Loạt bài này mình sẽ chia sẻ những gì mình đã học được từ khoá học Learning How to Learn của Coursera. Mình sẽ chia mỗi tuần thành 2 bài viết cho nó không quá dài để các bạn đọc đỡ bị ngán. Mình không phải dân viết lách nên viết hơi chuối, với nhiều chỗ hơi bựa nên có gì các bạn bỏ qua dùm mình. Cảm ơn các bạn rất nhiều đã ủng hộ bài viết đầu tiên!

Đọc bài viết đầu tiên ở link: Week 1



1. Chuỗi thông tin - Chunk

Chuỗi thông tin (chunk) là những thông tin được liên kết với nhau một cách có ý nghĩa mà bạn có thể sử dụng chúng trong tương lai. Khi bạn học một điều gì đó mới, khi bạn chưa hiểu được cái mà bạn đang học, bạn sẽ thấy rất khó để nhớ, cũng như rất khó để vận dụng nó. Khi đó, bạn cần phải thật tập trung để có thể hiểu và xâu chuỗi những gì bạn đang học lại với nhau, liên kết những kiến thức bạn vừa học với những kiến thức bạn đã sẵn có để tạo thành một bức tranh lớn bao hàm toàn cảnh. Tương tự như bạn đang chơi trò chơi ghép hình, khi bạn chưa hiểu vấn đề, nó giống như một mảnh ghép có hình dạng bất định không thể ghép chung với bất kì mảnh ghép nào khác. Còn khi bạn đã hiểu nó, thì nó có thể ghép dễ dàng với những mảnh ghép khác thành một bức hình hoàn chỉnh. Và liên kết giữa các mảnh ghép của bức hình sẽ rất chắc chắn. Khi bạn cố nhớ một kiến thức mới mà bạn không hiểu gì về nó, còn gọi là học vẹt, thì nó giống như bạn cố ghép một mảnh ghép với những mảnh ghép khác khi nó hoàn toàn không tương thích. Và rõ ràng liên kết đó sẽ không thể nào chắc chắn được. Bạn sẽ mau chóng quên nó, cũng như không thể vận dụng nó sau này. 

Bất kể bạn có học môn học hay chủ đề nào đi chăng nữa, thì đầu tiên bạn cũng sẽ phải xâu chuỗi các thông tin mà bạn học. Ban đầu là những chuỗi nhỏ, những chuỗi nhỏ liên kết với nhau tạo thành chuỗi to hơn, chuỗi to hơn liên kết với nhau tạo thành chuỗi to hơn nữa. Bạn có nhớ ngày trước khi học phổ thông, chúng ta thường phải học thuộc lòng các bài thơ rất dài. Cách học thuộc phổ biến nhất là bạn học từng khổ thơ một, sau đó xâu chuỗi lại với nhau thành nguyên bài thơ. Khi học từng khổ thơ, bạn lại học từng câu thơ. Sau khi thuộc câu đầu tiên, bạn học tiếp câu thứ hai. Sau khi thuộc câu thứ hai, bạn đọc lại cả hai câu trước khi học câu thứ ba. Sau khi thuộc câu thứ ba bạn đọc lại cả ba câu, cứ thể tiếp tục tương tự cho từng khổ thơ. Khi đó, bạn đang xâu chuỗi các thông tin lại với nhau. Từng câu thơ sẽ tạo thành khổ thơ, từng khổ thơ sẽ tạo thành cả bài thơ, như bức hình trong trò chơi ghép hình khi nãy. Nhưng. Xâu chuỗi thông tin lại với nhau bằng cách nào?

2. Cách xâu chuỗi thông tin - How to form a chunk?

Đầu tiên bạn phải có một cái nhìn tổng quan về cái mà bạn đang muốn học. Khi bạn học một bài thơ dài, thì trước khi học từng khổ thơ, bạn nên đọc qua bài thơ đó một lần. Cũng như trước khi bắt tay vào ghép hình, thì bạn nên xem qua một lượt từng mảnh ghép, để có cái nhìn sơ bộ về sự kết nối, cũng như đặc điểm, vị trí tương đối của từng mảnh ghép. Hồi phổ thông khi ta học toán, sau mỗi định lý, công thức ta học, thường có các ví dụ đưa ra từng bước vận dụng các định lý và công thức đó để tìm ra đáp án. Các ví dụ này giúp ta có cái nhìn tổng quan về cách thức, các bước vận dụng kiến thức ta vừa học trước khi ta thực sự bắt tay vào sử dụng chúng. Vấn đề của việc các ví dụ này là nó làm cho ta chỉ chú ý vào từng bước của lời giải mà không suy nghĩ về sự liên kết của các bước với nhau. Chúng ta thường không quan tâm tại sao bước này lại phải làm sau bước kia, mà chỉ tìm cách thay số vô để ra đáp án. Khi một ai đó đưa cho bạn một cái bản đồ và chỉ cho bạn cách tìm đường từ A đến B, thì cái bạn cần học không phải là con đường từ A đến B, mà bạn phải học cách sao cho bạn có thể tìm đường từ B đến C hoặc bất cứ địa điểm nào mà bạn muốn. Hay nói cách khác, bạn phải học cách sử dụng bản đồ. Khi đó bạn thậm chí còn có thể tìm được con đường từ A đến B nhanh hơn và đẹp hơn.

Bạn phải nắm được một cách sơ bộ bức tranh trước khi đi vào từng chi tiết của bức tranh.

Chuỗi thông tin thực chất là một chuỗi neuron thần kinh liên kết với nhau và được kích hoạt đồng thời giúp cho suy nghĩ, hành động của bạn trở nên trơn tru hơn. Khái niệm này áp dụng cho cả các môn trí tuệ và các môn thể chất. Khi bạn học đá bóng chẳng hạn, bạn cũng cần phải xâu chuỗi các thông tin. Đầu tiên bạn cần tập chặn bóng. Sau đó bạn tập bứt tốc. Sau đó bạn tập rê bóng qua người. Cuối cùng bạn tập sút bóng. Tiếp theo sẽ có các bài tập kết hợp các động tác này lại với nhau như: bứt tốc + qua người, qua người + sút bóng, chặn bóng + sút bóng, rồi sau đó là chặn bóng -> qua người -> bứt tốc -> sút bóng. Đó là cách mà bạn đang xâu chuỗi các thông tin lại, giúp cho các hành động của bạn trơn tru hơn. Khi bạn có thể thực hiện và phối hợp những động tác một cách thuần thục như bản năng, phản xạ thì chuỗi thông tin đã được hình thành và liên kết chặt chẽ với nhau. Đến đây chắc bạn đã nhận ra điểu bạn cần làm để hình thành các chuỗi thông tin rồi. Đó chính là tập luyện.


Các chuỗi neuron thần kinh liên kết chặt chẽ với nhau thông qua tập luyện. 

Và bạn cần phải thật sự tập trung. Khi bạn vừa học bài vừa check tin nhắn, lâu lâu lướt facebook thì chắc chắn các thông tin không thể liên kết chặt chẽ bằng khi bạn tập trung toàn lực. Và quan trọng nhất là các thông tin chỉ có thể liên kết, xâu chuỗi với nhau, khi và chỉ khi bạn thực sự hiểu nó. Bạn không thể liên kết những thông tin mà bạn không hiểu, giống như bạn không thể ghép những mảnh ghép không tương thích với nhau. Nếu có liên kết được đi chăng nữa, thì những thông tin đó cũng là thông tin rác mà bạn không thể vận dụng. Cho nên khi bạn học điều gì đó mới, hãy nắm vững những kiến thức cơ bản, nền tảng nhất. Nó sẽ giúp bạn vững vàng hơn khi bạn tiếp cận những kiến thức cao cấp hơn, vì nó giúp bạn hiểu và xâu chuỗi những thông tin lại với nhau. Khi bạn tập trung vào vấn đề, thì chế độ diffuse sau đó sẽ giúp bạn tiếp tục tiếp cận vấn đề và kết hợp với những phương pháp khác nữa, rồi bạn sẽ hiểu được nó. 

Một điểm quan trọng nữa là bạn cần phải phân biệt rõ giữa hiểu cách vấn đề được giải quyết và biết cách giải quyết vấn đề. Bạn đọc lời giải của bài toán và bạn hiểu, không có nghĩa là bạn có thể vận dụng nó để giải bài toán khác. Điều này không giúp bạn xâu chuỗi thông tin. Vì khi đó bạn vẫn chưa thực sự hiểu rõ ngọn nguồn của vấn đề. Nó giống như bạn đọc code của người khác. Và bạn hiểu. Khi đó bạn nghĩ rằng cũng có thể code được. Nhưng thực tế không phải vậy. Cho nên bạn không nên lầm tưởng rằng một khoảnh khắc 'Aha' là một sự thấu hiểu vững chắc. Bạn cần phải tập luyện, bạn cần phải giải nhiều bài toán khác, code nhiều hơn nữa để có được sự liên kết neuron và sự thấu hiểu vững chắc. Bạn sẽ nhận ra bạn chỉ thực sự thấu hiểu vấn đề khi bạn thực sự bắt tay vào chơi với nó, giải quyết nó. Biết cách đánh đàn không có nghĩa là bạn có thể đàn, hiểu từng bước điều chỉnh ống kính, tiêu cự không có nghĩa là bạn có thể chụp ảnh. Khi bạn đã hiểu được vấn đề, thì tiếp theo bạn cần phải biết khi nào vận dụng nó, và khi nào không. Bạn liên kết kiến thức vừa học với những kiến thức bạn đã có. Khi đó, kiến thức bạn vừa mới học lại trở thành một mảnh ghép nhỏ trong một bức hình lớn hơn, và bạn phải biết nơi để ghép nó vào. 

Mục tiêu cuối cùng khi bạn học một điều gì đó mới là bạn phải biết cách để vận dụng nó.

3. Đừng ảo tưởng về khả năng của bạn - Illusions of Competence 

Một trong những cách phổ biến nhất khi học một môn học mới là đọc qua lecture notes và làm bài tập. Nhưng đọc như thế nào mới quan trọng. Sau khi đọc xong, bạn có chắc là bạn nắm được toàn bộ nội dung bài đọc? Hay bạn chỉ đọc qua loa rồi sau đó làm bài tập, vừa làm vừa mở slides ra xem? Nếu bạn muốn thực sự đọc hiểu tài liệu, thì có một cách bạn có thể áp dụng. Đó là sau mỗi chương bạn vừa đọc xong, bạn đóng slides lại, cố nhớ và tóm tắt những ý chính của chương đó. Nếu bạn không nắm hết, không sao cả, bạn có thể mở slides ra và xem lại. Điểm mấu chốt là khi bạn tập trung để tóm tắt nội dung của bài đọc, thì khi đó các liên kết giữa các neuron trở nên chặt chẽ hơn. Nếu bạn cảm thấy nhắm mắt và nhớ lại là quá khó thì có một cách dễ hơn. Đó là lấy giấy ra ghi lại. Liệt kê trên giấy viết sẽ dễ hơn rất nhiều. Kết hợp với các phương pháp khác như vẽ bản đồ tư duy, việc học của bạn sẽ trở nên hiệu quả hơn. Nhưng phải lưu ý, là bạn phải thực sự hiểu từng ý nhỏ nhất, cơ bản nhất trước khi liên hệ chúng lại với nhau. Liên kết những điều mà bạn không hiểu sẽ không có hiệu quả khi bạn học nâng cao lên. Giống như bạn học sút phạt khi bạn chuyền bóng chưa vững vậy. 

Một vấn đề khác là như đã nói ở trên, chúng ta thường làm bài tập với tài liệu mở bên cạnh. Khi đó tất nhiên việc tìm ra lời giải sẽ dễ dàng hơn. Nhưng ta lại tự lừa dối bản thân rằng mình thực sự hiểu bài và có thể tự tìm ra lời giải. Đến khi vào phòng thi và không có tài liệu bên cạnh ta mới nhận ra là mình chỉ nhờ vào tài liệu mà thôi. Hoặc là khi ta nhìn vào code của người khác, hiểu nó và tự dối lòng rằng mình cũng có thể viết được, nhưng khi bắt tay vào code thì ta mới nhận ra nó không đơn giản như mình nghĩ.

Một ví dụ khác là ta lạm dụng bút dạ quang quá nhiều. Khi ta đọc sách, ta thường đánh dấu những ý chính bằng bút dạ quang. Sau khi đánh dấu xong, ta mặc định cho rằng mình đã tìm ra những ý đó, nên chắc mình đã hiểu nó, và sẽ nhớ nó. Nhưng nếu ta không học lại, không tự tóm tắt sau đó, ta sẽ quên. Mặt khác, bạn chỉ nên đánh dấu những gì thực sự quan trọng. Nên cẩn thận, khi bạn đánh dấu bất kì một ý nào, hãy suy nghĩ thật kĩ về nó. Tại sao ý này cần phải đánh dấu lại? Nó có thực sự quan trọng hay không? Nếu có thì quan trọng như thế nào?


Một điều thú vị nữa là khi bạn đá bóng ở sân lạ (sân khách) thì bạn sẽ cảm thấy nó không quen, hoặc khi đánh bida ở một bàn trong thời gian dài rồi chuyển qua bàn khác, bạn cũng sẽ cảm thấy lạ bàn. Khi bạn thay đổi tập luyện ở nhiều sân bóng khác nhau, nhiều bàn bida khác nhau, thì các kĩ năng của bạn sẽ trở nên hoàn thiện hơn, bất kể môi trường xung quanh. Khi bạn chỉ học ở một nơi nhất định, một môi trường nhất định thì khi vào phòng thi ở một nơi có môi trường khác hoàn toàn, bạn cũng sẽ thấy không quen, thậm chí bị khớp (mấy bạn sắp thi Đại học nên để ý điều này). Cho nên nếu có thể, lâu lâu hãy thay đổi nơi học, đó có thể là một quán cà phê hay trà sữa, công viên hay qua nhà bạn học nhóm. Điều này giúp tâm lý của bạn vững vàng để bạn có thể vận dụng kiến thức mà bạn học một cách hiệu quả bất chấp điều kiện bên ngoài. 

Cuối cùng, nhắc lại một lần nữa là một khoảnh khắc 'Aha' không phải là sự thấu hiểu vững chắc. Một cách để chắc chắn rằng bạn có thực sự hiểu bài hay không, đó là thi thử, làm trước bài kiểm tra. Hãy tìm những đề thi mẫu, đóng hết các tài liệu, bấm giờ và làm bài một cách nghiêm túc. Khi không có slides mở ra bên cạnh, bạn có tự tìm ra lời giải? Nếu có, thì chúc mừng bạn. Còn nếu bạn làm sai, cũng chúc mừng bạn luôn. Điều đó chứng tỏ, một là bạn chưa thực sự hiểu và vận dụng được kiến thức bạn học. Hãy học lại một cách nghiêm túc. Hai là bạn nghĩ bạn hiểu, nhưng bạn hiểu sai, và đáp án của bạn sai. Không sao. Đây là một điều tốt. Hãy kiểm tra lại và bạn có thể chắn chắn là. Bạn sẽ không bao giờ làm sai những câu này một lần nữa. Những kiến thức đó sẽ in sâu trong trí nhớ của bạn. Vậy nên, làm sai không có gì đáng sợ cả. 

Hãy chú ý quá trình học của bạn, đừng ảo tưởng. Và đừng sợ sai.

Xem phần tiếp theo tại: