Trước khi bắt đầu vào nội dung chính, thì đây là 1 phút giải trí:
Mình sẽ để đây và không nói gì thêm :)) 
Bạn đọc được báo nước ngoài nói chung và báo Tiếng Anh nói riêng đã là một lợi thế đáng kể, song nếu bạn có khả năng dịch lại chúng "nuột nà" sang Tiếng Việt thì điều đó còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Một là bạn sẽ phải ép mình hiểu bài báo đó đến một tầm sâu thực sự, hai là bạn đang góp phần chia sẻ những kiến thức hữu ích của thế giới cho người Việt. Ba là, bạn sẽ không tạo ra những thảm hoạ như tấm ảnh trên đây.
Tóm lại, dịch là một hoạt động lý thú :)
Bài viết này không nhằm hướng dẫn tất cả các kỹ thuật dịch thuật - vì bản thân mình tự nhận là không phải chuyên gia trong lĩnh vực này. Thay vào đó, nó sẽ tổng hợp các lưu ý cơ bản mà mình tin là tất cả mọi người đều có thể áp dụng được, và À Ồ Hoá ra là vậy. Sau cùng thì, bạn không nhất thiết phải trở thành chuyên gia để có thể dịch, nhưng việc cố gắng để dịch hay hơn mỗi ngày bản thân nó đã là một niềm vui rồi đúng không?
Bản thân cuộc chơi ngôn ngữ này đã là một niềm vui rồi
***

1. Hiểu nội dung trước khi dịch 

Đây là việc cực kỳ quan trọng để giúp mọi người diễn đạt trôi chảy hơn thay vì dịch tin một cách máy móc, word-by-word. Trước khi bắt tay vào dịch hãy đọc lướt qua nội dung bài Tiếng Anh một lần, nếu có các thuật ngữ khó hiểu thì cũng nên search qua Google để hiểu bản chất của nó. 

 2. Chuyển câu ghép thành câu đơn

Nếu câu gốc là câu ghép có nhiều vế phức tạp, nên tách thành các câu đơn gọn gàng súc tích hơn. 
Ví dụ:
I’ve been doing these almost every week since 1991, starting at the Wall Street Journal, and during that time, I’ve been fortunate enough to get to know the makers of the tech revolution, and to ruminate — and sometimes to fulminate — about their creations.
Khi dịch nên tách câu như sau: 
Từ năm 1991 tới nay tôi luôn chắp bút cho những chuyên mục công nghệ hàng tuần - bắt đầu với tờ Wall Street Journal. Trong suốt khoảng thời gian đó, tôi thực sự đã rất may mắn khi biết tới những tên tuổi hàng đầu của cuộc cách mạng công nghệ, để rồi nghiền ngẫm và đánh giá những thành tựu của họ.

3. Loại bỏ từ thừa

Dịch bài xong cần đọc lại và loại bỏ đi những từ "rằng", "thì", "là", "mà". Đây là một lỗi cực kỳ điển hình của các tay dịch non. 

4. Viết lại mệnh đề quan hệ 

Thường các bạn dịch mệnh đề quan hệ dạng “..., which…” thành “..., cái mà…”, nhưng tốt nhất là hãy viết lại câu đó để ý xuôi hơn. 
Ví dụ:
Blackberry, which today has exactly 0 percent market share, peaked at 20 percent in 2009.
Dịch non: 
Blackberry, công ty mà ngày nay không có % thị phần nào, đã đạt đỉnh tới 20% vào năm 2009.
Nên dịch là:
Dẫu hiện tại Blackberry đã không còn chút ảnh hưởng gì trong ngành này, vào thời hoàng kim của mình năm 2009 họ đã từng nắm giữ tới 20% thị phần.
Hoặc: 
Dẫu giờ đây Blackberry đã hoàn toàn biến mất trên bản đồ của ngành này, họ đã từng là một “ông lớn" với 20% thị phần vào năm 2009…
Tất nhiên để dịch “bay” được thì phải hiểu rõ nội dung và ngữ cảnh của bài viết.

 5. Chuyển bị động thành chủ động, viết lại các câu có chủ ngữ giả 

Tiếng Anh khá chuộng thể bị động hoặc chủ ngữ giả (“It”), trong khi Tiếng Việt lại thường diễn đạt theo lối chủ động. Cách dịch hay nhất là tự biến nó thành văn của mình thay vì dịch theo bài gốc.
Ví dụ:
It is likely that within a decade, devices become more and more interchangeable, less expensive, more powerful.
Dịch non: 
Nó gần như chắc chắn rằng trong vòng một thập kỷ tới, các thiết bị sẽ ngày càng trở nên dễ thay thế lẫn nhau hơn, rẻ hơn và mạnh mẽ hơn. 
Nên dịch là: 
Trong vòng một thập kỷ tới, các thiết bị chắc chắn sẽ có khả năng thay thế lẫn nhau dễ dàng hơn, rẻ và siêu việt hơn.

6. Đảo trạng ngữ lên đầu 

Theo (ông/bà) nào đó; Bởi vì (lý do) nào đó… Trong một số trường hợp nên đổi vế trạng ngữ này lên đầu câu để khiến cho bài tự nhiên hơn. 
Ví dụ:
The company plans to take further action by working to raise awareness birds in the region, according to the Houston Audubon Society.
Nên dịch là:
Theo Hiệp hội Audubon, công ty đã lên kế hoạch cho các biện pháp sắp tới nhằm nâng cao nhận thức về loài chim trong khu vực.

 7. Thêm các từ nối khi cần 

Dường như, Tuy nhiên, Thực tế là… Nên thêm các từ này sao cho phù hợp với ngữ cảnh giữa các đoạn văn. Văn phong Tiếng Anh thường khá cô đọng, nên nếu bê y nguyên sang Tiếng Việt thì giữa các đoạn văn đôi khi sẽ có cảm giác thiếu liên kết. Để giải quyết vấn đề này ta có thể thêm các từ nối, miễn là không ảnh hưởng tới nghĩa gốc. 

8. Không dịch xuôi thành ngữ, cụm từ đặc biệt, thuật ngữ

Đừng cố gắng dịch những thứ này kiểu word-by-word vì sẽ chẳng ai hiểu gì khi bạn dịch chúng sang Tiếng Việt cả. Ví dụ “a storm in a teacup" trong Tiếng Anh sẽ không thể dịch là “một cơn bão ở trong tách trà" mà phải tương đương với “chuyện bé xé ra to" trong Tiếng Việt. 

Tương tự như vậy, những cụm từ, thuật ngữ đặc biệt mà bạn đoán là đã có từ Tiếng Việt tương đương rồi thì hãy thử Google theo kiểu [Từ Tiếng Anh] là gì. Ví dụ “Virtual Reality là gì" thì chắc chắn sẽ tìm thấy nghĩa của nó trong Tiếng Việt là “Thực tế ảo", từ này đã thông dụng rồi và đừng nên phát minh lại cái bánh xe làm gì. 

 9. Giải thích thêm những khái niệm còn mới 

Không phải khái niệm nào trong Tiếng Anh cũng có một từ Tiếng Việt tương đương, hoặc nếu có thì chúng còn khá xa lạ với độc giả phổ thông. 
Ví dụ như trong bài có xuất hiện từ “millennials” - “thế hệ Y”, thì ta cũng nên mở ngoặc giải thích thêm nghĩa của khái niệm này vì có thể nhiều người Việt chưa biết Thế hệ Y là gì. (Nếu bạn nào chưa rõ, thì Millennials là từ chỉ thế hệ nhóm những người sinh ra từ khoảng những năm 1980 tới những năm 2000, trong thời đại công nghệ và truyền thông xã hội phát triển bùng nổ).

10. Ngôi thứ nhất - “Tôi" 

Có 2 trường hợp. Nếu bài báo khá khách quan và sử dụng ít ngôi “I" trong nội dung thì nên viết lại những đoạn sử dụng ngôi thứ nhất này bằng lối viết khách quan, không dùng “tôi". Với những bài viết thể hiện nhiều quan điểm tác giả không thể bỏ “tôi" được, thì dịch lại nguyên ngôi thứ nhất nhưng hãy bổ sung một câu giới thiệu ở đầu hoặc cuối bài:
Đây là bài viết của ông/bà… hiện đang là chuyên gia/nhà báo mảng XYZ tại ABC..."
Nguyên tắc này áp dụng cho các bạn dịch bài cho báo/trang tin. Các bạn dịch cho vui thì tuỳ. 

11. Thêm một chút cá tính vào bài dịch

Chỉ một chút thôi, đừng lạm dụng! Cái này áp dụng được khi bạn là một tay dịch cứng, hoặc hiểu sâu nội dung cần dịch. 
Ví dụ dưới đây là một tiêu đề bài viết gốc. Bài viết này tổng hợp lịch sử của ngành công nghệ và dự đoán tương lai của nó, do tay viết kỳ cựu Mossberg, người luôn chắp bút cho các chuyên mục công nghệ của The Verge thực hiện. Đây cũng là bài báo cuối cùng của ông.
Hiểu được bối cảnh như thế, thì bạn sẽ dịch lại tít bài này thế nào?
Phương án 1: Chiếc máy tính biến mất, hay hành trình của công nghệ và loài người chúng ta
Phương án 2: Bài viết cuối cùng của tay viết huyền thoại trên The Verge: "Máy tính xa dần"!
Bạn thấy phương án nào hay hơn ;)?
Đương nhiên là để dịch tốt thì bạn phải am hiểu ngữ pháp và văn phong của Tiếng Anh lẫn Tiếng Việt. Nếu không có tố chất nhạy cảm về ngôn ngữ, thì cứ làm nhiều, đọc nhiều, dịch nhiều sẽ quen. 
Trên Spiderum có rất nhiều anh tài về dịch thuật, nên mình sẽ open bài viết này và edit thêm khi có những góp ý chất lượng. 
Chúc các bạn dịch bài vui vẻ :D Xem thêm một số bài dịch khác trên Spiderum: