Nhìn vào hình ảnh bên dưới ta thấy bản ngã phô ra một persona (một mặt nạ) cho thế giới bên ngoài. Trong lúc đó, nó bị chi phối bởi các Complexes, sự phóng chiếu và chi phối của các Archetypes lên các đối tượng, hiện tượng ở thế giới bên ngoài mà cũng sẽ ảnh hưởng đến hành vi và quyết định của Bản ngã (hay chính bản thân con người chúng ta theo nghĩa thông thường).
Hành trình trưởng thành của bản ngã hay hoàn thiện nhân cách con người là hành trình bản ngã ý thức soi tỏ từ các complexes (nhân cách nhỏ), cho đến Shadow - Anima/Animus - Mana Personality - The Self. Đó là một hành trình đầy gian khổ, một hành trình máu và nước mắt; lâu dài và cũng thần thánh theo nghĩa đen. Jung gọi là quá trình này là Cá thể hoá (Individuation) hay còn gọi là thành toàn Tự Ngã (Tích hợp Tự Ngã), có một số người ngày nay gọi đó là trở thành nguồn hay là trở về hợp nhất với Thượng Đế. Nhưng cũng không gọi là trở về mà là hoá thành (đây là viễn cảnh đáng mong đợi nhất). Vì lúc đó Ego biết Tự Ngã nhưng Ego là một cái mới, được sinh ra và hoàn thiện chứ không chỉ "quay về".
Jung's Model of the Psyche - <a href="https://www.reddit.com/user/GnosticBandit/">u/GnosticBandit</a>
Jung's Model of the Psyche - u/GnosticBandit

• Conscious: Ý thức

- Ego: Bản ngã
- Persona: Mặt nạ/ mặt giả

• Unconscious: Vô thức

- Personal Unconscious: Vô thức cá nhân
+ Complex: Phức cảm
- Collective Unsconscios: Vô thức tập thể
+Archetype: Cổ Mẫu (Nguyên Mẫu – Mẫu Tượng)
+Mana-personality: cổ mẫu Năng lực siêu nhiên
+Anima, Animus: (Cổ mẫu) Ẩn nữ, Ẩn Nam
+Shadow: Bóng âm
+The Self: Tự Ngã

1. Ego (Bản ngã)

Jung định nghĩa bản ngã như sau:
“Bản ngã hình thành nên, có thể nói, trung tâm của trường ý thức, và trong chừng mực trường này bao hàm nhân cách kinh nghiệm thì bản ngã là chủ thể của tất cả mọi hành vi ý thức của cá nhân”.
C.G. Jung
Thuật ngữ “bản ngã” nói tới kinh nghiệm về bản thân của một người như là một trung tâm của ý chí, khát vọng, suy nghĩ, và hành động.
Bản ngã là một “chủ thể”, còn những nội dung tâm thần “phản ánh” cho nó. Hơn thế nữa, sự gắn liền với bản ngã là điều kiện cần thiết để làm cho bất kì điều gì trở nên có ý thức - cảm xúc, suy nghĩ, tri giác.
Mỗi người có một bản ngã khác nhau và là thứ xưng tôi, thứ khiến ta biết được bản thân khác với người khác và nhận biết, tri giác sự vật bên ngoài tâm hồn của mình và cả những yếu tố bên trong bản thân của mình (phản tư vào bên trong).
Bản ngã là chủ thể ra quyết định mọi hành vi ý thức, quyết định, hành động của mỗi cá thể.

2. Persona (Mặt giả)

Mặt nạ (The Persona) là bộ mặt bên ngoài ta thể hiện ra với thế giới. Nó che đậy cái tôi thực sự bên trong và Jung mô tả nó như nguyên mẫu “thích ứng”. Đây là bộ mặt hay vai trò mang tính đại diện mà chủ thể “chưng” ra với người khác và như thể một ai đó rất khác với con người thực sự bên trong của họ (như một diễn viên).
Persona có mối quan hệ qua lại mật thiết với anima, animus và shadow.

3. Complex (Phức cảm)

Thông qua các lần test liên tưởng từ, Jung quan niệm phức cảm được hình thành và hoạt động do các sang chấn, ấn tượng mạnh hoặc do văn hóa tác động lên hành trình sống của người đó. Và chúng không chỉ được trải nghiệm trong các giấc mơ mà còn trong cuộc sống hằng ngày, chúng chi phối bản ngã khi được đánh thức. Tức là nó khiến cảm xúc và hành vi của ta bị mất kiểm soát.
Tâm thần được tạo thành từ nhiều trung tâm và mỗi trung tâm đó (mà phức cảm là 1) trung tâm đều có năng lượng và thậm chí cả ý thức và mục tiêu riêng của chúng. Vì vậy mỗi phức cảm có thể được coi là một nhân cách, tức là nhân cách của chúng ta được luân phiên và chi phối bởi nhiều nhân cách nhỏ này.
Bản ngã là một trong nhiều phức cảm. Môi phức cảm có một lượng năng lượng đặc thù của riêng nó. Khi chúng ta nói về năng lượng của bản ngã, chúng ta gọi đó là “ý chí tự do”.
“Các phát hiện của tôi về các phức cảm đã cho thấy một bức tranh không yên bình lắm về những khả năng của sự phân rã tâm thần, vì về cơ bản không có sự khác biệt trên nguyên tắc giữa một nhân cách phân chia và một phức cảm.”

4. Archetype (Nguyên Mẫu / Cổ Mẫu)

Có thể nói không sai rằng toàn bộ cổ mẫu chính là nội dung của vô thức tập thể, hay so sánh một cách đơn giản hơn, vô thức tập thể là một vòng tròn bao quanh tất cả các cổ mẫu. Bản chất của cổ mẫu, do gắn với bản năng, có thể được xem như “gene tâm lí” của con người hoặc hạt quark trong vật lí lượng tử vậy.
Và vì theo quan niệm của Jung, ứng với mỗi một trạng thái của con người sẽ có một cổ mẫu tương ứng, chẳng hạn như cổ mẫu người mẹ, người cha, người anh hùng… nên số lượng cổ mẫu là vô tận và trong quá trình tìm kiếm cổ mẫu, Jung nhận thấy một số các cổ mẫu thể hiện quá trình phát triển tâm lí cá nhân theo một dòng liên tục, đó là shadow, anima, animus, the self.
Các cổ mẫu này có tác dụng dẫn đường và điều phối sự phát triển tâm lí con người từ một tâm thần nguyên thuỷ chung thành những cá nhân riêng biệt mà Jung gọi là quá trình cá nhân hoá (individuation) - cái đích đến của một cá thể có ý thức)
“Cổ mẫu, là một Ding an sich (Kant: vật tự nó), và do đó nằm ngoài phạm vi của nhận thức con người. Chúng ta chỉ có thể nhận thức nó gián tiếp bằng cách nhận biết những biểu hiện của nó.” - Murray Stein

5. Shadow (Bóng âm)

Theo Jung, trong quá trình phát triển của mình, đặc biệt để tạo dựng một chiếc persona, con người buộc phải che dấu một phần nhân cách của mình. Phần nhân cách bị che dấu đó, có cả mặt tốt lẫn xấu mà cái tôi hoặc là dồn nén hoặc là không bao giờ nhận biết được, có vai trò ngược lại với persona, được ông gọi là shadow.
Về bản chất, shadow được cấu thành chủ yếu từ ham muốn bị dồn nén và những xung lực hoang dã, những động cơ thấp kém về đạo đức, những huyễn tưởng trẻ con và những sự thù hận… tức là tất cả những gì mà con người không tự hào. Những đặc trưng cá nhân không được nhận biết này thường được trải nghiệm qua người khác thông qua sự phóng chiếu.
Shadow, theo quan niệm của Jung là những gì mà một người phải đương đầu khi từ bỏ sự đồng nhất với persona để tiếp tục quá trình cá nhân hoá mình
“Shadow chỉ là những gì yếu kém, nguyên thuỷ, không thích nghi và trở ngại chứ không hoàn toàn xấu. Thậm chí nó còn chứa đựng những phẩm chất nguyên thuỷ và trẻ con, và theo cách đó tăng cường và tô điểm cho sự tồn tại con người mà những quy ước ngăn cấm! - Daryl Sharp, Jung Lexicon, 1991, Inner City Books, 1991, tr.68

6. Anima/animus

Anima là khía cạnh nữ tính ở nam giới.
Nhưng nó thường bị chối bỏ hoặc ít nhận biết vì vẻ bề ngoài (persona) của nam giới luôn tỏ ra mạnh mẽ, “là con trai thì không được khóc”.
“Vì ở bên ngoài, cá nhân đóng một vai trò mạnh mẽ, nên ở bên trong, anh ta chỉ là một người phụ nữ, tức là anima, vì anima đã phản ứng lại persona. Nhưng bởi vì thế giới bên trong là tăm tối và vô hình… người đàn ông hoàn toàn không thể nhận biết được sự yếu kém của mình và khi anh ta càng đồng nhất mình với persona, mặt đối trọng với nó, anima hoàn toàn sẽ ở trong bóng tối và ngay lập tức được phóng chiếu, do vậy mà những anh hùng thường chết dưới chân những người đẹp”. – C. Jung
Theo Jung thì ưu tiên trong nửa đầu cuộc đời của một người đàn ông là giải phóng khỏi sự hấp dẫn anima từ người mẹ. Còn trong nửa sau cuộc đời, việc thiếu hụt mối quan hệ với anima sẽ mang đưa đến những cảm giác về sự thiếu hụt linh hồn:
“Những người trẻ tuổi... có thể chịu đựng sự thiếu hụt hoàn toàn anima mà không có chút tổn thương nào. Vấn đề quan trọng với họ ở giai đoạn đó là trở thành những người đàn ông. Tuy nhiên, sau thời trung niên, việc thiếu hụt anima có nghĩa là sự suy giảm sức sống, sự linh hoạt và lòng nhân ái. Kết quả của điều này sẽ là sự cứng nhắc không chín chắn, sự cáu gắt, khuôn mẫu, thái độ một mặt cực đoan, sự bướng bỉnh, mô phạm hoặc thoái lùi, mệt mỏi, ướt át, thiếu trách nhiệm và cuối cùng là sự hờn dỗi với xu hướng nghiện ngập”. - C.G. Jung, Colleted Works 9i, Princeton University Press, 1997, tr.71
Animus là khía cạnh nam tính của nữ giới. Animus của một người phụ nữ lại hoạt động như một tâm thần vô thức. Nó thể hiện sự tiêu cực ở những ý kiến cứng nhắc, những lập luận tập thể, và những giả định tiên nghiệm và vô thức khi tuyên bố chân lí tuyệt đối.
Sự nguy hiểm của sự chi phối bởi animus ở phụ nữ là: “Một người phụ nữ bị chi phối bởi animus luôn ở trong trạng thái nguy hiểm của việc đánh mất nữ tính”.

7. Mana-personality

Cổ mẫu siêu nhiên là một bước khó hơn sau khi bản ngã tích hợp được anima/animus. Sau này nếu cần thiết sẽ tìm hiểu sâu.

8. The Self (Tự Ngã)

"Self không chỉ là trung tâm mà còn là cái vòng tròn bao bọc cả ý thức lẫn vô thức. Nó là trọng tâm của tổng thể này, giống như cái tôi là trọng tâm của ý thức”
- Daryl Sharp, Jung Lexicon, 1991, Inner City Books, 1991, tr.64
Giống như bất kì cổ mẫu khác, bản chất thực sự của Self là không thể biết được, nhưng nội dung của nó được trong các huyền thoại và truyền thuyết khắp mọi nơi trên thế giới.
“Self xuất hiện trong các giấc mơ, huyền thoại, và chuyện cổ tích dưới hình ảnh một nhân cách siêu phàm, chẳng hạn như vua, anh hùng, nhà tiên tri, người cứu hộ v.v... hoặc dưới hình thức một biểu tượng tổng thể, chẳng hạn như vòng tròn, hình vuông, quadratura circuli, chữ thập v.v... Vì nó biểu hiện một complexio oppositorum, một sự thống nhất của các mặt đối lập, nó cũng xuất hiện như là một nhị nguyên thống nhất dưới hình thức chẳng hạn như đạo với sự tương tác giữa yin và yang, Mandala, hoặc hình ảnh những người anh em thù địch, hoặc là anh hùng và kẻ thù (ma quỷ), Faust và Mephistopheles... Do đó, về mặt thực nghiệm, Self biểu hiện như là sự tương tác giữa ánh sáng và bóng tối, mặc dù được nhận biết như là một tổng thể và sự thống nhất trong đó các mặt đối lập được thống nhất”. Daryl Sharp, Jung Lexicon, 1991, Inner City Books, 1991, tr.64-65.
Đối với Jung, Self có một đặc điểm “linh thiêng” giống như tính thần thánh trong các tôn giáo. Thậm chí, ông còn đặt ngang Self với chúa, coi chúa chỉ thuần tuý là một khái niệm tâm lí học nhằm diễn tả những gì nằm ngoài sự hiểu biết của con người.
Trong Aion: Nghiên cứu về hiện tượng của bản ngã, Jung coi Jesus là một biểu tượng của Self. Đây cũng là điểm mà Jung bị những nhà thần học và duy vật sau này lên án. Jung viết trong một đoạn kết của một cuốn sách của mình về Self như sau:
“Nó hoàn toàn có thể được gọi là chúa ở trong ta”.
C.G. Jung, Colleted Works 7, Princeton University Press, 1997, tr.238.
Chi Hoàng.