Marko Ahtisaari đang nỗ lực chữa Chứng phụ thuộc thuốc giảm đau opioid (1) bằng cách nhờ âm nhạc để tạo ra sự hưng phấn tự nhiên cho cơ thể. Những độc giả quan tâm và muốn đóng góp cho nghiên cứu có thể tham gia thí nghiệm âm nhạc AI miễn phí thông qua điện thoại.


Tháng 9/2013, Marko Ahtisaari từ bỏ vị trí Giám đốc thiết kế sản phẩm tại Nokia. Đó là khi công ty này vừa được sáp nhập vào Microsoft. Và Ahtisaari, con trai của một cựu tổng thống Phần Lan, nhận ra rằng đã đến thời điểm tìm kiếm đế chế khởi nghiệp tiếp theo của riêng mình. Anh gia nhập MIT Media Lab không lâu sau đó, và được Giám đốc trung tâm giới thiệu cho Ketki Karanam, một nhà sinh học đang thực hiện nghiên cứu về cách âm nhạc tác động đến bộ não con người. Một cách tự nhiên, Ahtisaari trở nên hứng thú với nghiên cứu ấy, bởi lẽ, anh đã chơi violin từ nhỏ và từng theo học ngành Sáng tác âm nhạc tại Đại học Columbia. “Tôi từng là một phần của the New York scence”, Ahtisaari chia sẻ, “Sau  này tôi rời nhóm để theo đuổi công việc thiết kế sản phẩm rồi trở thành một doanh nhân. Tôi gần như không chơi nhạc trong suốt 15 năm qua. Một vài người bạn của tôi hiện đang hợp tác với Thom Yorke và Red Hot Chili Peppers."

Dựa trên các nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh (2)Karanam cho Ahtisaari thấy ngày càng nhiều các chứng cứ về những gì xảy ra với bộ não khi được tiếp xúc với âm nhạc . “Nó được kích thích trên diện rộng”, Ahtisaari nói, “Không chỉ ở phần vỏ não thính giác, những gì xảy ra thực giống hệt như khi ta dùng chất kích thích tâm lý. Nói cách khác, là khi ta dùng ma túy."

Đối với Ahtisaari, điều này chỉ ra rằng âm nhạc, ít nhất là về mặt lý thuyết, có thể bổ trợ hoặc thậm chí là thay thế thuốc trong việc tác động lên hệ thần kinh của chúng ta. Ví dụ, một nghiên cứu cho rằng các bệnh nhân mắc chứng Parkinson sẽ cải thiện được dáng đi khi nghe một bài hát với giai điệu hợp lý.

Một nghiên cứu lâm sàng khác cho thấy âm nhạc có thể được dùng để giảm đau cho các bệnh nhân bị thoát vị sau phẫu thuật (Nilsson, U., Unosson, M., & Rawal, N. 2005). Một nhóm bệnh nhân đã được tiếp xúc với âm nhạc trong vòng một giờ, song song với quá trình chăm sóc hậu phẫu đạt tiêu chuẩn và được cho phép tự sử dụng morphine.

“Nhóm được nghe nhạc chỉ sử dụng 1/3 lượng morphine so với nhóm phải kiềm chế cơn đau mà không có âm nhạc”, Ahtisaari chia sẻ. “Được biết về bệnh dịch opioid mà chúng ta đang phải đối mặt, và nhất là việc chúng phát sinh thế nào sau phẫu thuật, tôi cho rằng mọi người đều nên nghe nhạc trong quá trình phục hồi hậu phẫu.”

Với Ahtisaari, việc dùng âm nhạc để chữa bệnh dường như là một ý tưởng rất nghiêm túc. Trong mùa hè năm 2015, cùng với Karanam và Yadid Ayzenberg (nghiên cứu sinh tại MIT Media Lab), anh đã khởi động dự án Sync để hiện thực hóa điều này.

Ahtisaari nhớ lại, “Một trong những công việc đầu tiên chúng tôi làm là gặp gỡ các nhà khoa học và nhạc sĩ hàng đầu để tham khảo ở họ cách xúc tiến ý tưởng.” Họ hợp tác với một nhóm trí thức đa dạng mà hiện nay đã trở thành các thành viên Ban giám sát ý tưởng,  từ nhà thần kinh học Adam Gazzaley đến nhạc sĩ Peter Gabriel và St.Vincent. “Nhóm cố vấn trả lời chúng tôi rằng cần nghiên cứu con người khi họ đang thật sự nghe nhạc, trong đời sống thường nhật, chứ không phải trong phòng thí nghiệm."

Dự án Sync hiện đang phân tích hơn 10 triệu playlist trên Spotify có chứa các từ khóa nhất định liên quan đến sức khỏe (ví dụ như “thư giãn”) để hệ thống hóa các đặc điểm thể loại âm nhạc – nhịp độ, nhịp nổi, âm sắc – mà mọi người vẫn chơi. Họ cũng phát triển một Slack bot (3) mà mỗi sáng gửi đi các playlist cá nhân đến hơn 400 đội trên toàn thế giới. “Playlist được cá nhân hóa để bạn thực sự bị cuốn vào âm nhạc,” Ahtisaari nói, “Chúng tôi lấy các tỉ lệ và phản ứng từ người dùng, sau đó việc phân loại được đưa vào vòng hồi tiếp” (4). Trong một số trường hợp, Sync cũng thu thập dữ liệu cảm biến sinh trắc học, ví dụ như nhịp tim từ người dùng để xem xét sự tương quan giữa sinh lý con người và âm nhạc. “Cuối cùng, chúng tôi sẽ áp dụng mô hình tự động hóa phân tích dữ liệu vào việc trị liệu âm nhạc cá nhân để tạo ra các tác động nhất định đến sức khỏe”, Ahtisaari nói.

Trong vòng 20 năm tới, chúng ta sẽ thấy thật là ngu ngốc và lạc hậu khi không dùng âm nhạc và âm thanh nói chung như một nhân tố quan trọng để chăm sóc sức khỏe, không chỉ trong cuộc sống thường ngày mà còn trong các quá trình trị liệu y học bổ sung."

Một loại trị liệu âm nhạc khác trong hình dung của Ahtisaari là trị liệu xoay quanh âm nhạc tạo sinh (5). Ngày 1/3 vừa rồi, dự án Sync vừa quyết định hợp tác với một ban nhạc điện tử của Anh – Marconi Union -nhóm trong năm 2011 vừa ra đĩa đơn “Weightless” với thành công vang dội và được nhiều người công nhận là bài hát có giai điệu thư thái nhất.

“Trải nghiệm cùng Marconi Union đã cho tôi thấy một thể loại âm nhạc mới”, Ahtisaari nói. “Về cơ bản, đó là âm nhạc trí tuệ nhân tạo được điều chỉnh theo nhịp tim của bạn. Với dữ liệu đầu vào ấy, phần mềm Unwind sẽ tạo ra một bản nhạc dành riêng cho bạn để thư giãn trước khi đi ngủ. "

Gần đây, Marko Ahtisaari đã bắt đầu tìm về một trong những thú vui ngày xưa của anh. Anh chia sẻ:“Tôi đã đọc nhiều chứng cứ về những tác động sinh lý của âm nhạc đến mức giờ đây tôi phải tự nhủ rằng: ‘Nếu không bắt đầu chơi nhạc lại thì mình làm sao có thể điều hành tốt dự án được chứ? ” Ban nhạc mới do anh thành lập vào năm 2015 mang tên Construction. Album đầu tay của họ dự định sẽ ra mắt vào mùa hè tới.

Trước thềm Hội nghị sức khỏe của WIRED tại London năm nay, dự án Sync đã có thông báo chính thức về thí nghiệm âm nhạc trí tuệ nhân tạo nhằm cải thiện giấc ngủ. Bất kì ai có hứng thú với việc sử dụng âm nhạc để thư giãn và có giấc ngủ hiệu quả hơn có thể tham gia miễn phí thông qua điện thoại tại trang unwind.syncproject.co.

Ghi chú:

(1): Thuốc giảm đau opioid: Nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp,  bao gồm các loại thuốc phiện (opiat), các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, bao gồm cả morphin.

(2): Nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh (imaging studies): Công nghệ sử dụng tia X, sóng siêu âm, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính,… để thể hiện cấu trúc cơ thể con người bằng hình ảnh, nhằm phục vụ công tác chữa bệnh hoặc nghiên cứu lâm sàng.

(3): Slack bot: Công cụ liên lạc tự động được phát triển trên phần mềm chat mang tên Slack.

(4): Hồi tiếp: Một phương pháp lấy tín hiệu ngõ ra của một hệ thống nào đó, và đưa ngược trở lại đầu vào của chính nó, để góp phần thay đổi, không chế hoặc điều khiển đầu vào.

(5): Âm nhạc tạo sinh (âm nhạc trí tuệ nhân tạo): loại nhạc được sáng tác bằng phần mềm máy tính dựa trên dữ liệu là các tông nhạc có sẵn.

Nguồn dịch: http://www.wired.co.uk/article/sync-project-music-ai-sleep

Bài viết được đăng trên: https://triskelesociety.wordpress.com/2017/03/25/lieu-phap-am-nhac-am-nhac-thay-the-thuoc-giam-dau-va-dem-lai-giac-ngu-hieu-qua-hon-nhu-the-nao/

Dịch: Sol

Hiệu đính: Thiên Thanh