Kiếm (bao gồm cả đao, gươm,...) là một vũ khí lạnh phổ biến ở mọi quốc gia trên thế giới, kéo dài từ thời cổ đại cho tới tận Thế chiến II của nhân loại! Là món vũ khí phổ biến trong văn hoá đại chúng, chúng có cấu tạo nhất quán như phần lưỡi là một thanh kim loại dài, có một hoặc hai cạnh sắc; chuôi bằng kim loại hoặc gỗ, phần lớn có phần bảo vệ cho bàn tay của kiếm sĩ.
Như mình có đề cập, kiếm là món vũ khí nổi tiếng và cực kỳ phổ biến trong văn hoá đại chúng. Do có sự phóng tác có phần "quá mức" mà nhiều thanh kiếm đã bị hiểu sai. Trong bài viết lần này, mình sẽ điểm qua một vài hiểu lầm sau đây:
1. Rapier là thanh kiếm rất nhẹ chỉ dùng để đâm?
Rapier là thanh kiếm được biết đến chủ yếu xuất hiện trong các tác phẩm như "Ba chàng lính ngự lâm" hoặc "Mặt nạ Zorro". Nổi tiếng là thanh kiếm có lưỡi kiếm trông rất mảnh và dài, nhưng đặc trưng nhất phải kể tới phần cán bảo vệ tay rất cầu kỳ đẹp mắt.
Nhưng! Mặc dù hình dáng có phần nhẹ nhàng thanh thoát thì trọng lượng của nó lại không hề nhẹ chút nào. Thực tế, rapier nặng từ 1-1,4 kg với chiều dài đạt xấp xỉ 107 cm (dài hơn cả một số loại longsword và jian Hán). Không như nhiều những thanh kiếm khác có trọng tâm đặt vào lưng chừng lưỡi kiếm cho tới gần cán kiếm, rapier có trọng tâm dồn hoàn toàn vào tay cầm của chuôi kiếm.
Việc kiếm rapier bị coi là nhẹ, mỏng manh một phần vì cấu tạo lưỡi kiếm mỏng hẹp và một phần vì mọi người thường nhầm lẫn nó với loại kiếm épée dùng cho môn thể thao fencing - đấu kiếm. Trên thực tế, một số kiếm sĩ khi mới có trải nghiệm sử dụng rapier lại thường chia sẻ rằng rapier "quá dài và nặng".
Rapier cũng không phải là thanh kiếm chỉ dùng để đâm bởi nó có lưỡi sắc bén. Rapier hoàn toàn có thể cắt chém đủ sâu để gây ra những vết thương nghiêm trọng bởi lưỡi kiếm có thể thon gọn nhưng chắc chắn là không mảnh mai.
2. Những thanh kiếm cầm 2 tay Trung Cổ cực kỳ cùn và trọng lượng có thể lên tới cả chục kilogram?
Mặc dù đã có nhiều bài viết của mình có đề cập tới phần này, nhưng vì nó vẫn thuộc trong những chủ đề về "kiếm" nên mình sẽ cố đưa ra những thông tin mới hơn tới các bạn đọc!
Suy nghĩ hoang đường này ngược lại so với kiếm rapier. Những loại kiếm hai tay thời Trung Cổ không hề nặng nề hay cùn, đó là điều chắc chắn! Trọng lượng của những thanh kiếm như longsword chỉ đạt từ 1,1-1,8 kg. Rõ ràng là loại kiếm này cũng không hề cùn, chúng hoàn toàn có thể đâm và cắt rất tốt (truy cập tại đây và đây để biết thêm).
Còn về việc có người cho rằng loại kiếm châu Âu thời Trung Cổ thô kệch? Đây là một nhầm lẫn phổ biến! Như đã nhiều lần đề cập, rằng với hàng tá những tài liệu về kiếm thuật và võ thuật châu Âu ghi chép lại như kunst des fechtens (Johannes Liechtenauer) và armizare (Fiore dei Liberi) trong lịch sử. Các loại kiếm hai tay được thực hiện với hệ thống dày đặc các kỹ thuật đâm cắt khéo léo và linh hoạt không thua gì kiếm thuật của Đông Á thì liệu nó có thể nào thô kệch?
Việc cho rằng chúng đặc biệt nặng nề có thể do những thanh kiếm với độ dài tương đối quá khổ như zweihänder Đức, spadone Ý hay claymore Scotland? Tuy vậy, những thanh kiếm như này chỉ có trọng lượng rơi vào khoảng 2-4 kg. Lý do cho độ dài như vậy theo các tài liệu ghi nhận, chúng được dùng chủ yếu để chống lại nhiều kẻ thù hoặc đội hình giáo dài pikeman trên chiến trường.
Mình đã từng nhận được nhiều bình luận với quan điểm cho rằng một thanh kiếm có trọng lượng từ 2-4 kg vẫn được coi quá nặng! Với những kiếm sĩ có thể phải trang bị tới cả chục kilogram của bộ giáp mà họ vẫn cử động rất linh hoạt, vậy với một thanh kiếm 2-4 kg có thực sự là nặng?
Hãy thử hình dung như thế này: một người tập nâng tạ tay, trải nghiệm ban đầu với tạ 2-3 kg có thể khá nặng, nhưng tập chuyên cần thì chỉ một khoảng thời gian ngắn thôi bạn có thể nâng lên tạ 4-5 kg, rồi cứ thế nâng cao hơn. Do vậy cơ bắp của bạn phải chịu được hơn thế rất nhiều, huống chi những kiếm sĩ dành ra tới cả chục năm cuộc đời chỉ để tập kiếm?
3. Excalibur là một loại kiếm broadsword?
Excalibur là một trong nhiều thanh kiếm thần thoại nổi tiếng trên toàn thế giới về truyền thuyết "thanh kiếm được cắm trong đá và chỉ người rút được nó thì mới xứng đáng trở thành vua...". Theo như nhiều mô tả, chúng có hình dạng tương tự với một dạng kiếm broadsword hay bastard sword...
Nếu kiếm Excalibur có hình dạng như này thì thực sự là thiếu hợp lý? Bởi theo như lịch sử ghi nhận, thời kỳ vua Arthur tồn tại ở thế kỷ 5-6 (thời kỳ Di cư châu Âu) thì loại kiếm broadsword như arming sword hay longsword ở thời kỳ Trung Cổ như này là chưa tồn tại! Nếu là ở thời kỳ Di cư, Excalibur sẽ có hình dáng tương tự như những thanh kiếm của người Anglo-Saxon hay người Vikings hơn!
Hơn nữa, Excalibur là một thanh kiếm "sử thi mang tính thần thoại", tức là nó đã xuất hiện từ rất rất lâu về trước và có thể là từ thời kỳ Hy Lạp - La Mã cổ đại. Nên nhiều khả năng, Excalibur sẽ có hình dạng của xiphos, kopis hoặc gladius hơn là hình dạng của một thanh kiếm ở thời kỳ Di cư hay Trung Cổ?
Dù sao đi chăng nữa thì việc Excalibur có hình dáng của một thanh kiếm broadsword như các tác phẩm đại chúng mô tả thực sự là thiếu hợp lý!
4. Katana là một thanh kiếm có khả năng chém siêu phàm với một chất thép siêu bền?
Việc cho rằng katana là loại kiếm có khả năng chém siêu phàm ghi đậm dấu ấn từ những tác phẩm như game, phim ảnh Hollywood hay manga/anime Nhật Bản! Chắc hẳn bạn từng thấy katana thể hiện khả năng chém kinh hồn như có thể “cắt đôi người chỉ với một nhát chém”, xuất hiện như một thanh kiếm "quốc dân" ở mọi thể loại phim như Kill Bill, Deadpool, Lãng khách Kenshin... Nhưng thực tế mà nói thì katana cũng chỉ là một loại kiếm cong (đao) cầm hai tay, không có gì đặc biệt hơn những loại kiếm khác. Nếu để so sánh, katana chắc chắn không thể cắt tốt như kriegsmesser Đức, schweizersäbel/saber Thuỵ Sĩ hay các loại đao Trung Hoa bởi lưỡi kiếm tương đối ngắn khi chỉ đạt trung bình 70 cm với một chất thép không hề "tuyệt vời" chút nào! Sẽ là vô lý khi cho rằng katana có thể "chém sắt như chém bùn"!
Như hình trên, thép tamahagane (ngọc cương) được rèn từ loại quặng có rất nhiều tạp chất, loại thép cát sắt này là loại thép tệ nếu được dùng để rèn kiếm! Nếu đem so với những loại thép được sử dụng bởi những quốc gia hay khu vực cùng thời điểm thì loại thép này thua xa! Để khắc phục, những thợ rèn Nhật thường sử dụng phương pháp rèn thép gập, dập nhiều lần để bỏ tạp chất giúp phân tán đều lượng cacbon cần thiết (phương pháp này được gọi là shita-kitae). Do loại thép tệ, phần thép mỏng hay cứng sẽ được rèn đan xen tuỳ theo mục đích cứng chắc hay dẻo dai cần thiết trên từng phần của lưỡi kiếm.
Vậy tức là nhờ kỹ thuật rèn khéo léo mà katana mặc dù với thứ thép lắm tạp chất như vậy cũng có thể rèn ra lưỡi kiếm tuyệt hảo? Thực tế lại không hề như vậy! Đúng là lưỡi kiếm katana vẫn rất cứng rắn, nhưng chúng lại thường quá giòn để lưỡi kiếm có thể đàn hồi trở lại khi tác động lực lên nó. Nên khi sử dụng katana, các kỹ thuật từ kiếm thuật của nó thường không có những đòn va chạm trực diện với lưỡi kiếm. Bởi nếu katana bị cong, hậu quả là hình dạng đó sẽ giữ nguyên như vậy, hoặc là lưỡi kiếm sẽ bị gãy hoàn toàn luôn!
Katana được làm với sự khéo léo gần như không thể tin được là bởi vì chúng phải như vậy! Đó là cách duy nhất để tạo nên một thanh kiếm từ một loại thép tệ hại. Cách rèn với thép gập của katana thực ra chỉ cần thiết nếu như thứ thép được rèn là loại thép lắm tạp chất. Trong khi các thợ rèn Nhật Bản mất nhiều tháng để tạo ra một thanh kiếm thì những quốc gia ở châu Âu, Ấn Độ, Trung Đông… có thể sản xuất hàng loạt, nhanh chóng với giá cả ngày càng rẻ.
Tại sao mình nói katana có chút thất thế hơn so với những thanh kiếm ở những quốc gia khác? Chẳng hạn, vào đầu những năm 1300, người Châu Âu đã chế tạo thép nung bằng hợp kim cacbon cao, chúng mang lại kết quả đồng nhất tinh khiết hơn, được kiểm soát được bằng cách sử dụng lò tôi lớn và máy ép chạy bằng sức nước. Loại thép cacbon tương tự loại 5160 spring (thép lò xo) được dùng cho các loại kiếm Trung Cổ châu Âu cùng thời điểm có độ đàn hồi tuyệt vời với hàm lượng cacbon cao và ổn định! Những thanh kiếm như longsword hoàn toàn có thể uốn cong tới 40 độ mà vẫn đàn hồi trở lại như ban đầu. Các loại kiếm broadsword nói chung tập trung vào hình dạng của tiết diện lưỡi để cải thiện lưỡi kiếm, chẳng hạn như loại diamond (11) chuyên dùng để chống lại kẻ mặc giáp tấm toàn thân chiến trường hoặc các loại fuller thuộc group B (6-10) có thể làm giảm trọng lượng của kiếm mà vẫn có thể đảm bảo chất lượng và độ cứng cáp cần thiết...
Những thanh katana hiện đại sau này cũng thường được rèn với loại thép lò xo - spring steel khác nhau!
Công nghệ rèn kiếm của Nhật kể trên vốn là sự học hỏi từ công nghệ luyện kim của loại thép chi-kang (thép tổng hợp) và kỹ thuật hàn hoa văn trên lưỡi kiếm của Trung Hoa thông qua Triều Tiên! Nhật Bản đã cố gắng học hỏi để áp dụng kỹ thuật "rèn hàn các cạnh của lưỡi với sắt mềm" vào quy trình luyện kim để tạo nên những lớp thép có độ mềm cứng khác nhau, tăng tính cứng cáp và dẻo dai cho lưỡi kiếm. Cơ mà công nghệ rèn thép gập với nhiều loại thép khác nhau không phổ biến lại lỗi thời ở nhiều quốc gia và khu vực cùng thời điểm do những khu vực như châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và ngay cả Trung Hoa rất dồi dào về thép cacbon chất lượng cao, cộng thêm những cải tiến về luyện kim và thép đúc.
Do vậy mà tới cả ngàn năm (từ những năm 1600), luyện kim của Nhật vẫn dậm chân như vậy! Có lẽ chỉ cho tới mãi khi cuộc Cải cách Duy tân Minh Trị diễn ra, đời sống bộ mặt xã hội của Nhật Bản thay đổi, luyện kim cũng phát triển, sự tiếp xúc mạnh mẽ với các nền công nghiệp châu Âu thời đó đã cho ra những loại thép chất lượng hơn...
Dĩ nhiên, mục này không hề có ý giễu cợt gì katana! Chúng không phải là một thanh kiếm tệ, chúng đã làm tốt vai trò của nó ở thời kỳ mà nó tồn tại cho mục đích chém giết. Mỗi thanh kiếm được tạo ra đều phục vụ trong khu vực của nó khi mà sự va chạm giữa các nền văn hoá vẫn còn hạn chế. Bản thân Nhật Bản cũng là một quốc đảo biệt lập khi mà chiến tranh ở thời kỳ phong kiến chủ yếu xảy ra trong nội bộ quốc gia. Nên nếu cố gắng so sánh với cả những loại kiếm khác nhau trong lịch sử thì thực sự là ngớ ngẩn. Chỉ là đừng cố thổi phồng katana lên mức thần thánh mà thôi! Bởi:
Mỗi thanh kiếm được tạo nên với một mục đích tối ưu hóa cho một mục đích cụ thể, chúng có thể phù hợp cho việc này nhưng lại không phù hợp cho các mục đích khác.
Bonus: Những lò nở xỉ hay bloomery truyền thống tatara-buri để tinh luyện thép từ cát sắt của người Nhật thường được tung hô là tinh xảo và tài nghệ. Nhưng thực tế, chúng cũng không có gì quá đặc biệt, bloomery - đại loại là lò đắp đất cao được thổi lửa bên dưới kể trên cũng không hề hiếm có trong lịch sử. Công nghệ luyện kim này đã xuất hiện từ thời kỳ Cổ đại, bắt đầu từ những nền văn minh đầu tiên của châu Phi từ năm 1200 BC (trước Công nguyên); Trung Đông, Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại từ thế kỷ 12 BC; Trung Quốc thời nhà Chu ở thế kỷ 10 BC. Vào thế kỷ 14 AD (sau Công nguyên) ở châu Âu khi nhu cầu đúc pháo được đẩy mạnh, đúc gang dần phát triển, theo đó rèn thép cacbon thấp với bloomery dần bị thay thế bởi cũng trong thời gian đó, phần lớn sản lượng của nhà máy luyện gang đã được chuyển đổi thành sắt rèn, sắt trở nên rẻ mạt và phổ biến trên khắp thị trường châu Âu. Còn ở Nhật Bản, cách luyện thép với tatara-buri kéo dài mãi cho tới tận thời kỳ Minh Trị vào thế kỷ 19 mới thay thế do loại gang họ sản xuất ra quá giòn để đáp ứng khả năng đúc pháo.
5. Kiếm Trung Hoa chỉ gồm hai thiết kế thống nhất: "kiếm thẳng lưỡi kép" - jian (kiếm) và "kiếm cong lưỡi đơn" - đao?
Đây là một ý nghĩ không hẳn là sai về kiếm Trung Hoa. Phần lớn ý nghĩ này xuất phát từ hai loại vũ khí luôn xuất hiện trên những bộ phim kiếm hiệp/võ thuật Trung Hoa. Những thanh kiếm thẳng jian thường được thể hiện với khả năng đâm và chém hào nhoáng còn đao lại luôn thể hiện khả năng chặt chém mạnh mẽ hơn...
Tuy vậy, đao kiếm Trung Hoa lại không hề có một hình dáng cố định hoàn toàn. Bản thân cả hai loại vũ khí kể trên đều có những hình dáng không đồng nhất khác nhau. Lý do bởi cứ sau mỗi triều đại Trung Hoa lại có một loại vũ khí khác có kiểu dáng mới! Hơn nữa lãnh thổ Trung Hoa rất rộng lớn với nhiều dân tộc khác nhau nên vũ khí như kiếm cũng rất đa dạng, khó mà có thể có một loại kiếm thống nhất được!
Chẳng hạn như Tang dao (Đường đao) là một loại đao, nhưng lại có cấu tạo lưỡi thẳng và thon gọn như các loại kiếm jian. Chúng được cho là cảm hứng ảnh hưởng nên những loại kiếm Nhật Bản sau này.
Không những đa dạng về hình dáng và chủng loại vũ khí. Chúng còn trực tiếp gây ảnh hưởng ra bên ngoài lãnh thổ Trung Hoa và tạo nên những vũ khí dựa trên những loại đao kiếm tương đồng. Đặc biệt là những quốc gia chịu ảnh hưởng từ nền Nho giáo Trung Hoa như Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên.
Bonus: shuang gou - kiếm móc Trung Hoa cũng là một loại “kiếm” có cấu tạo đặc trưng đến dị biệt không thể lẫn với 2 loại kiếm jian hay đao của quốc gia này.
6. Thép Damascus từng bị thất truyền có thể rèn ra những loại kiếm tuyệt vời mà thời nay vẫn không thể?
Bạn đã bao giờ nghe tới loại thép Damascus? Loại thép được rèn ở Trung Đông từ năm 540-1800 sau Công nguyên nổi tiếng với chất lượng cao như cực kỳ sắc bén, linh hoạt, cứng cáp và mạnh mẽ. Theo truyền thuyết, những lưỡi kiếm có thể "cắt đôi một mảnh lụa khi nó rơi xuống đất và duy trì độ bền của chúng sau khi cắt xuyên qua đá, kim loại hoặc thậm chí là những thanh kiếm khác". Và theo như nhiều thông tin cho rằng thứ thép này đã thất truyền và nay không ai biết chính xác nó đã được sản xuất như thế nào?
Thép Damascus đúng là đã bị thất truyền! Lý do là bởi nó được tôi lên từ thép wootz, một loại thép đúc ban đầu được sản xuất ở Ấn Độ hơn 2000 năm trước. Loại thép wootz tuyệt vời này từng được bán rộng rãi ở thành phố Damascus vào thế kỷ 3-4, thuộc Syria hiện đại. Không chỉ bán riêng cho Damascus, thép wootz đã từng trở thành mặt hàng xuất khẩu đi khắp thế giới như Hy Lạp, Trung Quốc, Ba Tư… thông qua con đường tơ lụa. Cho tới những năm 1700 thì thứ thép này đã ngừng sản xuất do không thể cạnh tranh lại với thép của thực dân Anh, cộng với việc Ấn Độ cũng đã trở thành thuộc địa của Đế quốc Anh. Cuối cùng, thép Damascus chịu chung số phận do mất đi nguồn cung.
Những loại thép "Damascus" hiện đại thực ra chỉ là thép hiện đại kết hợp với hàn hoa văn của thép Damascus. Cơ mà hàn hoa văn trên Damascus không phải độc nhất của riêng loại thép này. Thực tế, người Celt ở thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đã sử dụng những lưỡi hàn có hoa văn. Các hoa văn cũng tồn tại trên kiếm của người Vikings từ thế kỷ 8 và kiếm của Samurai Nhật Bản vào thế kỷ 13...
Nhưng cho rằng thép Damascus vẫn là thứ thép tuyệt hảo hơn cả thép hiện đại lại là điều hoàn toàn sai lầm, nó chỉ vượt trội hơn so với các hợp kim khác được sử dụng cho kiếm vào cùng thời điểm đó. Thép hiện đại có hàm lượng cacbon cao được sản xuất bằng quy trình Bessemer của thế kỷ 19 đã vượt qua chất lượng của thép Damascus!
Đã có rất nhiều nghiên cứu và kỹ thuật đảo ngược cố gắng tái tạo thép Damascus đúc, nhưng họ chỉ có thể tạo ra những loại thép có cấu tạo thành phần gần giống với thép Damascus mà thôi.
Mặc dù biết bản chất hình thành nên thép Damascus nhưng mọi công thức và các bước để rèn nên loại thép này vẫn còn nhiều thiếu sót do không còn nhiều tài liệu đầy đủ. Cũng giống như ta đã biết thành phần các chất cấu tạo nên cơ thể con người, cơ mà làm thế nào để tạo nên một con người sống bằng phương pháp nhân tạo lại là một chuyện khác (chỉ là "chưa" thôi)!
Bonus: việc có người cho rằng không có ai trong khoảng thời gian Damascus tồn tại có công nghệ và khả năng tôi quặng sắt để loại bỏ tạp chất không cần thiết mà vẫn giữ được hàm lượng cacbon ổn định. Sai lầm! Người châu Âu đã có những hệ thống lò nung luyện kim có thể nung thép phức tạp hơn bạn nghĩ từ đầu những năm 1100 ở đầu thời kỳ Trung Cổ - thời kỳ mà được coi là đen tối của châu Âu. Vậy không lý gì mà khả năng luyện kim từ những khu vực khác cũng có thể tệ hại so với Damascus? Đúng chứ?
7. Và tất cả các loại kiếm chỉ người tầng lớp cao và có quyền thế trong xã hội mới có thể sở hữu?
Thực tế, điều này vẫn có thể coi là đúng! Nhưng, không phải tất cả các quốc gia khu vực nào ở trên thế giới, ở mọi thời kỳ trong lịch sử cũng đều có cùng một luật lệ áp đặt như vậy! Tất nhiên, kiếm sẽ chủ yếu phổ biến trong giới quý tộc hay tầng lớp chiến binh cao quý, nhưng không có nghĩa những tầng lớp thấp hơn không thể sở hữu. Tuỳ thuộc vào luật lệ và mức sống của quốc gia mà họ - những người tầng lớp thấp hơn có thể được phép trang bị kiếm hay không?
Vào thời Tiền Trung cổ, kiếm rất đắt tiền và là dấu hiệu của địa vị cao trong xã hội châu Âu. Những người lính bộ binh bình thường chủ yếu sử dụng giáo. Châu Âu vào thế kỷ thứ 9, giá trị của một thanh kiếm bao gồm cả bao kiếm là 7 solidi (một loại đồng tiền vàng), giá của nó tương tự một con ngựa tốt. Điều đó càng thể hiện chắc chắn, rằng những thanh kiếm đặc biệt chất lượng có thể đáng giá nhiều hơn thế!
Vào thời đại Vikings, các loại kiếm ulfberht thường chỉ người giàu mới có! Bình thường thì những binh lính Vikings sẽ trang bị các loại rìu chiến, còn những người nghèo hơn như nông dân thì chỉ có thể trang bị giáo mà thôi!
Tuy nhiên, cho tới thế kỷ 13-14 vào thời Trung Cổ, kiếm hoàn toàn có thể mua dễ dàng với giá cả phải chăng. Bạn hoàn toàn có thể mua được từ loại kiếm rẻ mạt cho đến cực kỳ đắt tiền tuỳ vào chất lượng của loại thép, danh tiếng và tay nghề của thợ rèn... Một thanh kiếm hàng sản xuất đại trà vào những năm 1340 rẻ và phổ biến đến nỗi giá của chúng tương đương với 6 pence - tiền công một ngày của một cung thủ chính quy phục vụ trong quân đội Anh. Những minh họa trên bản thảo cho thấy không chỉ một thanh kiếm rẻ tiền trong tầm với của một người lính bình thường, mà nhiều cung thủ cũng đã đeo chúng như một vũ khí phụ.
Để cho dễ hiểu, những thanh kiếm Trung Cổ thời kỳ này giống như xe cộ ở Việt Nam vậy! Những xe Wave, Dream... thông thường thường rẻ và phổ biến, phù hợp với túi tiền và mức sống của đại đa số người Việt; trái ngược với những phân khúc xe như SH, Honda CBR... thì đắt tiền hơn. Trong khi đó, giá của những thanh kiếm tồn tại đầu thời kỳ Trung Cổ sẽ có giá tương đương một chiếc xe hơi bây giờ…
Ở khu vực châu Á, hầu hết chính quyền phong kiến sẽ cấm người dân sở hữu hay sử dụng kiếm. Ở một vài quốc gia, kể cả là dồi dào sắt thép để rèn kiếm hay không thì thường việc sở hữu kiếm ở tầng lớp thấp như nông dân cũng hoàn toàn không được "khuyến khích" do kiếm được coi là biểu tượng tầng lớp quan lại hoặc binh sĩ tầng lớp cao trong xã hội phong kiến.
Vào thời Edo Nhật Bản (1603-1868), kiếm được coi là vật dụng đặc quyền của tầng lớp Samurai. Tuy nhiên trước đó, việc nông dân sở hữu kiếm đã từng phổ biến đến mức mà Toyotomi Hideyoshi phải ban hành một sắc lệnh yêu cầu tất cả nông dân phải nộp vũ khí để tránh các cuộc nổi dậy của nông dân có thể xảy tới.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất