Thiền: Phương pháp chữa lành cảm xúc
Liệu bạn có những nỗi sợ bên trong mà bạn không biết bắt nguồn từ đâu không? Ví dụ như nỗi sợ bị bỏ rơi – bạn sợ rằng một ngày bạn...
Liệu bạn có những nỗi sợ bên trong mà bạn không biết bắt nguồn từ đâu không? Ví dụ như nỗi sợ bị bỏ rơi – bạn sợ rằng một ngày bạn sẽ không được ai cần đến, nên bạn làm mọi cách để chiều lòng người khác? Hoặc nỗi sợ túng thiếu – luôn lo sợ bản thân sẽ không thể kiếm đủ tiền để sống qua ngày, rồi sẽ phải chết trong nghèo đói? Hoặc nỗi sợ bị đánh giá – sợ bị người khác nhìn nhận, phán xét, chỉ trích? Sợ bị đâm sau lưng, không thể tin tưởng ai? Vân vân và mây mây.
Nỗi sợ là một thứ cảm xúc được chôn sâu trong phần tiềm thức (sub-conscious mind) của mỗi người. Nó được tạo ra bởi nhiều sự kiện, đặc biệt là những sự kiện mà bản thân bạn, phần nhận thức (conscious mind) của bạn đã không còn nhớ tới nữa. Ví dụ, những sự kiện bạn gặp phải lúc bạn sinh ra, môi trường xung quanh sẽ có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến việc xây dựng, hình thành phần tiềm thức của bạn. Hoặc một nỗi đau mà bạn từng trải qua vài chục năm trước, tưởng đã bị xoá nhoà theo thời gian, nhưng thực chất nỗi đau đó vẫn còn mãi và ảnh hưởng tới sau này của bạn.
Mình có quen một ông anh từng bị tình đầu bỏ rơi mấy chục năm rồi, tưởng chừng đã quên được tình cũ, nhưng chính nỗi đau đó đã ảnh hưởng tới các mối quan hệ của anh sau này. Anh không tin vào phụ nữ, không tin vào tình yêu, không dám cam kết lâu dài với mối quan hệ nào vì sợ bị bỏ rơi – thế là mang danh “player”. Anh cũng nghĩ bản thân không thể yêu ai, nhưng thực chất, nỗi sợ đã làm tim anh đóng chặt, bởi vì chưa được chữa lành, nên gặp ai cũng sợ bị đau đớn lần nữa. Phần tiềm thức, những nỗi sợ bị chôn sâu tưởng chừng đã không còn ảnh hưởng đến bản thân mình nữa, nhưng thực chất, những ký ức bị chôn sâu ấy sẽ luôn âm thầm điều khiển cuộc đời mỗi người, tạo ra những đau khổ kéo dài triền miên, cho đến khi con người học được cách giải thoát cho bản thân khỏi những cái “khối chắn” (blockage) trong tiềm thức ấy, giải thoát cho cuộc đời, số phận của mình.
Đọc thêm:
Until you make the unconscious conscious, it will direct your life and you will call it fate.Cho tới khi bạn nhận thức được những gì tiềm thức của bạn chôn chặt, chúng sẽ điều khiển cuộc đời bạn và bạn sẽ gọi đấy là “số phận”.- Carl Jung
Để bàn về tiềm thức thì nói mãi không hết, bởi tiềm thức mang một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hình “tính cách” của bạn, mẫu người lý tưởng của bạn, môi trường xung quanh bạn. Chính những sự thúc đẩy về mặt tiềm thức sẽ quyết định cuộc đời bạn về hướng nào, bởi vậy, nếu bạn thấy trong cuộc đời bạn toàn những lựa chọn tồi tệ – yêu toàn người không ra gì, luôn chạy trốn khỏi mọi vấn đề, không thể vui vẻ nổi, v.v. thì hãy thử nghiên cứu thêm về tâm lý học, hoặc tìm đến bác sỹ chữa trị tâm lý để tìm được sự cân bằng. Trong bài viết này, mình bàn về trải nghiệm cá nhân đối với phương pháp Thiền như một cách để chữa trị tâm lý, chữa trị những tổn thương còn bị chôn chặt trong tiềm thức, mong rằng giúp bạn có thêm một công cụ tìm lại niềm vui và sự cân bằng trong cuộc sống của bạn.
1. Mình bắt đầu với thiền như thế nào?
Mình từng thử tập thiền vào 2 năm trước, nhưng thời gian đấy mình chưa thấy được sự cần thiết của thiền nên không tiếp tục. Chỉ đến khoảng 3 tháng trở lại đây, mình luôn chăm chỉ thiền mỗi ngày, và bây giờ, ngày nào mình cũng phải thiền từ 20 – 40 phút.
Mọi người bắt đầu với thiền vì nhiều lý do, lý do lớn nhất là để giảm căng thẳng, stress trong công việc, rồi thì để gia tăng sự tập trung. Việc giảm căng thẳng, tăng tập trung là thật, mình đã chứng nghiệm trong suốt thời gian mình tập thiền, mình thoải mái, tập trung, vào “luồng” (flow) hơn hẳn trong công việc. Nhưng lý do chính nhất để mình bước vào con đường Thiền quán, là để đối diện với nỗi sợ của bản thân.
2. Thiền mang lại lợi ích gì cho bản thân mình?
Như mình nói ở trên – mình thiền là để đối diện với nỗi sợ từ tận bên trong bản thân. Mình từng là một đứa rất dễ bị “kịch tính” hoá vấn đề (hay gọi cách khác là tự tạo drama không cần thiết), đầu óc rất dễ bị ảo tưởng, không thể nhìn nhận thực tế, mà quá sức nhạy cảm, luôn bị cảm xúc dẫn dắt, không thể biết đâu là thực, đâu là ảo giác do đầu óc mình tạo ra. Và phải nói thật, đây là vấn đề không chỉ mình mà bất cứ ai cũng gặp phải – thay vì nhìn nhận mọi vấn đề một cách khách quan, đúng như những gì đã xảy ra, con người thường có xu hướng tô màu lên cho sự việc dựa theo cảm nhận của bản thân, từ đó một sự việc cỏn con cũng đủ để thổi bùng lửa lớn, do những cảm xúc bên trong chi phối. Đấy là lý do mà cuốn “Phi lý trí” của tác giả Dan Ariely ra đời – bàn về sự phi lý trí như một bản chất của con người.
Dĩ nhiên, việc “phi lý trí” như này cũng có tác dụng của nó đối với sự sinh tồn của nhân loại, nhưng việc quá nhạy cảm, đầu óc không tỉnh táo mà luôn bị che mờ bởi ảo giác, tưởng tượng sẽ mang hại nhiều hơn lợi. Trong đầu óc mình lúc đấy luôn vẽ ra các viễn cảnh tồi tệ nhất, bi đát nhất, những drama thảm hại nhất để tô màu lên cuộc sống của mình, bởi vậy, sống thực sự không dễ tí nào, bởi bản thân luôn ở trong trạng thái bi đát, cô độc, đau buồn. Giai đoạn đen tối này tuy đã dạy mình một số bài học về con người, nhưng mình không muốn trải qua một lần nữa, bởi việc luôn bị chi phối bởi nỗi sợ sẽ khiến cuộc sống u ám nhường nào.
Đến bây giờ, điều mình cảm kích nhất với Thiền, đấy là nhờ Thiền, mà trải nghiệm sống của mình rõ ràng, thực tế, bình yên hơn hẳn. Mỗi khi đầu óc mình quay cuồng lung tung, nỗi sợ xuất hiện, thì mình sẽ trở về với hơi thở, về với thực tại này, và tập trung vào những điều mình cần làm. Mình không còn nỗi sợ với tương lai, đau khổ chìm trong quá khứ, mà có thể an yên sống trong thực tại, có trách nhiệm với tương lai, nhưng không lo lắng nữa.
Đây chính là tác dụng trị liệu cảm xúc của thiền – giúp làm bay đi lớp sương mờ mịt của ảo giác, của xúc cảm, đưa con người về với thực tại, giây phút này. Thực chất, cuộc sống không hề đáng sợ đến vậy, và con người thì tốt bụng hơn nhiều những gì drama trong đầu tự tạo ra. Nhưng những trải nghiệm của quá khứ, những cái “khối” năng lượng của nỗi sợ trong tiềm thức lại luôn tuôn ra vô vàn ảo giác, ngăn chặn con người trải nghiệm thực tại này một cách toàn vẹn, chân thực nhất. Con người thay vì sống trong thực tại, nhìn nhận thực tại như chính nó, lại luôn tự tạo ra vô vàn drama, sống trong bong bóng của mớ cảm xúc lâu đời, cũ mèm. Những nỗi sợ, những cảm xúc quá khứ không được giải quyết này chính là thứ điều khiển trải nghiệm sống của bạn nếu bạn không biết cách giải quyết nó, và nó sẽ ngăn chặn bạn có được những kết nối sâu sắc với mọi người, với cuộc đời, và với chính bản thân bạn.
Đọc thêm:
Kết luận lại, thiền với mình là để sống và trải nghiệm cuộc sống chân thực nhất, để giúp con người mở mắt ra, quan sát rõ những màu sắc rực rỡ, tươi đẹp thực sự của cuộc sống, thay vì luôn sống trong những ảo ảnh không thực tế do bản thân tạo ra.
3. Thiền thế nào cho đúng?
Thiền có rất nhiều loại, có thiền nằm, thiền đi bộ, thiền quán, thiền định,… Đếm ra nhiều lắm. Hiện tại, mình đang tu tập thiền Vipassana, hay thiền “Minh sát tuệ”, mà mình học theo cuốn “30 ngày thiền quán” của Thiền sư Joseph Goldstein. Mình khuyến khích các bạn tìm đọc cuốn sách này nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về Thiền và Chánh niệm.
Phương pháp thiền Vipassana khá đơn giản. Mình tóm gọn lại hướng dẫn thiền trong cuốn sách “30 ngày thiền quán” như sau:
“…Bắt đầu phương pháp ngồi thiền bằng cách đặt sự chú ý vào một đối tượng thiền quán giản dị: Hơi thở.”
“Hãy chọn một tư thế ngồi thật thoải mái, dễ chịu, giữ thẳng lưng, nhưng không nên cố gắng quá…Nếu muốn, bạn có thể ngồi trên ghế. Điều quan trọng là Đừng cử động nhiều quá.”
“Mắt nên nhắm, trừ khi bạn đã tập ngồi thiền với mắt hơi mở và bạn muốn chọn cách ấy… Theo tôi thì nhắm mắt lại một cách thoải mái là dễ hơn”.
Quán niệm hơi thở có thể được thực hành bằng hai phương pháp:
Cách thứ nhất là hướng sự chú ý vào chuyển động lên xuống của bụng: Khi ta thở vào, bụng xẹp lên. Khi ta thở ra, bụng xẹp xuống. Không tưởng tượng, hình dung ra cái gì hết, chỉ nhận biết thật rõ ràng cảm giác về sự chuyển động lên xuống. Đừng cố gắng kiểm soát hơi thở bằng bất cứ cách nào, chỉ đơn giản chú ý vào sự lên xuống của bụng.Cách thứ hai là chú ý đến hơi thở ra vào nơi mũi, hướng sự chú ý vào nơi đầu mũi hay môi trên. Phải tập trung chú ý vào hơi thở như một người gác cổng, luôn biết đến sự ra vào của mọi người. Đừng theo dõi hay cố dẫn hơi thở đi vào, đi ra, cũng đừng kiểm soát hay ép buộc hơi thở. Chỉ đơn giản chú ý đến sự ra vào của hơi thở khi nó đi ngang qua mũi. Trong giai đoạn đầu, bạn nên niệm thầm trong tâm những từ “phồng, xẹp” hay “ra, vào”. Bằng cách này, tâm ý của bạn sẽ được gắn với đối tượng thiền quán.
Lưu ý:
Trong vài phút thực tập đầu tiên, bạn hãy thử coi đối tượng nào rõ ràng nhất đối với bạn: sự lên xuống của bụng hay sự ra vào của hơi thở. -> Rồi bạn hãy chọn lấy một đối tượng và quyết định duy trì nó mãi, đừng thay đổi, nhất định duy trì đối tượng thiền quán đến cùng trong suốt thời gian thực hành sau này, để có thể nhận được lợi ích từ bài tập thiền.Việc thiền quán cần đến sự “từ tốn và chậm chạp”. Điều này có một giá trị rất lớn lao. Không có gì đáng để vội vã cả.Trong phạm vi hoạt động hàng ngày, hãy luôn giữ cho bản thân một tâm ý thật tỉnh thức – mỗi hành động đều là thiền, đều được thực hiện một sự tỉnh thức. Có thế thì thiền quán mới phát huy được giá trị của nó. Mình nghe nhiều người than rằng: lúc thiền thì thật thoải mái, hết thiền xong, quay lại cuộc sống thường ngày thì lại mệt mỏi, vật vã. Ấy là vì họ chưa biến việc Thiền thành một lối sống, biến sự thức tỉnh, chánh niệm trong mỗi hành động thành điều quen thuộc. Bởi vậy, nếu bạn muốn học thiền để giải toả cảm xúc, hãy biến Thiền và chánh niệm thành một nhận thức trong từng giây phút, thay vì thiền xong là lại “cuốn theo mây mù”…
4. Câu chuyện chữa lành nhờ việc Thiền
Một điều thú vị về Thiền quán, là nó giúp mình quan sát các đối tượng xúc cảm, hiện tượng biến chuyển trong thân, tâm mình, thay vì bị gắn chặt với những đối tượng đó. Ví dụ, hồi trước mình là người rất sợ bóng đêm, không dám ở một mình trong bóng tối. Bởi vậy, mình quyết định thiền trong bóng đêm để đối diện với nỗi sợ hãi đằng đẵng này. Lúc tắt đèn, ngồi xuống thiền, trong đầu óc mình hiện lên vô số hình ảnh rùng rợn, đáng sợ, nhưng nhờ việc tập trung vào hơi thở, mình nhận thức được rằng, những nỗi sợ đấy chỉ là ảo giác do não mình tạo ra, chúng không có thực. Từ từ, mình dần học cách vượt qua nỗi sợ bóng đêm – bởi khi những ảo ảnh trong trí não không còn làm loạn nữa, thì chẳng còn gì để sợ hãi.
Một điều hay ho nữa về Thiền, là thiền còn giúp mình chữa lành những bóng ma của quá khứ, những nỗi đau trong tiềm thức mà mình từng chối bỏ, không dám đối diện. Nhiều lúc khi đang thiền, bỗng dưng những ký ức không mấy tốt đẹp lúc còn nhỏ của mình được gợi lên ngay trước mắt, nhưng thay vì chạy trốn, nhờ thiền, mình đối diện những ký ức tối tăm ấy, và để mọi cảm xúc dồn nén được bộc lộ ra. Bởi vậy, rất nhiều người khi thiền bỗng dưng khóc lóc thảm thiết, nước mắt tuôn ra không ngừng, đấy là một tiến trình chữa lành của tiềm thức, để những cảm xúc cũ kỹ có cơ hội được giải toả, chuyển hoá, và sau khi khóc xong, cơ thể sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn bao nhiêu.
Đây là một số trải nghiệm tích cực của mình về việc sử dụng Thiền như một phương pháp chữa lành về mặt tâm lý, cảm xúc. Nhờ thiền, Tâm mình bình yên hơn, bớt những tranh cãi, drama không cần thiết. Thiền giúp mình đối diện với nội tâm, tiềm thức sâu thẳm của mình, giải quyết những nỗi sợ, lo lắng chôn giấu bên trong, để có thể tìm lại niềm vui và ánh sáng trong cuộc đời. Sau cùng, trong cuộc đời dài đằng đẵng mà cũng thật ngắn ngủi này, ai chẳng muốn sống trong niềm vui, hạnh phúc, không phải đấu tranh mãi không ngừng? Dù cuộc đời xung quanh có biến đổi ra sao, thế giới bên ngoài thế nào, nhưng khi con người biết cách giữ cho tâm mình bình yên, rõ ràng, thì ta sẽ có thể chấp nhận thực tại này, làm chủ cuộc sống của mình và đưa ra được những quyết định hợp lý, thực tế, khôn ngoan hơn, thay vì bị điều khiển bởi cảm xúc mà mất đi kết nối với thế giới xung quanh. Đấy chính là giá trị sâu sắc nhất mà thiền đem lại cho cuộc sống của người thực hành Thiền.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
— — —
NGUỒN TÀI LIỆU CHO BÀI VIẾT:
---
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất