Liệu có công bằng khi gọi Gen Z là “Thế hệ cợt nhả”?
Gán nhãn chung cho Gen Z là “cợt nhả” giống như nhìn một tảng băng trôi và khẳng định chỉ có phần nổi.
Lâu nay, Gen Z vốn được biết đến là một thế hệ năng động với nhiều sự phá cách, pha trò,.. mà đôi khi thế hệ trước sẽ có đôi phần khó hiểu. Từ những từ ngữ giao tiếp như "Chằm Zn", "Cộng tươi", "Dưỡng thê",... cho đến những hành động sẵn sàng bật lại người lớn khi bản thân không hài lòng, nhảy việc liên tục hay thậm chí trào lưu chỉ yêu không cưới, và vô vàn những điều khác.
Dễ dàng thấy được, họ có thể tạo meme từ mọi thứ – từ "nỗi đau" "câu chuyện" của một cá nhân cho đến các vấn đề toàn cầu. Họ "đu trend" với tốc độ chóng mặt (tất nhiên trend đến nhanh và đi cũng nhanh), biến những điều khô cứng trở nên thú vị hơn, như là có thể tạo ra một điệu nhảy TikTok viral khi nói về chủ đề biến đổi khí hậu. Với nhiều người, Gen Z là những bạn trẻ có tiềm năng mang đến những sự đột phá, sự vui vẻ, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng dường như đây là một thế hệ không thể nghiêm túc. Thậm chí, họ bị gán cho cái mác: “thế hệ cợt nhả”.

Cụm từ "Thế hệ cợt nhả" trở thành một cụm từ gán nhãn cho GenZ dạo gần đây
Nhưng liệu danh xưng này có công bằng với toàn bộ Gen Z?
Với câu hỏi này, tôi nghĩ tôi có thể ngay lập tức trả lời là "Không hề công bằng" và thậm chí có phần khó chịu khi thấy những thông tin thản nhiên "gán nhãn" GenZ với cụm từ đó. Hay thậm chí có những bạn thậm chí còn lợi dụng cái nhãn "Thế hệ cợt nhả" để làm content với những hành vi đi ngược lại với giá trị văn hoá, truyền thống cốt lõi của con người. Điều này một phần nào đó dẫn đến cái "oan" mà toàn bộ GenZ phải gánh chịu, kể cả những bạn trẻ đang nỗ lực khai thác tối đa những lợi thế mà thế hệ họ có được, cùng với sự nghiêm túc, khát vọng góp phần bé nhỏ vào những điều tốt đẹp của Thế giới này. Nếu được lựa chọn, tôi muốn đổi cụm từ "Cợt nhả" thành "Hài hước".
Khi một vài cá nhân làm sai, cả thế hệ bị “oan”
Không thể phủ nhận rằng hiện nay có những bạn trẻ lợi dụng hình ảnh "cợt nhả" để gây chú ý, tạo content thu hút. Bởi bạn thấy đấy, những điều càng "lạ" thì càng dễ trở nên "viral", mà cứ viral thì lại thoả mãn được sự thèm khát sự chú ý, đôi khi lại có được những cơ hội kiếm ra tiền. Bản tính tò mò của con người mà. Đâu xa, hình dung gần nhất là "hiện tượng mạng" trên Tiktok với những hành động được xem là "cà chớn" chốn công sở như thích thì làm, không thích thì nghỉ, bật sếp tanh tách, lấy nước và giấy vệ sinh ở công ty về dùng, ... đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạnh và trở thành chủ đề cho nhiều bài phân tích về cách làm content viral trên Tiktok.

Nếu bạn là một GenZ, bạn có thích cách gọi này không?
Bàn riêng về hiện tượng này, tôi không nhận định content trên của hiện tượng mạng đó là sai, bởi theo khía cạnh giải trí, kênh đó đã phần nào đạt được mục đích khi đánh trúng được vào "insight - nỗi đau" của nhiều người, và việc kênh viral phần nào cũng nhờ những hành động trong video đã phản ánh được những mong muốn thầm kín của rất nhiều người, nhưng mà họ không thể làm được. NHƯNG ... mặt trái của điều này và những dạng content tương tự đang tràn lan, đó là gây nên sự "ảo tưởng quyền lực" cho một bộ phận giới trẻ. Việc đòi hỏi quyền lợi, sự công bằng là đúng nhưng vẫn cần hướng theo những chuẩn mực cơ bản trong cuộc sống. Tôi đảm bảo với các bạn rằng, nếu bê nguyên những hành động đó ra thực tế cuộc sống, bạn sẽ được cuộc đời dành tặng những bài học quý giá, để hiểu thực tế và trên mạng khác nhau như thế nào!? Vậy nên có những điều chỉ nên dừng lại ở khía cạnh giải trí, và những nhà sáng tạo nội dung nên có dòng khuyến nghị chẳng hạn như "Đây là tình huống giả định, và có thể không có thật. Vui lòng không bắt chước dưới mọi hình thức =))"
Quay trở lại vấn đề chính, chúng ta không thể cứ thấy một vài người “làm lố” mà vội quy chụp cho khoảng hơn 14 triệu Gen Z tại Việt Nam (một con số rất lớn) rằng họ thiếu nghiêm túc, vô trách nhiệm hay hời hợt. Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều bạn trẻ Gen Z đang nghiêm túc khởi nghiệp, làm nghiên cứu, tham gia hoạt động xã hội, theo đuổi giá trị cá nhân lẫn giá trị cộng đồng. Sự hài hước và linh hoạt của họ chính là một dạng “sức mạnh mềm”, giúp họ sống sót, kết nối và lan tỏa những điều tích cực trong một thế giới đầy biến động.
"Hài hước" không đồng nghĩa với "Hời hợt"
Gán nhãn chung cho Gen Z là “cợt nhả” giống như nhìn một tảng băng trôi và khẳng định chỉ có phần nổi. Bởi có những trường hợp, phía dưới những câu đùa, những clip TikTok, và những câu chuyện dở khóc dở cười là một thế hệ quan tâm sâu sắc đến bản thân, cộng đồng và tương lai hành tinh.

Gen Z - Thế hệ của sự Sáng tạo và Phá cách
Đây là thế hệ dám đặt câu hỏi về chuẩn mực, từ chối những khuôn mẫu gò bó của “người lớn”, dấn thân vào các cuộc trò chuyện về sức khỏe tinh thần, quyền con người, sự đa dạng, và ý nghĩa của công việc. Họ không e ngại nói về “burnout” ở tuổi 22, về áp lực thành công hay về sự vô nghĩa của những cuộc đua mà họ không tự chọn.
Và đôi khi, họ chọn nói điều đó bằng một cái meme. Bởi bạn biết đấy, khi một sự việc trở nên hài hước, nó sẽ dễ chịu và nhẹ nhàng hơn.
Thay vì xuống đường biểu tình, họ có thể chọn cách “troll” các thương hiệu thiếu trách nhiệm trên không gian mạng. Và đừng nhầm lẫn – đó không phải sự hời hợt, mà là một dạng phản kháng mang tính thế hệ.
Một lời mời gọi thay vì một lời phán xét
Nếu bạn thuộc thế hệ đi trước, hãy thử nhìn Gen Z như một nhóm người trẻ đang cố gắng hiểu và làm lành với thế giới theo cách riêng của họ. Và nếu bạn là Gen Z, có lẽ bạn chẳng cần thanh minh. Hãy dùng hành động, sự nỗ lực và kết quả tích cực để chứng minh cho tất cả.
Tóm lại, hãy ngưng gán nhãn GenZ nói chung với cụm từ "cợt nhả", Gen Z không chối bỏ sự nghiêm túc. Họ chỉ từ chối thể hiện nó theo cách truyền thống. Họ có thể chia sẻ về một dự án quan trọng theo một cách rất hài hước, có thể để người nghe cảm thấy thú vị và lắng nghe hơn. Và điều đó không có nghĩa họ không nghiêm túc!

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất