Đây là bài viết đầu tiên của mình trên spiderum -- cũng như bài viết đầu tiên về lịch sử, chính trị - một lĩnh vực mình rất đam mê tìm hiểu và mong muốn được giao lưu. Mong mọi người cho ý kiến nhận xét và góp ý nhiệt tình, xin chân thành cảm ơn.             
Có lẽ, mỗi khi nhắc đến cái tên Lê Duẩn- Tổng bí thư Đảng Lao Động Việt Nam trong suốt thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, một người ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình lịch sử của Việt Nam nửa sau thế kỉ 20- chúng ta lại được nghe đến những nhận xét tiêu cực như người đã đẩy đất nước lùi lại hàng thập kỷ, một người đầy tham vọng quyền lực. Điều đó là sự thật, hay phải chăng đó chỉ là một cái nhìn phiến diện dưới góc độ phán xét mà không có sự khách quan. Cũng giống như con trai ông đã nói: Lịch sử đã không công bằng với cha tôi.
Cố Tổng bí thư Lê Duẩn

Công lao không thể chối cãi…      

Lê Duẩn (1907-1986) là Bí thư Đảng Lao động Việt Nam có thời gian tại vị lâu nhất, gần 25 năm, và cũng là một trong những người có ảnh hưởng quan trọng đến lịch sử, chính trị của Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Ông hoạt động trong xứ ủy Trung Kỳ và Nam Kỳ, đến năm 1957 được Hồ Chủ Tịch triệu tập ra Bắc và nhanh trong trở thành một nhân vật quan trọng trong bộ máy chính trị Việt Nam khi đó. Khi sức khỏe của Hồ Chí Minh ngày càng suy yếu, Lê Duẩn dần nắm quyền lực lớn hơn và đã trở thành người quyền lực nhất trong Bộ Chính trị kể từ năm 1967. Lê Duẩn không phải là người từng đi khắp thế giới như Hồ Chí Minh, cũng không phải là người đã sát cánh cùng Hồ Chủ Tịch ngay từ những ngày đầu xây dựng lực lượng như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng. Vậy nên, việc đưa Lê Duẩn lên làm người kế cận và có quyền lực to lớn được hiểu như một ý định của Hồ Chủ tịch mong muốn hòa hợp dân tộc, thể hiện rằng Đảng Lao Động Việt Nam đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam.             
Lê Duẩn mang trong mình chủ nghĩa dân tộc, ý chí kiên cương, nhất quán trong việc thống nhất đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là với Trung Quốc. Ông là người đã đẩy nhanh quá trình giải phóng miền Nam thống nhất đất nước bằng biện pháp quân sự, có công lao to lớn dẫn đến thống nhất mùa xuân năm 1975. Lê Duẩn cùng bộ chính trị đã vạch ra sách lược cho cách mạng miền Nam, lợi dụng những thời cơ cốt yếu dẫn đến ưu thế trên bàn đám phán tại Paris, hay nắm lấy cơ hội để tiến tới thống nhất ngay trong những năm 75-76. Điều đó đã thể hiện một tầm nhìn chiến lược của một vị Tổng Bí thư lãnh đạo cách mạng toàn quốc. Ngoài kẻ thù xâm lược là Mỹ, Lê Duẩn còn có một thái độ cứng rắn không nề há đối với những đồng minh thân cận trong khối XHCN là Trung Quốc và Liên Xô, điều đó thể hiện qua câu nói: Chúng ta muốn thắng Mỹ, có một điều rất quan trọng là chúng ta phải không được sợ Mỹ, nhưng cũng không được sợ Trung Quốc và không được sợ Liên Xô. TBT Lê Duẩn đã sớm nhìn ra mưu đồ toan tính của Trung Quốc, và quả thực không lâu sau khi giải phóng, lợi dụng tình hình đất nước chưa ổn định, Trung Quốc đã kích động Pol Pot quấy nhiễu biên giới và giết hại dân thường Việt Nam, không những thế còn tiến hành cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Lê Duẩn đã chèo chống đất nước vượt qua cả ba cuộc chiến tranh tàn khốc và bảo vệ nền độc lập của Việt Nam những ngày đầu non trẻ.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975

Đọc thêm:

Những sai lầm lịch sử…            

Thế nhưng, trong suốt sự nghiệp dẫn dắt đất nước của mình, Lê Duẩn đã để lại những sai lầm lịch sử. Như đã nói ở trên, quyết định đưa Lê Duẩn lên làm người kế cận và có quyền lực tối cao thể hiện mong muốn Đảng Lao động Việt Nam sẽ đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam của Hồ Chí Minh, tuy nhiên việc không lựa chọn một trong những người thân cận sẽ dẫn đến một sự bất đồng trong quan điểm chính trị cũng như phân chia quyền lực. Những cái tên như Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp đã có một vị thế rất lớn tại Việt Nam, nên nghiễm nhiên sức ảnh hưởng và quyền lực cũng rất lớn, điều đó đã tạo nên một rào cản cho Lê Duẩn chạm đến quyền lực cao nhất. Năm 1967 đã xảy ra một cuộc “thanh trừng”, mang tên: Vụ án xét lại chống Đảng, do Trưởng ban tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ- một người thân cận với Lê Duẩn, và bộ trưởng bộ Công an Trần Quốc Hoàn khi đó lãnh đạo. Trước đó, những người lãnh đạo cao nhất của Bắc Việt Nam chia làm 2 phe, một bên ủng hộ việc đẩy nhanh chiến tranh vũ trang để thống nhất đất nước, đứng đầu là Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bên còn lại là Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong muốn xây dựng nền móng vững chắc XHCN tại miền Bắc, tạm thời hòa hoãn với VNCH, tránh việc nhảy vào của Mỹ. Chính bất đồng tư tưởng này đã dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong bộ máy chính trị Bắc Việt Nam, và sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời một cách đột ngột, Lê Duẩn đã nhanh chóng bắt giam những người theo tư tưởng đối lập. Do vị thế của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nên việc có một hành động cứng rắn sẽ dấy lên sự phản đối lớn, thay vào đó hàng loạt những cận thần của Đại tướng bị giam giữ như một cách cô lập mềm và hạn chế quyền lực của ông. Điều này có thể hiểu rằng Lê Duẩn lo ngại Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng sự ủng hộ của dân chúng có thể sẽ bước vào bộ máy chính trị và trở thành vị lãnh tụ tối cao.              
Và quả nhiên, những cuộc họp Bộ chính trị sau đó đều vắng mặt hai người quyền lực, đó là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Sách lược cho cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân 1968 do Lê Duẩn và Lê Đức thọ vạch ra được gửi cho Hồ Chủ tịch chỉ bởi lẽ sự ảnh hưởng của Hồ Chí Minh vẫn quá lớn, còn không hề xuất hiện sự tham gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy rằng sự kiện Tết Mậu thân năm 1968 đã gây một cú sốc lớn cho chính quyền Mỹ- VNCH, tuy nhiên nó lại gây một thiệt hại rất lớn cho quân đội GPMNVN, hàng loạt ổ tình báo bị bại lộ, phải mất đến 3 năm sau lực lượng mới có thể khôi phục. Sau những cuộc tiến công không mang lại kết quả, cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được trao lại địa vị của mình và dẫn dắt cuộc cách mạng. Sau giải phóng, dường như một lần nữa quyền lực của Đại tướng lại bị chèn ép, ông được giao vị trí phó thủ tướng kiêm Trưởng ban kế hoạch hóa gia đình, một điều gây tranh cãi rất lớn. Hàng loạt những vị tướng thân cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đột ngột qua đời ngay trước thềm Đại hội Đảng lần VI, và ông như lạc lõng trên chính trường khốc liệt.
Sự kiện Tết Mậu Thân 1968

Đọc thêm:

Một điều mà những người thuộc thế hệ cũ có lẽ không thể quên, đó là thời kỳ bao cấp, một vết đen trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Sau giải phóng, đất nước đi theo nền kinh tế tập trung bao cấp, bộ chính trị đặt ra mục tiêu phát triển vượt bậc cho đất nước vừa bước ra từ chiến tranh. Thế nhưng, những mục tiêu lại không thể đạt được, nền kinh tế trì trệ, lương thực hao hụt, người người phải ăn bo bo chống đói, lạm phát hàng trăm phần trăm… Phải mãi đến sau đại hội Đảng toàn quốc lần VI năm 1986, các chính sách của thời kì “Đổi mới”, chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường thì nền kinh tế đất nước mới có phần khởi sắc.
Thời kỳ bao cấp ở Việt Nam những năm 1975- 1986              
Ngoài ra, như đã dự đoán từ trước, âm mưu biến Việt Nam thành một nước chư hầu từ bao đời của Trung Quốc vẫn không đổi. Những chính sách ngoại giao cứng rắn của TBT Lê Duẩn thể hiện một ý chí cương quyết, cứng rắn, và chúng ta đã chiến đấu thêm 10 năm nữa cho hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam. Nhưng có vẻ như chúng ta đã giẫm vào một cái bẫy giăng sẵn của Trung Quốc. Pol Pot được chính quyền Trung Quốc nuôi dưỡng liên tục quấy phá, buộc ta phải có một hành động đáp trả, và chúng ta đã mất một thập kỷ để xây dựng một chính quyền “đủ lông đủ cánh” cho Campuchia. Đây lại là cái cớ để Trung Quốc dấy lên cuộc chiến tranh biên giới với lí do Việt Nam là kẻ xâm lược; cả thế giới quay lưng, duy chỉ có Liên Xô có một hành động cứng rắn là tập trung 60 vạn quân ngay sát biên giới Trung Quốc buộc Trung Quốc phải rút lui. Có thể nói rằng chúng ta vẫn luôn giữ một thái độ kiên quyết với những kẻ xâm lược, nhưng một chính sách hòa hoãn mềm mỏng đôi khi lại có thể giúp Việt Nam tránh khỏi đổ máu. Bởi lẽ, hai cuộc chiến tranh biên giới và nền kinh tế bao cấp đã khiến Việt Nam kiệt quệ hoàn toàn.
Chiến tranh biên giới Tây Nam từ năm 1978- 1988
Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979

Và những điều cần xem xét.      

Một trong những điều quan trọng để trở thành một người lãnh tụ tối cao đó chính là tập trung quyền lực, và hành động thanh trừng của Lê Duẩn là một việc để củng cố quyền lực. Chúng ta không thể phủ nhận rằng vị trí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng nhân dân là rất lớn, và dù có hay không sự tham dự vào bộ máy chính trị, thì vô tình Đại tướng đã có vị trí gây lo ngại cho TBT Lê Duẩn. Và rõ ràng, chính trị không phải nơi để phân chia quyền lực. Chúng ta đã thấy điều này ở Stalin, khi ông thanh trừng hàng loạt những tướng lĩnh có công lao rất lớn trong chiến tranh thế giới thứ 2, với một cách thức tàn nhẫn hơn nhiều.          
Về những chính sách kinh tế của Lê Duẩn trong những năm sau giải phóng, đó là một chính sách sai lầm. Tuy nhiên, một số tài liệu cho rằng thực tế Lê Duẩn đã muốn duy trì một nền kinh tế thị trường tại miền Nam, và nền kinh tế tập trung tại miền Bắc để có thể so sánh và tìm ra phương án tối ưu. Nhưng hoàn cảnh khi đó lại cản trở ý muốn này của TBT Lê Duẩn, các nước XHCN khi đó đều theo kinh tế tập trung, một nước vừa thống nhất với sự giúp đỡ rất lớn thì khối XHCN lại đi theo con đường của các nước tư bản thù địch, có thể dẫn đến sự chia rẽ và đẩy Việt Nam ra khỏi khối XHCN. Điều đó có thể còn gây nguy hại hơn, khi Việt Nam vốn dĩ đã bị phương Tây cấm vận, nay lại bị khai trừ khỏi khối XHCN, thì có thể nói Việt Nam như một quốc gia bị cô lập hoàn toàn trên thế giới. Có lẽ, việc duy trì ngần ấy năm nền kinh tế thị trường không hẳn là do sai lầm của Bộ chính trị khi đó, mà có thể do tình thế ép buộc, nhưng điều đó vẫn không thể là lí do cốt lõi cho sự đi xuống nghiêm trọng của Việt Nam trong thời gian một thập kỷ.Đại hội Đảng toàn quốc lần VI, thời kỳ Đổi mới của Việt nam

Kết             

Dù vẫn có nhiều tranh cãi về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhưng chúng ta vẫn không thể phủ nhận công lao cũng như tinh thần dân tộc của ông. Và những sai lầm, cần phải biến nó thành một bài học quý giá cho hậu thế, để chúng ta có một con đường đi đúng đắn hơn, phù hợp hơn.
Bút thép
Nguồn: Wikipediatienphong.vn
Bài viết cùng chủ đề: