Trong một cuộc thảo luận chúng tôi đã trò chuyện với nhau, chúng tôi nói về tiền bạc, và liệu rằng nó có thật sự quan trọng.
Bạn sẽ bị cắn câu nếu mãi theo đuổi tiền bạc!
Người ấy : Có lẽ chúng ta nên có nhiều tiền !
Tôi : Chúng ta nên có tiền vừa đủ dùng.
Người ấy :  Đến khi bạn nhận được một cuộc gọi của ba mẹ, rằng ba mẹ bạn cần một khoản để chữa bệnh, bạn nhận được cuộc gọi của ai đó bạn rất mực thân yêu, và người ấy bảo rằng họ cần một khoản tiền, bạn sẽ biết tại sao chúng ta phải luôn nỗ lực tìm kiếm tiền tài, của cải thật nhiều.
Tôi : Bạn nói như thế thì bạn phạm phải ba sai lầm, tôi nghĩ thế. Thứ nhất, bạn đang khinh thường người khác bằng giả định của bạn. bạn giả định rằng họ phụ thuộc hoàn toàn vào bạn, mặc dù đôi khi họ có thể thiếu đấy, họ có thể hỏi bạn nhưng chắc chắn rằng họ sẽ không quá phụ thuộc vào bạn. Thứ hai, bạn xem thường năng lực của họ, bạn xem họ là một người tiêu xài không có suy nghĩ và rằng họ không có lấy một khoản dự phòng cho những lúc như thế. Thứ ba, đôi khi những điều bạn nói có thể có thật, nhưng rồi bạn cũng chỉ cần vừa đủ, bạn có một khoản xài, một khoản tiết kiệm giúp đỡ người khác, một khoản để phòng hờ xảy ra bất kỳ thứ gì ngoài ý muốn, tôi không xem bạn là sai, nhưng tôi không đồng tình rằng chúng ta phải có càng nhiều càng tốt. Vừa đủ, với con số mà bạn cần, chấm hết.
Người ấy :  Oke, nhưng nếu bạn có vừa đủ, bạn chỉ là người bình thường thôi. Hàng đống người ngoài kia đủ dùng, nhưng nếu bạn có cuộc sống càng giàu có, người yêu bạn hãnh diện vì bạn, bạn cũng được nhiều người kính phục và tôn trọng, tôi nghĩ không hẳn vì tiền của bạn mà là chính cái năng lực mà bạn có giúp bạn kiếm ra nhiều tiền, năng lực càng cao, càng nhiều tiền, và bạn sẽ trở nên tự tin hơn, mạnh mẽ hơn trong công cuộc kiếm tiền đấy, đúng chứ?
Tôi : Đồng ý nếu bạn có năng lực kiếm tiền, bạn sẽ có nhiều tiền và luôn thử thách bản thân để gia tăng năng lực quả là điều tốt. Nhưng tôi vẫn không cảm thấy hiểu nổi việc chúng ta bó hẹp cái năng lực ấy vào việc có bao nhiêu tiền và từ số tiền ấy lại khiến người khác tôn trọng, hãnh diện. Cái cách bạn cảm nhận về người khác nghĩ gì về bạn bản chất là hư danh, và nếu người khác nhìn nhận năng lực của bạn thông qua một thứ gián tiếp - tiền. Thì liệu khi mất hết tiền thì họ có coi thường bạn vì rằng năng lực của bạn đã tàn phai? Và cái cách đánh giá năng lực của ai đó thông qua tiền quá phiến diện, đôi khi chẳng cần năng lực nào đó tốt lắm đâu, bạn cũng có thể có nhiều tiền, thông qua may mắn, như đợt tiền điện tử tăng giá có vài người bạn của tôi trở nên có kha khá tiền và nếu coi họ có năng lực tuyệt vời thì thật ngốc.
Người ấy :  Ý bạn nói cũng có lý, và tôi cũng nghĩ nếu nhiều tiền bạn có thể giúp đỡ nhiều người hơn. Như bạn nói cuộc sống thì nên giúp đỡ người đi sau chúng ta vì mình đã thừa hưởng những thứ người đi trước đã để lại, thì trách nhiệm của tôi là kiếm càng nhiều tiền, tôi càng có thể giúp đỡ càng nhiều người. Đúng chứ?
Tôi : Tôi đồng tình quan điểm của bạn, nhưng nếu là kiếm nhiều tiền để giúp đỡ nhiều người hơn thì bắt buộc bạn phải hành động nhất quán với mục tiêu đó. Tôi thấy nhiều công ty đang lừa người tiêu dùng và hủy hoại môi trường, nếu họ giàu có và họ giúp đỡ được rất nhiều người, họ nổi tiếng với công trình này từ thiện nọ nhưng ngược lại cái quá trình giàu có của họ lại hại biết bao nhiêu người, bao nhiêu tang thương, bệnh tật, ly táng gia đình chỉ vì doanh nghiệp họ. Tôi hỏi bạn, liệu có thật sự là họ vì mọi người không? Hay vì cá nhân họ? và số tiền lẻ họ từ thiện để che mắt thiên hạ thì sao?. Nên tôi thành thực khuyên bạn nhất quán nếu thật sự nghĩ như thế, từ quá trình tới mục tiêu bạn phải luôn gắn liền với điều bạn muốn.
Người ấy :  Tất nhiên, tôi cũng nghĩ thế. Và chỉ có nhiều tiền sạch sẽ thì bạn mới giúp đỡ được nhiều người!
Tôi : Không, tiền chỉ là một cách, tôi còn nghĩ nó là cách dễ dàng nhất. Có những cách khó hơn là cho tiền. Như tặng một ai đó cái lẽ sống hay một triết lý sống để họ sống tốt hơn, là điều rất khó nên bạn mới phải dùng tiền nếu bạn không còn cách nào khác. Hãy suy nghĩ, nếu bạn là một doanh nhân cực lớn và bạn xây hàng ngàn trường học, hàng ngàn hội từ thiện, hàng ngàn trợ cấp mỗi tháng hiển nhiên người ta cho rằng bạn tốt hơn tôi, nhưng sẽ thế nào mà tôi đang hoàn thiện một học thuyết, một triết lý, một tư tưởng hoàn toàn mới mà từ đó mọi người có thể dựa vào và sống tốt hơn?. Bạn có thể thay đổi bề mặt, tôi thay đổi tận gốc bởi nếu mọi người có một triết lý sống hay một tư tưởng sâu sắc thì bản thân họ sẽ tự biến cuộc sống của họ trở nên tốt hơn. trở nên hạnh phúc hơn. Điều đó là rất khó cho nên nhiều người họ mới chu cấp tiền, tôi không phản đối nhưng còn nhiều cách còn hay hơn.
Người ấy :  Tôi cảm thấy rất hay và vừa có thứ lóe lên trong đầu tôi, nếu tôi là một nông dân, không được mọi người coi trọng, bạn là một tỷ phú đô la nhưng làm sao để biết ai là người tốt và giúp đỡ được nhiều người hơn? Nếu nhìn vào mọi người sẽ thấy vị tỷ phú đó nhưng trong tay người nông dân là bản thảo gần hoàn thiện của một nhân sinh quan mới thay đổi tư tưởng toàn bộ nhân loại thì wao, thật khó nhận biết.
Tôi : Đúng, mọi người hay đánh giá người khác thông qua vẻ bề ngoài, địa vị đang nắm giữ hay chiếc xe họ đi, cái nhà họ có mà ít ai dừng lại để nói chuyện, để thăm dò xem người đó có tư tưởng gì, hay bên trong là người như thế nào.
Người ấy :  Nhưng cũng có thể cuộc sống không cho phép ta phải tìm hiểu mỗi người mà ta gặp, bởi có quá nhiều việc phải làm nên chúng ta đánh giá nhanh bằng những thứ đó, nó không xấu.
Tôi : Nó không xấu nhưng phiến diện, và tôi thích cái cách mà tôi đã đọc của Osho : "Nhìn nhận người ấy, như họ đang là". Tôi chỉ nhìn người ấy như thế, tôi không vội quy kết hay đánh giá, tôi không áp đặt thứ gì thêm. Từ đấy họ có thể là ai hoặc không ai cả, nhưng tôi sẽ không gán cái gì quá vội vàng.
Người ấy :  Uhm. Có vẻ ban đầu ta nói về tiền mà đi hơi xa rồi nhỉ. Chúng ta nên suy nghĩ thêm, tôi rất thích ngồi với bạn vì như vậy tôi có cảm giác mình như một triết gia đang mổ xẻ vấn đề.
Tôi : Cười. *còn nữa nhưng hết bàn về tiền bạc rồi*.
Chúng tôi liền nói chuyện về một chủ đề khác…