Dịch COVID-19: Một số cách tính SỐ CA NHIỄM THỰC TẾ, tỷ lệ tử vong và lý do cần cách ly xã hội ngay và luôn
Dịch toàn văn từ: https://medium.com/@tomaspueyo/coronavirus-act-today-or-people-will-die-f4d3d9cd99ca Lưu ý của người dịch: ...
Dịch toàn văn từ: https://medium.com/@tomaspueyo/coronavirus-act-today-or-people-will-die-f4d3d9cd99ca
Lưu ý của người dịch: Tác giả là người Mỹ, bàn về vấn đề phòng chống dịch COVID 19 tại các nước phương Tây, có nêu các cách tính số ca nhiễm thực tế, ước lượng tỷ lệ tử vong, biện pháp cần áp dụng tại các nước này, có biểu đồ và dẫn nguồn data cụ thể. Bài viết không trực tiếp giải quyết các vấn đề tại Việt Nam, và:
1. Nếu bạn đọc đến cuối thì nên đọc kỹ. Không hoảng loạn trước một số con số khá to và trích dẫn không đủ bối cảnh gây sai lệch thông tin. Nếu bị phạt 12,5 triệu vnd là do bạn.
2. Cần có sự phân biệt giữa các nước có áp dụng biện pháp cách ly, và các nước không áp dụng khi đọc bài này.
****
Dành cho các chính khách, người lãnh đạo cộng đồng và chủ các doanh nghiệp: Bạn nên làm gì và khi nào?
Dưới đây là những nội dung chính trong bài viết này, với rất nhiều bảng biểu, dữ liệu và các model từ nhiều nguồn khác nhau:
• Có bao nhiêu ca nhiễm virus corona thực tế trong khu vực của bạn?
• Chuyện gì sẽ xảy ra khi các ca này có biểu hiện nhiễm bệnh?
• Bạn nên làm gì?
• Khi nào?
Sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ nhận ra:
• Virus corona đang lao thẳng tới chỗ của bạn.
• Tốc độ của nó ban đầu sẽ đều đều, sau đó tăng đột biến.
• Đó là vấn đề tính bằng ngày. Có thể là một hoặc hai tuần.
• Khi nó tới, hệ thống y tế của bạn sẽ bị quá tải.
• Đồng bào của bạn sẽ được chữa trị ở các hành lang bệnh viện.
• Những nhân viên y tế kiệt sức sẽ suy kiệt. Một vài người sẽ chết.
• Họ sẽ phải lựa chọn bệnh nhân nào được tiếp cận nguồn oxy, và bệnh nhân nào phải chết.
• Cách duy nhất là cách ly xã hội ngay hôm nay. Không phải ngày mai. Mà là hôm nay.
• Điều đó có nghĩa là giữ càng nhiều người ở nhà càng tốt, ngay bây giờ.
Với tư cách là chính trị gia, người lãnh đạo cộng đồng hoặc doanh nghiệp, bạn có trong tay quyền lực và trách nhiệm để ngăn chặn dịch bệnh này.
Có thể ngày hôm nay bạn sẽ sợ khi nghĩ tới: Liệu mình có phản ứng thái quá? Liệu mọi người có cười vào mặt mình? Liệu người ta có tức giận với quyết định của mình? Liệu mình trông có ngu quá không? Không phải chờ một chút trước khi thực hiện những bước đầu tiên vẫn tốt hơn sao? Liệu mình có đang gây hại quá mức tới nền kinh tế?
Nhưng trong từ 2 – 4 tuần nữa, khi cả thế giới bị phong tỏa, khi mà một vài ngày cách ly xã hội quý giá mà bạn đáng ra đã thực hiện để cứu mạng sống của mọi người, người dân sẽ không chỉ trích bạn nữa. Họ sẽ cảm ơn bạn đã dám đưa ra quyết định đúng đắn.
Ok, giờ thì vào bài thôi.
1. Có bao nhiêu ca nhiễm virus Corona thực tế trong khu vực của bạn?
Mức tăng ở các quốc gia
Bảng 1 và 2 phản ánh tổng số ca nhiễm tăng đều đặn cho tới khi Trung Quốc khống chế được dịch bệnh. Nhưng sau đó, dịch lan ra ngoài Trung Quốc và hiện giờ đã trở thành đại dịch toàn cầu mà chẳng ai có khả năng ngăn lại nữa.
Bảng 2: Tổng số ca nhiễm ngoài TQ
Tới hôm nay, những ca nhiễm mới chủ yếu nằm ở Italy, Iran và Hàn Quốc:
Bảng 3: Số ca nhiễm theo quốc gia, không tính TQ
Hiện nay có nhiều ca nhiễm mới tại Hàn Quốc, Italy và Iran tới nỗi không thể nhìn thấy các quốc gia khác trong biểu đồ. Nhưng khi chúng ta zoom vào góc dưới bên phải:
Bảng 4: Số ca nhiễm theo quốc gia, trừ TQ, Hàn Quốc, Ý và Iran
Có tới hàng chục nước có tỷ lệ tăng ca nhiễm theo cấp số mũ. Tính tới nay, đa phần là các nước phương Tây.
Bảng 5: Tỷ lệ tăng ca nhiễm theo ngày, từ ngày 05 – 06/3. Đường đỏ: Quốc gia nào đã vượt đường này sẽ có số ca nhiễm mới tăng gấp đôi trong 2 ngày.
Nếu bạn tiếp tục có tỷ lệ tăng ca nhiễm như vậy trong một tuần, đây là những gì mà bạn nhận được:
Bảng 6: Dự đoán về số ca nhiễm mới theo quốc gia (loại trừ TQ, Hàn Quốc, Ý và Iran)
Nếu bạn muốn hiểu những gì sẽ xảy ra, hoặc cách để ngăn chặn dịch thì bạn cần nhìn vào những nơi đã trải qua đại dịch gồm: Trung Quốc, các nước phương Đông trong đại dịch SARS và Ý.
TRUNG QUỐC
Bảng 7: Khung thời gian biểu các sự kiện tại Vũ Hán. Nguồn: Tomas Pueyo phân tích dựa trên các bảng biểu của Journal of the American Medical Association, dựa trên dữ liệu thô của CDC Trung Quốc.
Bảng 7 là một trong những bảng quan trọng nhất. Các cột màu da cam phản ánh số lượng các ca nhiễm chính thức tại tỉnh Hồ Bắc, tức là số lượng người được xét nghiệm ngày hôm đó.
Các thanh màu xám phản ánh số ca nhiễm theo ngày thực tế. CDC TQ phát hiện ra điều này nhờ hỏi các bệnh nhân trong quá trình xét nghiệm về thời điểm họ thấy có triệu chứng bệnh.
Đáng lưu ý, những ca nhiễm này không được biết tới vào thời điểm đó. Chúng ta chỉ có thể nhận ra chúng khi nhìn ngược lại những gì đã xảy ra: chính quyền không thể biết rằng ai đó đang bắt đầu có triệu chứng bệnh, họ chỉ biết khi người đó tới bệnh viện và được xét nghiệm.
Ngày 21/01/2020, số lượng ca nhiễm được xét nghiệm (màu cam) đã bùng nổ: có khoảng 100 ca nhiễm mới. Trên thực tế, có tới 1.500 ca nhiễm mới vào ngày hôm đó, tăng theo cấp số mũ. Nhưng chính quyền không hề biết tới con số này. Điều mà họ biết là đột nhiên có 100 ca nhiễm một thứ bệnh mới.
Hai ngày sau, chính quyền TQ đóng cửa thành phố Vũ Hán. Tới thời điểm đó, số lượng ca nhiễm mới được xét nghiệm lên tới 400. Hãy chú ý tới con số: người TQ quyết định đóng cửa cả một thành phố ngay từ khi họ phát hiện 400 ca nhiễm mới trong 1 ngày. Trên thực tế, đã có 2500 ca nhiễm mới trong ngày hôm đó, nhưng chính quyền TQ không thể biết việc này.
Ngày hôm sau, 15 thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc bị cách ly.
Cho tới ngày 23/01/2020, khi Vũ Hán đóng cửa, bạn có thể nhìn vào khu vực màu xám trên biểu đồ: số ca nhiễm mới thực tế vẫn tăng theo số mũ. Số ca thực tế đang bùng nổ. Ngay khi Vũ Hán đóng cửa, số ca nhiễm mới thực tế bắt đầu tăng chậm lại. Ngày ngày 24/01, khi 15 thành phố khác bị cách ly, số ca nhiễm mới thực tế (màu xám) có dấu hiệu chững lại. Hai ngày sau, số ca nhiễm mới thực tế đã đạt đỉnh, và sau đó bắt đầu giảm dần.
Hãy lưu ý rằng các ca nhiễm mới chính thức (màu da cam) vẫn tiếp tục tăng theo cấp số mũ: trong 12 ngày tiếp theo, có vẻ dịch bệnh vẫn bùng nổ. Nhưng thực tế lại khác, đó chỉ là những ca nhiễm thực tế đang có các triệu chứng nặng hơn và được đưa tới viện nhiều hơn, và hệ thống xét nghiệm đã trở nên hiệu quả hơn.
Quan điểm về số ca nhiễm thực tế và số ca nhiễm chính thức này rất quan trọng. Hãy nhớ tới quan điểm này trong phần sau của bài viết.
Phần còn lại của TQ đã được chính quyền trung ương điều phối cách ly khá tốt, do đó họ đã thực hiện các biện pháp mạnh tay ngay lập tức. Dưới đây là kết quả:
Bảng 8: Số ca nhiễm Corona tại TQ (ngoài tỉnh Hồ Bắc) so với Ý, Iran và Hàn Quốc
Mỗi đường thẳng phản ánh số ca nhiễm corona tại một vùng của TQ. Mỗi đường đều có nguy cơ tăng vọt, nhưng nhờ các biện pháp được thực hiện vào cuối tháng 01/2020, tất cả các vùng này đều đã ngăn chặn không cho virus lây lan.
Trong khi đó, Hàn Quốc, Ý và Iran có nguyên cả một tháng để học hỏi, nhưng họ đã lờ đi. Các nước này có cùng mức tăng theo số mũ như Hồ Bắc và nhanh chóng vượt qua các khu vực khác của TQ trước cuối tháng 2.
Các nước phương Đông trong dịch SARS
Số ca ở Hàn Quốc bùng nổ, nhưng liệu bạn có tự hỏi tại sao Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Thái Lan hoặc Hồng Kông lại tránh được?
Bảng 9: Tổng số ca nhiễm ngoài TQ với các nước có hơn 50 ca tính tới ngày 07/3
Đài Loan thậm chí còn không xuất hiện trong bảng này
Tất cả các nước này đều bị ảnh hưởng nặng từ dịch SARS năm 2003, và họ đã rút ra bài học rằng dịch bệnh có thể trở nên dễ lây lan và nguy hiểm chết người, do đó họ nhìn nhận dịch corona rất nghiêm túc. Đó là lý do trong bảng trên, dù số lượng ca nhiễm tại các nước này có tăng nhưng không hề bùng nổ.
Tới đây, chúng ta đã thấy câu chuyện về virus corona bùng nổ nhanh chóng, chính quyền các nước nhận ra mối nguy và cách ly, kiểm soát dịch. Nhưng với các quốc gia khác trên thế giới thì chúng ta (các nước phương Tây) lại có những câu chuyện trái ngược.
Trước khi chuyển sang các quốc gia này, tôi xin được lưu ý về Hàn Quốc: nước này có thể được coi là một trường hợp cá biệt ở Á Đông. Dịch được ngăn chặn từ ca nhiễm thứ nhất cho tới ca thứ 30. Bệnh nhân số 31 được coi là “siêu lẫy nhiễm”, đã truyền bệnh cho hàng ngàn người khác. Vì virus lây nhiễm trước khi bệnh nhân có triệu chứng, cho tới khi chính quyền nhận ra vấn đề thì dịch bệnh đã lan tràn. Hiện tại Hàn Quốc đang phải trả giá khá đắt. Nhưng những nỗ lực ngăn chặn của họ cũng có kết quả, ít nhất tính tới 10/3, Ý đã có số ca nhiễm mới vượt Hàn Quốc còn Iran sẽ sớm vượt trong một vài ngày tới.
BANG WASHINGTON
Qua tin tức hàng ngày, bạn đã thấy mức tăng số ca nhiễm tại các nước phương Tây và dự báo dịch bệnh trong một tuần tới trông tệ tới mức nào. Vậy thử tưởng tượng nếu các biện pháp ngăn chặn không được triển khai tại Vũ Hán hoặc các nước Á Đông khác, bạn sẽ có một đại dịch khổng lồ.
Bây giờ chúng ta cùng nhìn vào một số trường hợp, gồm bang Washington, khu vực vịnh San Francisco, Paris và Madrid.
Bảng 10: Số ca nhiễm và số người chết tại bang Washington, 22/1 – 08/3
Bang Washington có thể coi là Vũ Hán của nước Mỹ. Số ca nhiễm mới tăng theo cấp số mũ. Hiện nay có 140 ca nhiễm.
Nhưng có một vài điều khá đáng quan tâm đã sớm diễn ra. Tỷ lệ tử vong đã tăng vượt bậc. Tại một số thời điểm, bang này có 3 ca nhiễm và 1 người chết.
Từ dữ liệu của những nơi khác, chúng ta đã biết tỷ lệ tử vong do virus corona gây ra vào khoảng 0.5 tới 5% (càng về sau càng cao). Làm thế nào mà tỷ lệ tử vong trong trường hợp này lại nhảy lên 33%?
Hóa ra, virus đã được phán tán mà không ai phát hiện trong nhiều tuần. Rõ ràng không chỉ có 3 ca nhiễm, chỉ là chính quyền biết tới có 3 ca nhiễm, một trong số đó đã chết vì khi triệu chứng trở nên càng nghiêm trọng thì càng nhiều khả năng một người được xét nghiệm.
Vụ này khá giống với các cột màu da cam và xám ở TQ: hiện nay họ chỉ biết tới cột da cam (con số chính thức) và trông mọi thứ vẫn có vẻ tốt: đúng 3 ca. Nhưng thực tế, đã có hàng trăm, hàng ngàn ca nhiễm thực tế.
Và đây là vấn đề: bạn chỉ biết tới số ca nhiễm chính thức chứ không phải ca nhiễm thực tế. Nhưng bạn lại cần biết tới số ca nhiễm thực tế. Làm thế nào mà bạn có thể ước tính con số? Hóa ra vẫn có vài cách. Tôi xin giới thiệu một mô hình (model ước tính số ca thực) để bạn có thể tính toán (direct link to copy of the model).
Thứ nhất, qua số người chết. Nếu có ca tử vong trong khu vực của bạn, bạn có thể sử dụng con số đó để ước đoán số ca nhiễm thực. Chúng ta biết khoảng thời gian trung bình từ khi một người bị nhiễm bệnh rồi chết là khoảng 17.3 ngày . Điều đó có nghĩa là ai đó chết vào ngày 29/2 tại bang Washington đã bị nhiễm từ khoảng ngày 12/2.
Áp dụng thời gian số ca nhiễm virus corona tăng gấp đôi (6.2), có nghĩa là trong 17 ngày mà có 1 người chết, thì số ca nhiễm đã tăng theo công thức: 2^(17/6) = 7,12 xấp xỉ 8. Có nghĩa rằng, nếu bạn có thể xét nghiệm toàn bộ các ca, thì một ca nhiễm của ngày hôm nay phản ánh 800 ca nhiễm thực tế.
Hiện tại bang Washington có 22 người chết. Theo tính toán nhanh, bạn có khoảng 16.000 ca nhiễm thực tế - nhiều bằng số ca nhiễm chính thức tại Ý và Iran cộng lại.
Nếu nghiên cứu chi tiết hơn, chúng ta sẽ thấy 19 người trong số người chết là từ một nhóm người, do đó có thể virus chưa bị phát tán quá rộng rãi. Nên nếu chúng ta coi 19 ca tử vong là một, thì tổng số ca tử vong lý thuyết là 04. Áp dụng công thức trên, vẫn có khoảng 3000 ca nhiễm thực tế.
Đây là cách tiếp cận của Trevor Bedford về virus Corona và biến chủng để đánh giá số ca thực tế hiện hành (theo dõi Twitter: Trevor Bedford@trvrb). Theo cách tính của Trevor, hiện có khoảng 1.100 ca nhiễm tại bang Washington.
Lưu ý, không có cách tiếp cận nào là hoàn hảo, nhưng chúng đều phát đi một thông điệp: chúng ta không biết tới con số ca nhiễm thực tế, và số này lớn hơn rất nhiều số ca nhiễm chính thức. Nó không dừng lại ở hàng trăm, mà là hàng ngàn, có thể còn nhiều hơn.
KHU VỰC VỊNH SAN FRANCISCO
Tính tới 08/3, khu vực vịnh chưa có người chết do virus corona. Do đó, việc ước tính số ca nhiễm thực tế sẽ khó khăn hơn. Theo con số chính thức, hiện có 86 ca nhiễm. Nhưng nước Mỹ đang tiến hành xét nghiệm rất nhỏ giọt vì không có đủ bộ kit xét nghiệm. Nước Mỹ đã quyết định tự phát triển bộ kit xét nghiệm của riêng mình, và rồi bộ kit này không chính xác.
Dưới đây là số lượt xét nghiệm được các nước tiến hành kể từ ngày 03/3 (Quốc gia – số lượt xét nghiệm – tính trên 1 triệu dân – tỷ lệ dương tính)
Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia tới nay chưa phát hiện có ca nhiễm corona, đã có tỷ lệ xét nghiệm trên 1 triệu dân lớn gấp 10 lần Mỹ. Tới nay thì tình hình vẫn chưa hề khả quan hơn, với khoảng ~8,000 lượt xét nghiệm được thực hiện tại Mỹ, có nghĩa là mới có ~4,000 người được xét nghiệm.
Bảng 10b: Số lượt xét nghiệm Corona tính trên 1 triệu dân ở các nước (ND: Việt Nam tít đáy).
Tới đây, bạn có thể sử dụng một phần số liệu về số ca nhiễm chính thức để đoán số ca nhiễm thực tế. Nhưng nên dùng cái nào đây? Đối với khu vực vịnh San Francisco, chính quyền xét nghiệm những người đã đi du lịch hoặc có tiếp xúc với những người này, nghĩa là họ biết tới đa phần những ca nhiễm liên quan tới đi du lịch, nhưng không có ca nào thuộc diện lây nhiễm trong cộng đồng. Khi nhận thức về số ca nhiễm trong cộng đồng với số ca nhiễm đi du lịch, bạn sẽ đoán được có bao nhiêu ca nhiễm thực tế.
Tôi sẽ sử dụng tỷ số từ dữ liệu tại Hàn Quốc. Tới khi họ có 86 ca nhiễm thì tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng là 86% (con số 86 hoàn toàn là trùng hợp).
Với con số đó, thì khi vùng vịnh San Francisco có 86 ca nhiễm ngày hôm nay, con số nhiễm thực tế là khoảng 600.
PHÁP VÀ PARIS
Pháp tuyên bố có 1.400 ca nhiễm và 30 người chết. Sử dụng 2 cách thức tính bên trên, bạn sẽ có từ 24.000 tới 140.000 ca nhiễm thực tế.
Tôi xin nhắc lại: số ca nhiễm thực tế tại Pháp nhiều khả năng sẽ nằm trong dải trên, cao hơn nhiều lần con số công bố chính thức.
Nếu không tin tôi thì hãy cùng nhìn vào biểu đồ của Vũ Hán một lần nữa:
Nếu bạn chỉ cộng tổng cột da cam tính tới ngày 22/01, bạn có 444 ca. Nhưng khi cộng tất cả cột xám thì có khoảng 12.000 ca. Vậy là khi mà Vũ Hán nghĩ rằng họ có 444 ca thì thực tế lại cao gấp 27 lần. Nếu Pháp nghĩ rằng họ có 1400 ca nhiễm, có lẽ con số sẽ lên tới hàng chục ngàn.
Cách thức tính này cũng áp dụng với Paris. Với khoảng 30 ca trong thành phố, số ca nhiễm chính thức có thể lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Với 300 ca tại vùng Ile-de-France, tổng số ca nhiễm thực tế có thể lên tới hàng chục ngàn.
Tây Ban Nha và Madrid
Tây Ban Nha có số lượng ca nhiễm khá giống Pháp (1.200 ca so với 1.400 ca, cùng 30 người chết). Điều này có nghĩa là Tây Ban Nha hiện có khoảng 20 ngàn ca nhiễm thực tế.
Tại khu vực Communidad de Madrid, với 600 ca chính thức và 17 người chết, con số ca thực tế dao động từ 10.000 tới 60.000.
Nếu bạn đọc dữ liệu này và tự nhỉ, “trời đất, mấy cái phép tính này không thể nào đúng được”, hãy nhớ, với cùng con số này, VŨ HÁN ĐÃ BỊ PHONG TỎA TỪ LÂU RỒI.
Với cùng số ca nhiễm chính thức mà chúng ta đa đang thấy tại Mỹ, Tây Ban Nha, Pháp, Iran, Đức, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ thì thành phố Vũ Hán đã bị phong tỏa.từ.rất.lâu.rồi.
Và nếu bị tự nhủ, “Ừ thì Hồ Bắc chỉ là một vùng”, hãy nhớ rằng vùng này có tới 60 triệu người, rộng hơn Tây Ban Nha và gần bằng nước Pháp.
2. Những gì sẽ xảy ra khi các ca nhiễm Corona xuất hiện?
Vậy, virus corana đã tới, ở một số nơi nó vẫn còn ẩn giấu nhưng chắc chắn đều đang tăng theo cấp số mũ.
Vậy điều sẽ sẽ xảy ra ở các quốc gia khi đại dịch bùng phát? Vấn đề này thì khá dễ đoán, vì chúng ta có nhiều nước để tham khảo. Trong đó, 2 ví dụ tốt nhất là Hồ Bắc và Ý.
Tỷ lệ tử vong
Tổ chức Y tế thế giới đã nêu tỷ lệ tử vong là khoảng 3,4% . Con số này thực ra không liên quan lắm nếu bạn không nắm được bối cảnh nên cho tôi xin được giải thích:
Bảng 12: Tỷ lệ tử vong: số người chết/tổng số ca
Tỷ lệ này thực ra phụ thuộc vào mỗi quốc gia và mỗi thời điểm: trong khoảng 0,6% ở Hàn Quốc và 4,4% ở Iran. Vậy thì nó là thế nào? Chúng ta vẫn có vài cách để xác định con số này.
Có hai cách bạn có thể tính toán số tỷ lệ tử vong là Số người chết/Tổng số ca và Số người chết/Các ca đóng. Cách thứ nhất có thể sẽ giảm nhẹ ình hình vì còn nhiều ca mở có thể sẽ chết. Cách thứ hai có thể tăng nặng vấn đề, vì số người chết sẽ tăng nhanh hơn số ca đóng do người bệnh được chữa trị khỏi bệnh.
Cách tôi làm là nhìn vào cả 2 cách tính biến đổi theo thời gian. Cả 2 con số này sẽ đều cùng hội tụ về một kết quả một khi tất cả các ca đã đóng, do đó nếu bạn nắm bắt được xu hướng thì bạn có thể đoán được tỷ lệ tử vong.
Đây là những điều mà bạn sẽ thấy trong dữ liệu của TQ. Tỷ lệ tử vòng của TQ nằm trong khoảng 3,1% tới 6,1%. Trong tương lai thì tỷ lệ này sẽ đồng quy về khoảng 3,8 tới 4%, gấp đôi con số ước tính hiện nay và cao gấp 30 lần cúm thông thường.
Bảng 13: Tỷ lệ tử vong ở Hồ Bắc, Trung Quốc
Tử lệ tử vong ở Hồ Bắc dần đồng quy về 4,8%. Trong khi đó, ở các vùng khác tại Trung Quốc thì lại đồng quy về 0.9%, theo Bảng 14 bên dưới.
Dưới đây chúng ta xét tới tỷ lệ tử vong ở Iran, Ý và Hàn Quốc – những nơi có đủ số lượng người chết để tính toán:
Tỷ lệ tử vong theo 2 cách tính tại Iran và Ý đều hướng dần về khoảng 3% - 4%. Dự đoán của tôi là con số cuối cùng sẽ nằm trong khoảng này.
Hàn Quốc là một ví dụ rất thú vị, vì 2 cách tính lại cho ra kết quả khác xa nhau: số người chết/tổng số ca thì chỉ ở 0,6%, nhưng số người chết/số ca đóng lại ở mức choáng váng 48%. Phỏng đoán của tôi là do một số một số nguyên nhân riêng biệt sau tại Hàn Quốc. Thứ nhất, chính quyền xét nghiệm tất cả mọi người (với nhiều ca nhiễm mở thì tỷ lệ tử vong trông có vẻ thấp), và giữ các ca mở lâu hơn các nước khác (người ta sẽ đóng ca sớm khi bệnh nhân chết). Thứ hai, họ có rất nhiều giường bệnh (xem Bảng 17.b bên trên). Có lẽ còn nhiều nguyên nhân khác mà chúng ta chưa biết. Nhưng số người chết/số ca nhiễm thường xuyên dạo quanh mức 0,5% kể từ khi phát hiện ra dịch, phản ánh nó sẽ tiếp tục nằm ở quanh mức đó nhờ vào sự can thiệp mạnh của hệ thống y tế và kiểm soát khủng hoảng.
Ví dụ cuối cùng có thể đưa vào so sánh là tàu Diamond Princess: với 706 ca nhiễm 6 người chết và 100 ca khỏi bệnh, tỷ lệ tử vong nằm trong khoảng 1% tới 6,5%.
Lưu ý tỷ lệ dân số già ở mỗi quốc gia cũng có tác động tới tỷ lệ này: vì tỷ lệ tử vong cao hơn với người già, những người có dân số già như Nhật Bản sẽ chịu tác động mạnh hơn so với các nước có dân số trẻ như Nigeria. Và cả yếu tổ thời tiết, đặc biệt là độ ẩm và nhiệt độ, và hiện vẫn còn chưa rõ các yếu tố này ảnh hưởng tới truyền nhiễm và tỷ lệ tử vong ra sao (ND: sau bài viết này thì các nhà khoa học TQ đã chỉ ra mối liên hệ giữa nhiệt độ và truyền nhiễm).
Dưới đây là những gì bạn có thể kết luận:
•Các quốc gia, khu vực đã có sự chuẩn bị sẽ có tỷ lệ tử vong vào khoảng 0,5% (Hàn Quốc) tới 0,9% (các tỉnh trừ Hồ Bắc của TQ).
•Các nước bị quá tải sẽ có tỷ lệ tử vong trong khoảng 3 tới 5%.
Hay nói cách khác: Những nước hành động nhanh chóng có thể giảm số lượng người chết gấp 10 lần. Và đó mới chỉ là tỷ lệ tử vong. Hành động nhanh chóng cũng giúp giảm đáng kể số ca nhiễm và giảm tải hệ thống y tế, giúp việc chữa trị các bệnh khác không bị ngưng trệ.
Vậy, một quốc gia nên làm gì?
NHỮNG ÁP LỰC LÊN HỆ THỐNG Y TẾ
Có khoảng 20% số ca nhiễm cần được điều trị y tế, 5% cần được đưa vào khu Chăm sóc tích cực (ICU), và khoảng 2.5% cần được trở giúp đặc biệt, với các dụng cụ như máy trợ thở hoặc ECMO (extra-corporeal oxygenation)
Bảng 17: Tỷ lệ nhu cầu điều trị của các ca nhiễm Corona
Bảng 18: trích từ Slide của Hiệp hội bệnh viện Mỹ AHA, phản ánh tác động của dịch COVID 19 với hệ thống y tế mỸ trong năm 2020.
Vấn đề là những thứ như máy trợ thở hay ECMO không thể chế tạo hoặc mua dễ như mớ rau. Trong một vài năm qua, cả nước Mỹ có tổng cộng 250 hệ thống ECMO, đó là con số đủ cho bạn suy nghĩ.
Do đó, nếu bạn đột nhiên có 100.000 người nhiễm bệnh, nhiều người trong số đó sẽ muốn được xét nghiệm ngay. Khoảng 20.000 người sẽ cần điều trị tại bệnh viện, 5.000 người cần được đưa vào ICU và 1.000 người cần những thứ máy móc mà chúng ta hiện không có đủ. Và đó mới chỉ là 100.000 ca nhiễm.
Đó là còn chưa tính tới những thứ như khẩu trang y tế. Một quốc gia như Mỹ hiện có khoảng 1% số khẩu trang cần thiết để phục vụ nhu cầu của nhân viên y tế (12 triệu khẩu trang N95, 30 triệu khẩu trang phẫu thuật so với 3,5 tỷ khẩu trang cần thiết). Nếu có nhiều ca đồng loạt xuất hiện, nước Mỹ chỉ đủ khẩu trang trong 02 tuần.
Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, HK, Singapore cũng như các vùng khác của TQ ngoài Hồ Bắc đều đã có sự chuẩn bị và cung cấp dịch vụ y tế cần thiết cho bệnh nhân.
Nhưng các nước phương Tây đang đi theo đúng con đường của Hồ Bắc và Ý. Vậy, điều gì đang và sẽ xảy ra?
Một hệ thống y tế quá tải trông ra sao?
Những câu chuyện đã xảy ra ở Hồ Bắc và Ý bắt đầu trở nên quen thuộc hơn với chúng ta. Hồ Bắc xây dựng khẩn cấp 2 bệnh viện dã chiến trong 10 ngày, nhưng kể cả với nỗ lực đó, họ vẫn bị quá tải.
Cả Hồ Bắc và Ý đều gặp cảnh bệnh nhân tràn tới các bệnh viện, và phải chữa trị ở ngay trong các hành lang, phòng chờ…
Tôi đề nghị các bạn đọc các Twit bên trên (ND: xin lỗi, dẫn lại sau vì nền tảng của Spiderum khá khó copy về) và bài báo dưới đây về tình trạng tối tăm ở các bệnh viện Ý:
Nhân viên y tế phải dành hàng giờ trong một bộ đồ bảo hộ duy nhất, vì vốn không có đủ. Kết quả là họ không thể rời khỏi khu vực nhiễm bệnh trong nhiều giờ. Khi được nghỉ thì họ đã gần như suy sụp, mất nước và hoàn toàn kiệt sức. Khái niệm ca làm không tồn tại. Những người đã nghỉ hưu bị gọi trở lại làm việc. Những người không biết gì về hộ lý được tập huấn khẩn cấp để đưa vào hệ thống y tế. Mọi người đều được huy động.
Ảnh: Francesca Mangiatordi, một y tá người Ý, sụp xuống bàn giữa cuộc chiến chống virus Corona
Cứ thế, cho tới khi họ ốm và có dấu hiệu nhiễm bệnh. Việc này xảy ra khá thường xuyên vì họ liên tục trong tình trạng phơi nhiễm với virus mà không có đủ đồ bảo hộ. Và sau đó, họ sẽ bị cách ly 14 ngày – trong thời gian này, họ chả giúp ích được gì nữa. Kịch bản tốt nhất, là họ mất đi 2 tuần. Kịch bản xấu nhất, họ chết.
Những gì tệ nhất lại ở phòng ICU, khi mà bệnh nhân phải chia sẻ máy trợ thở hoặc ECMO. Có những thứ mà không thể chia sẻ được, hoặc chia cũng không đủ nên nhân viên y tế phải quyết định bệnh nhân nào sẽ được sử dụng máy. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân nào sẽ được sống và bệnh nhân nào phải chết.
“Sau vài ngày, chúng tôi đã phải lựa chọn. (…). Không phải ai cũng được trợ thở. Chúng tôi phải lựa chọn dựa trên tuổi tác và tình trạng sức khỏe.” Christian Salaroli, Italian MD
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đang chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Corona, trong phòng ICU tại một bệnh viện Vũ Hán, ngày 06/2, Washington Post
Tất cả những yếu tố này khiến tỷ lệ tử vong tăng lên 4% thay vì 0,5%. Nếu bạn muốn thành phố hoặc quốc gia của mình nằm trong nhóm 4%, đừng làm gì vào hôm nay.
Ảnh vệ tinh chụp nghĩa trang Behesht Masoumeh tại thành phốp Qom, Iran. Photograph: ©2020 Maxar Technologies. Via The Guardian and the The New York Times.
3. Bạn nên làm gì
Bẻ thẳng những đường cong
Hiện giờ WHO đã gọi đây là đại dịch COVID 19. Chúng ta không thể tiêu diệt con virus này trong cộng đồng. Những gì chúng ta làm được là giảm thiểu tác hại của nó.
Một vài quốc gia nằm ngoài xu hướng chung, trong đó đặc biệt nhất là Đài Loan vốn có liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, và tới nay vẫn chỉ có khoảng 50 ca nhiễm. Bài báo dưới đây giải thích những biện pháp Đài Loan đã sớm thực hiện, vốn tập trung vào việc ngăn chặn.
Họ đã có thể ngăn chặn dịch bệnh, nhưng đa phần các quốc gia khác thiếu chuyên môn, và đã không thực hiện biện pháp nào. Hiện giờ, những quốc gia này đang chơi một ván bài khác: giảm hại. Họ cần phải khiến con virus này càng đỡ nguy hiểm cho cộng đồng càng tốt.
Nếu chúng ta giảm số lượng ca nhiễm bệnh, hệ thống y tế sẽ có thể xử lý tốt hơn những bệnh nhân nhiễm Corona và đẩy tỷ lệ tử vong xuống thấp. Và. Nếu chúng ta duy trì được chiến lược này đủ lâu, tới một thời điểm nào đó trong tương lai chúng ta sẽ có thể tiêm vắc xin cho phần đông người dân, loại trừ nguy cơ từ virus này. Do đó, hiện mục tiêu không phải là triệt tiêu dịch bệnh mà là trì hoãn nó với ít tác động tiêu cực nhất.
Chúng ta càng trì hoãn được lâu thì hệ thống y tế càng vận hành tốt, tỷ lệ tử vong thấp và tỷ lệ dân chúng được tiêm vắc xin sớm sẽ càng lớn.
Vậy thì, làm thế nào để bẻ thẳng đường đường cong (trong bảng tỷ lệ tăng người nhiễm bệnh)?
Cách ly xã hội
Một điều đơn giản nhất mà chúng ta có thể làm, và rất hiệu quả: cách ly xã hội.
Khi nhìn vào biểu đồ Vũ Hán, bạn sẽ thấy ngay khi áp dụng phong tỏa, cách ly, số ca nhiễm thực tế đã giảm. Đó là do con người không còn tiếp xúc với nhau và virus không còn cơ hội phát tán.
Hiện nay, các nhà khoa học thống nhất rằng virus này có thể phát tán trong khoảng 2 mét khi ai đó ho. Các giọt dung dịch bắn ra rơi xuống đất sẽ không lây nhiễm. Tuy nhiên, virus này lại tồn tại được tới 9 ngày trên các bề mặt như kim loại, gốm sứ và nhựa – hãy nghĩ tới tay nắm cửa, nút bấm thang máy có thể trở thành tác nhân lây nhiễm.
Cách duy nhất là cách ly xã hội: giữ càng nhiều người ở trong nhà càng tốt, càng lâu càng tốt tới khi dịch bệnh suy giảm.
Cách này vốn đã được chứng minh tính hiệu quả trong quá khứ. Cụ thể là, trong đại dịch cúm năm 1918.
Những bài học trong đại dịch cúm 1918
Bảng 19: tỷ lệ tử vong trong đại dịch cúm 1918 ở các thành phố với những biện pháp cách ly xã hội khác nhau
Nhìn vào bảng 19, bạn có thể thấy khi Philadelphia không hành động nhanh chóng thì họ đã có tỷ lệ tử vong đạt đỉnh so với St. Louis – nơi cách ly triệt để.
Giờ hãy nhìn vào Denver tại bảng 20 bên dưới – nơi thực thi các biện pháp cách ly rồi lại thả lỏng. Họ đã có những 2 đỉnh trong biểu đồ tỷ lệ tử vong, với đỉnh sau cao hơn nhiều so với trước.
Tổng kết lại, bạn sẽ có biểu đồ như sau:
Bảng 21: Liên hệ giữa số người chết do lao phổi và cúm với thời gian ứng phó của hệ thống y tế, tính theo ngày
Bảng này cho thấy, với dịch cúm 1918 tại Mỹ, số lượng người chết tại mỗi thành phố phụ thuộc vào tốc độ áp dụng các biện pháp cách ly. Ví dụ, như tại St Louis áp dụng sớm hơn 6 ngày so với Pittsburgh thì có tỷ lệ tử vong trên dân số bằng một nửa. Tính trung bình, áp dụng các biện pháp sớm hơn 20 ngày sẽ giúp giảm một nửa tỷ lệ tử vong.
Hy vọng là chúng ta sẽ được nhìn thấy kết quả như vậy trong thời gian tới. Tuy nhiên, sẽ cần tới 1 – 2 tuần để nhìn ra kết quả. Hãy nhớ tới biểu đồ Vũ Hán: 12 ngày sau khi công bố phong tỏa thì số ca nhiễm công bố (cột da cam) mới suy giảm.
Các chính trị gia có thể đóng góp vào công tác cách ly xã hội như thế nào?
Câu hỏi mà mỗi chính trị gia tự hỏi chính mình: họ nên làm gì, và những hành động cần thiết nào phải thực hiện.
Có nhiều giai đoạn trong kiểm soát đại dịch, bắt đầu bằng việc dự đoán và kết thúc bằng việc tiệt trừ nguy cơ tái phát. Nhưng tới nay thì đa phần các lựa chọn đều trở nên quá muộn. Với mức tăng số ca nhiễm hiện nay, chỉ còn 2 lựa chọn: kiểm soát và giảm hại.
Kiểm soát
Kiểm soát dịch là đảm bảo tất cả các ca nhiễm đều được phát hiện, kiểm soát chặt chẽ và cách ly. Đó là những gì mà Singapore, Hong Kong, Nhật Bản và Đài Loan đã làm khá tốt: họ nhanh chóng giới hạn người nhập cảnh, xác định người bị ốm, ngay lập tức cách ly số này, sử dụng các trang bị bảo hộ để bảo vệ nhân viên y tế, xác minh và cách ly số người có liên hệ với bệnh nhân… Cách này cực kỳ hiệu quả khi bạn có sự chuẩn bị, và nếu bạn triển khai sớm, do đó sẽ không khiến nền kinh tế phải trả cái giá quá lớn.
Ở trên, tôi đã khen ngợi cách tiếp cận của Đài Loan. Nhưng TQ cũng có cách thức tiếp cận khá tốt. Nguồn lực được huy động vào việc kiểm soát dịch khổng lồ ở mức không tin nổi. Ví dụ, TQ lập khoảng 1800 nhóm, mỗi nhóm khoảng 5 người để theo dõi, lập hành trình của mỗi người nhiễm bệnh, phát hiện những người có tiếp xúc và sau đó đem tất cả đi cách ly. Đó là cách để họ kiểm soát dịch ở một nước có hơn 1 tỷ dân.
Nhưng những nước phương Tây lại chưa thực hiện bất cứ biện pháp nào như vậy. Tới giờ thì đã quá muộn. Việc Mỹ tuyên bố dừng nhập cảnh từ châu Âu là biện pháp ngăn chặn áp dụng cho một quốc gia – tính tới nay, có số ca nhiễm chính thức gấp 3 lần Vũ Hán vào ngày TQ bắt đầu phong tỏa. Chúng ta có biết được biện pháp này hiệu quả thế nào không? Rất đơn giản là hãy nhìn vào lệnh phong tỏa Vũ Hán.
Bảng 21.b: Quá trình giảm tốc độ lây lan tại TQ, sau khi có lệnh phong tỏa. Nguồn: https://science.sciencemag.org/content/early/2020/03/05/science.aba9757
Bảng này phản ánh tác động của lệnh phong tỏa Vũ hán tới việc giảm tốc độ lây lan bệnh dịch. Độ lớn của mỗi vòng tròn đỏ thể hiện số ca nhiễm phát hiện trong ngày. Dòng đầu tiên hiển thị số ca nhiễm nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn. Hai dòng dưới phản ánh tác động khi ngăn chặn 40% và 90% lưu lượng di chuyển của công dân. Đây là mô hình do các nhà dịch tế học xây dựng.
Nếu bạn chưa thấy mức độ khác biệt, thì ít nhất bạn cũng không sai. Rất khó để nhận ra thay đổi trong diễn biến của dịch bệnh.
Các nhà nghiên cứu ước tính, lệnh phong tỏa Vũ Hán đã giúp giảm tốc độ lây lan tại Trung Quốc nói chung trong khoảng từ 3–5 ngày .
Vậy tác động lên việc giảm tốc độ lây bệnh giữa người với người sẽ như thế nào?
Tại bảng 21.c, dòng đầu tiên vẫn giống như tại bảng 21.b. Nhưng hai dòng dưới thể hiện tỷ lệ lây bệnh giảm. Nếu tỷ lệ lây bệnh giảm dưới 25% (qua Cách ly xã hội), nó sẽ giúp bẻ thẳng đường cong và giữ cho dịch bệnh không đạt tới đỉnh trong 14 tuần. Thấp hơn nữa, ở mức 50% thì bạn còn không nhận ra dịch bệnh đã bùng phát trong một quý.
Lệnh cấm nhập cảnh từ châu Âu là rất tốt ở thời điểm hiện tại: ít nhất nó “câu kéo” chúng ta một vài giờ, hoặc một vài ngày. Nhưng chỉ có vậy, không hơn. Và mỗi lệnh cấm này cũng không đủ. Chính quyền Mỹ áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong khi họ cần phải áp dụng các biện pháp giảm hại.
Một khi đã có hàng trăm hoặc hàng ngàn ca nhiễm trong cộng đồng, ngăn chặn, theo dõi và cách ly những người có liên hệ với bệnh nhân là không đủ và thực tế là không khả thi. Bước tiếp theo là giảm hại.
Giảm hại
Giảm hại yêu cầu phải cách ly xã hội một cách mạnh tay. Con người cần tránh gặp gỡ, tụ tập cho tới khi tỷ lệ lây nhiễm (R), vốn sẽ ở khoảng tương đương 2 -3 khi không áp dụng biện pháp nào xuống dưới 1 – là thời điểm bệnh dịch sẽ dần lụi tàn.
Những biện pháp này yêu cầu đóng cửa công ty, nhà hàng, phương tiện công cộng, trường học, cưỡng chế thực thi lệnh phong tỏa trên diện rộng. Tình hình càng tệ thì càng phải cách ly xã hội mạnh tay. Càng áp dụng biện pháp mạnh sớm thì thời gian duy trì biện pháp càng giảm, cũng như dễ xác định các ca ủ bệnh và ngăn chặn lây bệnh cho người khác.
Đó là những gì Vũ Hán đã làm. Và đó là những gì Ý đã buộc phải làm. Vì một khi virus lan tràn thì biện pháp duy nhất là phong tỏa tất cả các vùng dịch để ngăn chặn không cho lan sang vùng khác, ngay lập tức.
Với hàng ngàn ca nhiễm chính thức – và hàng chục ngàn ca nhiễm thực tế, đây là biện pháp mà Iran, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Điển và Mỹ cần làm.
Nhưng chưa có quốc gia nào trong số đó chịu làm.
Một vài doanh nghiệp phải cho làm việc tại nhà.
Một vài sự kiện đông người phải hủy bỏ.
Một số vùng nhiễm bệnh phải thực hiện phong tỏa cách ly.
Tất cả các biện pháp trên sẽ giúp giảm tốc độ lây lan của virus, giúp tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống còn 2,5 hoặc 2,2. Nhưng chúng không đủ giúp đưa tỷ lệ này xuống 1 trong thời gian đủ dài để ngăn chặn bệnh dịch. Và chúng ta lại cần đưa con số R này xuống càng gần mức 1 càng tốt để nắn thẳng đường cong.
Vậy câu hỏi là: Đâu là những thứ phải đánh đổi để hạ tỷ lệ R? Danh sách dưới đây do nước Ý mang tới cho chúng ta tham khảo:
•Không ai được vào hoặc ra khỏi khu vực phong tỏa, trừ khi có lý do gia đình hoặc công việc đã được xác nhận.
•Tránh di chuyển trong các vùng có dịch, trừ khi có nhu cầu khẩn cấp không thể trì hoãn.
•Những người có dấu hiệu nhiễm bệnh được “khuyến cáo” ở tại nhà.
•Ngừng áp dụng lịch làm việc tiêu chuẩn đối với nhân viên y tế.
•Đóng cửa các cơ sở giáo dục, gyms, bảo tàng, trung tâm văn hóa xã hội, bể bơi, nhà hát…
•Các quán bar và nhà hàng bị giới hạn giờ mở cửa từ 6 giờ tới 18 giờ, phải duy trì khoảng cách ít nhất 3 mét giữa các thực khách.
•Các vũ trường buộc đóng cửa.
•Tất cả các hoạt động thương mại phải duy trì khoảng cách 1 mét với khách hàng. Các cơ sở kinh doanh không đảm bảo điều kiện này buộc đóng cửa. Cơ sở tôn giáo có thể mở cửa nếu đảm bảo điều kiện này.
•Giới hạn thân nhân người bệnh tới thăm.
•Hoãn họp tại các doanh nghiệp. Khuyến khích làm việc tại nhà.
•Tất cả các sự kiện thể thao, thi đấu tại nơi riêng tư và công cộng đều hủy bỏ.
Trong 2 ngày sau, nước Ý đã bổ sung: Ờ thì, thực tế là các bạn có thể đóng cửa tất cả các hoạt động kinh doanh không thiết yếu với xã hội. Do đó, chúng tôi đóng cửa toàn bộ các văn phòng, quán café, shop… Chỉ hệ thống vận tải, nhà thuốc và quán rau là được mở cửa.
Một cách tiếp cận khác là từ từ tăng cường các biện pháp mạnh. Thật không may là cách này lại dâng thời gian quý báu cho virus lây lan. Nếu bạn muốn an toàn, hãy làm theo kiểu Vũ Hán. Mọi người sẽ phàn nàn vào hôm nay, nhưng ít nhất sau này họ còn sống để cảm ơn bạn.
Các quản lý doanh nghiệp có thể làm gì để đóng góp cho công tác cách ly xã hội?
Nếu bạn là người quản lý doanh nghiệp và bạn muốn biết mình nên làm gì, hãy truy cập vào đây: https://stayinghome.club/
Trong đó có một danh sách các chính sách cách ly xã hội đã được 328 công ty công nghệ Mỹ áp dụng, trải dài từ làm việc tại nhà, hạn chế di chuyển, tổ chức hội nghị.
Còn nhiều yếu tố khác mà các công ty phải quyết định, như làm gì với lao động công nhật, nên mở cửa hay đóng văn phòng, làm thế nào để thực hiện phỏng vấn, giải quyết quầy café như thế nào… Tôi xin giới thiệu mô hình mà công ty của tôi đang áp dụng (view only version here).
4. Thời điểm áp dụng cách ly?
Có thể tới nay bạn đã đồng ý với những gì tôi trình bày, và không biết thời điểm nào để đưa ra quyết định, và có nhiều yếu tố thúc đẩy chúng ta kích hoạt một biện pháp nhất định.
Các mô hình kích hoạt dựa trên nguy cơ
Tôi đã dựng mô hình kích hoạt tại link sau: model (direct link to copy)
https://docs.google.com/spreadsheets/d/17YyCmjb2Z2QwMiRRwAb7W0vQoEAiL9Co0ARsl03dSlw/edit?usp=sharing
Mô hình này giúp bạn đánh giá số lượng ca nhiễm thực tế trong khu vực của bạn, khả năng nhân viên của bạn đã nhiễm bệnh, diễn biến qua thời gian và liệu bạn có nên tiếp tục mở cửa.
Mô hình này giúp chúng ta nhận định:
•Nếu công ty của bạn có 100 nhân viên ở khu vực bang Washington, nơi có 11 người chết vì Corona vào ngày 08/3, có 25% khả năng ít nhất 1 trong số các nhân viên của bạn đã nhiễm bệnh và bạn cần đóng cửa ngay lập tức.
•Nếu công ty của bạn có 250 nhân viên tại Vịnh phía Nam (hạt San Mateo và Santa Clara, nơi có 22 ca nhiễm chính thức vào ngày 08/3 và số nhiễm thực có thể là 54), tới ngày 09/3 bạn sẽ có 2% khả năng có 1 nhân viên nhiễm bệnh, và bạn nên xem xét đóng cửa văn phòng.
• (Cập nhật ngày 12/3) Nếu công ty của bạn Paris và có 250 nhân viên, có tới 95% khả năng có 1 nhân viên của bạn đã nhiễm bệnh và bạn nên đóng cửa ngay ngày mai.
Mô hình này sử dụng các nhãn như “công ty”, “nhân viên”, nhưng có thể áp dụng với trường học, các ngành giao thông vận tải. Nếu bạn còn lăn tăn vì chưa thấy ai có triệu chứng, hãy nhớ rằng virus này phát tán, lây truyền bệnh rất mạnh ngay từ khi người nhiễm bệnh chưa có biểu hiện triệu chứng dễ phát hiện.
Kết luận: cái giá của việc chờ đợi
Việc đưa ra quyết định mạnh tay vào ngày hôm nay có vẻ khá đáng sợ, nhưng bạn nên nhìn nhận nó theo cách sau:
Bảng 22: Mô hình gia tăng các cơ nhiễm Corona mới theo ngày khi áp dụng các biện pháp cách ly xã hội
Mô hình lý thuyết này tốc độ và số ca nhiễm bệnh ở các cộng đồng khác nhau: cộng đồng không thực hiện cách ly xã hội, cộng đồng áp dụng vào ngày thứ N khi bùng phát dịch, và cộng đồng áp dụng vào ngày N + 1. Các con số đều là giả định (tôi lựa chọn dựa trên số liệu từ Hồ Bắc, với con số ca nhiễm mới trong ngày nghiêm trọng nhất lên tới 6000 người). Mục đích của chúng là phản ánh tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp sớm hơn 1 ngày.
Vậy còn các ca tích lũy?
Bảng 23: Mô hình các ca nhiễm Corona tích lũy khi các biện pháp cách ly xã hội được áp dụng
Mô hình này dựa trên dữ liệu từ Hồ Bắc, cho thấy chậm 1 ngày có thể dẫn tới thêm 40% tổng số ca. Do đó, có thể nếu chính quyền Hồ Bắc tuyên bố phong tỏa trong ngày 22/01 thay vì 23/01, họ đã giảm được khoảng 20.000 ca nhiễm.
Và hãy nhớ đó chỉ là các ca nhiễm. Tỷ lệ tử vong có thể tăng mạnh, vì việc tăng thêm 40% ca nhiễm đồng nghĩa với khả năng hệ thống y tế quá tải, sụp đổ cao hơn. Vậy, trong 1 ngày, sự khác biệt giữa quyết định áp dụng và trì hoãn áp dụng biện pháp cách ly xã hội có thể là con số người chết rất lớn trong cộng đồng của bạn.
Hãy chia sẻ
Hy vọng các bạn sẽ chia sẻ bài viết này, để tất cả các cộng đồng có thể nhận thức rõ ràng được mối đe dọa khổng lồ từ đại dịch COVID 19 và nhanh chóng đưa ra biện pháp mạnh mẽ và cụ thể. Thời điểm để hành động là ngay bây giờ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất