Gần đây, mình có tham gia một khóa học về chủ đề “Trị liệu nghệ thuật”, khóa học dành cho các nhà hoạt động xã hội - Đối tượng thường được liệt kê vào danh sách “nhận” nhiều ảnh hưởng tích cực, cũng như tiêu cực từ những người xung quanh. 
Có bao giờ bạn để ý, một buổi sáng thức dậy, bạn thấy mọi thứ thật tươi đẹp? Từ những đám mây đang trôi bồng bềnh, đến bầu trời trong xanh và những tán cây đung đưa trong gió như thể đang nhảy múa? 
Thế rồi đến giữa ngày, bạn đi làm và gặp phải một tai nạn giao thông, thấy mọi người túm tụm vào xung quanh quay phim, chụp ảnh hai người đàn ông đang cãi nhau ầm ĩ. Tự nhiên lúc ấy, cảm giác vui tươi ban đầu của bạn chợt biến mất thay vào đó là sự cau có và khó chịu về hành động của những con người vừa rồi. 
Bạn nghĩ rằng sự tiêu cực ấy xuất phát là do cuộc tai nạn hay những người kia sao? Thực tế, đó chỉ là cảm xúc từ chính bên trong bạn mà thôi. Nhưng đôi khi, chúng ta không nhận thức được điều đó, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn nguồn năng lượng lưu thông và lựa chọn phản hồi sai cách. 
Vậy thì trước khi tìm hiểu cách thức chuyển hoá sự tiêu cực, chúng ta phải hiểu được lối vận hành và bản chất của nó. 
Đầu tiên, tại sao mình không gọi là nỗi đau, nỗi sợ hay bất cứ danh từ nào đó khác mà lại gọi chung là sự tiêu cực? Đơn giản những danh từ trên chỉ là ngách rất nhỏ, chúng không thể bao hàm cho toàn bộ trường hợp. 
Vì thế, bạn có thể hiểu rằng khi bản thân rơi vào hoàn cảnh không như mong muốn hoặc cảm xúc đang đi lệch quỹ đạo, đó chính là lúc bạn đang rơi vào trạng thái tiêu cực.  
Trong khi cảm xúc chính là cầu nối giữa tâm trí và thế giới vật lý của mỗi con người. Nếu cảm xúc không vận hành trơn tru, bạn có thể phản ứng theo bản năng như lo lắng, sợ hãi, suy nghĩ quá mức hay thậm chí là kiệt sức và mất kết nối với bên ngoài. 
Đó là hành vi rất bình thường, tuỳ thuộc vào khung chấp nhận (window of tolerance) của mỗi cá nhân mà mức độ phản ứng sẽ khác nhau. 
Tuy nhiên, mục đích của bài viết này là giúp cho chúng ta ý thức để vượt qua cái gọi là bản năng ấy và quay về với an yên hoặc bản thể cao hơn của chính mình.  
Nếu bây giờ mình nói với bạn bản chất của tiêu cực là tình yêu, bạn cảm thấy thế nào? Khó hiểu đúng chứ? Làm gì có tình yêu nào lại khiến bạn không vui vẻ và hạnh phúc như thế!
Thật ra, mỗi một sự thay đổi diễn ra trong cuộc sống đều đóng vai trò như là dấu hiệu cảnh báo cho những chuỗi hành động và sự kiện tiếp theo. Tương tự, sự tiêu cực nảy sinh cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy cách ứng phó hiện thời của chúng ta nên được điều chỉnh. 
Ví dụ, khi đứng trước một vấn đề không như ý muốn, sẽ có 3 trường hợp phản ứng xảy ra. Một là bạn chọn cách quay lưng, né tránh vấn đề. Hai là để cảm xúc bị cuốn theo sự kiện đang xảy ra, đó là những hành động như phản kháng hay lao vào chiến đấu cùng với thái độ mất bình tĩnh. Trường hợp cuối cùng, những gì mà mình hướng tới - Chính là ý thức, quan sát sự rung động cảm xúc.   
Trong đó, hai trường hợp đầu tiên bạn luôn cố gắng hướng bản thân ra bên ngoài để giải quyết tiêu cực. Bị người khác đánh giá không tốt, bạn lao vào làm việc, khiến mình trở nên bận rộn như con thiêu thân, đó là né tránh. Khi gặp chuyện bất bình, chẳng hạn như vợ chồng hàng xóm đánh nhau, bạn cảm thấy mất niềm tin vào người yêu của mình và rồi gây sự, mặc dù mối quan hệ của hai người đang rất hạnh phúc. Bởi vì sâu thẳm, bạn cảm thấy sợ hãi và cách thể hiện ra bên ngoài (phản kháng) chỉ là phản chiếu cuộc đấu tranh nội tâm ở bên trong. 
Tuy nhiên, rễ cây dưới đất bị gặm nhấm thì dù có tưới bao nhiêu nước trên thân lá, cây cũng không sống được. Nguồn gốc tiêu cực xuất phát từ bên trong nhưng lại luôn tìm cách “chữa trị” từ bên ngoài thì đến bao giờ mới hết tắc nghẽn? 
Đó là lý do các vòng lặp cứ thế diễn ra, nỗi đau nối tiếp nỗi đau, sai lầm nối tiếp sai lầm! Bởi vì chúng ta chưa học được bài học tốt nghiệp về sự yêu thương và chấp nhận mọi thứ thuộc về bản thân. Vậy nên, sự tiêu cực sinh ra để giúp ta hiểu được bài học đó. 
Muốn thoát khỏi vòng lặp đau khổ từ quá khứ và chuyển hoá sự tiêu cực, bạn phải ý thức nhận diện, chấp nhận để mọi thứ diễn ra theo tự nhiên và dành tình yêu thương vô điều kiện với những tổn thương ấy.  
Ở đây, mình xin đưa ra một dẫn chứng khoa học cho thấy sự tác động của ý thức (nhận diện) đã làm thay đổi bản chất của một nguyên tử như thế nào. Nó có tên gọi là “thí nghiệm khe đôi”. 
Để làm rõ bản chất sóng hay hạt của một nguyên tử, người ta bắn các hạt electron qua tấm chắn có sẵn 2 khe hở, đằng sau tấm chắn là một màn hứng để thu nhận kết quả sau khi thực hiện. 
Các nhà khoa học sau đó tiến hành đặt máy cảm biến để quan sát đường di chuyển (đi qua hai hay một trong hai khe) của các (e) đơn độc, thì lúc này điều kỳ diệu đã xảy ra. Thay vì thu được ánh sáng dưới dạng vân sóng (đi qua cả hai khe) trên màn hứng như lúc đầu thì những nguyên tử này lại lập tức thay đổi trạng thái, di chuyển theo một đường thẳng (chỉ qua một khe) và đáp đất bằng một vệt sáng - Dạng hạt. Ấy vậy, khi tắt cảm biến đếm thì các nguyên tử lại trở về dạng sóng. 
Như vậy có thể thấy, đến ngay cả năng lượng, khi bị quan sát, tác động ý thức vào thì bản thân nó cũng sẽ tự động chuyển hoá, không còn giữ nguyên bản chất ban đầu nữa. 
Tương tự với một người, để quá trình chuyển hoá tiêu cực được xuôi dòng nhất, bước đầu tiên chúng ta phải học cách nhận diện và gọi tên được cảm xúc. 
Trong bước này, bạn hãy để mọi thứ diễn ra thật tự nhiên. Suy nghĩ nào tới, hãy cứ để nó tới, đừng cố gắng hay bắt buộc bản thân phải nhớ lại những điều không hay, không tốt. Vì nó sẽ giống như câu chuyện một người bán hàng cứ nài nỉ bạn mua sản phẩm trong khi bạn không hề có nhu cầu, điều đó sẽ rất khó chịu đúng chứ? 
Bạn hãy nhìn những gì từng trải qua dưới một lăng kính “người ngoài cuộc”, không phán xét và xem sự việc đó đơn giản như một sự kiện tiến hoá cần có của một con người. 
Bước hai, sau khi đã nhận diện, chúng ta phải ý thức để chuyển hoá cảm nhận mình đang có. Đây là lúc bạn cần thẳng thắn đối diện và làm việc với “đứa trẻ” bên trong của chính mình, thay vì hướng ra bên ngoài để tìm cách quên nó đi.
Bạn có thể sử dụng những phương pháp như thiền định, tiếp đất hay bất kỳ hoạt động nào khiến bạn cảm thấy an toàn và bình tâm. 
Cuối cùng, bài học tốt nghiệp của tất cả chúng ta là học cách yêu thương những cảm xúc tiêu cực mà bản thân đã trải qua. Những câu nói lặp lại trong phương pháp Ho’oponopono có thể sẽ hữu ích cho bạn. 
Kết lại, bản chất của tiêu cực vốn không xấu, nếu bản thân chúng ta biết cách tu dưỡng và chuyển hóa nguồn năng lượng ấy, ta sẽ cảm nhận được cái gọi là tình yêu. 
* Tham khảo thêm: