Nếu đã quen sử dụng Spiderum, bạn hẳn đã biết tới các cây viết rất được cộng đồng yêu thích như Huskywannafly, Nga Levi, Truê, Samurice, Nhất Bảo, TheMerc . . . (nếu chưa biết thì đây là một cơ hội tìm hiểu không nên bỏ qua). 
Bạn có bao giờ tự hỏi: Tại sao họ lại viết tốt và khiến bạn đọc mãi không ngừng? Liệu rằng có một bí quyết quan trọng nào đó mà bạn chưa biết tới dù đã nhọc công kiếm tìm?
Hãy đọc tiếp bài viết này. Có thể bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho chính mình ẩn giấu đâu đó ở các phần sau.

Tại sao bạn viết?


Start with Why

Có người viết để xả và trút bỏ tâm sự. Với họ, ngòi bút là công cụ đắc lực giải tỏa những xung đột và băn khoăn trong suy nghĩ.
Có người lại viết để phản ánh cuộc sống và kiến thức qua lăng kính độc nhất của bản thân.
Một số khác chọn viết như một hình thức hỗ trợ việc tự học và ghi nhớ. Đối với nhóm này, đọc chưa và sẽ không bao giờ là đủ để hoàn toàn lĩnh hội được một đơn vị kiến thức bất kỳ.
Một lần đọc tương đương với một lần học, và một lần học chắc chắn không đủ để ghi nhớ điều gì đó, chưa nói tới ứng dụng.
Đường ghi nhớ (Forgetting curve) theo nghiên cứu của Hermann Ebbinghaus: Càng học lại nhiều sẽ càng tăng xác suất ghi nhớ.
Enstein từng nói: “Nếu bạn không thể giải thích cho đứa trẻ sáu tuổi hiểu được, thì chính bạn cũng không hiểu gì cả” - viết là một cách để bạn vừa ôn lại kiến thức, vừa học cách giải thích và nhận thêm phản hồi khách quan nhất từ mọi người. Quá trình học lúc này sẽ gồm bốn bước: 
1. Đọc để thu nạp nguyên liệu
2. Xử lý và sắp xếp nguyên liệu theo cách của mình
3. Trình bày lại mọi thứ theo cách hiểu của bản thân
4. Nhận phản hồi từ mọi người.
Mỗi bước là một lần bạn phải động não và "xào nấu" lại kiến thức - sau 4 lần, khả năng ghi nhớ có thể đã lên tới trên 90% (xem lại hình forgetting curve phía trên). Thậm chí, với bước cuối cùng, đôi khi bạn còn tình cờ gặp và được "chỉnh" bởi các cao thủ trong lĩnh vực đang muốn tìm hiểu - điều khó xảy ra nếu chỉ giữ kiến thức cho riêng mình.  
Một series bài điển hình trên Spiderum thuộc dạng này mà bạn có thể tham khảo là Learning how to learn của phamhoaivu911.

Ngoài các mục đích mang tính chủ quan trên, viết còn tạo giá trị thông tin cho cộng đồng. Giá trị này luôn tồn tại, bất chấp bạn có hay không chủ đích - bản thân Spiderum ra đời cũng nhằm mục đích tận dụng nguồn tài nguyên cực lớn này.
Chẳng hạn, nếu đăng một bài viết lên Spiderum, bạn chắc chắn sẽ tạo ra giá trị tham khảo cho những người sẽ đọc nó. Giá trị thường sẽ cao nhất nếu bài viết có thể khiến người đọc nghiền ngẫm từ đầu chí cuối, đồng thời thu nhận được những bài học/quan điểm thú vị/hữu ích. 
Vậy nên, trước khi bắt tay vào hành động thì hãy cứ thư thái ngẫm nghĩ thật kỹ để trả lời câu hỏi quan trọng:
Còn bạn, bạn viết để làm gì?

Làm sao để người khác thích đọc những thứ bạn viết?

Phần này không hướng tới những bạn muốn viết theo dạng "mình thích thì mình viết, nhưng mình không muốn ai đọc". Đó là một nhu cầu chính đáng, nhưng hoàn toàn có thể được thực hiện hiệu quả hơn với một cuốn nhật ký giấu trong két sắt chôn sâu ba tấc dưới gầm giường. 
Khi viết và công khai một thứ trên mạng, mình tin rằng sâu thẳm trong bạn vẫn mong muốn mọi người đọc được và đồng cảm. Vậy phải làm sao để đạt được điều đó?

Đọc thêm:

Hãy tìm hiểu bạn đọc của bạn, càng rõ càng tốt.

Họ là ai? Họ bao nhiêu tuổi? Sống ở thành thị hay nông thôn? Họ quan tâm tới vấn đề gì? Ngôn ngữ của họ ra sao . . . Có hàng vạn câu hỏi bạn nên làm rõ trước khi đặt bút viết để đạt hiệu quả cao hơn. "Nằm vùng" những địa bàn hoạt động quen thuộc của các đối tượng bạn muốn hướng tới. Đọc, tương tác, rút ra những đặc điểm về thói quen, lối sống, cách thức tiếp nhận thông tin của họ.
Điều này có thể được thực hiện dễ dàng hơn nhiều trong thời buổi Facebook bùng nổ, các hội nhóm trên mạng xuất hiện ngày càng nhiều; giúp cho việc gia nhập và quan sát bớt phần khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng không nên là cái cớ để bạn "bỏ hết trứng vào một rổ" và hoàn toàn phụ thuộc vào mạng xã hội. Hãy đầu tư thời gian của mình một cách thông thái và đừng bỏ qua những tương tác offline với nhóm đối tượng bạn đang muốn hướng tới.
Tại sao điều này lại cần thiết? Bởi vì phần lớn nội dung giao tiếp được truyền tải thông qua giọng nói, nét mặt, cử chỉ v.v. - những yếu tố thường bị bỏ qua trong giao tiếp online. Một buổi gặp mặt offline có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn hẳn - nếu bạn đủ khả năng quan sát và nắm bắt chúng. Ngoài ra, giao tiếp xã hội còn giúp bạn tự cân bằng cuộc sống. Đừng chỉ ngồi nhà stalk facebook người lạ và cười nham hiểm một mình khi tìm ra thứ gì thú vị. Creepy lắm. Đừng.

Tưởng tượng bạn đọc của bạn như một người cụ thể.


Ví dụ như, viết bài cho bạn Long - 25 tuổi, sinh sống tại Hà Nội, đang làm việc tại ngân hàng, thích đọc sách văn học cổ điển, thích nghiên cứu lịch sử và thường dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày cho việc đọc - sẽ khác hoàn toàn với viết bài cho bạn Linh - 18 tuổi, thích đọc Kênh 14, thích các nội dung liên quan tới ăn uống, make-up và thường không quá kiên nhẫn với những nội dung dài. Tương tự, viết bài cho người mới bắt đầu (beginner) cũng khác hoàn toàn so với viết bài cho người đã có thâm niên và kinh nghiệm trong một ngành nghề nhất định.
Càng hiểu bạn đọc, bài viết của bạn sẽ càng dễ được họ đón nhận. Một bài viết lịch sử trau chuốt, sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt tương đối phức tạp có thể thu hút sự chú ý của Long nhưng nhanh chóng bị Linh bỏ qua. Hãy tạo thói quen tưởng tượng độc giả với những thói quen và nhu cầu cụ thể nhất.
Bạn không thể chiều lòng tất cả mọi người, hãy chọn nhóm đối tượng mình muốn phục vụ và phục vụ họ thật tốt.
Ngoài ra, hãy ghi nhớ điều này:
Đừng chỉ kể lể về bản thân hoặc cuộc sống của mình. Cũng đừng biến việc viết lách thành hoạt động duy trì nhật ký công cộng, trừ khi bạn là . . . Steve Jobs hay ai đó nổi tiếng tương tự. Hoặc bạn có một cuộc đời quá phi thường và sở hữu những chiêm nghiệm độc nhất được đúc rút từ rất nhiều năm trải nghiệm. Nghe thì có vẻ hơi tàn nhẫn nhưng nếu chưa đủ sức hút, chúng ta gần như vô hình trong mắt những người xa lạ vốn đã và đang tiếp nhận khối lượng thông tin lớn đến quá sức tưởng tượng.

Đọc nhiều, chọn ra các phong cách viết yêu thích và học từ chúng


Nhiều người thường lo lắng rằng việc đọc và học một phong cách viết của người khác sẽ khiến bản thân mất đi thứ phong cách "chỉ của riêng mình" đang ngủ yên chờ được khai phá.
Trên thực tế, đây là một lo lắng có phần vô lý: bạn chắc chắn sẽ không thể "sao chép" hoàn toàn phong cách viết của người khác vì khác biệt ở cách tư duy và nhìn nhận vấn đề
Không có cá nhân nào nhìn cuộc sống giống hệt một cá nhân khác.
Cùng lắm thì bạn cũng chỉ có thể học hỏi và sao chép được cách sắp xếp câu từ sao cho hợp lý, hiệu quả mà thôi. Và nhiêu đó thì chưa đủ để tạo nên "phong cách".
Hãy cùng quay trở lại với ví dụ ở đầu bài về các cây viết nổi bật trên Spiderum để hiểu rõ hơn ý này:
Bạn thích đọc bài của Huskywannafly không phải vì cậu ấy dùng từ, ngắt câu quá chính xác, tài tình.
Bạn thích đọc bài của Nga Levi không phải vì cô ấy không bao giờ viết sai chính tả, thường dùng câu ngắn và ngắt nghỉ rất hợp lý.
Tương tự, bạn thích đọc bài của Samurice cũng chẳng phải vì cậu này thường hay tặng bưởi ở cuối bài viết . . .
Bạn thích đọc bài của những cây viết này (và nhiều cây viết khác nữa) vì hứng thú với cách họ tư duy và truyền tải tư duy qua các bài viết của mình. Tư duy này vốn dĩ là kết quả của những trải nghiệm từ nhỏ tới lớn mà không ai giống ai; vì lẽ đó, nó là độc nhất không thể sao chép.
Vậy nên đừng ngại học hỏi vì lo sợ "tờ giấy trắng" mang tên "phong cách" của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Sau cùng thì giấy mà trắng mãi thì cũng chỉ giống hệt hàng tỷ tờ giấy trắng khác mà thôi.

Luyện tập thật nhiều và đừng sợ sai


Đừng bao giờ mắc phải sai lầm khi nghĩ bản thân không có khả năng viết. Mình chưa bao giờ viết trên facebook cho tới khi bắt đầu tập tọe làm điều đó trên Spiderum. Nếu như mình làm được, tại sao bạn lại không?
Viết là một kỹ năng ai cũng có thể thành thục, miễn là kiên trì nghiên cứu và luyện tập thường xuyên. Tất cả những gì bạn cần là một mục tiêu, một kế hoạch và quyết tâm để làm theo kế hoạch đó.
Bạn có thể sử dụng Spiderum như một môi trường luyện tập hiệu quả với cộng đồng đọc sẵn có và giàu tính xây dựng. Đừng bỏ cuộc nếu ban đầu những thứ bạn viết ra chưa được đón nhận như kỳ vọng - hãy rút kinh nghiệm và tự thay đổi để ngày một tiến bộ hơn. 
Bạn có thể bắt đầu với các bài dịch hay các bài chia sẻ kiến thức để trau chuốt giọng văn của mình. Mình cũng đang muốn thành lập một team nho nhỏ chuyên tổng hợp, dịch và viết các bài chất lượng cho Spiderum để đảm bảo nội dung luôn ổn định và hấp dẫn. Nếu bạn muốn tham gia, đừng ngại nhắn tin hoặc comment ngay dưới bài viết này :D Tất cả những gì Spiderum Team cần chỉ là một chút nghiêm túc và tập trung (để có thể dịch/viết ít nhất 1 bài/tuần). Cam kết này là vô cùng cần thiết, bởi lẽ nếu không có nỗ lực thì cũng khó có thể tiến xa, chi bằng không bắt đầu còn hơn.
Mọi thay đổi bắt đầu bằng hành động, chúc mọi người càng ngày càng viết hay hơn nữa (để mình có nhiều hơn thứ hay ho để đọc và học hỏi, và để giúp Spiderum ngày một lớn mạnh)

P/S: Nếu các bạn vẫn quan tâm, mình sẽ cố gắng tìm hiểu và viết thêm các part sau đi sâu hơn vào một số lưu ý mang thiên hướng kỹ thuật hơn trong việc viết để mọi người tham khảo. 

Đọc thêm: