REDDIT VS WALL STREET - KHI NGƯỜI GIÀU BỊ ĂN THỊT
Nếu là một dân đầu tư hay thậm chí không cần là một người trong mảng này có lẽ các bạn đã nghe đến từ Phố Wall (hay Wall Street), dù...
Nếu là một dân đầu tư hay thậm chí không cần là một người trong mảng này có lẽ các bạn đã nghe đến từ Phố Wall (hay Wall Street), dù chỉ là một con đường nhỏ tại thành phố Manhattan, tiểu bang New York nhưng đây lại là biểu tượng của ngành tài chính và chứng khoán của Hoa Kỳ và toàn cầu với vô số sở giao dịch chứng khoán và các công ty đầu tư. Tuy nhiên, dẫu nơi đây có những người vận hành những tập đoàn đầu tư tài chính hàng tỷ đô với những cái đầu nhiều sạn nhưng trong lịch sử hay cụ thể hơn là vài năm gần đây, những nhà đầu tư tại các quỹ đã rơi vào khó khăn thậm chí là đệ đơn đóng cửa; Đó chính là cuộc chiến giữa cộng đồng Reddit WallStreetBets và các quỹ đầu tư tại phố Wall, nơi những người giàu đã gục ngã trước đám đông nổi giận và đã có một series phim với 3 tập được làm và xuất bản trên Netflix là Eat the rich để giải thích và đưa ra bình luận của các nhà đầu tư trong sự kiện này. Trong bài viết này chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu xem liệu điều gì đã xảy ra, đám đông trên Reddit đã làm gì để đánh gục những kẻ giàu có và liệu ta có thể đúc kết được bài học gì qua sự kiện này không?
Lưu ý: Bài viết này được lấy cảm hứng và một số thông tin từ bộ phim Eat the Rich: The GameStop Saga thực hiện bởi Netflix cho nên nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm nữa về các thông tin bên lề, phỏng vấn của người trong cuộc hay nhận định của các chuyên gia, tôi đề xuất bạn nên xem series phim tài liệu ngắn được làm rất chỉnh chu của Netflix. Còn bây giờ, đi vào nội dung chính của bài viết này thôi
I. Giới thiệu một vài đối tượng
Reddit là một cộng đồng trên mạng xã hội được truy cập mở, nơi mọi người có thể đưa lên tiếng nói và ý kiến của mình trên các diễn đàn và những người trong đó sẽ đồng ý không đồng ý hoặc bình luận vào ý kiến đó của người viết.
WallStreetBets là một cộng đồng trong Reddit được thành lập vào năm 2012 bởi Jaime Rogozinski một cựu nhân viên của Inter-American Development Bank tại Washington D.C. với mục tiêu tạo ra một cộng đồng tập hợp các nhà đầu tư nhỏ lẻ thảo luận về tình hình của các mã cổ phiếu chứng khoán của các công ty và chia sẻ các quyết định đầu tư, ý kiến cá nhân trong các lĩnh vực tương tự,..
Nhà đầu tư cá nhân là những cá nhân không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp và họ thường mua hoặc bán các loại tài sản chứng khoán theo mức nhỏ và rời rạc với nhau. Các nhà đầu tư cá nhân thường hoạt động độc lập và thường không có quá nhiều sức ảnh hưởng trên thị trường trên mỗi cá thể trừ khi họ được tập hợp lại từ các cộng đồng hoặc hội nhóm trên mạng hoặc ngoài đời.
Quỹ phòng hộ là một thực thể tài chính, nói một cách đơn giản rằng họ chuyên đầu tư vào các loại tài sản để sinh lời với phần tiền đưa vào từ những người sử dụng dịch vụ (các nhà đầu tư). Các quỹ này được gọi như vậy là bởi các quỹ sẽ giúp nhà đầu tư bảo vệ khỏi các rủi ro khi đầu tư tối đa để gần như chắc chắn có lãi, đổi lại những người đưa tiền vào các quỹ đầu tư phải đóng một khoản tiền nhỏ được gọi là phí dịch vụ và các khoản khác.
GameStop là một công ty chuyên về băng đĩa game và các dụng cụ chơi game khác được thành lập vào năm 1984 có niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hiểu đơn giản thì mô hình kinh doanh của GameStop giống như một cửa hàng bán và trao đổi các vật phẩm trò chơi theo cách cổ điển và truyền thống. Chính vì sự cổ điển đến mức lạc hậu đó, mô hình kinh doanh của GameStop bị đánh giá là kém hiệu quả và phần nào có nguy cơ phá sản.
II. Tình hình kinh doanh thất bại của Game Stop
Những con số thật sự không biết nói dối khi chỉ ra được GameStop của những năm tháng trong khoảng 2019 - 2020 là một thời kỳ rất khó khăn về nhiều mặt trên báo cáo tài chính. Tài sản dựa trên bảng cân đối kế toán được công bố bởi doanh nghiệp chỉ ra GameStop đã giảm giá trị tài sản hơn 30% từ 4.044 tỷ USD vào tháng 2 năm 2019 xuống 2.819 tỷ USD vào năm 2020, và đã được dự báo là còn tiếp tục giảm dài hạn do tác động của dịch COVID-19. Doanh số bán hàng thuần của GameStop cũng không khả quan hơn khi giảm từ 2.194 tỷ USD vào quý 4 năm 2019 xuống 2.122 tỷ USD vào cùng thời kỳ năm 2020 - con số này không chỉ là hệ quả cho nền kinh tế khó khăn chung do dịch bệnh mà còn phản ánh việc mô hình kinh doanh kiểu cửa hàng băng đĩa game vật lý cổ điển đã không còn được ưa chuộng và đề cao trong thời điểm ai cũng có thể mua game trên các nền tảng khác nhau từ chính chủ như Steam hay các cộng đồng mua bán sản phẩm game cũ trên các nền tảng mạng xã hội vừa rộng mà vừa dễ tiếp cận.
Cho nên, vì những lý do trên, các nhà đầu tư nói chung và các quỹ tài chính nói riêng đều dự đoán sẽ không còn ai hứng thú với một doanh nghiệp lạc hậu như GameStop. Từ đó, như những suy nghĩ thông thường, khi không còn ai quan tâm và hứng thú với doanh nghiệp, sẽ không có ai tiếp tục đầu tư vào công ty này nữa và công ty sẽ bị sụt giảm giá trị cổ phiếu từ việc này. Tuy nhiên, dù cho có cổ phiếu có tăng hay giảm thì các quỹ đầu tư vẫn có cách để kiếm lời từ việc cả 2 xu hướng thay đổi trên và trong trường hợp này, các quỹ đã dùng phương pháp bán khống để kiếm lời từ các cổ phiếu đang giảm giá. Vậy bán khống là gì?
III. Bán khống - nơi làm giàu từ những con tàu đắm
Bán khống là một chiến lược đầu tư vào cổ phiếu được sử dụng khi người mua dự đoán cổ phiếu sẽ giảm giá trị trong tương lai. Nói cho dễ hiểu thì các nhà đầu tư và các quỹ sử dụng phương pháp bán khống đang đặt cược vào chuyện một mã cổ phiếu sẽ giảm trong tương lai. Hãy xét đến ví dụ thực tế như sau, anh A chạy đến chị B và xin được giữ một chiếc điện thoại với hứa hẹn một khoản phí nhỏ trả lại để được mượn chiếc điện thoại đó, anh A cầm chiếc điện thoại đó và bán đi với mức giá 20 triệu VNĐ vì anh biết rằng ngày mai hãng sản xuất sẽ phát hành một thiết bị mới và ngừng hỗ trợ thiết bị cũ (những thông tin đều có khả năng làm giảm giá trị chiếc điện thoại cũ đó). Và nếu đúng sự thật xảy ra, chiếc điện thoại cũ sẽ bị giảm xuống 10 triệu VNĐ và anh A chỉ cần chạy đến chỗ bán và mua lại với giá 10 triệu VNĐ kèm với khoản phí mượn nhỏ từ chị B để trả lại cho chị thì chung quy lại anh A đã lãi được gần 10 triệu chỉ nhờ việc giảm giá của một sản phẩm trên thị trường qua việc mua bán trong thời gian ngắn.
Các quỹ đầu tư bán khống cũng vậy, nếu chớp được đúng thời cơ, bán được số lượng cổ phiếu đã đi vay trước đó với giá cao giả sử là 20 USD một cổ phiếu, chờ đợi việc mã cổ phiếu đó làm ăn khó khăn và các nhà đầu tư mất niềm tin trong thời gian ngắn để cổ phiếu tụt xuống 10 USD thì các quỹ chỉ cần mua lại số lượng tương tự là có thể lãi được 10 USD trên mỗi cổ phiếu, nhân hàng triệu cổ phiếu đầu tư này lên thì có thể lãi được hàng chục triệu USD chỉ từ việc công ty nào đó làm ăn thua lỗ.
Đây có thể được ví như việc đánh chìm một con tàu đang bị thủng lỗ càng nhanh càng tốt để khi các thùng hàng trôi nổi thì những kẻ cướp có thể thu các chiến lợi phẩm đó mà không hề tốn công sức. Và có lẽ trong sự kiện này các nhà đầu tư tại phố Wall đã thực hiện nó theo một cách quá hung hăng khi đã bán khống cổ phiếu của GameStop với số lượng gần 140% số cổ phiếu thực có của công ty này. Điều này diễn ra khi một hay nhiều cổ phiếu không chỉ được bán khống (hay có thể nói là sang tay) một lần mà là nhiều lần trong hoạt động bán khống cổ phiếu trông như việc những con kền kền đang xâu xé con mồi GameStop đang trong giai đoạn yếu ớt.
Tuy nhiên với việc bán khống và đặc biệt là bán khống nhiều như vậy, điều đó có một tác dụng ngược đó là khi giá cổ phiếu họ bán khống không giảm mà còn tăng. Tưởng tượng một mã cổ phiếu từ 10 USD có thể giảm xuống 20% 50% hay thậm chí là giảm xuống 0 USD nếu công ty đó thật sự phá sản, nhưng nó có thể tăng lên đến gấp 2 gấp 3 hay thậm chí là vô hạn điều đó cũng đồng nghĩa các nhà đầu tư bán khống cổ phiếu cũng có thể lỗ đến vô hạn (Đây được gọi là bán non hay Short Squeeze). Hơn thế nữa, việc giá cổ phiếu không đi xuống như dự tính của những người bán khống rất có thể làm cho họ bị hoang mang và lo sợ, khiến người đã bán trước đó phải điên cuồng mua về để cắt lỗ càng sớm càng tốt, nhưng điều này chỉ như châm thêm dầu vào lửa khi càng mua, giá trị cổ phiếu càng đi lên cao khiến cho những người bán khống chỉ càng ngày càng thêm lo sợ vì giá cổ phiếu lại tiếp tục vọt lên trời. Và đó là những gì một vài nhà đầu tư cá nhân đã nhận ra điều thú vị không kém phần kỳ quái này.
IV. Sự kêu gọi của cộng đồng WallStreetBets và những người ngoài cuộc
Chúng ta hãy gặp gỡ một nhân vật mới Ryan Cohen - anh đã từng là CEO và Founder của Chewy, một công ty thương mại điện tử chuyên buôn bán đồ dùng dành cho thú cưng, tuy nhiên anh đã rời khỏi vị trí lãnh đạo của công ty và bán lại doanh nghiệp này và thu về khoảng 3.3 tỷ USD để chuyển sang làm một nhà đầu tư cá nhân với nhiều thương vụ điển hình nhất là việc nắm giữ mã cổ phiếu như Apple (AAPL) với tư cách một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất của hãng. Tuy nhiên sự chú ý được đổ dồn vào hơn cả là khi Ryan Cohen đã mua hơn 6 triệu cổ phiếu (tức khoảng 9% tổng số cổ phiếu của GameStop) vào tháng 8 năm 2020.
Vào ngày 11 tháng 01 năm 2021, GameStop thông báo Ryan Cohen đã chiếm tận 3 vị trí trong hội đồng của công ty này dựa vào số lượng cổ phiếu khổng lồ nhà đầu tư này nắm giữ và kể từ đó, giá trị cổ phiếu của công ty tăng lên hơn 60% đạt mức hơn 30 USD chỉ trong một buổi chiều kể từ thông báo trên.
Điều thú vị trên đã đặc biệt hướng sự chú ý đến một người trên Reddit - người được ví như “con khỉ điên dại nhất” trên cộng đồng WallStreetBets đó là DeepFu*kingValue (hay DFV), là một nhà đầu tư đã đổ tiền vào GameStop vào những giai đoạn đầu khi nó còn tính với mức giá vài đô 1 cổ phiếu, chàng trai này đã rót vào khoảng 50,000 USD vào GME (Điều mà khi đó bị cộng đồng đánh giá là điên khùng). Tuy nhiên, với những cú tăng liên tiếp của GME, mọi người phải thật sự chú ý đến chàng trai đó. Ngoài tài khoản trên WallStreetbets, người thanh niên này còn có một kênh Youtube khác là Roaring Kitty, nơi mọi người xem các Livestream về các cổ phiếu anh ta đầu tư vào bao gồm lãi lỗ các mã cổ phiếu và trò chuyện với người xem không khác gì một streamer thời đó, ban đầu mọi người chỉ xem từ lâu vì tính giải trí của kênh, nhưng kể từ cú tăng vọt của GME thì anh ta bỗng nhiên trở thành một người có tầm ảnh hưởng trong giới đầu tư tại Reddit và trên mạng xã hội khác.
Ngoài 2 người trên, chúng ta không thể kể đến một “nhà tiên tri” vĩ đại của cộng đồng này Alvan Chow ( tên người dùng trên Reddit là Jeffamazon). Là cựu “thủ lĩnh” của cộng đồng WallStreetBets, sau khi chứng kiến sự kiện tăng đột biến kể từ khi Ryan Cohen lên đầu tư vào khoảng 9% số cổ phiếu của GameStop, chàng trai này đã chú ý đến công ty này và bắt đầu nghiên cứu sâu vào nội bộ của công ty, các hoạt động bán khống xung quanh từ các quỹ đầu tư và tỉ lệ bán khống vào công ty này, sau đó anh ta đã đăng tải một bài lên Reddit không lâu sau đó, thứ được xem như bản tuyên ngôn khơi mào cuộc chiến của Reddit với các quỹ phòng hộ, tại bài đăng này Alvan Chow đã sử dụng rất nhiều số liệu và các giải thích toán học để có thể đặt ra cơ sở cho một cuộc bán non chưa từng có trong lịch sử, và nhấn mạnh rằng điều này cần nguồn lực của các nhà đầu tư cá nhân trên Reddit và các mạng xã hội khác để có thể chống lại thế lực của các quỹ đầu tư. Để giải thích cho chuyện Alvan Chow tin rằng có thể tạo ra được một cơn sóng mua cổ phiếu trong và chỉ duy nhất thời điểm đó là nhờ vào khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư cá nhân vào nguồn vay tiền là cực kỳ khổng lồ khi Cục dự trữ liên bang FED đã hạ lãi suất quỹ xuống từ 0.08 đến 0.1% kéo dài từ tháng 06/2020 đến 01/2021 do tác động của dịch COVID-19 cho nên việc các nhà đầu tư cá nhân có thể vay một lượng tiền khổng lồ để đập vào đầu tư mà không lo về câu chuyện trả lãi, chưa kể chính nhờ các lệnh cách ly xã hội, mọi người ai cũng phải ở nhà nên việc họ chọn lên mạng, tìm đọc các thông tin về cổ phiếu và đầu tư sau đó nằm ở nhà và bấm các lệnh mua và bán ngay trên giường không phải một sự lựa chọn tệ khi đó.
Ngoài những sự hô hào trên Reddit, Chow còn đưa một chiến lược tài tình cũng được anh ấy đề xuất ra khi khuyến khích các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua và giữ cổ phiếu của GameStop cho tới khi các quỹ phòng hộ chịu sức ép khổng lồ và sau đó rút tiền ra khỏi mã cổ phiếu này khi mức giá đạt mức trên 400 USD. Sau khi sự kiện kết thúc, tất cả mọi người đều đã phong anh ta như một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất WallStreetBets vào thời điểm này, với khối lãi khổng lồ của anh ta nhận về. Vậy sự kiện này cụ thể ra sao, đã có những cuộc đấu trí mạnh mẽ như thế nào giữa WallStreetBets và các quỹ phòng hộ? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết “cuộc đánh lớn” này ở phần tiếp theo của bài viết này.
V. Cuộc chiến không khoan nhượng giữa các quỹ đầu tư và Reddit
Kể từ cuộc “mở combat” giữa hàng triệu người trên WallStreetBets và các quỹ đầu tư, giá trị cổ phiếu luôn tăng không ngừng theo từng giờ, thậm chí từng phút từng giây. Số lượng cổ phiếu giao dịch mỗi ngày kể từ thời điểm Ryan Cohen nắm 3 ghế quản trị trong hội đồng cổ đông như đã nói ở trên đã tăng từ 7 triệu cổ phiếu lên 144 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi ngày, điều này khiến cho việc những ai đã và đang có ý định bán khống GME thời đó đều phải e sợ trước thông tin này vì với mật độ mua bán chóng mặt như vậy, giá cổ phiếu sẽ tăng nhanh chóng khiến các nhà đầu tư đã mong giá giảm đứng ngồi không yên. Đến nỗi, Andrew Left - một nhà đầu tư chuyên bán khống cổ phiếu và là Founder của Citron Research, một trang chuyên đăng tải các báo cáo và nghiên cứu về các công ty có hoạt động bất thường với mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đây được xem là nguồn thông tin uy tin ít ỏi trong thị trường đầu tư cá nhân nên khi đó ông cũng đã lên rất nhiều video phỏng vấn khác nhau để cảnh báo và thậm chí gọi những kẻ mua cổ phiếu GME là những kẻ ngu ngốc vào ngày 19/01/2021 nhưng với sự ảnh hưởng của mạng xã hội và các influencer, hàng triệu thành viên của cộng đồng WallStreetBets đã trở nên quá hưng phấn và không nghe các lời khuyên về rủi ro khi đầu tư và GME, thậm chí còn trêu ngược lại Andrew Left và công ty của ông là vớ vẩn và chế meme “Sh*tron Research” vào thời gian đó trên Reddit như một phần khẳng định ý chí mạnh mẽ của cộng đồng này.
Song song với đó, YouTuber Roaring Cat đã thật sự làm đúng được vai trò của mình đó là khuyến khích mọi người mua cổ phiếu GME, kế từ những cú tăng vọt thì gần như chàng trai này chỉ livestream và trò chuyện về GME đồng thời Livestream cũng được truyền tải đến hàng chục quốc gia khác trên thế giới và mọi người lại tiếp tục đổ xô đi mua cổ phiếu của GameStop khiến đây là một vụ mua bán trên quy mô toàn cầu.
Đặc sắc nhất có lẽ phải kể đến bài đăng cực kỳ có trọng lượng của tỷ phú Elon Musk với 1 từ “Gamestonk!!” ông đã đăng tải trên trang của mình vào 4 giờ chiều theo giờ Hoa Kỳ ngày 27/01/2021. Có lẽ chính từ giờ phút này, thông tin được bàn tán và lan truyền còn nhanh hơn cả dịch COVID-19 khi đó khiến giá cổ phiếu tăng vọt lên 244.50 USD vào 5 giờ chiều cùng ngày. Ước tính rằng bài tweet đó của Musk đã gián tiếp bơm thêm hơn 4 tỷ USD vào cổ phiếu của GameStop khi ai cũng ồ ạt vào cuộc chơi này.
Kể từ đây, bất kỳ ai cũng đều hứng thú với “kênh làm giàu” mới nổi mang tên GameStop của thị trường, kích thích những người thậm chí chưa đầu tư cổ phiếu lần nào lao vào thị trường và mua bất chấp giá đang ở mức vài trăm đô một cổ phiếu, khiến cho giá của nó đã vọt lại càng vọt lên hơn 400 USD vào cuối ngày 27/01, thậm chí có thời điểm dù cho đã đóng phiên giao dịch chính, giá của mỗi cổ phiếu GameStop thậm chí còn được trao đổi với giá lên đến gần 500 USD.
Kể từ giờ phút này, ai cũng đã nghĩ các nhà đầu tư cá nhân đã đánh gục những tổ chức lắm tiền ở phố Wall khi nhiều quỹ phòng hộ đã đóng vị thế bán khống (tức là mua lại cổ phiếu với giá cao để cắt lỗ), dẫn đến một cú thất bại hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đô, nếu tính trên quy mô toàn bộ những cá nhân và tổ chức bán khống mã cổ phiếu này đã lỗ khoảng 20 tỷ USD.
Nặng nề nhất có lẽ là Melvin Capital, một quỹ phòng hộ của một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm là Gabe Plotki, dẫu có nhiều kinh nghiệm trong việc tận dụng thị trường đi xuống nhờ việc bán khống nhưng có lẽ sự kiện này đã không được suôn sẻ khi đối đầu với WallStreetBets. Cụ thể, Melvin Capital đã mất đi 53% giá trị công ty vào cuối tháng 1 trong khi vào đầu tháng này họ còn được định giá với mức 12.5 tỷ USD tài sản. Nhưng rồi cuộc vui không được tiếp tục lâu, một sự kiện gây rúng động cả thị trường chứng khoán.
Hình ảnh các bạn được nhìn thấy ở trên là ứng dụng Robinhood, một nền tảng giao dịch chứng khoán lớn được phổ biến trên thế giới, ứng dụng này sinh ra nhằm giúp nhà đầu tư cá nhân dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường tài chính chứng khoán hay theo lời của CEO và Founder của ứng dụng này là Vlad Tenev chính là việc thành công dân chủ hóa giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên vào ngày 28/01/2021, những người dùng giao dịch trên Robinhood (bao gồm cả những người liên quan và không liên quan đến WallStreetBets) đều bị chặn nút mua cổ phiếu của GameStop vào ngày hôm đó, sự kiện này khiến cho nhiều nhà đầu tư cá nhân phẫn nộ đăng lên Reddit và các trang mạng xã hội khác để chia sẻ về sự kiện này, không một ai biết chuyện gì đang xảy ra và ai đứng đằng sau sự việc này nhưng mọi người đều nảy sinh nên một nghi ngờ chung đây là một vụ thao túng giá cổ phiếu trắng trợn đến từ nhiều bên.
Ở nửa trên, tôi đã giới thiệu về các đối tượng trong chuỗi sự kiện này, định nghĩa của bán khống, short squeeze là gì và đã có chuyện gì xảy ra với cổ phiếu của GameStop. Trong nửa còn lại này của bài viết nếu các bạn đã nắm được tất cả các bên trong sư kiện của GameStop bao gồm wallstreetbets, quỹ phòng hộ, Citadel và Robinhood và sự kiện khóa nút mua cổ phiếu GME thì hãy tiếp tục đọc phần dưới nơi mọi thứ ẩn khuất trước đó được đưa ra ánh sáng
VI. Những nghi vấn thao túng thị trường
Để giải thích thì nếu người dùng không thể nào mua thêm cổ phiếu, mức giá sẽ không thể nào tăng lên được và chỉ có thể bán cổ phiếu đi, khiến cho mức giá có khi là giảm xuống, và sự thật đúng là giá cổ phiếu của GameStop đã giảm mạnh xuống 193.60 USD vào đúng ngày Robinhood chặn mua cổ phiếu GameStop khiến cho những người đang nắm giữ cổ phiếu càng ngày càng lo sợ. Ngoài ra Robinhood còn chặn mua một vài mã cổ phiếu khác như các mã của AMC Entertainment, BlackBerry Ltd, Express Inc. … Điểm chung của chúng đều là những cổ phiếu meme (meme stock) nhằm ám chỉ những mã cổ phiếu có độ phổ biến trong cộng đồng (phần lớn là mạng xã hội), đặc điểm của chúng là đang có xu hướng tăng rất chóng mặt và thông tin về những cú tăng đó cũng được truyền đi nhanh không kém. Chính vì câu chuyện chặn người dùng mua để khiến giá không thể tăng nữa làm cho mọi người nghi ngờ Robinhood đang thao túng thị trường theo cách quá lộ liễu. NHƯNG LIỆU CÓ ĐÚNG LÀ NHƯ VẬY?
Thật ra Robinhood không phải là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự kiện tắt chức năng mua cổ phiếu mà còn có một kẻ đứng sau khác, nhưng trước hết nên hiểu sơ qua một chút về mô hình hoạt động của Robinhood, đây vốn là một sàn giao dịch không có phí hoa hồng (tức là người giao dịch cổ phiếu không cần phải trả phí trung gian cho hoạt động trên sàn chứng khoán) và để làm điều đó, Robinhood sử dụng mô hình giao dịch gọi là thanh toán cho luồng lệnh (Payment for order flow) để hiểu đơn giản thì không phải khi nhà đầu tư mua cổ phiếu thì không phải Robinhood trực tiếp đi mua ở thị trường và đưa vào tay người bấm lệnh mau, họ cần một nhà tạo lập thị trường (hay nói cách khác là một bên đứng ra trực tiếp biến các giao dịch trên Robinhood thành các giao dịch trên các sàn cổ phiếu lớn) và nhà tạo lập này là Citadel Securities (một đơn vị của quỹ phòng hộ Citadel). Để phân tích sâu về mô hình kinh doanh và kiếm lời này thì tương đối phức tạp nhưng nó có thể được gói gọn trong 2 điểm chính sau:
Thứ nhất, Robinhood vốn không quan tâm người dùng lãi được bao nhiêu từ việc mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư trên đó, thứ họ quan tâm chính là số lượng giao dịch trên sàn, càng nhiều số giao dịch cổ phiếu được thực hiện trên đó, Robinhood và Citadel mới có nhiều lãi.
Thứ hai, Citadel Securities mới là khách hàng chính của Robinhood, không phải là các nhà đầu tư cá nhân, điều này có thể giải thích một cách đơn giản qua việc dựa trên mô hình kinh doanh của Robinhood, họ đang trao đổi các lệnh mua và bán với Citadel Securities cho nên các nhà đầu tư cá nhân không khác gì các món hàng của 2 bên.
Từ 2 luận điểm trên, ta có thể đúc kết được 2 nghi vấn. Một là liệu Robinhood có thật sự quan tâm đến lợi ích của người dùng trên ứng dụng không hay chỉ chú trọng vào việc kích thích mọi người giao dịch càng nhiều càng tốt? Hai là liệu Citadel Securities có thật sự can thiệp gì vào quyết định tắt nút mua của Robinhood như một hành động giật dây phía sau để thao túng thị trường hay không?
Không chỉ Robinhood hay Citadel có dấu hiệu bất thường, bạn còn nhớ Roaring Cat (hay DeepFuckingValue trên Reddit) chứ? Mọi người bắt đầu tấn công vào kênh của anh và đặt ra dấu hỏi liệu người đàn ông này có phải một tên thao túng thị trường không? Nhưng trước tiên cần hiểu vì sao lại có nghi vấn như vậy, ta cần biết thao túng thật ra nó là cái gì. Thao túng thị trường là một hành động được quy định là phạm pháp bao gồm các hành vi sử dụng những tuyên bố sai sự thật nhằm điều hướng giá cổ phiếu đi lên hoặc đi xuống một cách vô lý và trong trường hợp của GameStop, mã cổ phiếu của công ty này đã được nghi vấn thời điểm đó là bị bơm thổi quá mức và chính người đàn ông sở hữu kênh Youtube Roaring Kitty là nghi phạm lớn nhất trong mắt của các nhà đầu tư cá nhân và cả những người làm báo chí, cho nên một cuộc tìm kiếm danh tính của thanh niên này đã được bắt đầu. Mọi người bắt đầu lục tìm mọi ngóc ngách trên mạng để thật sự truy lùng ra chàng trai này và theo những chia sẻ thuật lại của tờ Daily Mail, họ đã tìm được một bản hợp đồng được ký kết với cái tên đại diện Roaring Cat, và người đại diện đó mang tên thật là Keith Gill, sau khi tra cứu được một vài thông tin cơ bản khác như số điện thoại của người thân anh ta, họ tìm được một khu địa chỉ nhà ở ngoại ô Boston trong vòng dưới 24 tiếng kể từ khi Robinhood có hành vi đáng nghi trên, dù đã đến gặp nhằm xin được phỏng vấn và không ghi hình nhưng Gill đã từ chối và chỉ để lại số điện thoại, đại diện của tờ Wall Street Journal đành ngậm ngùi đi về nhưng điều đó đã không trở nên vô ích khi kể từ lúc đó, mọi người đã biết danh tính thật sự của người đứng sau kênh YouTube. Vào 20:28 theo giờ Boston, tờ DailyMail cũng đã đưa tin về chàng thanh niên Keith Gill này, dù không phải phỏng vấn nhưng những thông tin sơ bộ nhất của anh ta cũng đã được tờ này cung cấp tương đối chi tiết. Keith Gill tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học trong kinh doanh quản trị chuyên ngành kế toán vào năm 2009 tại bang Massachusetts, sau khi tốt nghiệp thì anh tham gia vào Lucidia, LLC (một công ty tư vấn đầu tư tại New Hampshire đã giải thể) tại vị trí phân tích chứng khoán và nhiều công việc khác đến 2019 Gill trở thành một nhà phân tích tài chính có chứng nhận bởi MassMutual. Bởi tất cả những kiến thức và kỹ năng được chứng nhận như vậy, Gill mới bị cho là có khả năng đã sử dụng kiến thức kèm tầm ảnh hưởng của mình để thao túng thị trường cổ phiếu khiến cho nhiều người đang lo sợ. Đã có một làn sóng chỉ trích và thậm chí nhiều đơn kiện tập thể và đòi đem Gill lên tòa.
Tóm lại chúng ta có tổng cộng 2 nghi vấn. Thứ nhất chính là động thái chặn nút mua của Robinhood có liên quan đến Citadel Securities không? Thứ hai, liệu Keith Gill có phải là một tên thao túng thị trường, tận dụng sức ảnh hưởng và hiểu biết cá nhân để truyền thông tin sai lệch hay không? Và các câu hỏi cũng như nghi vấn đó sẽ được làm rõ trong sự kiện dưới đây.
VII. Phiên điều trần lịch sử
Không để cộng đồng chờ đợi lâu, các cơ quan chính phủ đã phải vào việc trong sự kiện này khi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), Ủy ban Dịch vụ tài chính Hoa Kỳ và các tổ chức chính phủ khác đã phải triệu tập rất nhiều bên liên quan đến một phiên điều trần được tổ chức và phát sóng trực tiếp vào ngày 18 tháng 2 năm 2021 trong vòng hơn 5 tiếng. Phiên điều trần này còn được đặt cho một cái tên nghe rất hoành tráng “GAME STOPPED? WHO WINS AND LOSES WHEN SHORT SELLERS, SOCIAL MEDIA, AND RETAIL INVESTORS COLLIDE” (tạm dịch là Cuộc chơi đã dừng lại? Ai là kẻ thắng người thua khi người bán không, mạng xã hội và nhà đầu tư cá nhân va chạm nhau). Tại cuộc triệu tập này có rất nhiều đối tượng liên quan giữa các bên từ cá nhân đến đại diện tổ chức bao gồm Keith Gill, Steve Huffman (CEO của Reddit), Vladimir Tenev (CEO và Founder của Robinhood), Gabriel Plotkin ( CEO Melvin Capital), Kenneth C. Griffin (CEO của Citadel) và một vài nhà đầu tư cá nhân khác để đưa ra lời khai trong phiên điều trần vụ việc này. Đây gần như cũng là dấu chấm cho chuỗi sự kiện đầy biến động của cuộc đấu đá giữa nhà đầu tư cá nhân và quỹ phòng hộ về GameStop.
Hãy bắt đầu với nhà đầu tư cá nhân có ảnh hưởng nhất wallstreetbets, Keith Gill. Dựa trên lời khai của anh chàng, Gill khẳng định mình là một nhà đầu tư cá nhân thuần túy, không hề có bất cứ khách hàng hay nhận hoa hồng, phí trung gian cho bất kỳ hành động giao dịch và cũng như tuyên bố không hề có bất kỳ cuộc trò chuyện riêng với bất kỳ ai trên Reddit và những nơi khác về chuyện cổ phiếu và mua bán nên việc Gill chia sẻ thông tin đó một cách công khai chỉ như việc tán gẫu và trò chuyện về cổ phiếu trong một quán bar hay sân golf (tức không hề bị cấm) nên không thể lấy đó làm kết luận việc livestream và chia sẻ việc mua bán cổ phiếu của mình là hành động thao túng thị trường của Gill. Ngoài ra việc rót tiền vào cổ phiếu của GameStop vào những ngày đầu và sau đó đều dựa trên niềm tin tăng trưởng của công ty trong ngành công nghiệp game hàng trăm tỷ USD còn đang phát triển nóng, cho nên niềm tin đó không có gì là sai và cũng không thể kết luận được việc cổ phiếu của GameStop tăng phi mã thời gian đó là lỗi của anh ấy.
Tiếp theo, kẻ bị ghét nhất trong cộng đồng nhà đầu tư cá nhân - Vlad Tenev (người chịu trách nhiệm chính cho quyết định đóng chức năng mua cổ phiếu của GameStop và vài mã cổ phiếu khác). Khi được hỏi về lý do vì sao lại tắt chức năng mua của một vài mã cổ phiếu trên Robinhood, Tenev chia sẻ rằng đó là một quyết định khó khăn nhưng được cân nhắc rất kỹ lưỡng nhưng theo những người trong cuộc nhận định, đó chỉ là động thái để cứu Robinhood khỏi bị phá sản chứ không phải bảo vệ người dùng như những gì Tenev nói. Để hiểu được vấn đề này tôi xin được phép giới thiệu với các bạn một thuật ngữ là các tổ chức thanh toán bù trừ (clearinghouses) và yêu cầu ký quỹ (margin requirements). Tổ chức thanh toán bù trừ là một tổ chức tài chính trong đó nhiệm vụ chính của nó là đảm bảo các giao dịch được thực hiện một cách trơn tru và an toàn, đảm bảo các bên sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ cũng như hoàn thành các giao dịch của họ đúng hạn. Để có thể quản trị rủi ro và tránh các sự cố ngoài ý muốn như công ty môi giới không thể hoàn thành giao dịch hoặc khách hàng không đủ khả năng thanh toán, các tổ chức thanh toán bù trừ này sẽ phải yêu cầu gửi một số tiền nhất định trước khi được duyệt giao dịch gọi là yêu cầu ký quỹ, lượng tiền này sẽ được ví như tiền cọc để vừa có thể tránh những vụ “bùng kèo” từ các nhà môi giới vừa có thể bù đắp phần nào thiệt hại nên sự kiện ngoài ý muốn trong giao dịch trên diễn ra. Quay lại câu chuyện của Robinhood, với mỗi lệnh mua bán của người dùng trên ứng dụng, Robinhood đều phải sử dụng tiền của họ để gửi cho các tổ chức thanh toán bù trừ làm phí yêu cầu ký quỹ cho nên khi các cổ phiếu được giao dịch và trao đổi quá nhiều trên ứng dụng, đồng nghĩa với đó là càng nhiều tiền Robinhood phải đập vào trước khi có thể thực hiện thành công được giao dich (theo Tenev chia sẻ trong thời gian đã qua, có thời điểm Robinhood bị yêu cầu nộp đến 3 tỷ USD cho khoản này chỉ trong 1 đêm), cho nên việc đóng nút mua được xem như động thái để có thể kiểm soát thanh khoản của Robinhood chứ không phải thao túng thị trường.
Cuối cùng, nhân vật mà ai cũng cho là kẻ đứng sau mọi việc, Kenneth C. Griffin tại phiên điều trần trên đã khẳng định trước quốc hội rằng việc quyết định của Robinhood trong thời gian đã qua không hề liên quan đến ông và tập đoàn Citadel cũng như không hề có nhân viên nào của Citadel liên lạc với các đại diện của Robinhood để đi đến quyết định của CEO Tenev. Tuy nhiên một thời gian sau, một vài tin nhắn được rò rỉ ra trong nội bộ Robinhood cho thấy rằng, vào ngày 27 tháng 1, Giám đốc điều hành của Robinhood là Gretchen Howard đã liên hệ với Tenev về dự tính hạn chế việc mua một vài mã cổ phiếu trên toàn bộ hệ thống, điều theo Howard nhắc đến rằng sẽ được bàn bạc với Citadel. Sau đó Tenev đã đồng ý với quyết định trên và còn nhắc đến rằng có lẽ sẽ nhắn tin và bàn luận với Ken Griffin (CEO Citadel).
Chính những tin nhắn bị rò rỉ trên đã khiến mọi người lại càng thêm hoài nghi mối quan hệ đầy đáng ngờ của Robinhood và Citadel nhưng sau khi vào cuộc điều tra kết hợp với cả những tin nhắn rò rỉ kia, mọi thứ vẫn không đủ để kết tội cho bất kỳ ai vì Citadel được cho là đã không hề gây bất kỳ sức ép nào lên Robinhood trong tất cả các mốc thời gian và việc đóng nút mua là để đảm bảo thanh khoản cho công ty với những giải thích trên và trong tin nhắn nội bộ cũng đã chỉ ra rõ Howard đã thông báo với nội bộ công ty rằng đang có vấn đề thanh khoản trầm trọng nên là họ đã PCO một vài mã cổ phiếu (dễ hiểu là việc chỉ cho phép các nhà đầu tư đóng vị thế hay là bán các tài sản chứng khoán họ có).
Vậy kết lại, sau phiên điều trần này đã không hề có ai được kết tội, ai cũng đều nêu ra được lý do rõ ràng cho các hành động của mình và không có bất kỳ dấu hiệu thao túng thị trường nào từ tất cả các bên, các đơn kiện cáo nhắm vào các bên liên quan cũng đều được chứng minh là vô tội.
Chính từ những kết luận vô tội cho các bên này đã đánh dấu chấm hết cho chuỗi sự kiện đầy drama và nhiều ẩn khuất chưa từng có trong thị trường chứng khoán.
VIII. Vậy … Ai là người chiến thắng?
Nếu quan sát và theo dõi nhịp điệu của chuỗi sự kiện này, ta đều có thể thấy những nhà đầu tư cá nhân đang trực tiếp tấn công vào các quỹ phòng hộ có mô hình bán khống cổ phiếu nên ai cũng nghĩ rằng đây có lẽ là một cú thắng lớn và toàn diện của tất cả các nhà đầu tư cá nhân và các quỹ tại Wall Street tất cả đều là những kẻ thua cuộc thảm hại, nhưng liệu có đúng hoàn toàn không?
Hãy bắt đầu với những cú ngã đau đớn của các quỹ phòng hộ, đặc biệt là Melvin Capital, chỉ hơn 1 năm sau sự kiện này, không gồng nổi trước các khó khăn tài chính của doanh nghiệp nên vào tháng 5 năm 2022, quyết định tuyên bố phá sản của quỹ phòng hộ này có thể coi là “chiến công” lớn nhất của cộng đồng những nhà đầu tư cá nhân trên Reddit. Tuy nhiên không phải quỹ đầu tư nào ở phố Wall cũng lỗ hay lỗ nặng như Melvin, chỉ những cá nhân, tập thể bán khống cổ phiếu trong sự kiện này mới là những người bị lỗ còn những tập đoàn đầu tư nếu biết nắm bắt và nhảy vào “mỏ vàng” GameStop lúc giá cổ phiếu đang có đà tăng và rút ra khỏi thị trường đúng thời điểm vẫn sẽ là những công ty lãi rất đậm, điển hình là Fidelity - một tập đoàn đầu tư khác đã lãi đậm với việc có hơn 2.9 tỷ USD từ 9.5 triệu cổ phiếu nắm giữ của GameStop (tức khoảng 13.7% tổng cổ phần của công ty).
Về phía nhà đầu tư cá nhân cũng vậy, không phải tất cả ai cũng lãi, không phải ai cứ vào bất kể trước hay sau đều có thể nhân 5 hay nhân 10 tài sản của mình trong chỉ vài ngày. Đã có những người sử dụng hết tất cả các khoản tiết kiệm của mình trong cả sự nghiệp để đập vào GME vì nghĩ nó dễ ăn, tuy nhiên kể từ khi những người có sức ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lôi kéo các nhà đầu tư vào vụ việc này, đa số đều vào ở phần sau của sự việc khi mà giá cổ phiếu đã lên 200 thậm chí 300 USD mới tham gia vào thị trường, việc chốt được lời của những cá nhân ấy thật sự là rất khó nếu không biết rút ra khỏi thị trường tại đỉnh (tức là khoảng thời điểm trước khi Robinhood vô hiệu hóa chức năng mua trên sàn). Cá biệt, một vài người tham gia từ những ngày đầu của đà tăng trưởng ví dụ như Keith Gill, anh ta đã lãi đậm với việc biến hơn 700,000 USD của mình thành gần 48 triệu USD theo số liệu gần nhất khi ấy.
Hay như Alvan Chow, người đã tìm ra cơ sở cho việc kích hoạt một cú short squeeze chưa từng có trong lịch sử, chính anh ta đã đề xuất việc rút lui khỏi thị trường khi cổ phiếu của GameStop lên mức trên 400 USD và anh ta đã thật sự thành công. Trả lời trong chuỗi phim tài liệu của Netflix (Eat the Rich-GameStop Saga), anh cho biết mình đã lãi khoảng 1000 lần với tổng vốn bỏ ra tầm 10,000 đến 20,000 USD biến anh thành một trong những người thắng đậm nhất vụ việc này nếu tính theo phần trăm lãi.
IX. Bài học
Từ vụ việc của GameStop gây ra bởi các nhà đầu tư cá nhân, các quỹ đầu tư hàng đầu đều phải nhìn nhận lại về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của các cá nhân nhỏ bé khi hợp sức với nhau có thể xoay chuyển và phá vỡ tất cả các quy tắc nền tảng và làm cho diễn biến của thị trường ngày càng trở nên phức tạp như cái cách giá cổ phiếu của GameStop tăng trưởng không hề theo bất kỳ một hệ quả nào của doanh nghiệp ví dụ như là tăng trưởng trong doanh số hay phát triển ra một công nghệ mới. Ngoài ra, vị thế bán khống đầy rủi ro của các quỹ cần phải được xem xét kỹ lưỡng, để có thể quản trị được rủi ro xảy ra một cú short squeeze bất ngờ sau này, sự việc là một bài học xương máu cho các quỹ để không còn hung hăng trong việc bán khống và coi thường sức mạnh của những nhà đầu tư cá nhân nữa.
Sự kiện này cũng là một dấu mốc cho lần đầu tiên các quỹ đầu tư lớn phải chịu thua trước các nhà đầu tư cá nhân không bằng cấp, không kinh nghiệm không hề có thông tin mật nào trong thị trường nhưng vẫn một cách nào đó đánh gục tất cả những quỹ và những người đã bán khống một cách ngạo mạn và hung hăng.
Đó là tất cả những gì tôi muốn tóm tắt trong sự việc giữa GameStop, wallstreetbets, quỹ phòng hộ phố Wall và Robinhood, hy vọng là với những diễn biến cả trong và ngoài thị trường chứng khoán như vậy có thể giúp các bạn độc giả hiểu được đầy đủ về sự kiện này, cá nhân tôi cảm thấy đây là một sự kiện khó triển khai hơn hẳn các chủ đề khác tương tự vì những chi tiết ngoài lề chiếm đa số và các cuộc chiến cân não trên mạng xã hội diễn ra đầy rẫy khi đó đã làm cho câu chuyện trở nên phức tạp nhưng tôi cũng đã cố gắng lọc ra những chi tiết chủ đạo nhất và mang tính cục diện để cô đọng được câu chuyện, nên mong là các bạn thích bài viết này. Cảm ơn mọi người!
Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất