‘’Loạn Y Lê’’ năm 1944 ở Tân Cương - Liên Xô khiến Quốc Dân Đảng thua trận trong Thế chiến 2 như thế nào? (Phần 2)
Lãnh đạo chính phủ và quân đội Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhị năm 1946. 2/ Liên Xô khởi loạn Y Lê năm 1944 *Sự chuẩn bị của...
2/ Liên Xô khởi loạn Y Lê năm 1944
*Sự chuẩn bị của Liên Xô và các lãnh đạo Tân Cương
Chúng ta cần nhắc lại một chút ở đây. Vùng Y Lê đang nói tới ngày nay thuộc là Châu tự trị Y Lê của dân tộc Kazakh, bên trong khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc (thực chất là kết hợp 2 khu Y Lê và Altay). Vùng Y Lê là một thung lũng nằm ở trung tâm Tân Cương, đất đai màu mỡ nhất của cả vùng, dân cư đông đúc. Tuy nhiên, hai dân tộc Duy Ngô Nhĩ và Hán không nhiều ở vùng Y Lê. Người Duy Ngô Nhĩ tập trung ở vùng bồn địa Tarim, còn người Hán sống nhiều hơn ở thành phố Dihua cách đó không xa. Do vậy, Y Lê trở thành nơi sống của các bộ tộc khác, nhiều nhất chính là người Kazakh. Do lối sống du mục điển hình, người Kazakh đã chiếm cho mình các vùng đồng cỏ màu mỡ ở Tân Cương là Y Lê và Altai, đánh đuổi các tộc người khác để độc chiếm 2 khu vực này. Cùng với đó, cũng cần nhớ lại, là ở vùng thung lũng Y Lê cũng là nơi di cư của hàng vạn quân Bạch vệ Nga trong những năm 1920 – những chiến binh thiện chiến sống bằng nghề đánh thuê, sẵn sàng phục vụ chính quyền Xô Viết.
Chính vì vậy mà khi lựa chọn địa điểm để khởi loạn chống quốc Dân Đảng, Liên Xô đã chọn vùng Y Lê này với những lợi thế lớn: dân đông, giàu có, nhiều người Nga, xa người Hán, địa thế dễ dàng mở rộng tiến công ra 2 phía Nam Bắc trong khi rất khó bị tấn công từ phía Đông – nơi Quân Tưởng đang nắm giữ.
Còn lý do Liên Xô quyết định khởi loạn thì có thể dễ đoán ra. Năm 1944, sau khi Thịnh Thế Tài chạy về phe Quốc Dân Đảng, Liên Xô bị mất một tay sai để thay họ kiểm soát Tân Cương. Khi tìm kiếm một lực lượng khác để giúp họ làm việc này, Liên Xô quyết định chọn người Duy Ngô Nhĩ – dân tộc lớn nhất vùng Tân Cương – hay Đông Turkestan theo cách gọi của Nga. Đáng chú ý ở đây là người Duy Ngô Nhĩ trước đây đã bị chính Liên Xô đàn áp. Cuộc nổi dậy đầu tiên của người Duy Ngô Nhĩ thành lập nhà nước ‘’Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhất’’ đã bị Liên Xô đập tan. Tuy nhiên, bất chấp sự đối đầu lúc trước, người Duy Ngô Nhĩ lần này đã đồng lòng theo Liên Xô chống Quốc Dân Đảng, với hy vọng sẽ được đảm bảo một nền độc lập lâu dài.
Để tăng cường thuyết phục người dân tộc khác theo mình, Liên Xô đã không trực tiếp bắt tay với người Duy Ngô Nhĩ hay các dân tộc khác trên lãnh thổ Tân Cương lúc đó. Họ dùng cách tung các lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh, Kyrgyz,… từ các nước Trung Á thuộc Liên Xô về Tân Cương. Đây là những người đã sống từ lâu ở Liên Xô, học tập và đào tạo ở Liên Xô, trung thành với Stalin và Liên Xô nhưng vẫn giữ liên hệ nhất định với vùng Tân Cương. Có thể kể tới ở đây một số nhân vật như:
– Ehmetjan Qasim: người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, sinh ra ở chính vùng Y Lê. Qasim là lãnh đạo cao nhất được dựng lên trong cuộc nổi loạn ở Y Lê này. Ông đã sống liên tục ở Liên Xô kể từ năm 1936, gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô và được coi là người trung thành tuyệt đối với lãnh tụ Stalin của Liên Xô. Ở Liên Xô, ông đổi họ mình thành Kasimov để ‘’giống người Nga’’. Có thể coi Ehmetjan Qasim là ‘’tổng thống’’ của chính quyền Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị sẽ được lập nên sau đó ở Tân Cương.
– Abdulkerim Abbas: được coi là nhân vật thứ 2 của chính quyền Tân Cương. Abbas cũng là người Duy Ngô Nhĩ như Ehmetjan Qasim nhưng giữa 2 ông có nhiều đối lập về thân thế. Trong khi Qasim sinh ra ở Tân Cương, Abbas sinh ra trong lãnh thổ Liên Xô, cụ thể là nước Kyrgyzstan. Tuy nhiên, sau đó Abdulkerim Abbas lại sinh sống thường xuyên ở Trung Quốc, và trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Abbas cũng được biết đến là một bậc thầy chiến tranh du kích trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, các chiến thuật của ông đã được giảng dạy khá nhiều trong quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa. Đặc biệt, Abbas được biết tới là lãnh đạo có sự cảm thông với người Hán. Vợ ông là một người Hán – Dương Phụng Nghi (杨凤仪) – người đã tự sát khi các cuộc tàn sát dân thường người Hán nổ ra.
– Ishaq Beg Munonov: người dân tộc Kyrgyz. Trước đây là tướng của Thịnh Thế Tài, nhưng khi Thịnh trở mặt theo Quốc Dân Đảng thì Munonov bị bắt giam. Sau đó ông được thả ra và theo quân Liên Xô khởi loạn Y Lê. Ông được coi là người có uy tín nhất trong cộng đồng người Kyrgyz ở Tân Cương lúc đó. Sự tham gia của ông với quân Liên Xô đã giúp Liên Xô có được sự ủng hộ đáng kể của dân tộc Kyrgyz – lúc đó có dân số đông ngang người Hán.
– Dalelkhan Sugirbayev: người dân tộc Kazakh. Gia tộc Dalelkhan vốn là gia tộc quyền thế lãnh đạo người Kazakh ở Tân Cương. Nhưng vào thời nội chiến Nga, quân Bạch vệ đã tràn vào Tân Cương. Quân Bạch vệ đã đánh nhau với người Kazakh của gia tộc Dalelkhan, giết chết cha của Dalelkhan và cướp mất vợ của ông. Chính vì vậy Dalelkhan Sugirbayev rất căm thù quân Bạch Vệ, ông đi theo trung thành với Hồng quân Liên Xô. Riêng với cộng đồng dân tộc Kazakh, ông lãnh đạo phái người Kazakh thân Liên Xô, đối lập với phái Kazakh chống Liên Xô của Osman Batyr – người sẽ được nói tới dưới đây. Tuy vậy, Dalelkhan Sugirbayev và Osman Batyr trên thực tế lại cùng huyết thống. Chính điều này khiến vấn đề người Kazakh ở Tân Cương trở nên phức tạp.
Hiện nay, gia tộc của Dalelkhan Sugirbayev vẫn có uy quyền rất lớn ở Tân Cương. Được biết, con trai của Dalelkhan Sugirbayev sau này trở thành tỉnh trưởng tỉnh tự trị Kazakh trong nước CHND Trung Hoa. Còn cháu trai ông, Tasken Sugirbayev, hiện nay là một ca sĩ người Kazakh nổi tiếng được yêu thích ở Trung Quốc.
– Osman Batyr: đây là một nhân vật đặc biệt, do ông không phải là người được Liên Xô dựng lên. Osman Batyr vốn là thủ lĩnh từ trước đó của người Kazakh ở Tân Cương. So với thủ lĩnh Kazakh khác là Dalelkhan Sugirbayev, Osman Batyr có uy tín thậm chí còn lớn hơn. Trong khi Sugirbayev đi theo Liên Xô, Osman Batyr tập hợp những người Kazakh từ Liên Xô tị nạn do nạn đói những năm 1930, thành lập những nhóm cướp vũ trang hàng vạn người. Những nhóm này sống bằng nghề đánh thuê, nhưng cũng thường xuyên cướp bóc người dân và gây rối chính quyền thân Liên Xô ở Tân Cương. Điều này khiến cộng đồng người Kazakh bị chia rẽ, giữa một bên ủng hộ Osman Batyr chống liên Xô và một bên ủng hộ Dalelkhan Sugirbayev thân Liên Xô. Tuy nhiên, trên thực tế Dalelkhan Sugirbayev và Osman Batyr có quan hệ huyết thống, dù không rõ thực tế chính xác nó là gì. Theo các ghi chép của dân tộc Kazakh, mẹ của Dalelkhan Sugirbayev đến từ bộ lạc của Osman Batyr, gọi Osman Batyr là cháu.
– La Trường Sinh (nhiều bí danh Lã Chí, Lạc Tử,…): và dĩ nhiên cũng không thể bỏ qua người Hán. La Trường Sinh, một người quê gốc Phật Sơn, Quảng Đông đã thoát ly làm cách mạng từ sớm, trốn sang Liên Xô và sau đó về Tân Cương. Là một người Cộng sản trung thành, ông may mắn thoát chết trong các cuộc khủng bố những người Cộng sản Trung Quốc của Thịnh Thế Tài những năm 1943-1944. Ông có nhiều bí danh hoạt động như Lạc Tử, Lã Chí,… Do lòng trung thành với Liên Xô, ủng hộ các chính quyền tay sai của Liên Xô gây nhiều hành động làm hại người Hán, La Trường Sinh từng bị người Hán ở Tân Cương nói riêng và người Trung Quốc nói chung gọi là ‘’Hán gian’’, phục vụ Liên Xô để chia tách Tân Cương khỏi Trung Quốc. Bất chấp điều đó, khi Liên Xô khởi loạn Y Lê, La Trường Sinh đã phục vụ bằng cách đi khắp các thành phố vận động người Hán quy thuận Liên Xô, chống lại Quốc Dân Đảng.
Để tạo sự thống nhất trong cuộc nổi dậy lớn, ngày 12/11/1944, các lãnh đạo trên họp nhau tuyên bố thành lập ‘’Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị’’ – tuyên bố kế thừa nhà nước Đông Turkestan đệ Nhất năm 1931, hiến đấu cho độc lập của Tân Cương khỏi Trung Hoa Dân Quốc dưới sự hỗ trợ của Liên Xô. Hình ảnh về sự thành lập chính phủ Cộng hòa Đông Turkestan có thể thấy ở đầu bài. Ngay sau đó, loạn Y Lê bùng nổ.
*Cuộc nổi loạn ở thành phố Y Ninh và thảm sát dân thường người Hán.
Tháng 11/1944, quân Tưởng đang bị Nhật đánh tơi tả ở miền Nam Trung Quốc. Tưởng phải điều bớt quân từ Tân Cương về cứu viện. Quân số ở Tân Cương của Quốc Dân Đảng giảm còn khoảng 10 vạn quân, gần như co cụm ở thành phố Dihua. Ở vùng Y Lê quân Quốc Dân đảng đóng ở thành phố Yining (Y Ninh), nơi có khoảng 8.000 người Hán. Các vùng khác gần như không kiểm soát được.
Sự kiện đầu tiên của cuộc nổi loạn diễn ra vào ngày 7/11/1944 tại huyện Y Ninh. Các phiến quân người Duy Ngô Nhĩ bất ngờ nổi dậy, bắt và chặt đầu viên tướng Quốc Dân Đảng tại Y Ninh. Điện tín của Cảnh sát trưởng Tào Nhật Linh (曹日灵)của Quốc Dân Đảng từ Y Lê báo về Dihua nói rằng ‘’quân nổi dậy đã trốn trong lãnh sự quán Liên Xô ở Y Ning, súng đạn đều của Liên Xô’’. Không lâu sau thì cảnh sát trưởng Tào tự sát.
Chỉ huy cuộc nổi dậy đầu tiên này được cho là các tướng Bạch vệ Nga, như Fyodor Ivanovich Leskin (người sau này trở thành tư lệnh quân đoàn 5 Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa), Fatih Muslimov (tướng Bạch vệ gốc Uzbek), Alexander Polinov và Glimkin (không rõ họ),… Thậm chí còn có tin tức cho thấy trùm mật vụ Beria của KGB đã đến thủ đô của nước Kazakhstan để theo dõi quân Liên Xô chiến đấu ở Tân Cương.
5 ngày sau, ‘’Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhị’’ được tuyên bố thành lập. Ngày 13/11 thì quân nổi dậy hoàn toàn chiếm được Y Ninh, sau khi quân Quốc Dân Đảng cố thủ trong đồn cảnh sát đầu hàng. Riêng tại sân bay Airambek ở Y Ninh quân Quốc Dân Đảng có súng máy và công sự vững chắc đã đẩy lùi được quân nổi dậy Duy Ngô Nhĩ. Sau đó, quân Liên Xô phải cho máy bay ném bom và cho lính dù nhảy xuống sân bay, đến tháng 1/1945 mới đánh bại được quân Quốc Dân Đảng.
Tiếp nối ngay sau sự sụp đổ của Y Ninh, là sự tàn sát trả thù nhằm vào dân thường người Hán diễn ra tràn lan. Quân nổi dậy Duy Ngô Nhĩ lẫn Nga mặc sức cướp bóc, bắn giết, hãm hiếp dân thường người Hán. Trước nổi loạn, dân số người Hán ở Tân Cương khoảng 8.000 người. Khi biến loạn xảy ra, khoảng 4.000 người Hán già trẻ bồng bế nhau lũ lượt chạy về sân bay Airambek, hy vọng máy bay Quốc Dân Đảng đến giải cứu. Nhưng sân bay bị quân Liên Xô bao vây, pháo kích suốt hai tháng. Sau nhiều lần phá vây bất thành, sân bay Airambek đã thất thủ, các tướng Quốc Dân Đảng giữ sân bay Đỗ Đức Phu (杜德孚) và Bành Tuấn Nghiệp (彭俊業)cùng hàng trăm lính Quốc Dân Đảng tự tử. Chỉ có 200 người sống sót. Số phận hàng nghìn người Hán kẹt ở sân bay Airambek không bao giờ rõ.
Số dân thường người Hán còn lại tuyệt vọng dìu dắt nhau chạy về phía Dihua, di tản cùng quân của tướng Trương Trì Trung (張治中). Trên đường di tản họ vẫn gặp quân nổi dậy tập kích, cướp bóc. Số người sống sót chạy về đến Dihua chỉ còn vài trăm người. Tướng Trương mô tả: “có nơi chỉ còn mấy chục phụ nữ già yếu và trẻ em. Trong số người Hán còn lại ở Y Ninh, phụ nữ già và trẻ em yếu chiếm đa số, còn lại già trẻ, gái trai đều bị giết’’. Số người chết trong các vụ thảm sát ở Y Ninh không bao giờ được thống kê chính xác, nhưng hầu hết 8.000 cư dân người Hán của Y Ninh đã đều đã biến mất sau cuộc nổi loạn. Điều may mắn còn lại, là hàng trăm trẻ em mồ côi của thành phố Y Ninh, sau đó đã được tướng Abdulkerim Abbas – một tướng người Duy Ngô Nhĩ cảm thông với người Hán, thu nhặt và mang về nuôi ở một trại tị nạn ở huyện Tân Xuân (huyện Kunes theo cách gọi của người Duy Ngô Nhĩ).
Ngày 5/1/1945, ở Y Ninh quân Cộng hòa Đông Turkestan ra tuyên bố ‘’quét sạch người Hán’’ để trả nợ máu. Quân nổi dậy Duy Ngô Nhĩ thường quan niệm người Hán và người Hồi (Hui) là ‘’kẻ thù nhân dân’’. Tuy vậy, trong khi thảm sát dã man người Hán, quân Đông Turkestan ít khi đụng đến người Hồi.
*Quân Turkestan mở rộng chiếm đóng.
Sau khi chiếm xong Y Ning, quân Đông Turkestan bắt đầu mở rộng các lãnh thổ chiếm đóng của mình. Do vùng thung lũng Y Lê trải theo hướng Bắc-Nam, việc hành quân qua phía Đông để chiếm Dihua – thành trì cuối cùng của Quốc Dân Đảng, trở thành một việc mạo hiểm. Do đó, quân Đông Turkestan quyết định chia ra đánh chiếm 2 hướng Nam Bắc, gọi là ‘’Bắc Lộ Quân’’ và ‘’Nam Lộ Quân’’. Tháng 8/1845, để chính quy hóa quân nổi dậy, họ thành lập “Quân đội quốc gia Y Lê’’ – lấy theo tên nơi thành lập quân đội. Viết tắt của nó là INA – Ili National Army (Ili là cách gọi tiếng Anh của Y Lê). Trên quân phục của mỗi binh sĩ quân đội quốc gia Y Lê đều thêu chữ tiếng Nga ‘’Восточная Туркестанская Республика’’ – tức là ‘’Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị’’. Để phân biệt thời đó, người dân Tân Cương gọi quân nổi dậy là ‘’quân Y Lê’’, còn quân đội quốc dân Đảng là ‘’quân Di Hoa (Dihua)’’.
-Bắc Lộ Quân của quân INA do tướng Ishaq Beg Munonov chỉ huy, kết hợp với một lực lượng lớn người Kazakh của gia tộc Dalelkhan Sugirbayev. Hỗ trợ cho họ là khoảng 5.000 quân Liên Xô và hàng vạn quân Bạch Vệ Nga vốn sinh sống ở phía Bắc thung lũng Y Lê. Từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1945, quân INA và quân Nga vượt qua thung lũng Y Lê, bắt đầu tỏa đi chiếm các thành phố ở miền Bắc Tân Cương. Các thành phố này có đặc điểm hầu hết là các thành phố thương mại của người Hán, nằm trên con đường tơ lụa xưa. Các thành phố quan trọng như Tháp Thành (Tacheng), Ngạch Mẫn (Emin), Dụ Dân (Yumin), Cáp Bá Hà (Habahe), Bố Nhĩ Tân (Burqin), Bác Lạc (Bole), Thạch Hà Tử (Shihezi), Khắp Lạp Mã Ỷ (Kamaray), Ngũ Gia Cừ (Wujiaqu), … trước sau đều rơi vào tay quân Y Lê. Trong các cuộc tiến công đó, quân Y Lê đã tiêu diệt 12 trung đoàn quân Quốc Dân Đảng, bắt hơn 6.000 tù binh. Các tướng cao cấp của Quốc Dân Đảng ở đây như Quách Kỳ (郭岐), Uyển Lăng Vân (宛凌云),…cũng bị bắt làm tù binh.
Cuối tháng 9 năm 1945, quân Y Lê sau bắt đầu hành quân sang phía Đông, uy hiếp thành trì Dihua của quân Quốc Dân Đảng. Quân nổi dậy đến bờ sông Manas, cách Dihua 2 ngày đi ngựa, nhưng không dám vượt sông. Lúc này ở chiến tranh Thế giới 2, quân Nhật đã đầu hàng. Quân Quốc Dân Đảng nhân việc đó tăng viện cho Dihua. Sư đoàn 46 của tướng Từ Nhữ Thành (徐汝誠), hành quân 3.000 cây số từ Chiết Giang lên Dihua tăng viện cho Dihua phòng thủ. Thậm chí tướng Quách Ký Kiệu (郭寄嶠) ở Thiểm Tây bất tuân lệnh, ngay sau khi tiếp nhận quân Nhật đầu hàng đã tự ý cho quân lên Tân Cương cứu Dihua. Ngày 13/9/1945, trong cuộc họp phân tích tình hình ở Tân Cương, các tướng Ngô Trung Thân (吴忠信), Chu Thiệu Lương (朱紹良), và Quách Ký Kiệu thông báo ngắn gọn với Tưởng Giới Thạch tình hình bi quan: ‘’Quân nổi loạn cách Dihua 2 ngày. Dihua còn 6 tiểu đoàn để phòng ngự. Quân tiếp viện ở Thanh Hải cách 8 ngày, ở Lan Châu cách 10 ngày’’ nhưng họ vẫn tin tưởng quân Quốc Dân Đảng sẽ giữ được Dihua.
Tuy nhiên, quân Y Lê gặp phải một vấn đề nội bộ. Trong các khu vực họ chiếm được, thiếu mất một khu vực rất quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất ở Bắc Tân Cương – Altay. Altay là vùng đồng cỏ rộng lớn, tiếp giáp vùng Y Lê ở phía Bắc, là 2 vùng đồng cỏ màu mỡ nhất Tân Cương. Altay thời đó là độc chiếm của dân tộc Kazakh. Chỉ có điều, người Kazakh ở Altay không phải lực lượng trung thành với Liên Xô của Dalelkhan Sugirbayev, mà là lực lượng của Osman Batyr – người không muốn phụ thuộc Liên Xô. Thực tế là cùng với lúc Liên Xô khởi loạn ở Y Lê, Osman Batyr cũng tự mình thực hiện một chiến dịch quân sự của mình, đuổi quân Quốc Dân Đảng khỏi Altay để độc chiếm nó cho người Kazakh. Khi quân của Cộng hòa Đông Turkestan tiến lên phía Bắc, họ đụng quân của Osman Batyr ở Altay. Do cùng là người Kazakh, họ đã tránh bắn súng vào nhau, mà chọn cách đàm phán. Ban đầu Osman Batyr đồng ý hợp tác, chịu sáp nhập vào Đông Turkestan và được Liên Xô phong làm ‘’Thống đốc vùng Altay’’. Tuy nhiên sau đó Osman Batyr đã tự phá bỏ sự hợp tác, tự tuyên bố ‘’trung lập’’, nhưng thực ra là quay sang hợp tác với Quốc Dân Đảng. Osman Batyr không muốn cho Liên Xô ‘’cộng sản hóa’’ đồng bào Kazakh của ông, nên đã từ chối cho họ tiến vào vùng Altay. Điều này được Quốc Dân Đảng hoan nghênh, và họ liên hệ với Osman Batyr. Theo đó, Quốc Dân Đảng hứa hẹn nếu Osman giúp họ chống Liên Xô và Mông Cổ, sẽ ban cho ông vùng Altay vĩnh viễn để trở thành lãnh địa riêng của dân tộc Kazakh. Osman đồng ý, từ đó quay sang hợp tác với quân Tưởng Giới Thạch chống Liên Xô.
-Nam Lộ Quân của quân Đông Turkestan do tướng Abdulkerim Abbas chỉ huy, Đặc biệt, tướng Abdulkerim Abbas là một người rất phản đối việc giết hại người Hán. Khi tiến quân vào các thành phố, ông đã ra lệnh cho các dân thường người Hán di tản, cộng với những trẻ em mồ côi gom nhặt ở thành phố Y Ninh, dồn vào một trại tị nạn ở quận Tân Xuân (lúc đó gọi là quận Kunes). Lý do là vì khi bạo loạn nổ ra, vợ của tướng Abbas là Dương Phụng Nghi đã tự sát ở Y Ninh. Cái chết của vợ khiến Abbas rất đau lòng, và vì thế đã ra lệnh cho quân Y Lê không được tàn sát dân thường người Hán.
Khác với các thành phố phía Bắc, các thành phố phía Nam Tân Cương hẻo lánh hơn, và cư dân chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ vốn ủng hộ nổi dậy nên không cần thiết phải tiến quân chiếm giữ. Các thành phố lớn nhất như Khách Thập (Kashgar), Hòa Điền (Hetian), Thổ Lỗ Phiên (Turpan), Đồ Mộc Thư (Tumxuk), … đều do người Duy Ngô Nhĩ tự nổi dậy chiếm. Tuy nhiên, vẫn có một số thành phố có quân Quốc Dân Đảng và các đội quân bộ lạc trung thành với họ nắm giữ. Đây là các mục tiêu cuộc Nam Tiến của quân Y Lê.
Trong các thành phố này, quan trọng nhất và khó khăn nhất là thành phố Á Khắc Tô (Aksu). Quân của Abdulkerim Abbas đã tấn công và bao vây thành phố 2 lần. Cả 2 đều bị tướng Quốc Dân Đảng là Triệu Hán Cơ (赵汉奇) đánh lùi, thương vong lớn. Trong lần bao vây thứ nhất, họ bị quân của Triệu Hán Cơ phá vây, bắt được nhiều tù binh quan trọng, trong đó có Siyiti Abbas, anh trai của Abdulkerim Abbas. Ngày 13/9/1945, quân Quốc Dân Đảng ở Aksu đã xử tử công khai Siyiti Abbas và nhiều chỉ huy khác của quân Y Lê để đe dọa người dân. Trận chiến bế tắc đến mức quân Liên Xô phải cử cố vấn Nasyrov và mang thêm quân người Kyrgyz của tướng Elihan Tore từ Bắc Lộ Quân xuống chi viện vẫn không thắng được. Cuối cùng đến tháng 10/1945 quân Y Lê phải rút khỏi Aksu, biến nó trở thành thành phố duy nhất mà quân Quốc Dân Đảng phòng thủ thành công trước quân nổi dậy Đông Turkestan.
Ở các thành phố khác, quân Y Lê đa phần chiếm được dễ dàng. Quân của Abbas vượt được qua dãy Thiên Sơn, tiến vào vùng bồn địa Tarim của người Duy Ngô Nhĩ và được chào đón. Các thánh phố Bái Thành (Baicheng), Ôn Túc (Wensu),… cũng thất thủ. Mặt trận phía Nam Tân Cương coi như đánh bại quân Quốc Dân Đảng.
Tuy nhiên, vấn đề lại phát sinh khi tiến sâu hơn xuống phía Nam. Lý do là càng tiến sâu về phía Nam, nghĩa là càng tiến gần dãy núi Côn Luân, họ càng gần với vùng cư trú của dân tộc Tajik, Kyrgyz,… Người Tajik ở dãy Côn Luân vốn khép kín, tránh mặt các dân tộc khác. Tuy nhiên, khi tiến quân qua vùng của người Tajik, quân Y Lê người Duy Ngô Nhĩ không hiểu vì đâu đã có nhiều hành động phá hoại mùa màng, lều trại, gia súc,… của người Tajik. Chính điều này đã gây ra sự phẫn nộ của người Tajik, Kyrgyz và họ đã quyết đứng dậy chống lại quân Y Lê. Vào tháng 9 năm 1945, khi mà mặt trận phía Nam của quân Y Lê tưởng chừng đã dẹp xong Quốc Dân Đảng, thì họ bất ngờ bị người Tajik nổi dậy tấn công. Quân Quốc Dân Đảng nhân cơ hội đã phối hợp cùng người Tajik nổi lên chống lại quân Y Lê và các cố vấn Liên Xô của họ. Tháng 9 năm 1945, người Tajik cùng quân Quốc Dân Đảng tấn công quân Y Lê tại thành phố Yarkand và gần dãy núi Sarikol, giết nhiều quân Y Lê và cố vấn Liên Xô. Điều này làm Liên Xô và chính quyền Cộng hòa Đông Turkestan rất lo ngại, phải ngay lập tức ra lệnh cho quân Y Lê tránh xa vùng của người Tajik ở Nam Tân Cương. Và từ đó, các vùng này trở thành ổ kháng cự của quân Quốc Dân Đảng, thường xuyên quấy phá lãnh thổ Cộng hòa Đông Turkestan.
*Mặt trận biên giới Mông Cổ (từ năm 1944 đến 1949)
Để hỗ trợ cho cuộc nổi dậy ở Tân Cương, Liên Xô còn thúc ép Mông Cổ mở một mặt trận nữa ở phía Bắc. Mục tiêu chính của nó là quấy rối biên giới phía Bắc Trung Quốc để thu hút lực lượng Quốc Dân Đảng, chứ khó có ý định chiếm giữ do quân số ít ỏi của Mông Cổ lúc đó (quân đội Mông Cổ chỉ có 30.000 quân).
Để thực hiện kế hoạch này, từ năm 1944, quân Mông Cổ nhiều lần xâm nhập, quấy phá biên giới phía Bắc Trung Hoa. Mục đích của họ là muốn kéo bớt lực lượng Quốc Dân Đảng lên biên giới. Tình thế lúc đó của quân Quốc Dân Đảng thực sự khó khăn. Trấn giữ biên giới Mông Cổ lúc đó là một lực lượng hỗn tạp người Hán và Hồi do tướng Mã Hy Trân (馬希珍) người Hồi chỉ huy. Lực lượng của họ có hơn 1.000 lính, trang bị chỉ có súng trường và vài súng máy, phải canh giữ biên giới dài hàng trăm km giữa Mông Cổ và Tân Cương. Nhưng họ cũng kịp xây một vài pháo đài trên những cao điểm quan trọng, giúp sức đáng kể cho việc phòng thủ. Quan trọng nhất trong số đó là cao điểm Bắc Tháp Sơn (Beitashan) một ngọn núi tranh chấp mà Mông Cổ gọi là Núi Baitag (Baitag Bogd).
Đầu năm 1945, khi quân Mông Cổ gia tăng các hoạt động quấy phá biên giới, quân Quốc Dân Đảng chỉ có thể tăng viện thêm đúng một đại đội do tướng Hàn Hữu Văn (韩有文) chỉ huy lên Bắc Tháp Sơn. Nhưng, Tưởng Giới Thạch quyết định dùng một đòn khác: đòn ngoại giao. Cụ thể, khi Hàn Hữu Văn đưa quân lên biên giới, ông cũng cho một đoàn phóng viên quốc tế đi theo. Các phóng viên phương Tây theo chân quân Tưởng lên Bắc Tháp Sơn, hàng ngày cập nhật tình hình, viết bài gửi về. Điều này khiến quân Mông Cổ không dám động binh mạnh do sợ bị tố cáo trước quốc tế. Do đó, đòn ngoại giao cực hiểm của Tưởng Giới Thạch đã giữ biên giới phía Bắc của Tân Cương với Mông Cổ yên được ít nhất là tới năm 1946.
Sang năm 1947 (tiết lộ trước là loạn Y Lê lúc này đã lắng xuống), kế hoạch quấy rối biên giới của Mông Cổ gây tác dụng ngược. Lúc này, Quốc Dân Đảng đã thuyết phục được lực lượng người Kazakh của tướng Osman Batyr phục vụ cho mình, vì vậy Osman Batyr đã đồng ý giúp quân Quốc Dân Đảng trấn thủ biên giới phía Bắc chống quân Mông Cổ. Thế là các toán quân vũ trang Kazakh của Osman Batyr được quyền tuần tra biên giới Mông Cổ, khiến Mông Cổ không dám qua xâm nhập biên giới Trung Hoa nữa. Khi tình hình loạn Y Lê dịu đi, quân Tưởng Giới Thạch có điều kiện bổ sung quân cho biên giới Mông Cổ, hàng nghìn quân cả Hán lẫn Hồi được đưa lên biên cương. Lúc này, quân số của Trung Quốc lên đến hàng vạn người, áp đảo hoàn toàn Mông Cổ, khiến Mông Cổ nơm nớp nỗi sợ bị tấn công.
Về sau, từ chỗ là người đi phá rối, quân Mông Cổ trở thành người lo sợ bị phá rối. Các toán cướp vũ trang người Kazakh của Osman Batyr, dựa vào quân số đông, liên tục tràn qua biên giới Mông Cổ, tập kích giết hại binh lính và dân thường Mông Cổ, cũng như cướp bóc tài sản, gia súc mang về. Lính biên phòng Mông Cổ bị áp đảo không thể ngăn chặn, đành phải cầu cứu Liên Xô. Lúc này, Liên Xô thấy tình hình nguy cấp, phải cho máy bay và pháo binh đến biên giới Mông Cổ giúp chống quân Kazakh và Quốc Dân Đảng. Do đó, từ năm 1947 tình hình biên giới Mông Cổ từ chỗ yên ả, trở nên căng như dây đàn. Hai bên cũng triển khai binh lính, vũ khí rải đều biên giới, sẵn sàng nổ súng bất cứ lúc nào. Các phóng viên quốc tế buộc phải di tản, chỉ còn một số phóng viên Mỹ ở lại cập nhật tình hình. Một trong số đó là Douglas Mackiernan, nhân viên tình báo CIA làm việc dưới vỏ bọc phóng viên, sau này trở thành nhân viên CIA tử nạn đầu tiên tại châu Á.
Tháng 6 năm 1947, quân Quốc Dân Đảng vài lần tập kích lính Mông Cổ xâm nhập biên giới, thu được quần áo, vũ khí, tài liệu Liên Xô. Các phóng viên Mỹ đã ghi lại những bằng chứng này, mang ra tố cáo Liên Xô và Mông Cổ trước quốc tế. Không chịu thua, cũng năm đó hãng thông tấn TASS của Liên Xô trình ra trước Liên Hợp Quốc những hình ảnh dân thường và binh lính Mông Cổ bị giết hại, thi thể bị cắt xẻo dã man. Họ tố cáo chính lính Kazakh và Quốc Dân Đảng đã xâm nhập qua biên giới để giết người Mông Cổ. Dĩ nhiên là cả 2 bên đều đúng, 2 phe đều xâm nhập lẫn nhau và giết người của nhau.
Không lâu sau đó, cuộc ‘’khẩu chiến’’ trên trường quốc tế im lặng nhường chỗ cho tiếng súng thực sự nổ ra trên chiến trường. Từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1947, với quyết tâm ‘’giải quyết sự việc bằng súng đạn’’, quân Mông Cổ và Liên Xô mở cuộc tấn công quân sự lớn nhằm tiêu diệt phòng tuyến Bắc Tháp Sơn của Quân Quốc Dân Đảng. Suốt 2 tháng trời, quân Liên Xô cho máy bay ném bom và pháo kích dữ dội lên Bắc Tháp Sơn, giúp bộ binh Mông Cổ chiếm pháo đài. Nhưng quân Quốc Dân Đảng đã chiến đấu kiên cường. Họ xây chiến nào bằng đá vây quanh Bắc Tháp Sơn, chiến đấu dũng cảm đẩy lùi từng đợt tấn công của quân Mông Cổ. Có những trận chiến hết đạn kết thúc bằng việc ném đá hay thậm chí là giáp lá cà của binh sĩ 2 bên vào nhau. Hỗ trợ quân Quốc Dân Đảng, các nhóm quân người Kazakh của Osman Batyr nhiều lần đột nhập sau lưng căn cứ của quân Mông Cổ, thảm sát binh sĩ, y tá, cố vấn của quân Liên Xô và Mông Cổ, buộc họ phải rút lui.
Trận chiến ác liệt trên núi Bắc Tháp Sơn được cập nhật hàng ngày trên các báo lớn của thế giới như tạp chí TIMES, AP, TASS,… Đa phần đều cho thấy quân Trung Hoa kiên cường chống lại Liên Xô và Mông Cổ với vũ khí hiện đại hơn. Tuy nhiên, đến tháng 10/1947 thì quân Quốc Dân Đảng thực sự kiệt sức. Hết đạn được, họ buộc phải rút khỏi Bắc Tháp Sơn. Tuy nhiên, quân Mông Cổ cũng không dám chiếm lâu dài ngọn núi này, do sợ bị Trung Quốc phản công. Quân Mông Cổ chỉ dám bắn pháo sập pháo đài của quân Trung Quốc rồi cho quân lui về, pháo kích thường xuyên lên núi để quân Trung Quốc không trở lại. Bắc Tháp Sơn từ đó không còn ý nghĩa phòng thủ, không còn là mục tiêu tranh chấp giữa 2 bên nữa. Sau này khi Trung Hoa Dân Quốc sụp đổ, ngọn núi vẫn được giữ lại lãnh thổ Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tóm lại, trong trận Bắc Tháp Sơn, quân Liên Xô và Mông Cổ giành thắng lợi chiến thuật, phá được pháo đài phòng ngự của Trung Quốc, nhưng thắng lợi chiến lược thuộc về quân Quốc Dân Đảng, với việc giữ ngọn núi ở lại lãnh thổ Trung Hoa.
Ngày nay, trên núi Bắc Tháp Sơn dù pháo đài đã bị phá sập nhưng vẫn còn lại những chiến nào bằng đá trải dài mà quân Quốc Dân Đảng đã đào để trấn giữ ngọn núi, nhắc nhở về những trận chiến ác liệt năm xưa để giữ gìn lãnh thổ. Do đó, dù là trận chiến của quân Quốc Dân Đảng, núi Bắc Tháp Sơn hiện nay vẫn được chính quyền và người dân Trung Quốc coi là ”địa chỉ Đỏ” về công cuộc trấn giữ biên cương của người Trung Hoa.
Sau trận Bắc Tháp Sơn, không có nhiều cuộc giao tranh lớn giữa 2 bên. Tuy nhiên, một trận chiến lớn và nổi tiếng đã bất ngờ nổ ra vào tháng 7 năm 1948 – đi vào lịch sử Mông Cổ như một bản anh hùng ca lớn nhất thời hiện đại. Ngày 8/7/1948, 10 lính biên phòng Mông Cổ gần núi Baitag (chính là ngọn Bắc Tháp Sơn theo cách gọi Trung Quốc) phát hiện hơn 700 lính vũ trang Kazakh xâm nhập biên giới Mông Cổ. Không kịp gọi cứu viện, 10 lính Mông Cổ đã tự nổ súng, tấn công lính Kazakh xâm nhập. Trận chiến không cân sức đã diễn ra, nhưng điều thần kỳ là 10 lính Mông Cổ đã chặn được hàng trăm lính Kazakh và Quốc Dân Đảng xâm phạm lãnh thổ. Hàng trăm lính của Trung Quốc bị tiêu diệt, buộc phải quay về biên giới. Trong khi đó Mông Cổ có 6 người hy sinh, 3 người bị thương nặng, nhưng đã bảo vệ được biên giới của mình. Câu chuyện về 10 lính Mông Cổ đối đầu hàng trăm lính Trung Quốc đã trở thành câu chuyện anh hùng nổi tiếng nhất thời hiện đại, được giảng dạy rộng rãi cho thanh thiếu niên Mông Cổ ngày nay.
Mặt trận biên giới Mông Cổ chỉ coi như chấm dứt sau khi Trung Hoa Dân Quốc sụp đổ trong nội chiến Trung Hoa. Với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, Mông Cổ được Liên Xô đảm bảo về độc lập, nhưng các tranh chấp về biên giới được giải quyết theo cách có lợi cho Trung Quốc hơn.
*Quân Hồi tăng viện – loạn Y Lê kết thúc.
Năm 1945, với sự kết thúc của chiến tranh thế giới thứ 2, quân Quốc Dân Đảng có điều kiện hơn để tăng viện cho Tân Cương chống lại quân Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhị. Tuy nhiên, trong khi còn phải đối phó với quân Cộng sản Trung Quốc ở đại lục, Tưởng Giới Thạch đã nhận được yêu cầu hấp dẫn đến từ những lãnh chúa người Hồi trung thành với ông. Cụ thể, khi thấy quân nổi loạn Duy Ngô Nhĩ tiến công mạnh uy hiếp Dihua, bao vây quân Quốc Dân Đảng, các lãnh chúa người Hồi ở các tỉnh Cam Túc, Thanh Hải và Ninh Hạ nghĩ rằng người Duy Ngô Nhĩ cũng là mối đe dọa với họ. Bởi lẽ trước kia người Hồi cũng thường tiến vào Tân Cương, tấn công các chính quyền Tân Cương, giết chóc, cướp phá,… Lo ngại bị trả thù nếu quân Duy Ngô Nhĩ chiếm được Tân Cương, các lãnh chúa người Hồi đã quyết định phải giúp quân Quốc Dân Đảng giữ được Dihua và Tân Cương mới mong được yên ổn.
Thực hiện điều này, năm 1945 tướng giỏi nhất của người Hồi – Mã Bộ Phương (馬步芳) dẫn theo lực lượng kỵ binh tinh nhuệ nhất của người Hồi từ Lan Châu (Cam Túc) lên Dihua chi viện cho Quốc Dân Đảng. Tiếp sau đó, thêm 4 sư đoàn người Hồi với hơn 100.000 quân cũng từ Thanh Hải hành quân lên Tân Cương, chỉ huy bởi Mã Trình Tường (马呈祥) là cháu trai của Mã Bộ Phương. Với lực lượng đông đảo được bổ sung, cuối năm 1945 đầu năm 1946 quân Quốc Dân Đảng ở Tân Cương đã có lực lượng ngang ngửa quân Y Lê nổi dậy. Lúc này, họ không phải lo việc giữ thủ phủ Dihua nữa mà còn tính chuyện chiếm lại đất đai đã mấy vào tay quân nổi dậy.
Bị choáng ngợp bởi lực lượng tiếp viện khủng khiếp của quân Hồi, việc lực lượng Kazakh của Osman Batyr trở súng về phía Quốc Dân Đảng, thế chiến 2 kết thúc, Liên Xô và Trung Hoa Dân quốc bắt đầu đàm phán,… cộng dồn các lý do khiến các lãnh đạo Cộng hòa Đông Turkestan nhận thấy rằng họ không có cơ hội chiến thắng lúc đó thậm chí có thể bị phản công thua ngược. Để ngăn chặn điều đó, các lãnh đạo chính phủ Tân Cương đã quyết định phải đàm phán ngừng bắn với quân Quốc Dân Đảng, giữ vững các lãnh thổ đang chiếm được và chấp nhận nhường các lãnh thổ còn lại cho Quốc Dân Đảng cùng các nhượng bộ khác.
Tháng 10 năm 1945, chính phủ Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị và chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đồng ý đàm phán với nhau ở Dihua. Lúc này quân Y Lê đã rút lui, thành phố được giải vây. Chính phủ Tân Cương cử lãnh đạo cao nhất của mình là Ehmetjan Qasim đến Dihua đàm phán. Tuy nhiên, Tưởng Giới Thạch tự mãn, cho mình là giành chiến thắng trước quân ly khai nên đã không đến dự. Tưởng chỉ cử tướng Trương Trì Trung (張治中) – người đã bị quân nổi dậy đánh đuổi khỏi Y Lê trước kia – đến Dihua để đàm phán. Tưởng coi việc sử dụng một bại tướng để đi đàm phán là một cách hạ nhục đối phương.
Cuộc đàm phán lớn diễn ra hơn nửa năm, với gần 30 cuộc đàm phán nhỏ giữa 2 bên. Đến tháng 4 năm 1946, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Đông Turkestan đã đạt hiệp định hòa bình cơ bản, với những nhượng bộ đáng kể của Cộng hòa Đông Turkestan. Cụ thể, chính phủ Cộng hòa Đông Turkestan phải chấp nhận thành lập một chính phủ liên minh với Quốc Dân Đảng, do tướng Trương Trì Trung của Quốc Dân Đảng làm chủ tịch, lãnh đạo Tân Cương Ehmetjan Qasim chỉ được làm phó chủ tịch. Các nhân vật ủng hộ chủ nghĩa ly khai và ‘’chủ nghĩa Đại Turk’’ trong chính phủ Tân Cương bị Quốc Dân Đảng ép phải loại bỏ. Lãnh đạo cao cấp khác của Tân Cương khác là Abdulkerim Abbas phải tham dự Quốc Hội của Trung Hoa Dân Quốc ở Nam Kinh với tư cách là đại biểu của ‘’Tỉnh Tân Cương’’, hàm ý Tân Cương vẫn thuộc lãnh thổ Trung Hoa Dân Quốc. Quân Y Lê phải rút khỏi các thành phố đang bao vây, phải cho người Hán đi lại giữa các thành phố, cố vấn Liên Xô phải từng bước rút về nước,…
Tuy vậy, trên thực tế Cộng hòa Đông Turkestan đệ Nhị vẫn xây dựng được cho mình chính quyền độc lập ở hầu hết lãnh thổ. Trong hiệp định với Quốc Dân Đảng có quy định lãnh thổ chiếm giữ của các bên không thay đổi, nghĩa là Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhị vẫn nắm giữ hầu hết lãnh thổ Tân Cương, ngoại trừ thủ phủ Dihua và các vùng phía Đông bị Quốc Dân Đảng kiểm soát. Tại các vùng này, chính quyền Tân Cương đã xây dựng hệ thống chính quyền độc lập, không sao chép rập khuôn của Liên Xô. Các đặc quyền được dành cho người Duy Ngô Nhĩ nhiều hơn trong khi cố gắng duy trì sự bình đẳng giữa các dân tộc khác. Ở các vùng chiếm đóng đó, họ phát hành và lưu thông tiền của ‘’Ngân hàng quốc gia Đông Turkestan’’. Sự độc lập đó của chính quyền Cộng hòa Đông Turkestan đệ nhị được duy trì đến tận khi nó sụp đổ năm 1949, và cho đến nay vẫn là nhà nước cao nhất mà người Duy Ngô Nhĩ đạt được trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của mình.
Với việc ký kết lệnh ngừng bắn với Quốc Dân Đảng năm 1946, sự kiện Loạn Y Lê nổ ra năm 1944 coi như đã tới hồi kết, mặc dù nhiều người coi nó vẫn diễn ra với những xung đột lẻ tẻ cho đến hết năm 1949. Tuy nhiên, theo quan điểm phổ biến, hiệp định Hòa bình tháng 4 năm 1946 và sự thành lập chính phủ Liên minh giữa Quốc Dân Đảng và Cộng hòa Đông Turkestan đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ bạo lực ở Tân Cương, mở ra thời kỳ hòa hoãn nhưng vẫn tồn tại xung đột âm ỉ giữa chính quyền Quốc Dân Đảng và Cộng hòa Đông Turkestan, giữa các dân tộc với nhau, giữa Liên Xô và Trung Quốc và nhiều xung đột khác.
(Hết phần 2)
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất