Lằn ranh giữa mỹ từ “tư duy tích cực” và khái niệm “tự huyễn hoặc tinh thần”.
Phải chăng người ta thích nghe những mỹ từ hơn và thường né tránh những khái niệm hiện thực phũ phàng?
Phải chăng người ta thích nghe những mỹ từ hơn và thường né tránh những khái niệm hiện thực phũ phàng?
Có nhiều sự đối nghịch mà tôi cho rằng ta phải cố dụng tâm mà nhìn nhận để sao cho nó gần nhất với sự thật (dĩ nhiên khó mà đạt đến một điều gọi là hoàn toàn đúng sự thật) của vấn đề ta đang gặp thì mới có thể tìm ra được giải pháp đúng đắn, hạn chế những sai lầm không đáng có diễn ra, những điều khiến bản thân ta phải hối tiếc sau này.
Tự huyễn hoặc tinh thần có thể hiểu nôm na là một sự tự an ủi, tự thuyết phục, tự thôi miên bản thân; có thể thấy nó là một phản ứng tự vệ tinh thần của một người, nhằm giúp bản thân họ dễ dàng chấp nhận, buông bỏ thất bại bằng những đánh giá vội vàng, khiên cưỡng về vấn đề mà họ đang gặp phải.
Có thể thấy lằn ranh giữa “tự huyễn hoặc tinh thần” và “tư duy tích cực” là một thứ gì đó rất mong manh.
Trước nay tôi vẫn là một người luôn hướng mình đến cái gọi là “tư duy tích cực”, dĩ nhiên giờ đây tôi vẫn cố gắng hướng tư duy của mình theo đó. Nhưng vì một sự dẫn lối mà tôi chưa lý giải được cho rõ ràng, một điều gì đó thúc đẩy tôi trở thành tôi của ngày hôm nay, cái tôi ấy đã nhìn thấy những điều mà trước nay có thể vì sợ hãi mà nó đã không dám nhìn vào.
Nó khiến tôi nhận ra rằng dù có đau đớn, nhưng việc lựa chọn chấp nhận sự thật của cuộc sống vẫn là điều đúng đắn (với bản thân tôi) hơn là phải tự huyễn hoặc mình để che giấu điều gì đó với một tinh thần AQ bất diệt.
Không hề xa lạ, AQ mà tôi đề cập ở đây chính là nhân vật AQ trong truyện vừa “AQ chính truyện” của nhà văn Lỗ Tấn, một biểu tượng của kẻ luôn tự huyễn hoặc mình và sống trong ảo tưởng bằng phép thắng lợi tinh thần của riêng hắn ta. Bất chấp mọi thứ, tự an ủi bản thân đến mức rõ ràng là mù quáng, hắn ta không hề cố gắng, không tự thay đổi bản thân. Nói cách khác, đó là trạng thái tâm lý của kẻ không chịu đối mặt với hiện thực cuộc sống cũng như đối mặt với chính bản thân hắn, chỉ còn có thể tìm cách lẩn trốn vào những ảo giác thắng lợi.
“AQ chính truyện” đã được viết cách đây gần một thế kỷ (1922), nhưng những giá trị cốt lõi của nó vẫn còn đó, và tôi nghĩ rằng tác phẩm xứng đáng để thế hệ chúng ta ngày nay tiếp tục đọc và nghiền ngẫm về chủ đề mà tôi đang nói tới.
Sau tất cả, tôi mong muốn bản thân có thể luôn tự nhắc nhở mình không được sợ hãi đối diện với sự thật của cuộc sống, có thế thì may ra tôi sẽ hiểu trọn được cuộc sống này, trước khi rời đi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất