Làm thế nào để SỐNG SÓT trong một thế giới QUAY CUỒNG đến CHÓNG MẶT?
Một thế giới quay cuồn đến chóng mặt cần được gọi tên, phân tích, để từ đó có cách ứng phó.
Vài năm gần đây, thế giới của chúng ta đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Một con virus đột ngột xuất hiện, tước đi sinh mạng hàng triệu người và bóp nghẹt sinh khí của nền kinh tế toàn cầu. Hàng chục triệu người mất việc, rơi vào cảnh thiếu thốn, phải chấp nhận sống dựa vào nguồn trợ cấp xã hội ít ỏi. Crypto vọt lên thành nhóm tài sản tăng trưởng chóng mặt nhất lịch sử, rồi cũng gấp rút trở thành mặt hàng tụt giá nhanh nhất. Sáng tạo, vốn là niềm tự hào con con người từ cổ chí kim, nay đứng trước sự đe dọa từ trí tuệ nhân tạo.
Và mọi thứ có vẻ mới chỉ đang bắt đầu. Theo phỏng đoán của Diễn đàn kinh tế thế giới, trong tương lai, 65% học sinh tiểu học hiện nay sẽ làm những công việc chưa hề được tạo ra.
Từ đây, một khái niệm bắt đầu được sử dụng rộng rãi bởi báo giới nước ngoài. Họ dùng cụm từ VUCA (Volatility: Biến động, Uncertainty: Bất định, Complexity: Phức tạp, Ambiguity: Mơ hồ) để mô tả hiện trạng thế giới. Đây là một thuật ngữ không mới, từng gắn liền với cảm giác bất lực trước những thay đổi khôn lường của giới chính trị, quân sự. Còn ngày nay, VUCA vừa ám ảnh những chủ doanh nghiệp đang lao đao giữa quản lý dòng tiền và bắt kịp xu thế, vừa đe doạ một tầng lớp lao động đang ngày càng khó khăn và áp lực. Từ những người có kinh nghiệm đến thế hệ trẻ vừa chập chững bước chân vào đời.
Vậy thì cụ thể, một thế giới VUCA là một thế giới như thế nào? Vì sao nó trở thành một trong những thuật ngữ phổ biến nhất những năm gần đây? Và làm thế nào để chúng ta có thể dũng cảm đối mặt với toàn bộ những sự biến động, bất định, phức tạp hay mơ hồ này?
VUCA đến từ đâu?
Thuật ngữ VUCA được tạo ra bởi 2 nhà tiên phong của Lý thuyết Lãnh đạo là Warren Bennis và Burt Nanus vào cuối thập niên 80, khi màn sương dày đặc của Chiến tranh lạnh còn bao trùm thế giới. Lúc này, các chiến lược gia dùng thuật ngữ VUCA để mô tả chính sự mờ mịt đáng sợ, u ám đó. Đơn giản vì không ai có thể nói trước bất kỳ điều gì. Không ai có thể quả quyết rằng một quả bom hạt nhân sẽ không rơi vào đầu mình vào ngày mai.
Sau này, VUCA bắt đầu được quân đội Hoa Kỳ áp dụng trong giảng dạy để mô tả về các tình huống chiến đấu thiếu thốn thông tin, dễ gây ra nhiều bất lợi cho binh lính, để từ đó rèn luyện khả năng ứng phó của họ.
Sang thập niên 2000, VUCA len lỏi vào giới kinh doanh nhờ cuốn Leaders Make the Future của Bob Johansen. Trong đó, tác giả lập luận rằng không chỉ riêng chiến tranh mới có tính chất bất định, mà thế giới nói chung đang có xu hướng như vậy. Ông cho rằng VUCA sẽ trở thành trạng thái mặc định mới của toàn cầu, rằng tính chất này sẽ chỉ có tăng chứ không giảm, và rằng bởi vậy nên mỗi người, đặc biệt là các lãnh đạo doanh nghiệp, cần sớm ý thức được nó để có biện pháp thích nghi.
Vì sao cần hiểu và có chiến lược thích nghi với một thế giới VUCA?
Thích nghi sớm đồng nghĩa với ổn định sớm. Và ổn định sớm sẽ giúp chúng ta tận dụng cơ hội nhanh và dễ hơn. Vĩ mô mà nói thì sự bùng nổ của internet đã tạo ra một thế giới vô hình mới, nơi truyền thông, thương mại và ngay cả kết nối giữa người với người đều có thể được số hoá. Amazon không thể phát triển như ngày hôm nay nếu Jeff Bezos cứng nhắc, chậm chạp hay lưỡng lự. Hay mới hơn thì có Tik Tok, kẻ đã tận dụng triệt để cái chết của Vine cùng sự lên ngôi của Instagram story và xu hướng mua sắm vộ độ của giới trẻ. Còn ở cấp độ cá nhân, chúng ta cũng cần phải thích nghi với một thị trường lao động liên tục chao đảo những năm gần đây, khi tỷ lệ sa thải cùng tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức đáng lo ngại. Đã thế, sự xuất hiện của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn đe dọa vị trí của hàng triệu người lao động, góp phần đè nặng lên tâm lý của người trẻ.
Tuy nhiên, chủ động thích nghi sớm là một chuyện, còn thành công với nó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi trường đại học Indiana, tác giả Nathan Bennett và James Lemoine cho rằng phần lớn thường mắc 2 lỗi chính khi đối mặt với VUCA. Thứ nhất, họ sẽ đưa ra những giải pháp rất chung chung, như hô hào tổ chức phải “sáng tạo”, “cởi mở”, hay “lắng nghe” nhiều hơn, thay vì có đường hướng tiếp cận cụ thể. Lỗi còn lại thì buồn cười hơn một chút, khi sự bất định lại khiến nhiều quản lý cho rằng việc lên kế hoạch là vô nghĩa, rằng thực tế sẽ bẻ gãy mọi tính toán của họ.
Thất bại trong việc thích nghi có khả năng dập tắt động lực làm việc của một cá nhân, bất kể là nhân viên hay lãnh đạo, từ đó kéo sụt tỉ lệ thành công của một tổ chức. Vì vậy, để có cách ứng phó đúng đắn với từng khía cạnh của VUCA, chúng ta cần hiểu rõ về mỗi thành phần tạo nên nó.
Cụ thể thì VUCA là gì?
V - Volitarility: Sự biến động.
Sự biến động ở đây được định nghĩa là liên tục thay đổi, tới mức không thể dự đoán trước thời điểm hay phạm vi ảnh hưởng của nó. Lưu ý, những thay đổi này không nhất thiết phải phức tạp và dài hạn mà có thể đơn giản và nhất thời. Mấu chốt vấn đề ở đây chỉ gói gọn trong 2 từ là “thay đổi” và “khó dự đoán”.
Không ai có thể phủ nhận được sự biến động rõ rệt không ngừng của thị trường tài chính, khi giá của một đồng crypto hay một cổ phiếu có thể tăng giảm 5-10% trong cùng một ngày - tương đương lãi gửi tiết kiệm trong 1 năm. Ngược lại, giá của một ổ bánh mì hay một cân thịt thì hiếm khi như vậy. Tương tự, môi trường làm việc của nghề sáng tạo nội dung hay báo chí cũng liên tục thay đổi, vì một trend hay một chủ đề hot có thể được sinh ra khi bình minh lên rồi biến mất hoàn toàn vào hoàng hôn, hoặc nó cũng có thể sống đến tận vài tuần.
U - Uncertainty - Sự bất định
Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa Biến động và Bất định, đấy là sự thiếu hụt thông tin. Trong một môi trường biến động, chúng ta có thể lường trước rằng kiểu gì cũng có thay đổi, chỉ là ta không biết thời điểm và cường độ ảnh hưởng của nó. Còn môi trường bất định lại khác. Ta không biết thay đổi có đến hay không; và nếu nó đến, ta cũng chỉ có thể đưa ra những giả thuyết để phỏng đoán về nguồn gốc và hệ quả của thay đổi, chứ không thể dám chắc 100%.
Một ví dụ điển hình là nếu một ngày đẹp trời bạn đột ngột nghỉ việc fulltime để mở cửa hàng online thì với bạn, “thương mại điện tử” là môi trường bất định. Bạn đang thiếu hụt thông tin để đưa ra những nhận xét thật sự trọn vẹn do chưa nắm rõ cách vận hành của nền tảng, các sản phẩm bán chạy, hay thậm chí là phương pháp quản trị kinh doanh. Hoặc, việc tung phiên bản mới toanh của một sản phẩm ra thị trường cũng đẩy bạn vào trạng thái bất định. Tình trạng này chỉ giảm dần khi chúng ta bắt đầu nhận về các thông tin như doanh thu hay phản hồi của người dùng.
C - Complexity: Phức tạp
Yếu tố thứ 3 tương đối dễ hiểu. Sự phức tạp này đến từ tổ hợp biến số cấu thành môi trường hoặc tình huống. Với một người mới tham gia đầu tư crypto hay mở cửa hàng online thì cả 2 có thể bất định. Còn một người có chút kinh nghiệm sẽ coi chúng phức tạp và nhiều biến động. Trong đó, họ có thể tìm cách để lường trước, hoặc thậm chí là lên kế hoạch cho những thay đổi qua việc nghiên cứu kỹ càng những yếu tố quan trọng nhất cấu thành 2 không gian.
A - Ambiguity - Sự mơ hồ
Nếu với sự bất định, chúng ta có thể phần nào đưa ra những giả thuyết để mô phỏng tính chất của môi trường hoặc mối liên kết nguyên nhân-kết quả. Thì đối với sự mơ hồ, việc làm này gần như không có tác dụng. Trong nghiên cứu của Nathan Bennett và James Lemoine, họ lấy ví dụ cho sự mơ hồ bằng việc thương mại hoá một phát minh chưa từng có. Chẳng hạn như sự xuất hiện của mạng xã hội, Blockchain, ChatGPT, hay gần gũi hơn là việc bạn bắt đầu vị trí mới ở một công ty mới, trong một ngành mới, tại một châu lục mới.
Cách sống sót trong một thế giới VUCA
Vậy, giả dụ tôi là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, một người mới tốt nghiệp, hoặc một người lao động đã có vài năm kinh nghiệm, tôi nên đối mặt như thế nào với một thế giới liên tục xoay chuyển chóng mặt? Làm thế nào để tôi có thể vừa bắt kịp với xu hướng phát triển của vạn vật, vừa tập trung được vào chuyên môn, mà vừa có thời gian để thử nghiệm như thứ mới?
Với sự biến động thì yếu tố linh hoạt là giải pháp tốt nhất. Cụ thể, linh hoạt ở đây là thiết lập sẵn các biện pháp phòng ngự, dự trù cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, đồng thời có chiến lược tận dụng triệt để những thay đổi tích cực, thay vì bỏ lỡ chung. Linh hoạt cũng có nghĩa là nhanh chóng thích nghi với “bình thường mới” phù hợp với từng giai đoạn, là mạnh dạn thay đổi tư duy lẫn hành động.
Đầu tư vào thông tin, kiến thức là đáp án duy nhất cho sự bất định, bất kể là cá nhân hay tổ chức. Trong bối cảnh hỗn loạn, tin thật giả lẫn lộn như ngày nay thì tiếp thu thông tin một cách có chọn lọc, có kiểm chứng là việc tối thiểu cần làm. Ngoài ra, để góc nhìn được khách quan và đa chiều thì chúng ta cũng có thể thành lập các mạng lưới trao đổi với đồng nghiệp, bạn bè hay đối tác. Nếu hoạt động đơn lẻ rất dễ rơi lọt vào hố “thầy bói xem voi”.
Để chống chọi lại một thế giới đang ngày càng phức tạp thì các tổ chức được khuyên là nên biết cách tái cơ cấu, để từ đó có thể đem đến nhiều ý kiến chuyên môn có giá trị, và nên tạo cơ hội để sản sinh và giữ chân nhiều chuyên gia. Ở diện cá nhân thì chỉ có đúng 1 giải pháp - đó là hãy cố gắng hiểu thật sâu, thậm chí là trở thành chuyên gia ở một vài lĩnh vực cụ thể.
Đối với sự mơ hồ, hướng khắc phục khả dĩ nhất là phải biết thử nghiệm. Chỉ khi kiểm chứng các giả thuyết khác nhau về tình huống hoặc môi trường thì ta mới hoàn thiện được chúng, từ đó giảm thiểu sự mơ hồ. Và để thực sự thử nghiệm thì nên có một chút dũng cảm.
Những kỹ năng quan trọng nhất để tồn tại
Tôi đồng tình với tác giả Bob Johansen rằng thế giới sẽ chỉ có VUCA hơn chứ không có giảm đi. Cá nhân tôi còn muốn bổ sung thêm một quan điểm rằng, sự tồn tại của nó chẳng phải một điều bất ngờ. Thậm chí, một thế giới phức tạp và chuyển biến liên tục đã ở đây từ trưc ớc khi Bob Johansen đề cập, trước khi quân đội Hoa Kỳ sử dụng để giảng dạy binh lính, và trước cả khi được dùng để mô tả tình hình thế giới thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Bạn nghĩ một gã người tiền sử đã tư duy gì về mọi thứ xung quanh, rằng tất cả đều dễ hiểu và dễ soát ư? Thế khi con người phát hiện ra trái đất chẳng phải trung tâm của vũ trụ thì sao? Phát hiện này liệu có khiến họ nghĩ rằng vũ trụ là một nơi đơn giản và rõ ràng?
Thế giới của chúng ta, kể từ khi nó được hình thành đến giây phút này, vốn dĩ luôn thay đổi, luôn bất định, luôn phức tạp và luôn mơ hồ. Đến đây, tôi muốn bước ra ngoài phạm vi chủ đề thế giới VUCA, và chia sẻ thêm 3 điều hay nhất mà tôi rút ra từ một cuốn sách mình mới đọc.
Đầu tiên là hãy có mục tiêu cụ thể, không chỉ trong công việc mà trong cả cuộc sống. Giữa dòng đời không ngừng xô đẩy, mục tiêu là mỏ neo, là thứ giúp định hướng bạn, giúp bạn không bị trôi dạt đến bến bờ của những cảm xúc tiêu cực như lo âu, bồn chồn, chán nản hay mất động lực. Một mục tiêu không nhất thiết phải được quy đổi rõ ràng thành các con số, mà có thể chung chung hơn, chẳng hạn “Tôi muốn mình ngày mai tốt hơn mình hôm nay”, hoặc “Tôi muốn trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình”. Chẳng ai muốn đi theo một người sếp không có mục tiêu. Và ngược lại, những nhân viên thiếu mục tiêu cá nhân cũng tương đối khó để đi đường dài cùng, vì không sớm thì muộn ý chí của họ của sẽ bị lung lay trên đường.
Thứ 2, hãy rèn luyện cho mình khả năng tư duy logic, vì đấy sẽ là nền tảng của một cuộc sống ổn định, dù cho bạn có làm gì hay ở đâu. Trong cuốn sách Động Lực Nội Tại, tác giả Stephen Falk có cung cấp 5 câu hỏi để phát triển tư duy logic, 3 lỗi logic phổ biến trong đời sống và cách tạo nhánh tư duy. Việc biết tư duy logic sẽ giúp bạn tránh bị niềm tin, kinh nghiệm và thành kiến của bản thân làm cho mù quáng. Nếu coi mục tiêu là đỉnh núi thì logic sẽ là những bậc thang chắc chắn giúp bạn tiến về phía trước.
Và cuối cùng là hãy học cách để yêu công việc của bản thân. Phần đông luôn tìm kiếm phần thưởng từ bên ngoài như địa vị hay tiền bạn. Nhóm động lực này không sai, nhưng chúng có tác dụng giống với sự thỏa mãn ngắn hạn hơn là nguồn năng lượng dồi dài cho một hành trình dài. Vì cái đó phải đến từ bên trong mỗi người, không ai có thể cho chúng ta được. Cũng trong cuốn sách Stephen Falk đề cập đến một công cụ gọi là FEO (Focus on Exciting Outcomes), với khả năng giúp bạn: (1) Yêu thích quá trình, thay vì kết quả, (2) Xây dựng một thế giới nội tâm đủ vững mạnh để định hình thế giới bên ngoài, (3) Cải thiện năng lực quản trị căng thẳng và quản lý công việc
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất