Tôi sẽ ghi lại (theo nguyên văn) lịch sử của máy móc đã được Karl Marx trình bày trong cuốn “Tư bản” của ông ấy, bằng cách chia các phần của Marx ra thành từng mục nhỏ như sách giáo khoa.
Phần này lấy từ các đoạn văn bản thuộc chương XII và XIII của cuốn sách.  
Tôi tạm bỏ hết những chỗ liên quan đến chính trị vì hiểu rằng, nó sẽ gây ra những rắc rối không cần thiết.
    A - Định nghĩa "máy móc" 
        1. Định nghĩa về máy móc của các nhà toán học và cơ học
Những lực cơ giới đơn giản như đòn bẩy, mặt phẳng nằm nghiêng, đinh ốc, nêm, v.v. là máy móc. Mỗi chiếc máy đều gồm những lực đơn giản ấy, không kể là chúng khoác chiếc áo nào và được kết hợp như thế nào. Công cụ là là một máy móc đơn giản và máy móc là một công cụ phức tạp.
        2. Sự thiếu sót của định nghĩa trên
Nó thiếu mất yếu tố lịch sử. Nghĩa là: nó không phân biệt được sự khác nhau giữa công cụ và máy móc. Theo đó, một cái cày do bò kéo có thể là một cái máy, còn chiếc máy dệt kim của Clau-xen một phút dệt được 96000 mũi lại là một công cụ đơn giản.
        3. Định nghĩa đầy đủ
Tất cả máy móc đã phát triển đều gồm 3 bộ phận khác nhau một cách căn bản: động cơ, cơ cấu truyền lực và máy công cụ (máy công tác).
Động cơ tạo ra sức chuyển động của chính nó như máy hơi nước, máy nhiệt lực, máy điện từ v.v.. hoặc nó nhận được sức đẩy của một lực tự nhiên như cánh cối xay gió quay nhờ sức gió, bánh xe nước chạy nhờ sức nước. Gia súc và con người cũng là lực tự nhiên.
Cơ cấu truyền lực, gồm vô-lăng đà, trục truyền lực, bánh xe răng, đĩa lệch tâm, cần, dây truyền lực, dây cua-roa, ... điều tiết sự chuyển động, nếu cần thì thay đổi hình thái chuyển động, ví dụ từ vuông sang tròn, phân phối và chuyển sự chuyển động sang máy công cụ.
Máy công cụ là một cơ cấu mà sau khi nhận được một sự chuyển động thích hợp thì nó cũng làm những công việc giống như người công nhân đã làm trước kia, nghĩa là nắm lấy đối tượng lao động và thay đổi đối tượng theo mục đích đã định. Toàn bộ cái máy chỉ là một sự tái bản một dụng cụ thủ công, như máy dệt cơ khí, hoặc là những khí quan gắn vào khung của máy công tác lại là những thứ đã quen thuộc từ lâu như những cọc sợi của máy kéo sợi, những cái kim của máy dệt bít tất, những lưỡi cưa của máy cưa, những con dao của máy thái v.v..  Máy công cụ là điểm xuất phát của cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỉ XVIII.
Sau khi công cụ chính cống đã chuyển từ con người sang máy móc thì chiếc máy thay thế công cụ giản đơn.  

B - Sự phát triển của máy móc (đến thế kỉ XIX)
Ở đây, chúng ta chỉ nói đến những nét đặc trưng lớn, chung mà thôi, bởi vì những thời kì lịch sử của xã hội cũng giống như những thời kì lịch sử của trái đất, đều không có những ranh giới trừu tượng nào thật rành mạch cả.
    Giai đoạn I. Sự phát triển của công cụ lao động đơn giản trong công trường thủ công 
Sự hiệp tác dựa trên cơ sở phân công lao động có được cái hình thức cổ điển của nó trong công trường thủ công, có lịch sử khoảng từ nửa thế kỉ XVI cho đến phần ba cuối cùng của thế kỉ XVIII.
Công trường thủ công là sự tập hợp những công nhân thuộc nhiều nghề thủ công độc lập khác nhau vào trong một xưởng thợ. Ví dụ, một chiếc xe ngựa lúc đầu là sản phẩm tập thể của lao động của một số lớn những người thợ thủ công độc lập như thợ làm hòm xe, thợ đóng yên, thợ may, thợ nguội, thợ làm đồ đồng, thợ tiện, thợ rèn, thợ kính, thợ sơn, thợ đánh véc-ni, thợ mạ vàng v.v.. Công trường thủ công đóng xe ngựa tập hợp tất cả những người thợ thủ công khác nhau đó vào trong một xưởng, ở đó họ làm việc trong cùng một lúc và hiệp đồng với nhau. Nhưng công trường thủ công cũng có thể phát sinh một cách hoàn toàn ngược lại: nhiều người thợ thủ công cùng làm một việc như nhau hay một loạt công việc giống nhau, ví dụ như làm giấy, đúc chữ in, làm kim khâu, được tập hợp lại cùng một lúc trong cùng một xưởng.
Một khi những công việc khác nhau của một quá trình lao động đã bị tách rời khỏi nhau và mỗi một công việc bộ phận trong tay người công nhân bộ phận đã có được cái hình thái thích hợp nhất và do đó cũng là hình thái độc chuyên, thì lúc đó nảy sinh sự cần thiết phải thay đổi những công cụ trước kia dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Đặc điểm của công trường thủ công là sự phân hóa các dụng cụ lao động và sự chuyên môn hóa các dụng cụ lao động. Chỉ ở riêng thành phố Bớc-min-hêm [Birmingham], người ta cũng đã sản xuất ra chừng 500 loại búa khác nhau. Thời kì công trường thủ công giản đơn hóa, cải tiến và nhân thêm những công cụ lao động bằng cách làm cho những công cụ đó thích ứng với những chức năng đặc thù của người công nhân bộ phận. Do đó, nó đồng thời cũng tạo ra một trong những điều kiện vật chất của máy móc, vì máy móc là sự kết hợp của nhiều công cụ giản đơn.
Thời kì công trường thủ công thỉnh thoảng cũng phát triển việc dùng máy móc. Ví dụ trong công trường thủ công làm giấy, người ta đã sớm dùng những cối xay để nghiền giẻ, còn trong ngành luyện kim thì có những cối gọi là cối giã để giã quặng. Thời kì các nghề thủ công để lại cho chúng ta những phát minh lớn như địa bàn, thuốc súng, nghề in và đồng hồ tự động. Việc sử dụng lẻ tẻ máy móc trong thế kỉ XVII là rất quan trọng, vì nó đã cung cấp cho những nhà toán học lớn thời bấy giờ những điểm tựa thực tiễn và những sự kích thích để sáng tạo ra môn cơ học hiện đại.

Giai đoạn II. Sự phát triển về số lượng công cụ sử dụng trong cùng một lúc dẫn đến sự ra đời của máy hơi nước
    1. Sơ lược quá trình
Chính máy công tác (máy công cụ) là điểm xuất phát của cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỉ XVIII.  
Số lượng dụng cụ dao động mà con người có thể sử dụng trong cùng một lúc thì bị con số những khí quan của thân thể con người hạn chế. Ở Đức, người ta đã thử bắt người thợ kéo sợi sử dụng hai cái xa kéo sợi cùng một lúc, nghĩa là buộc họ phải làm việc cả hai tay và hai chân cùng một lúc. Nhưng điều đó quá căng thẳng. Sau đó người ta sáng chế ra một cái xa kéo sợi đạp chân với hai cọc sợi, song những người thợ tài ba có thể đồng thời xe hai sợi một lúc thì cũng hiếm như là những người có hai đầu vậy. Trái lại, máy Gien-ni ngay từ đầu đã hoạt động 12-18 cọc sợi, máy dệt bít tất đã dệt mấy nghìn mũi cùng một lúc v.v.. Vậy con số công cụ mà máy công cụ làm chuyển động cùng một lúc đã được giải phóng khỏi những giới hạn của cơ thể người công nhân.
Ở đây, trong việc thay thế người lao động chỉ sử dụng có mỗi một dụng cụ, bằng một cơ cấu sử dụng ngay một lúc nhiều công cụ như nhau, thì chúng ta đã có một cái máy, mặc dù cái máy này chỉ mới là một yếu tố đơn giản trong nền sản xuất cơ khí mà thôi.
    2. Những yêu cầu mới được đặt ra
        2.1. Hướng đến việc sử dụng những động lực không phải con người
Cuộc cách mạng công nghiệp một khi đã làm biến đổi dụng cụ thủ công thành máy công cụ thì con người chỉ còn đảm nhiệm cái vai trò thuần túy cơ giới của một động lực.  
Trước kia ta thấy rằng có có những công cụ mà ngay từ đầu con người tác động vào như là một động lực đơn giản, ví dụ như trong công việc quay cối xay, đẩy bơm, kéo bể lò rèn, giã cối đá v.v. - thì ngay từ lúc đầu chúng đã gây ra việc dùng súc vật, nước, gió làm động lực.  
Bây giờ cũng vậy. Một khi con người, đáng lẽ dùng công cụ để tác động vào đối tượng lao động, lại chỉ còn tác động như một động lực đến máy công cụ, và việc dùng bắp thịt con người làm động lực đã trở thành ngẫu nhiên, thì nước, gió, hơi nước v.v. đều có thể thay thế con người.  
        2.2. Đòi hỏi sự phát triển của động cơ sử dụng những động lực không phải con người
Việc thay thế sức người bằng sức của những lực lượng tự nhiên càng được củng cố bởi cái tình hình tăng thêm kích thước của máy công tác và số lượng những công cụ hoạt động cùng một lúc. Thật vậy, cần phải có một động cơ mạnh hơn, và động cơ đó cần có một sức đẩy mạnh hơn sức người để có thể khắc phục được sức đề kháng của chính bản thân nó, đó là chưa nói đến việc con người là một công cụ rất không hoàn hảo để sản xuất ra một sự chuyển động đều đặn và liên tục.
    3. Giải quyết yêu cầu mới được đặt ra  
        3.1. Biện pháp 1: Sức của súc vật
Ngựa vẫn thường được dùng trong thời kỳ thơ ấu của nền đại công nghiệp, chứng minh điều đó là những lời than vãn của những nhà nông học thời bấy giờ và phương thức biểu hiện cơ kí bằng mã lực, còn được dùng đến tận ngày nay. Nhưng ngựa là động lực tồi nhất, một phần vì con ngựa có cái đầu riêng của nó, một phần vì dùng ngựa thì đắt đỏ và chỉ dùng được với một quy mô hạn chế trong công xưởng mà thôi.
        3.2. Biện pháp 2: Sức của các lực lượng tự nhiên khác
Gió thì quá thất thường và không thể kiểm soát được. Việc dùng sức nước thì ngay trong thời kì công trường thủ công cũng đã chiếm ưu thế ở Anh, quê hương của đại công nghiệp. Ngay từ thế kỉ XVII, người ta đã thử dùng một guồng nước để làm quay hai thớt trên và thớt dưới của cối xay. Nhưng việc tăng thêm quy mô của cơ cấu truyền lực bây giờ lại mâu thuẫn với sức nước không đủ và đó là một trong những tình hình thúc đẩy người ta nghiên cứu một cách chính xác hơn nữa những quy luật ma sát. Tác động không đều của động lực ở những cối xay chạy bằng những chiếc cần đẩy và kéo cũng vậy, nó cũng dẫn đến lý thuyết và việc ứng dụng của bánh đà, là cái sau này đóng một vai trò quan trọng trong đại công nghiệp. Việc dùng sức nước làm động lực chủ yếu cũng gặp phải những điều kiện khó khăn khác. Người ta không thể tùy ý tăng sức nước lên được và nơi nào thiếu thì không thể bổ sung thêm được; đôi khi sức nước hoàn toàn mất hẳn và trước hết là nó có tính chất thuần túy địa phương.
        3.3. Biện pháp 3: Máy hơi nước
Chỉ với cái máy thứ hai của Oát [Watt], gọi là máy hơi nước có hai tác dụng, thì người ta mới tìm được động cơ đầu tiên có thể tự tạo ra động lực cho bản thân bằng cách tiêu dùng than và nước, và công suất của nó thì hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của con người, - một cái máy có tính chất cơ động và bản thân nó là một phương tiện vận chuyển, có tính chất ở thành phố chứ không phải ở nông thôn như guồng nước, cho phép tập trung sản xuất tại các thành phố chứ không phải phân tán sản xuất ra ở nông thôn như guồng nước, có tính chất vạn năng về mặt ứng dụng kĩ thuật và tương đối ít phụ thuộc vào các điều kiện địa phương nơi nó hoạt động.  
Thiên tài vĩ đại của Oát đã bộc lộ rõ trong những lời thuyết minh cho bằng phát minh mà ông nhận được trong tháng tư 1784, trong đó ông mô tả máy hơi nước của mình không phải như là một phát minh dành cho những mục đích đặc biệt, mà là một động cơ vạn năng của nền đại công nghiệp. Ở đây, ông có nhắc đến ứng dụng như búa hơi nước chẳng hạn thì hơn nửa thế kỉ sau mới được áp dụng. Tuy nhiên, ông còn nghi ngờ việc ứng dụng máy hơi nước vào ngành hàng hải. Những người kế nghiệp ông, Bôn-tơn và Oát, tại cuộc triển lãm công nghiệp ở Luân Đôn năm 1851, đã trình bày một máy hơi nước khổng lồ dùng cho tàu biển.
Chỉ sau khi công cụ đã biến đổi từ công cụ của cơ thể con người thành công cụ của một thiết bị cơ khí, tức là của máy công tác, thì lúc đó máy động lực mới có một hình thức độc lập, hoàn toàn được giải phóng khỏi những giới hạn của con người. Con số máy công tác chuyển động cùng một lúc mà tăng lên thì máy phát động cũng tăng lên, và cơ cấu truyền lực cũng phát triển thành một bộ máy rộng lớn.

Giai đoạn III. Sự phát triển của hệ thống máy móc 
    1. Sự hiệp tác của nhiều máy cùng loại, hay là: hệ thống máy móc giản đơn
Toàn bộ công việc do cùng một máy công cụ làm ra. Một cái máy để làm túi giấy ở Mỹ, trình bày tại cuộc triển lãm công nghiệp ở Luân Đôn năm 1862, vừa cắt giấy, vừa dán hồ, vừa gấp lại và một phút làm được 300 cái túi. Toàn bộ quá trình được phân chia ra và được tiến hành tuần tự ở trong công trường thủ công thì ở đây chỉ do một cái máy công tác thực hiện, máy này hoạt động bằng cách kết hợp nhiều công cụ khác nhau. Đó là sự tái hiện sự hiệp tác giản đơn, hơn nữa nó lại tái hiện ra trước tiên như là việc đem những máy công tác cùng loại và hoạt động cùng một lúc tập hợp lại ở một nơi.  
Công trường thủ công biến thành công xưởng. Ví dụ, một xưởng dệt là do nhiều máy dệt đặt cạnh nhau, xưởng may là do nhiều máy may đặt cạnh nhau ở trong cùng một nhà xưởng hợp thành. Nhưng ở đây có sự thống nhất về kĩ thuật, vì nhiều máy công tác cùng loại nhận được sự thúc đẩy đều đặn và cùng một lúc từ nhịp đập trái tim của một nguyên động cơ chung cho tất cả. Hoàn toàn giống như rất nhiều công cụ chỉ là những khí quan của một máy công tác, nhiều máy công tác bây giờ cũng chỉ là những khí quan cùng loại của cùng một động cơ phát động mà thôi.
    2. Sự hiệp tác của nhiều máy khác loại, hay là: hệ thống máy móc chính cống; Sự khác biệt giữa công trường thủ công và công xưởng
Hệ thống máy móc chính cống chỉ thay thế một cái máy độc lập riêng lẻ ở nơi nào đối tượng lao động trải qua một loạt những quá trình bộ phận liên quan với nhau, được tiến hành bởi một chuỗi những máy công tác khác loại nhưng bổ sung cho nhau.
Ví dụ như những công cụ của người đập len, người chải len, người cắt len, người kéo sợi len, v.v. ở trong một công trường thủ công làm đồ len bây giờ đã biến thành những công cụ của những máy công tác chuyên môn hóa, trong số đó mỗi máy là một khí quan đặc biệt để thực hiện một chức năng đặc biệt trong hệ thống bộ máy công tác kết hợp. Trong những ngành mà hệ thống máy móc được sử dụng trước tiên, thì bản thân công trường thủ công nói chung đã cung cấp cho hệ thống máy móc đó cái cơ sở tự nhiên để phân chia và do đó, để tổ chức quá trình sản xuất. Nhưng một sự khác nhau căn bản được biểu hiện ra ngay lập tức [so với sự phân công lao động trong công trường thủ công].  
Trong công trường thủ công, những người công nhân riêng lẻ hay những nhóm công nhân phải tiến hành mỗi quá trình đặc thù với những công cụ thủ công của họ. Nếu ở đây, người công nhân thích ứng với một quá trình, thì quá trình đó cũng đã thích ứng từ trước với người công nhân rồi. Đối với nền sản xuất bằng máy móc thì nguyên tắc chủ quan đó của sự phân công lao động không còn nữa. Ở đây toàn bộ quá trình đã được  xem xét một cách khách quan tự ngay trong bản thân nó, được phân tích các giai đoạn cấu thành của nó, và vấn đề thực hiện mỗi một bộ phận và kết hợp các quá trình bộ phận khác nhau đã được giải quyết bằng cách áp dụng cơ học, hóa học, v.v. vào kỹ thuật, trong đó lẽ tất nhiên là trước cũng như sau, quan niệm lý luận phải được hoàn thiện bởi kinh nghiệm thực tiễn được tích lũy lại trên một quy mô lớn.
Trong công trường thủ công, sự hiệp tác trực tiếp giữa các công nhân bộ phận tạo ra những tỷ lệ số lượng nhất định giữa các nhóm công nhân đặc thù, thì trong hệ thống máy móc gồm nhiều bộ phận cũng vậy, [...], cần phải tạo ra một tỷ lệ nhất định giữa số lượng, kích thước và tốc độ hoạt động của những máy đó. [...]. Nếu như trong công trường thủ công, sự cô lập của những quá trình riêng biệt là một nguyên tắc đẻ ra từ sự phân công lao động, thì trái lại, trong công xưởng đã phát triển, sự liên tục của các quá trình riêng biệt lại là nguyên tắc chi phối.  
    3. Sự phát triển của việc tự động hóa
Một hệ thống máy móc, dù nó được xây dựng trên sự hiệp tác giản đơn của những máy công tác cùng loại như trong ngành dệt, hoặc trên sự kết hợp những máy móc khác loại như trong ngành kéo sợi, tự bản thân nó cũng đã là một máy tự động lớn, một khi nó được một nguyên động cơ tự vận động làm cho chuyển động. Tuy nhiên những máy công tác riêng lẻ dùng cho một số sự vận động nào đấy vẫn còn cần đến người thợ, như sự vận động cần thiết để máy phát động kéo sợi trước khi phát minh máy kéo sợi tự động và cho đến ngày nay, trong việc kéo sợi mịn; hoặc những bộ phận nhất định của máy móc phải được người công nhân điều khiển như điều khiển một công cụ, ví dụ như trong ngành chế tạo cơ khí, trước khi cái hộp lưỡi dao tiện được cải biến thành một bộ máy tự động. Khi máy công tác đã đảm nhiệm được tất cả những chuyển động cần thiết để chế biến nguyên liệu mà không cần đến sự trợ lực của con người nữa và chỉ cần đến con người để kiểm tra công việc thì lúc đó chúng ta có một hệ thống máy móc tự động, tuy nhiên, nó cũng vẫn có thể được cải tiến thường xuyên về chi tiết. Ví dụ, thiết bị tự động hãm máy dệt cải tiến chạy bằng hơi nước lại khi con thoi hết sợi ngang, đều là những phát minh hoàn toàn hiện đại. Xưởng giấy hiện đại cũng có thể được coi là một ví dụ về sự liên tục trong sản xuất cũng như về việc áp dụng nguyên lý tự động.

Giai đoạn IV. Giai đoạn cuối: Xung đột giữa kết quả của sự phát triển với cơ sở hiện thực của sự phát triển.
    1. Kết quả của sự phát triển 3 giai đoạn trước
Hệ thống nhịp nhàng các máy công tác gồm nhiều bộ phận, nhận được sự vận động từ một máy tự động trung tâm thông qua một cơ cấu truyền lực, là hình thái phát triển nhất của nền sản xuất cơ khí. Ở đây, cái máy cá biệt được thay thế bằng một quái vật cơ khí mà cơ thể chiếm cả từng gian xưởng, và sức mạnh yêu quái của nó - lúc đầu còn được che dấu dưới sự chuyển động nhịp nhàng trịnh trong của những tay chân to lớn của nó - bộc lộ rõ trong điệu nhảy quay cuồng điên loạn của vô số những khí quan công tác của nó.
    2. Cơ sở hiện thực của sự phát triển
Những máy kéo sợi, máy hơi nước, v.v. xuất hiện trước khi có những công nhân chỉ chuyên chế tạo ra những máy đó, cũng hoàn toàn giống như con người biết mặc quần áo trước khi thợ may xuất hiện. Nhưng những phát minh của Vô-căn-xông, Ác-crai-tơ, Oát, v.v. chỉ có thể thực hiện được là vì  những nhà phát minh đó đã tìm được một số khá lớn thợ cơ khí lành nghề do thời kì công trường thủ công chuẩn bị sẵn.
Số lượng các phát minh càng tăng lên và lượng cầu về máy móc mới được phát minh càng lớn lên, thì một mặt, ngành chế tạo máy móc ngày càng được chia ra thành nhiều nghề độc lập, và mặt khác, sự phân công lao động trong các công trường thủ công chế tạo máy móc cũng ngày càng phát triển.
Như vậy là ở đây, chúng ta thấy công trường thủ công là cơ sở kĩ thuật trực tiếp của đại công nghiệp. Công trường thủ công sản xuất ra những máy móc nhờ chúng mà đại công nghiệp loại bỏ được nền sản xuất thủ công và công trường thủ công trong những ngành mà nó xâm nhập vào trước tiên. Như vậy là nền sản xuất cơ khí đã nảy sinh một cách tự phát trên một cơ sở không tương xứng với nó.
    3. Sự ra đời của việc dùng máy móc chế tạo máy móc
Đến một trình độ phát triển nào đó, nó cần phải đảo lộn chính ngay cái cơ sở mà nó đã tìm thấy sẵn lúc ban đầu, rồi sau đó đã phát triển hơn nữa dưới hình thái cũ, và phải tạo ra cho mình một cơ sở mới, thích hợp với cái phương thức sản xuất của chính nó. Thật vậy:
Giống như từng cái máy vẫn còn rất nhỏ bé chừng nào nó chỉ được chuyển động bằng sức người, và hệ thống máy móc cũng không thể phát triển tự do chừng nào những động lực đã tìm được - như súc vật, gió và ngay cả nước nữa - còn chưa được hơi nước thay thế, toàn bộ sự phát triển của đại công nghiệp cũng vậy, nó còn bị tê liệt chừng nào tư liệu sản xuất đặc trưng của đại công nghiệp, tức là bản thân máy móc, vẫn còn trông vào sức lực và tài khéo léo của con người mới tồn tại được.  Việc mở rộng hơn nữa các ngành công nghiệp đều hoàn toàn phụ thuộc vào sự tăng lên của một loại công nhân, do tính chất bán nghệ thuật của nghề nghiệp, cho nên chỉ có thể tăng lên dần dần chứ không thể tăng lên bằng những bước nhảy vọt được.  
Nhưng đến một trình độ phát triển nào đó thì đại công nghiệp cũng sẽ xung đột về mặt kĩ thuật với cơ sở thủ công và công trường thủ công của nó. Sự tăng thêm kích thước của máy phát động, của cơ cấu truyền lực và máy công tác, tính chất phức tạp hơn, phong phú hơn, cũng như tính chuẩn xác cao hơn của các bộ phận cấu thành của máy công tác [footnote số 103 rất thú vị: cái đầu máy xe lửa thí nghiệm đầu tiên trước khi phát minh ra những đầu máy hiện nay: trên thực tế nó có hai chân, lần lượt bước chân nọ đến chân kia như con ngựa. Chỉ có sự phát triển hơn nữa của môn cơ học và sự tích lũy kinh nghiệm thực tiễn thì hình thức của máy móc mới hoàn toàn được quyết định bởi những nguyên tắc của cơ học và do đó hoàn toàn thoát khỏi hình thức cổ truyền của những công cụ đã biến thành máy móc], sự hình thành một hệ thống tự động và việc sử dụng ngày càng không thể tránh được những nguyên liệu khó chế biến hơn, như sắt thay cho gỗ chẳng hạn, - việc giải quyết những nhiệm vụ nảy sinh một cách tự phát đó đâu đâu cũng vấp phải những giới hạn của con người, những giới hạn mà số công nhân kết hợp trong công trường thủ công cũng chỉ phá vỡ được ít nhiều, chứ không thể loại bỏ một cách cơ bản được. Công trường thủ công không thể nào cung cấp được những máy như máy in hiện đại, máy dệt hiện đại chạy bằng hơi nước và máy chải len hiện đại chẳng hạn.
Những phương tiện giao thông vận tải do thời kì công trường thủ công để lại chẳng bao lâu đã trở thành những trở ngại không thể chịu nổi đối với đại công nghiệp với tốc độ sản xuất điên cuồng và quy mô khổng lồ của nó […] Chưa nói đến cuộc cách mạng hoàn toàn trong việc chế tạo tàu buồm, ngành giao thông vận tải cũng đã dần dần thích ứng với phương thức sản xuất của đại công nghiệp với một hệ thống tàu thủy chạy đường sông, đường sắt, tàu biển và điện báo. Nhưng những khối sắt to lớn bây giờ cần phải rèn, hàn, cắt, khoan và đúc, đến lượt chúng lại đòi hỏi những máy móc khổng lồ mà ngành chế tạo máy móc lối công trường thủ công không thể nào sản xuất nổi.
Vậy là nền đại công nghiệp phải nắm lấy những tư liệu sản xuất đặc trưng của nó, tức là bản thân máy móc, và dùng máy móc để sản xuất ra máy móc. Nhờ thế, nó đã tạo ra được cho mình một cơ sở kĩ thuật thích hợp và đứng vững được trên đôi chân của mình.  
Nếu chúng ta quan sát cái bộ phận những máy móc dùng để chế tạo ra máy móc, tức là cái bộ phận cấu thành máy công cụ chính cống, thì chúng ta lại thấy công cụ thủ công hiện ra trở lại, nhưng với những kích thước khổng lồ. Ví dụ, bộ phận công tác của máy khoan là một cái khoan khổng lồ do máy hơi nước làm chuyển động và ngược lại, nếu không có cái khoan đó thì không sao sản xuất được những xi-lanh của những máy hơi nước to lớn và của những máy ép bằng sức nước.