Lịch sử ở Việt Nam được dạy theo kiểu ngồi nghe kể chuyện và giáo dục đạo đức, tức vào năm đó chuyện này xảy ra, có ông vua này làm điều này và chuyện này xảy ra, người dân sống thế nào. Sau đó là một bài học, ý nghĩa lịch sử rút ra từ những chuyện ấy. Vấn đề với cách dạy này là nó chỉ có một câu truyện và lũ trẻ chỉ biết được câu truyện do người khác kể cho nó. Và khi bạn cứ nghe người ta kể truyện hoài bạn sẽ chán. Không chỉ thế, khi bạn kể cùng một câu truyện cho hàng nghìn đứa trẻ và bắt chúng học thuộc, thì bạn sẽ tạo ra hàng nghìn đứa trẻ chán lịch sử.
Có một giải pháp là hãy dạy làm sao để những đứa trẻ biết phân tích. Khi một đứa trẻ biết phân tích chúng sẽ tự tìm ra nhiều câu truyện khác nhau, và giống như những nhà khảo cổ vui mừng khi tìm thấy các vết tích cổ xưa, những đứa trẻ cũng sẽ vui mừng khi tự chúng tìm ra được một câu truyện nào đó bị vùi lấp trong những chữ nghĩa cổ xưa.
Và đây là một câu truyện khác được tìm thấy trong lịch sử, câu truyện về chuỗi cung ứng trong lịch sử quân sự.

Vấn đề của những đạo quân chinh chiến 

“Lê Chiêu Thống thế cùng lực kiệt, sai người sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Thanh là Càn Long muốn nhân cơ hội này thực hiện âm mưu xâm lược nước ta để mở rộng lãnh thổ xuống phía nam.
Cuối năm 1788, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân chia làm bốn đạo tiến vào nước ta.
Trước thế giặc ào ạt, quân ta rút khỏi Thăng Long. Ngô Văn sở và Ngô Thì Nhậm sai người về Phú Xuân báo cho Nguyễn Huệ biết và gấp rút lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Phòng tuyến có quân bộ đóng ở Tam Điệp (Ninh Bình), quân thuỷ đóng ở Biện Sơn (cửa Bạng, Thanh Hoá). Thuỷ - bộ liên kết vững chắc.
Tại Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị cho quân lính cướp bóc, đốt nhà, giết người rất tàn bạo. Lê Chiêu Thống được nhà Thanh phong là "An Nam quốc vương", thực ra chỉ là vua bù nhìn. Hằng ngày, y tìm cách trả thù, báo oán rất tàn ngược. Người dân Thăng Long nói với nhau: "Nước Nam từ khi có đế có vương đến nay, chưa bao giờ thấy ông vua nào luồn cúi đê hèn như vậy" (Hoàng Lê Nhất Thống Chí).
Tôn Sĩ Nghị suốt ngày ăn chơi, bắt nhân dân Thăng Long và các vùng lân cận phải nộp bò, lợn, lúa gạo ; có nơi còn phải nộp rơm cỏ nuôi lừa ngựa, dựng nhà cửa, đồn luỹ cho giặc. Lòng căm thù quân cướp nước và lũ bán nước đã lên đến cao độ.”


Xem thêm tại: Quân Thanh xâm lược Đại Việt
Đây là một đoạn văn tiêu biểu trong vô số các đoạn văn miêu tả quân xâm lược nước Việt Nam, thời đó tên là Đại Việt. Đoạn văn đọc có vẻ rất bình thường cho đến khi chúng ta đặt câu hỏi:
“Quân Thanh lấy lương thực ở đâu để nuôi 29 vạn quân?”
Thường thì trong sách sử chúng ta ít đọc thấy những câu hỏi như thế. Những miêu tả chi tiết các trận đánh và hành quân, chiến thuật, chiến lược và vũ khí khiến cho những người đam mê lịch sử coi việc tổ chức hậu cần là khâu thứ yếu. Những trận đấu trí với những vũ khí tân tiến thì hấp dẫn hơn nhiều vấn đề ăn ở ngủ nghỉ đi vệ sinh của binh lính. Những bài viết nhấn mạnh về các chiến thuật cũng như quy mô khổng lồ của các cuộc chiến khiến cho những người đam mê lịch sử mặc định rằng khi cần thiết thì chính quyền cứ gom một đám người lại, huấn luyện rồi tung ra trận. Đánh lớn thì tung 10 vạn, 20 vạn quân ra, đánh nhỏ thì 5000, 10.000. Mọi thứ thật là đơn giản
Trong khi thực chất vấn đề thiết yếu để tiến hành chiến tranh là tổ chức hậu cần và rộng hơn là tổ chức xã hội. Nếu một ông vua không có đủ năng lực tiến hành chiến tranh thì dù ông ta có 50 vạn quân đi chăng nữa, ông ta cũng sẽ chẳng có thể điều động được đội quân đó ra khỏi biên giới của mình. Do đó đây là vấn đề rất là lớn của của tướng lĩnh cầm đầu các đạo quân xa xưa, bao gồm đạo quân 29 vạn lính của Tôn Sĩ Nghị. Có một thời các vua chúa nhà Minh, nhà Thanh đã mất hàng tháng trời chỉ để lên kế hoạch hành quân cho một đạo quân đi ra khỏi Bắc Kinh một dặm đường. Không hề dễ dàng để tập hợp những người xa lạ sống cách xa nhau hàng chục cây số, chưa hề gặp mặt nhau, nói giọng vùng miền khác nhau, giao cho họ vũ khí và bắt họ chiến đấu trung thành cho một chế độ chèn ép họ, cho một ông vua họ chưa gặp mặt bao giờ, và đảm bảo rằng họ không làm phản.

Ở bên trên là bản đồ quân Thanh xâm lược. Quãng đường ngắn nhất là đi từ Lạng Sơn vào Thăng Long cũng phải 250 – 300km, tương đương 14 ngày đi đường, chưa tính đến việc giao tranh. Làm sao có thể cung cấp đủ lương thực để nuôi hàng trăm ngàn quân trong ít nhất 14 ngày đường? Nếu bạn vẫn chưa thấy được vấn đề thì hãy cân nhắc một số liệu sau. Theo ghi chép của sử sách thời La Mã thì một binh đoàn của quan nhiếp chính Polybian với 16800 bộ binh và 2400 kị binh thì cần 40 tấn lương thực mỗi ngày, đó là chưa đến số lương thực cần để nuôi số lừa mang theo để chuyên chở vũ khí. Đó là chưa tính đến nước uống. Và điều quan trọng đó là dù đánh nhau hay không, mỗi ngày cái đạo quân đó đều sẽ ăn hết 40 tấn lương thực.
Quay trở lại chuyện quân Thanh. Hãy xem xét bối cảnh thời đó. Miền Bắc Việt Nam chưa bao giờ được coi là một vựa lúa tốt cả, đất canh tác thì ít và bão lũ thì triền miên. Đó là chưa kể đến chiến tranh liên miên, vào năm 1788 khi quân Thanh xâm lược, ở ngoài Bắc bấy giờ đã chịu đựng chiến tranh ít nhất phải 10 năm, từ các cuộc nổi loạn chống chính quyền trung ương đến việc quân Tây Sơn đem quân ra Bắc đánh. Và khi đánh nhau thì sẽ có nạn đói (nhưng mà tại sao?). Như vậy khi quân Thanh tiến vào miền Bắc, họ không thể chỉ sống vào việc cướp lúa của người dân được, họ chỉ có thể tự mang theo lương thực.
Tranh mô tả binh lính nhà Thanh
Bạn có 290,000 quân tham chiến, bạn cần cung cấp lương thực đủ cho từng đó quân để đi trong ít nhất 2 tuần lễ qua các vùng rừng núi. Bạn phải cung cấp như thế nào nếu không cướp bóc?
Và quân Thanh của vua Càn Long không phải là đạo quân duy nhất trong lịch sử phải giải quyết vấn đề đó. Các đạo quân cổ xưa từ thời Hy Lạp đến tận bây giờ đều phải luôn đặt yếu tố logistics – chuỗi cung ứng hậu cần lên hàng đầu khi tính toán các chiến dịch hành quân. 
Bài viết này nhằm xoay quanh vấn đề quản lý chuỗi cung ứng hậu cần cho quân đội. Vấn đề này tưởng chừng như chỉ là phụ và hầu như chỉ được nhắc sơ qua trong các sách lịch sử phổ thông, nhường chỗ cho những vấn đề được xem như hấp dẫn hơn là chiến lược, chiến thuật và thậm chí là các thủ thuật ngoại giao. Trong khi thực chất chính việc tổ chức và quản lý chuỗi cung ứng là yếu tố hàng đầu, ngang hàng với chiến lược và chiến thuật, đóng vai trò quyết định thành bại của cả một cuộc chiến.

Mọi thứ bắt đầu từ cách mạng nông nghiệp

“Có làm thì mới có ăn”.
Đó là câu nói kinh điển tự cổ chí kim để khuyên răn mọi người phải lao động chăm chỉ. Nhưng vào thời tiền sử, thời loài người còn săn bắt hái lượm, câu nói đó đúng theo nghĩa đen của nó hoàn toàn. Một người, một bộ lạc phải đi săn, phải đi bắt hái lượm, nếu không anh ta sẽ chết đói. Nếu thiếu thốn anh ta có thể xin nhờ người khác nhưng anh ta chỉ có thể làm thế vài lần. Và một bộ lạc nếu không đi săn được hẳn sẽ ăn thịt kẻ yếu nếu không muốn bị chết đói.
Thế rồi một vài người đã khám phá ra việc trồng trọt và phương pháp này lan nhanh ra khắp nơi, có vẻ như loài người đã quá mệt mỏi với việc phải di chuyển liên tục và sợ việc bị ăn thịt. Trong khi người hiện đại chúng ta coi làm nông là một công việc bình thường thì dưới mắt người tiền sử đó là ác mộng. Thứ nhất là cơ thể người không phù hợp để cứ phải cuối xuống “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” quanh năm suốt tháng, họ sẽ dễ bị gù, bị đau lưng và đủ thứ bệnh về khớp. Tệ hại hơn là khi làm nông thì họ phải ở cố định một chỗ. Nếu mùa đông không có nai thì bộ lạc đi săn sẽ đi ra khu khác để tìm nai, hoặc tìm loài vật khác hoạt động vào mùa đông để săn. Còn những người làm nông, họ ở cố định, có nghĩa là nếu mùa màng năm đó bết bát vì những lý do hoàn toàn không phải do họ gây ra như hạn hán, lũ lụt, thì họ sẽ chết đói.

Họ đã làm, nhưng không có ăn. Một cuộc cách mạng tồi tệ. Vậy tại sao mọi người vẫn làm nông?
Đó là vì làm nông tạo ra dư thừa lương thực. Nếu một bộ lạc 50 người chỉ có thể kiếm đủ lương thực để nuôi 50 người (đó là trường hợp tốt nhất, thường thì họ sẽ luôn thiếu thốn), thì một nhóm 50 người làm nông có thể sản xuất đủ lương thực cho 80 người. Điều đó có nghĩa là có 30 người không cần làm nông cũng có đồ ăn. Và đó là cội nguồn cho những điều thú vị nhất trong lịch sử. Việc dư thừa lương thực tạo ra những đổi mới sau và các đổi mới này bổ trợ cho nhau:
-Giúp tạo ra các ngành nghề mới. Dư thừa lương thực có nghĩa là có một lớp người có thể làm việc khác ngoài việc kiếm lương thực. Như vậy từ đó trong lịch sử xuất hiện nhà thơ, nhà văn, thương gia, binh lính. Và những người này dành thời gian để suy nghĩ ra cách tổ chức sản xuất sao cho mọi thứ trở nên tốt hơn, đảm bảo an ninh an toàn cho xã hội. Khái niệm làm nông bấy giờ đã mở rộng ra, ngoài trồng trọt còn có chăn nuôi.
-Việc xã hội được tổ chức tốt hơn giúp tăng dân số cộng đồng lên (mọi người không còn đi lại khắp nơi để săn bắn nữa mà ở cố định), dẫn tới việc thành lập các thị trấn, từ các thị trấn ta có các thành phố rồi từ đó là quốc gia và nền văn minh. Các nền văn minh lớn đều bắt đầu gần những con sông vì ở đó mới có nước để cung cấp cho đồng ruộng: đế quốc La Mã bắt đầu từ Rome, thành phố nằm cạnh sông Tiber, Ai Cập xuất phát từ Cairo nằm cạnh sông Nile, ở Trung Quốc là cạnh sông Hoàng Hà, ở Việt Nam là dọc sông Hồng.
Chúng ta cũng nên lưu ý rằng hình thái xã hội nông nghiệp và săn bắn có thời gian tồn tại song song với nhau, chứ không phải cái này xuất hiện là cái kia mất. Và có một số xã hội vừa làm nông, vừa săn bắn.

Đế chế La Mã và tổ chức hậu cần tân tiến

Không phải là phóng đại khi nhận xét rằng các đế quốc hùng mạnh vươn lên được chính nhờ có tổ chức xã hội, cụ thể là tổ chức hậu cần, tốt hơn kẻ thù của mình. Rome, thủ đô của đế chế La Mã, không phải là chưa từng bị cướp bóc và đốt phá, nhưng nó không bị chiếm đóng bao giờ. Đó là vì kẻ thù của họ, những kẻ mà người La Mã gọi là “mọi rợ”, không thể ở trong một thành phố như vậy được. Thành phố thì cạn sạch lương thực và họ thì không đem theo đủ. Họ cũng không có kiến thức để trồng trọt. Nhưng người La Mã thì khác. Người La Mã có thể hành quân cả một trăm cây số mà và tấn công chiếm đóng đất đai kẻ thù. Hãy tưởng tượng một binh đoàn 20,000 lính La Mã vừa mới hành quân 100km và chiếm đóng được một thị trấn. Họ có thể làm được điều đó vì:
-Hai vạn lính của họ được cung cấp đủ lương thực để hành quân.
-Họ có thể huy động thêm 5 ngàn lính canh gác suốt 100km đường.
-Họ có thể huy động thêm 500 lính để đi mang hàng tiếp tế cho 20,000 quân đi qua 100km đường đã được canh gác.
-Họ có thể tiếp tế cho 5 ngàn lính đang gác đường.
-Và họ có thể duy trì việc tiếp tế qua hàng tháng trời.
Như vậy chúng ta có một nhóm 25500 người (chưa tính số người tham gia việc tiếp tế cho lính gác) có thể sống cả tháng trời mà không lao động tạo ra được bất cứ vật chất của cải gì cho xã hội. Đây thực sự là một điều xa xỉ vì vào thời Rome, chết vì đói là điều phổ biến như trẻ con bị cảm cúm như hiện nay. Nạn đói có thể ập đến bất cứ lúc nào và mỗi năm có hàng nghìn đứa trẻ không có sinh nhật lần thứ nhất vì thiếu ăn. Nhưng người La Mã có thể tổ chức được một đội quân xa xỉ. Chính thứ xa xỉ đó là sức mạnh giúp đế quốc La Mã vươn xa bởi vì hầu như không có một quốc gia nào có thể tiến hành một chiến dịch quân sự dài hơn suốt nhiều năm trời ở một vùng đất xa lạ. Ít nhất là trong những thế kỷ đầu lập quốc.

Hannibal đối đầu với cỗ máy chiến tranh La Mã

Vào thế kỷ thứ III TCN, người La Mã đã gặp một đối thủ đáng gờm nhất, một kẻ cũng có thể đạt được điều xa xỉ đó và là đối thủ duy nhất đe dọa đến sự tồn tại của họ: Carthage. Carthage là một đế quốc lớn, tồn tại ở Bắc Phi và Nam Âu, nằm bên kia bờ biển của nước Cộng hòa La Mã.
Tượng bán thân mô tả Hannibal và bên phải là tranh minh họa đoàn voi chiến của ông
Khi những kẻ tham vọng lớn ở cạnh nhau, hiềm khích là không thể tránh khỏi. Đã có những cuộc chiến nhỏ xảy ra, nhưng đến năm 218TCN thì cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ ở biển Địa Trung Hải đã đạt đến quy mô Đại chiến thế giới của thời cổ đại. Chỉ huy quân Carthage là viên tướng trẻ Hannibal. Nếu như cái tên Hannibal gợi đến cho những con người trẻ hiện đại hình ảnh một kẻ giết người đầy lịch lãm nhưng tàn ác thì 2200 năm trước, cái tên này làm cho bao nhiêu con người ở La Mã phải run rẩy, đến mức câu nói: “Hannibal đến cổng rồi” (Hannibal at the gate!) đồng nghĩa với khái niệm “ngày tận thế” mà chúng ta hay dùng.
Đầu tiên Hannibal cho thấy không chỉ người La Mã mới biết tổ chức hậu cần. Ông đã đạt được điều không tưởng vào thời cổ đại là đưa 50 ngàn quân và voi chiến vượt núi Alps. Núi Alps nằm ở Tây Bắc Italy, ngay vào mùa đông đầy gió bão. Ông không chỉ đưa người và ngựa vượt núi, ông còn đưa được cả voi chiến, một điều vô cùng kinh ngạc, nó giống như là chạy xe máy trên cầu khỉ vậy. Và ông không chỉ đưa được một con voi chiến qua núi, ông đưa được hàng chục con. Đó được xem là cuộc hành quân vĩ đại nhất trong thời cổ đại, và phải 2000 năm sau mới có người lặp lại được kì tích này là hoàng đế tương lai của nước Pháp, Napoleon Bonaparte, chỉ có điều lúc đó voi chiến đã được thay thế bằng Pháo.
Tranh tái hiện lại cảnh đoàn quân Carthage của Hannibal vượt dãy núi tuyết Alps. Đây được xem là kỳ tích trong thế giới cổ đại.
Sau đó ông cho thấy ông không chỉ biết tổ chức hành quân mà còn là một nhà chiến thuật gia tài ba.
Tại ngôi làng Cannae nhỏ bé, vào ngày 2 tháng 8 năm 216 TCN, khoảng 55000 ngàn lính Carthage dưới sự lãnh đạo của Hannibal đã tàn sát khoảng 87000 quân La Mã. Sở dĩ nó được gọi là tàn sát vì có ít nhất 50000 quân La Mã đã bị giết trong trận đánh đấy. Để bạn dễ hình dung thì số lượng 50 nghìn người chết đó tương đương với dân số của một thành phố lớn bấy giờ thời cổ đại, tức nó giống như một ngày đẹp trời, một nửa dân ở Thành phố Hồ Chí Minh biến mất hết vậy. Nhưng chỉ trận Cannae thôi là không đủ, trước đó Hannibal cũng đã tiêu diệt quân La Mã ở trận sông Trebia (218 TCN) và trận hồ Trasimene (217 TCN), giết chết tổng cộng khoảng 40,000 lính La Mã, nửa số dân còn lại đã bốc hơi.
Chiến tranh Punic giữa La Mã và Carthage. Hannibal có thể đi dọc hết lãnh thổ La Mã nhưng ông không thể chiếm được Rome và khi người La Mã do Scipio tổ chức tấn công thẳng vào quê nhà Carthage của ông, ông đã phải rời Italy để về bảo vệ Carthage.
Nhưng sức mạnh của hệ thống xã hội của người La Mã đã cho thấy nó lỳ lợm hơn binh lính của Hannibal. Binh lính La Mã có thể chết nhưng cỗ máy vận hành đế quốc không chết và chỉ vài năm sau, nó lại đưa ra những binh đoàn khổng lồ ra chiến trường và cung cấp đủ lương thực để nuôi các binh đoàn ấy. Hannibal, dù đạt được những chiến thắng tuyệt vời, nhưng không thể giành được chiến thắng toàn cục vì liên tục bị thiếu tiếp tế và lương thực. Theo thuật ngữ trong ngành logistics thì Hannibal lúc đó đang ở “phía cuối chuỗi cung ứng” – at the end of the supply chain. Đế quốc Carthage của ông cách xa quân đội ông một bờ biển, việc tiếp tế bằng tàu đi xuyên biển và liên lạc với quê nhà thì quá khó khăn, các tàu dễ gặp cướp biển và bão, còn những đồng minh hỗ trợ ông thì không thể cung cấp nổi lương thực để giúp ông. Ông chỉ có thể nuôi quân dựa vào sự cướp bóc các thành bang La Mã đã bị chiếm nhưng điều đó không phải lúc nào cũng làm được. Trong khi quân đội của ông ngày càng bị hao mòn và thiếu tiếp viện thì cỗ máy chiến tranh La Mã tiếp tục tung ra những binh đoàn đông đảo và những viên tướng khôn ngoan hơn. Những binh đoàn đó đã biết tránh đối đầu trực diện với quân Carthage, chúng bám theo như cái bóng, đốt phá những kho lương thực của kẻ thù và tấn công kẻ thù khi chúng đang kiếm ăn. Cuộc chiến kéo dài dai dẳng đến năm 202 TCN thì người La Mã đánh bại hoàn toàn người Carthage, Hannibal sau này phải sống lưu đày theo yêu cầu của kẻ thù.
Người Carthage có một chiến thuật gia tài ba là Hannibal, nhưng người La Mã có một tổ chức xã hội và hậu cần vô cùng tinh xảo. Và cái hệ thống tinh xảo đó đã đánh bại Carthage.

Quân đoàn La Mã XIII của Ceasar và đoàn quân viễn chinh của Alexander đại đế

Trong những năm đầu mở rộng bờ cõi, người La Mã chỉ tiến hành chiến tranh ở gần quê nhà Italy hoặc ở các quốc gia đã phát triển lâu đời, nơi có các kho thóc lớn như Hy Lạp, Macedonia. Điều đó cho phép họ có thể thiết lập các kho lương thực dọc đường hành quân và đem theo các đoàn ngựa thồ mang đồ tiếp tế. Tuy nhiên khi chiến tranh lan ra những vùng rừng núi hoang vu của người Gaul, nước Pháp hiện nay, nơi chỉ có các tộc người du mục nay đây mai đó và không có những vựa lúa lớn, những cải tổ cần thiết phải được thiết lập. Người La Mã bấy giờ đã hạn chế phụ thuộc vào lương thực quê nhà hơn mà đã phải tự mang theo lương thực cũng như đồ dùng nấu ăn, binh lính sẽ hành quân với vũ khí và xoong nồi, dụng cụ nấu ăn và và lều trại cho riêng mình. Binh lính La Mã có lẽ là những người lính đầu tiên trong lịch sử quân sự đi ra trận với trang bị thêm ngoài đồ dùng cá nhân ngoài vũ khí. Ngoài ra chiến tranh ở phương xa cũng khiến người La Mã phải khôn ngoan hơn về mặt ngoại giao, ngoài việc chém giết và cướp bóc, họ còn phải biết giao hảo để thiết lập đồng minh, từ đó có thể mua lương thực từ dân địa phương. Thậm chí xa hơn nữa, họ còn phải biết xây nhà, biết trồng trọt, canh tác nếu đóng quân ở nơi xa lâu dài.
Tranh tái hiện cảnh lâm chiến của một binh đoàn La Mã. Không có tranh miêu tả thời La Mã nhưng những bản mô tả chi tiết và tài liệu sử học đã cho phép các nhà sử học tái hiện lại cách tổ chức quân đội và tiến hành chiến tranh của họ.
Những thay đổi ấy đã khiến cho quân đội La Mã sau này trở nên tinh gọn hơn, không còn những đoàn xe khổng lồ dài đằng đặc nối đuôi đoàn quân chinh chiến. Và điều đó có nghĩa là họ có thể tự do hoạt động hơn mà không phụ thuộc vào các tuyến tiếp tế. Chính nhờ sự tinh gọn đấy mà binh đoàn La Mã số XIII của Ceasar đã có thể hành quân từ vùng Iberia (Tây Ban Nha ngày nay) về Rome, một chặng đường dài một nghìn cây số, trong vòng 27 ngày, và đáng kinh ngạc hơn là đó là binh đoàn mang toàn vũ khí hạng nặng.
Tượng bán thân Julius Caesar, con người đã giúp mở rộng bờ cõi Rome ra vùng Gaul, nước Pháp ngày nay, và cũng là người đã xóa bỏ chế độ Cộng Hòa, lập nên chế độ độc tài ở La Mã.
Sự tài ba của người La Mã là việc họ có thể để một binh đoàn sống xa hậu phương ở ngay trên bộ. Hãy xét trường hợp sau. Gần ba trăm năm trước cuộc hành quân của Ceasar, Alexander đại đế và các đạo quân Phalanx của ông cũng đã hành quân với tốc độ vô cùng kinh ngạc, quét sạch các thành trì Ba Tư trong chớp mắt. Chỉ trong 8 năm, từ năm 334 TCN đến năm 326 TCN, đạo quân Macedonia của Alexander đã đi từ Hy Lạp đến Ấn Độ, đạo quân ấy dường như không bao giờ nghỉ hay lo về vấn đề thiếu ăn. Đây như là một phép màu, bởi vì đạo quân 35 nghìn người của Alexander khi rời Hy Lạp chỉ mang theo 10 ngày lương thực, nhưng họ vẫn có thể hành quân hàng nghìn dặm với tốc độc 19.5 dặm (tương đương 31.2 km) mỗi ngày. Làm thế nào Alexander làm được điều ấy?

Nếu nhìn vào bản đồ trên ta có thể thấy trong thời kì đầu chinh chiến, bắt đầu từ vùng Pella của Macedonia ở góc trên bên trái, các đạo quân của Alexander đều hành quân ven bờ biển hoặc theo những con sông lớn. Và đó chính là những con đường nhanh nhất để hành quân vì toàn bộ hàng tiếp tế có thể được vận chuyển bằng thuyền hoặc tàu chiến đi ven biển và ven sông như sông Tigris. Tiếp tế bằng thuyền hoặc tàu chiến là cách hiệu quả nhất để giúp giảm gánh nặng cho đội quân trê bộ trong khi vẫn đảm bảo binh lính có đủ ăn. Chỉ với một chiếc thuyền to do một nhóm người điều khiển đã có thể chứa đủ lương thực cho cả hàng trăm người. Chỉ đến khi tiến sâu vào lãnh thổ Ba Tư, khi đã kiểm soát được những vùng trồng trọt lớn, Alexander mới tổ chức hành quân sâu trong đất liền.
Alexander không chỉ dựa vào sông và biển để tiếp tế cho quân đội. Ông đã khôn khéo thiết lập quan hệ tốt với các thành phố bị thuần phục để đảm bảo rằng họ có thể cung ứng lương thực và thuyền cho ông. Ngoài ra ông cũng thành lập các kho lương thực lớn dọc suốt đường đi để đảm bảo nguồn tiếp tế cho binh lính. Như Herat, thành phố của Afghanistan, đã được lập ra bởi Alexander với ý định ban đầu là một kho lương thực cho phép ông tiến công vào vùng Trung Á. Chuỗi cung ứng khổng lồ dài hàng nghìn cây số này này được vì hoàng đế trẻ 30 tuổi thực hiện và quản lý chỉ dựa vào thư từ qua lại, quả là một tài năng vượt thời! Do đó không lạ gì mà các công ty logistics toàn cầu hiện nay vẫn tìm thấy cảm hứng khi nghiên cứu về vị hoàng đế huyền thoại sống hơn 2000 năm trước (đọc thêm phần tài liệu cuối bài).
Đội hình Phalanx của quân đội Macedon của Alexander Đại Đế. Những cây giáo dài đến 6m này tạo nên bức tường thép gần như không thể bị xuyên thủng trực tiếp, và để bảo vệ hai bên cánh, Alexander bố trí bộ binh nhẹ cũng như các kị binh thiện chiến nhất của mình.
Như vậy trong lịch sử, nếu Alexander Đại Đế, thay vì đưa quân về phía Đông tới đế quốc Ba Tư, mà hướng về phía Tây để thôn tính người La Mã, hẳn ông đã gặp thất bại. Nó không chỉ vì việc tổ chức tiếp tế xuyên biển quá là khó khăn, và Alexander hẳn chưa chắc đã đủ khả năng thiết lập một hệ thống hậu cần hùng mạnh để giúp quân đội ông tiến sâu trên bộ, mà còn là vì người Macedon chỉ có thiên tài Alexander, còn người La Mã thì có một bộ máy tinh vi khổng lồ, có thể giúp nó tiến hành chiến tranh ở sâu trong đất liền mà không cần tổ chức các đội tàu, thuyền tiếp tế.

Hết phần I

Đọc tiếp phần 2

Tài liệu tham khảo: