Bạn có phải là một người trẻ may mắn sinh ra với mục tiêu và hoài bão rõ ràng? Chính nhờ khả năng đó, việc lập kế hoạch từ sớm về những gì cần làm trong tương lai, đối với bạn là điều không quá khó khăn. Nhưng liệu sẽ ra sao nếu trong quá trình thử nghiệm để chọn lọc ra điều phù hợp và đúng đắn, thì bạn lại phát hiện hướng đi đã từng vạch ra không thật sự dành cho mình? Hay nói đúng hơn, bạn là con người làm việc đa di năng và yêu thích sự tự do thay vì gắn bó với một vai trò nhất định.  
Pinterest
Pinterest
Tại sao mình lại đặt ra câu hỏi này? Liệu nó có phải vấn đề không? Sẽ là có, với một tư tưởng “cố hữu”. Ngược lại là không, với một tư tưởng “mở”. Mình không có ý phân biệt hay so sánh ở đây, mà điều mình hướng tới, trong phạm vi bài viết này là chấp thuận một tư tưởng mở và trả lời cho nghi vấn: “Một người đa năng thì có cần đến chuyên môn?”.
Kể ra thì đó là cả quá trình trưởng thành của mình, từ những ngày đầu nhen nhóm ý định, cho đến khi tự trải nghiệm, rút ra bài học và cuối cùng là giải đáp khúc mắc của chính bản thân. Quãng thời gian quả không ngắn chút nào, ít nhất là với một đứa trẻ không nhận được sự định hướng từ bất kỳ ai.
Mình sinh ra trong một gia đình mà tất cả mọi thành viên đều phải sống “độc lập”. Độc lập theo cả nghĩa bóng, lẫn nghĩa đen. 
Từ những năm còn rất nhỏ, mình được gửi đến sống cùng với ông bà. Mặc dù tình yêu thương mà ông bà dành cho đứa cháu là rất nhiều, nhưng trải nghiệm, khoảng cách thế hệ lại quá xa, trong khi một đứa trẻ đang độ tuổi lớn, nhu cầu cần được đi lại để khám phá, tìm tòi, những câu hỏi, thắc mắc “tuổi teen” thì ông bà lại không thể giải quyết thỏa đáng được.
Vậy nên, đối với mình lúc đó mọi thứ dường như đều mờ tịt. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, trong nguy cơ thì luôn tồn tại cơ hội. Chính bởi điều kỳ diệu ấy mà từ rất sớm, mình đã hình thành thói quen đọc sách. Lâu dần, mình phát hiện bản thân đã bén duyên với những “người thầy” qua con chữ từ lúc nào không hay. 
Để một người trẻ có thể thật sự hiểu được những gì họ muốn và xác định rõ “đường đi nước bước” cho bản thân, quả thực là một điều không hề dễ. Nếu gọi là may mắn, thì phải chăng những người ấy có nền tảng giáo dục gia đình từ nhỏ tốt hoặc bản thân họ là người tự vươn, tự chịu. 
Mình chính là trường hợp thứ 2, là con người học từ những gì bản thân trông thấy, từ người thân, bạn bè, các mối quan hệ xã hội hay sự vật như sách vở, sản phẩm số; Thậm chí là từng sự việc trải qua, mình cũng nhìn lại để rút kinh nghiệm. 
Nhờ sự tự vươn, tự chịu như thế, mình cũng có thể được coi là “may mắn” chăng? Khi bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời đến với mình khá thuận lợi. Chính xác mình đang đề cập đến ngưỡng cửa Đại học. 
Khác với đám bạn thân lúc bấy giờ, trong những ngày cuối cùng ở trường và đặt bút viết nguyện vọng, chúng nó hoang mang lắm, vì chẳng biết làm gì tiếp theo! Bởi vậy mới nảy sinh tình trạng học sinh ghi bừa, ghi bậy, cuống cuồng tìm hiểu trong phút chót. 
Tuy nhiên, qua được cửa ải đầu, những ngày tháng sau khi bước chân vào giảng đường, mình chẳng còn dám tự hào vì cứ ngỡ rằng đã hiểu quá rõ bản thân. Trong khi, những gì mình trải nghiệm trong thực tế lại chẳng hề phù hợp với mục tiêu đề ra lúc ban đầu. 
Đó là lần đầu tiên mình nhận ra bản thân không còn muốn theo con đường Đại học nữa. Mặc dù chuyên ngành và ngôi trường đúng là những gì mình mong đợi, nhưng liệu có cần thiết bỏ sự đầu tư nếu sau này mình không muốn làm việc với vị trí nhất định ở một công ty? Tất nhiên, ngoài kiến thức và kỹ năng thì bằng cấp chính là những gì mà doanh nghiệp yêu cầu. 
Mặc dù vẫn luôn nghe thấy tiếng nói bên trong của bản thân, nhưng vì không muốn đi ngược lại định kiến xã hội và làm gia đình thất vọng, vậy nên mình đã chọn cách trốn tránh vấn đề đó. Tuy nhiên, kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, trước một khúc mắc còn chưa được giải quyết, nếu cứ trốn tránh sẽ chỉ làm bản thân bạn mất đi năng lượng. 
Quả nhiên, khi so sánh mình ở thời điểm hiện tại lúc đó với mình khi còn là tân sinh viên, sự nhiệt huyết, năng động, cần cù dường như đã vơi dần đi một nửa. Đến lúc này, biết không thể làm ngơ được nữa, bản thân mình chọn cách đối diện. 
Trước khi lựa chọn phương án bảo lưu an toàn hay còn được biết đến là Gap Year với sinh viên, mình đã đi làm ở nhiều nơi, từ môi trường thương mại đến công sở, với nhiều vị trí và vai trò khác nhau. Ban đầu, mình thử công việc chân tay thì cảm thấy bản thân không phù hợp. Sau đó, mình chuyển sang làm việc yêu cầu trí óc, quyết định đó vẫn theo mình cho đến thời điểm hiện tại.
Đối với mình lúc đó chỉ có một suy nghĩ rằng, bản thân không sợ thất bại mà chỉ sợ bỏ lỡ cơ hội thôi. Để bước chân vào con đường truyền thông và xuất bản, mình học các kỹ năng về viết lách, marketing, biên tập, biên soạn nội dung và dịch thuật. Ngoài ra, để phục vụ cho kế hoạch phát triển của bản thân, mình còn trau dồi thêm kỹ năng về giọng nói, design, chỉnh sửa hình ảnh và video. Đó là chưa kể những hoạt động công tác xã hội mà mình hỗ trợ nữa. 
Nhưng chuyện gì đến rồi cũng đến, khi bản thân kham quá nhiều trọng trách cùng một lúc, mình không thể chuyên tâm vào thứ gì cả. Mặc dù biết nhiều, nhưng lại chẳng hiểu được bao nhiêu - Đó chính là vấn đề mình phải đối mặt. 
Thú thật, tự bản thân sẽ không nhận ra điều đó, bởi vì suy nghĩ mình vẫn quản lý tốt được thời gian kia mà! Nhưng mình lại quên mất một điều rằng, khi đạt đến một vị trí nhất định, chất lượng sản phẩm tạo ra sẽ được yêu cầu cao hơn so với người không chính chuyên. Nếu không, sẽ dẫn đến trạng thái thất vọng cho bên đón nhận. 
Mình đã vô tình rơi vào hoàn cảnh đó, khi một ngày nhận được lời phản hồi không mấy vui vẻ. Câu nói ấy đã khiến mình suy nghĩ rất lâu, rồi tự trách bản thân và nghi ngờ về khả năng của chính mình. 
Phải mất một thời gian để vượt qua nỗi sợ từ đứa trẻ bên trong, mình đã suy nghĩ thông suốt hơn và nhận thức được nguyên nhân sự việc. 
Sở dĩ, nguồn gốc của mặc cảm ấy xuất phát từ việc chúng ta không đủ tin tưởng vào năng lực của bản thân. Năng lực ở đây bao gồm kiến thức, vốn hiểu biết, trình độ văn hoá… Chung quy, mình sẽ gói gọn vào một từ “chuyên môn”. 
Khi chuyên môn chưa đủ sâu, thì mặc dù bạn có biết nhiều, biết rộng tới đâu đi chăng nữa cũng không tạo được sự tin cậy. Giống như một quyển từ điển phổ thông làm sao so bì được với một quyển từ điển chuyên dụng, được qua các bước biên soạn và biên tập kỹ càng. 
Vậy nên tóm lại một điều, dù cho bạn có yêu thích sự tự do và là một cá thể đa nhiệm, muốn học hỏi và trau dồi nhiều khía cạnh cho bản thân nhưng hãy nhớ rằng, khi đến thời điểm đủ “chín”, việc rèn luyện năng lực chuyên môn sẽ là điều cần thiết.