫn khắp nơi và cũng được vô số người giới thiệu đọc. Kể cả khi mà mình đọc thì mình cũng không có gì để chê về nội dung cả. Chỉ có một điều duy nhất đó là… nó không hấp dẫn mình. Mình vứt quyển sách này lăn lóc, vận dụng quyết tâm mãi mới đọc hết được. Đọc xong thì mình còn nghĩ là “Phew, đây không phải thể loại yêu thích của mình” (mà giờ thì mình quay xe rồi 😆 ). Mình nghĩ lý do mà mình không thích nó là bởi vì: một phần là vì nó rất dài, và với mỗi một topic nhỏ, tác giả đều sử dụng rất nhiều lập luận, dẫn chứng bằng nhiều thí nghiệm. Cái này không có gì sai, vấn đề là mình tại thời điểm đó không có kiến thức gì về Tâm lý học cả và thậm chí mình lúc ấy cũng đọc rất ít sách phi hư cấu nữa, vậy nên đọc tất cả những dẫn chứng, thí nghiệm làm mình thấy mệt mỏi và đôi khi trôi luôn cả cái ý chính. Sau này, khi đã đọc nhiều hơn và khi kiến thức nền đã có ít nhiều, mình lại thấy là chính nhờ những dẫn chứng, những thí nghiệm ấy mà những gì tác giả nói mới trở nên thuyết phục, và đáng tin được. Vậy nên cuốn sách này, đối với mình mà nói, có thể là: đúng sách mà sai thời điểm !
Vậy nên khi tiếp nhận một cuốn sách, sự cảm nhận về hay dở phụ thuộc vào bản thân người đọc không kém gì bản thân tác phẩm.
Bài viết giới thiệu sách này của mình lần này, là dành cho những người nào đấy giống mình hồi xưa. Tức là muốn tìm hiểu một thể loại sách mới nhưng chưa có kiến thức nền gì lĩnh vực đó cả. Mình xin giới thiệu một vài cuốn sách cơ bản về đề tài Tâm lý học, những cuốn mà mình thấy là ngắn gọn hơn, được tác giả viết một cách dễ đọc hơn mặc dù có thể lượng dẫn chứng và thông tin không nhiều bằng những cuốn sách được viết bởi các chuyên gia nhưng nó khá hấp dẫn và dễ đọc. Mình hi vọng nếu đọc nó, các bạn cũng có thể trở nên yêu thích Tâm lý học hơn, một đề tài mà mình thấy thật sự …rất rất hay.
Những cuốn sách mình giới thiệu ở dưới đây hầu như đều có chung một cách tổ chức: đó là tác giả sẽ nêu ra một loạt những hành vi tâm lý chung của con người, tức là cách mà chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ dưới một điều kiện nhất định nào đấy, khi chúng ta có hoặc không có một số yếu tố nào đó tác động. Các tác giả cũng sẽ nêu lên những thực nghiệm được thực hiện để chứng minh các hành vi tâm lý này. Tuy vậy, mỗi một tác giả sẽ có cách tiếp cận khác nhau để thuyết phục người đọc, vì nếu đọc thì bạn sẽ thấy, Tâm lý học sẽ chứng minh rằng bạn…không thông minh, tài giỏi, đức độ như bạn tưởng. Điều này cũng hơi tệ thật, nhưng đừng lo lắng quá. Thứ nhất là bởi vì, người khác thì cũng giống như bạn thôi :)) và thứ hai là dù không phải một sinh vật có tư duy hoàn hảo, chúng ta vẫn có khả năng để trở nên tốt hơn, một trong những cách đấy là bằng cách đọc sách Tâm lý học để hiểu về bản thân hơn chẳng hạn, hihi.

Nghệ thuật tư duy rành mạch - Rolf Dobelli

Cuốn sách này tập trung vào việc chỉ ra những lỗi sai trong tư duy mà chúng ta hay gặp phải, mỗi một lỗi sai là một chương và tổng cộng lên đến gần 100 lỗi, tuy nhiên mỗi chương đều tương đối ngắn và dễ học, cách viết của tác giả cũng mạch lạc, dễ theo dõi cộng với những thí nghiệm thú vị giúp người đọc thấy dễ hiểu và dễ đồng cảm. Cuối mỗi một chương sách và cả phần chương cuối cùng là phần tổng kết của tác giả về các lỗi sai này đồng thời là một vài gợi ý giúp bạn tránh được những lỗi sai trong nhận thức, những thứ nói thì tương đối dễ hiểu nhưng để nhận ra được nó trong cuộc sống thực thì lại rất khó này.
Mình nghĩ cuốn sách này rất phù hợp với những người không chuyên, muốn tìm hiểu về tâm lý học vì nó dễ đọc, tách ra làm nhiều mục nhỏ. Bạn có thể tự hỏi: đọc cuốn sách này xong thì có khiến bạn tư duy rành mạch và tránh được những lỗi sai này trong cuộc sống hàng ngày và khi ra những quyết định không ? Câu trả lời là vừa có vừa không. Nó không bởi vì xem xét đến hết tất cả những khả năng và những lỗi bạn có thể mắc khi đưa ra bất cứ một quyết định gì là một điều bất khả, không hợp lý và thật ra thì không cần thiết nữa. Bởi vì con người không phải là một cái máy logic, những quyết định tuyệt đối logic, trong nhiều trường hợp sẽ cực kỳ mâu thuẫn với trực giác và cả cảm xúc của bản thân, thứ mà cũng là một phần con người của bạn và bạn không thể bỏ qua được vì nếu hoàn toàn bỏ qua nó thì cũng có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng khác. Vậy thì nêu ra những lỗi sai tư duy này có ích gì ? Nó sẽ có ích khi bạn phải đưa ra những quyết định quan trọng, khi đó bạn sẽ phải cân nhấc đến nhiều thứ hơn, bao gồm cả khả năng những suy nghĩ của bạn đang gặp một lỗi sai nào đó. Giống như tác giả đã nói trong phần kết của cuốn sách: “Chúng ta không biết chắc điều gì khiến mình thành công. Chúng ta không thể xác định chính xác điều gì khiến ta hạnh phúc. Nhưng chúng ta biết chắc điều gì hủy hoại thành công hoặc hạnh phúc. Sự giác ngộ này, dù đơn giản, là điều cốt yếu: kiến thức tiêu cực (điều không nên làm) có quyền lực hơn rất nhiều so với kiến thức tích cực (điều nên làm) “ và “ Lỗi tư duy cũng không phải tình cờ mà có. Chúng ta mắc lỗi một cách có hệ thống theo cùng một chiều hướng. Điều đó giúp cho sai lầm của chúng ta có thể dự đoán và sửa chữa ở một mức độ nào đó - nhưng chỉ ở một mức độ nào đó thôi, chứ không bao giờ là triệt để”. Mình nghĩ rằng hiểu được về điều này, vừa khiến mình trở nên khôn ngoan, suy nghĩ chậm lại và thấu đáo hơn mà nó còn giúp cho ta bớt chỉ trích bản thân mỗi khi mắc sai lầm nữa, bởi rốt cuộc thì rồi chúng ta sẽ đều mắc sai lầm cả mà thôi, bộ não của chúng ta không được thiết kế để đưa ra các quyết định hoàn hảo, nhưng ta vẫn có thể học cách để đưa ra một quyết định tốt hơn.

Bạn không thông minh lắm đâu - David McRaney

 Cuốn sách này có một phong cách rất hài hước và duyên dáng, thật sự là không thể không khiến mình bật cười thích thú nhiều lần.Hướng tiếp cận của cuốn sách này là ở chỗ: với mỗi một chương bắt đầu, tác giả sẽ đưa cho bạn một ảo tưởng tâm lý mà chúng ta vẫn hay tự nghĩ về bản thân (hoặc thế giới) rồi dùng cả chương để chứng minh rằng bạn đã nhầm to như thế nào.
Những điều mà “bạn vẫn tưởng” được nêu ra trong cuốn sách đều là những điều dường như khá hiển nhiên mà chúng ta vẫn nghĩ (và tự hào) về bản thân mình như : bạn là sinh vật của logic và lý trí, bạn luôn biết chắc về nguyên nhân gây ra cảm xúc của mình, bạn dễ dàng nhận ra khi hệ quả không khớp với nguyên nhân,… Nhưng hóa ra sự thật là không phải vậy. Sự thật là : bạn là một sinh vật có lý trí và có khả năng tư duy logic, nhưng lại thường xuyên thất bại trong việc sử dụng chúng theo những cách vô cùng dễ đoán, bạn có thể trải nghiệm cảm xúc mà không biết lý do tại sao, kể cả khi bạn tin rằng mình có thể xác định rõ được nguồn gốc của chúng, bạn khó lòng tin được việc một chuỗi những sự kiện liên tiếp lại không có liên hệ gì với nhau,.. Cuốn sách chia làm 3 mục chính đó là: Thiên kiến nhận thức, sự tự nghiệm, những phương pháp ngụy biện. Mỗi một mục chính lại có nhiều mục nhỏ, và tác giả sẽ có tổng kết cho mỗi mục , giúp người đọc tổng hợp và ghi nhớ kiến thức tốt hơn.
Nhưng bạn yên tâm, mục đích của cuốn sách không phải để làm cho bạn bẽ mặt, mặc dù những điều tác giả nêu ra hẳn không phải điều bạn muốn nghĩ về bản thân mình cho lắm 😅  nhưng nó lại khiến bạn hiểu thêm về cách tư duy của bản thân và cũng là của người khác và dĩ nhiên là qua đó bạn sẽ bớt ảo tưởng về bản thân mình. Thực chất việc não bộ đưa ra những nhận định và phán đoán như nó vẫn đang làm trên thực tế, ở nhiều phương diện là thực sự thông minh và tối ưu. Đây là bộ não đã tiến triển qua cả ngàn năm, giúp duy trì một giống nòi mà đang thống trị cả thế giới này cơ mà. Có điều là, chúng ta đã phát triển quá nhanh đến mức mà một vài phương hướng suy nghĩ đã từng rất hiệu quả trong quá khứ không còn hiệu quả ở hiện tại nữa hoặc là nó hiệu quả trong trường hợp này nhưng lại không hiệu quả trong trường hợp khác. Vì vậy, việc quá tin tưởng và đề cao bản thân mình có thể khiến bạn mắc những sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chính bạn.
Gợi ý khác: Tập hai của cuốn sách với nhan đề “Bạn bớt ngu ngơ hơn rồi đấy” cũng giữ nguyên được sự duyên dáng và hài hước như phần một. Nếu bạn đã thích quyển đầu thì chắn chắn nên đọc nốt tập hai (cho bớt ngu ngơ chứ còn gì nữa 😉 )

Trí tuệ cảm xúc - Daniel Goleman

Khi đọc sách về Tâm lý học ,bạn có thể nhận thấy rằng cảm xúc can thiệp rất sâu vào những quyết định của chúng ta, nhiều hơn mức chúng ta muốn và có thể nhận ra. Điều này đôi khi có thể dẫn chúng ta đến kết luận rằng để cảm xúc can thiệp vào những quyết định của ta là sai, và rằng chúng ta phải sống lý trí hơn, bỏ qua cảm xúc. Quyển sách này sẽ chứng minh..điều ngược lại và tôi thì hoàn toàn đồng ý.
Đọc cuốn sách này bạn không chỉ hiểu thêm về tầm quan trọng của cảm xúc trong cuộc sống, bạn có thể nhận ra rằng, mọi quyết định của chúng ta thực ra đều là những quyết định có liên quan đến cảm xúc, chẳng qua là bạn chọn cảm xúc nào, và bạn có để lý trí can thiệp vào cảm xúc ấy hay không mà thôi. Con người thực sự là một sinh vật cảm xúc, và trong một số trường hợp, không phải lý trí mà chính là cảm xúc mới chính là thứ thúc đẩy chúng ta hành động, đương đầu với khó khăn, hành xử một cách có đạo đức và thực hiện những nhiệm vụ quan trọng mà có lẽ trí tuệ của bạn không đảm đương nổi.
Bạn cũng có thể nhận thấy mất đi cảm xúc hoặc để cảm xúc điều khiển có thể hủy hoại con người bạn đến thế nào và từ đó nhận ra tầm quan trọng của cảm xúc và quản lý cảm xúc. Để chứng minh cho tất cả những điều này, tác giả sẽ đưa bạn vào một hành trình mà qua đó bạn sẽ khám khá về cảm xúc dưới lăng kính của tâm lý học và cả thần kinh học, dĩ nhiên, sẽ không thiếu những câu chuyện dẫn nhập, những thí nghiệm và những dẫn chứng khoa học. Từ những hiểu biết về vai trò và sự hình thành của cảm xúc, tác giả cũng nêu ra tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc trong việc xây dựng nên một đời sống tinh thần lành mạnh, sự góp phần của nó trong việc giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt (chứ không phải lý trí tuyệt đối), cả vai trò của nó trong việc giúp bạn khỏe mạnh và thành công hơn đồng thời là một số biện pháp có thể giúp bạn thúc đẩy và bồi đắp EQ của bản thân cũng như áp dụng nó trong cuộc sống.
Thật sự thì cuốn sách này không những giúp mình hiểu biết thêm về trí tuệ cảm xúc, nó còn giúp mình đâm ra thêm tò mò và yêu thích về …thần kinh học nữa 🤣

Phi lý trí - Dan Ariely

Thật ra về nội dung ấy, thì mình thấy cuốn này rất giống “Tư duy nhanh và chậm”, từ những luận điểm tác giả đề cập đến cả việc nó đầy những dẫn chứng và thí nghiệm khoa học nữa, nhưng mà mình lại thích cuốn sách này hơn hẳn ! Nhưng điều này cũng khiến cho mình phải nghĩ lại rằng, không biết có phải vì mình đã đọc “Tư duy nhanh và chậm” rồi nên đọc cuốn này thấy các kiến thức đề cập đến trong đấy nó dễ tiếp thu hơn không nữa ! Quá khó cho mình để nhận biết cái gì là nhân quả, chỉ biết là đây thật sự là cuốn sách giúp mình thay đổi cách nhìn về Tâm lý học và bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về thể loại này.
Cũng giống những cuốn sách mình nói ở trên, tác giả cũng nêu lên một loạt các mô thức tư duy của con người, tất cả để chứng minh một điều là …chúng ta không suy nghĩ một cách lý trí như chúng ta tưởng, thậm chí là chúng ta thường xuyên phi lý trí và phi lý trí một cách có hệ thống luôn. Trò lừa đảo đỉnh cao của tâm lý chính là ở chỗ ta thậm chí chẳng nhận ra được điều đó. Lý do là bởi vì có rất nhiều “điểm mù” trong suy nghĩ mà chúng ta không nhận ra và rằng chúng ta bị tình cảm chi phối nhiều hơn chúng ta tưởng, điều này không chỉ thể thể hiện trong cách chúng ta cảm nhận và hành xử với những người khác mà cả trong những thứ từ nhỏ nhặt đến trọng đại trong đời.
Khi đọc cuốn sách này, có thể bạn sẽ thấy nhiều khi bật cười khi tác giả nêu ra những tình huống phi lý trí bạn đã và đang hành xử mà chẳng nhận ra. Nhận thức được sự sai sót này có thể giúp đỡ chúng ta rất nhiều, trong cách nhận ra suy nghĩ của bản thân và của người khác bị ảnh hưởng và hạn chế như thế nào.
Một trong những thứ khiến mình ấn tượng với cuốn sách và nhớ đến tận bây giờ là câu chuyện của bản thân tác giả, ông dùng chính câu chuyện của mình làm dẫn chứng cho một số luận điểm trong sách. Khi còn nhỏ ông từ bị bỏng nặng, mức độ tổn thương da lên đến 70%. Ông phải sống rất nhiều năm trong đau đớn vì bệnh tật dày vò, vụ bỏng đã thay đổi cả cách ông chọn nghề nghiệp sau này nữa. Có một điều mình đặc biệt ấn tượng đó là, trong quá trình điều trị, ông được chọn để tham gia uống một loại thuốc mới, nếu đủ kiên trì thì nó sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh tật rất nhiều, nhưng có một khó khăn đó là quy trình này kéo dài rất lâu, 1-2 năm gì đấy, và mỗi lần bạn sẽ phải tự tiêm thuốc và chịu đựng đau đớn do tác dụng phụ của thuốc gây ra. Không có nhiều người có thể hoàn thành việc thử nghiệm thuốc đau đớn này đến cuối cùng, nhưng tác giả là một trong những người đã hoàn thành. Mặc dù vậy, việc ông hoàn thành, theo lý giải của ông, không phải bởi vì ông có khả năng chịu đựng đau đớn giỏi hay là ông có một ý chí vững vàng gì cả. Ông đã dùng một trick nhỏ ở đây, đó là mỗi lần ông tiêm thuốc và khi thuốc bắt đầu ngấm, ông sẽ xem một bộ phim. Là một người cực kỳ yêu thích phim, ông biến những trải nghiệm đau đớn của mình thành một cơ hội để làm điều mình yêu thích, và điều này đã làm trung hòa nỗi đau mà ông phải chịu đựng, khiến nó thành một trải nghiệm chấp nhận được. Khi mình đọc câu chuyện này, mình đã nghĩ rằng, wow, thật tuyệt. Thật sự trước lúc đó, mình vẫn coi việc mình thích xem phim là một việc khá.. vô bổ, rất phi lý trí (dù là mình cũng cực thích xem phim), một thói quen mình muốn sửa. Nhưng mà bạn thấy đấy, có khi chính điều đó, có khi lại trở thành một thói quen cứu đời bạn không biết chừng! Tất cả là ở cách chúng ta tiếp cận và nhìn nhận vấn đề. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là mình cổ vũ việc xem phim vô tội vạ. Ý mình ở đây là, hành xử một cách cảm tính cũng không phải là điều gì xấu cả nếu ta nhận thức được và không để nó điều khiển mình quá mức, và ở nhiều khía cạnh, nó chính là điều khiến chúng ta trở nên con người hơn bao giờ hết, với tất cả những điểm xấu và tốt của nó.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Đọc hết đống sách về tâm lý học này có giúp mình trở nên tinh thông về tâm lý của người khác, có thể nắm vững được nhân tình thế thái không ? Câu trả lời của mình, rất tiếc là không bạn ạ! Ban đầu thì mình cũng hi vọng thế nên mới bắt đầu đọc, nhưng cái mình gặt hái được, không phải là việc hiểu về người khác nghĩ gì mà lại là ..hiểu chính mình. Hiểu (phần nào) mình nghĩ gì hay đang cảm thấy như thế nào,  nhận thức được rằng mình có thể nghĩ sai (rất nhiều) và rằng mình không tuyệt vời/ độc đáo như mình tưởng, vân vân và mây mây nhưng nói chung là khiến mình hiểu mình hơn, điều mà sau đó cũng phần nào lý giải cách mà người khác xử sự với mình. Theo một cách nào đó, mình thành một người bạn thân hơn với chính mình. Và trên đời này, làm gì có ai theo ta từ lúc sinh ra đến đi tạm biệt cuộc đời này ngoài chính bản thân ta cơ chứ, nên cũng còn có ai khác đáng để hiểu và hiểu sâu hơn, là chính mình đây ?
P/S : 5s quảng cáo. Mình cũng review một ít sách khác nữa ở blog của mình nên nếu thích bạn có thể vào xem thử nhé. Link ĐÂY