Giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt. Bởi nó thao tác trên con người. Cả yếu tố đầu vào và đầu ra đều là con người. Mọi thứ đều xoay quanh con người. Mà bản chất con người vốn dĩ là phức tạp và tự mâu thuẫn. Cho nên giáo dục tự thân nó cũng có sự mâu thuẫn trong nội tại. Một mặt, giáo dục cần đảm bảo tính cá nhân của mỗi người học. Mặt khác, nó cần đánh giá chất lượng giáo dục dựa trên tính toàn thể.
Nói về tính cá nhân trước. Ai cũng biết rằng mỗi đứa trẻ một khác, rằng "không thể đánh giá con cá dựa trên cách nó leo cây". Đó là điều mà vô số người đã viết, đã nói, đã chỉ trích. Cho nên, tôi sẽ không phân tích gì thêm nữa. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng sứ mệnh đánh giá con cá chủ yếu thuộc về TỪNG GIA ĐÌNHTỪNG GIÁO VIÊN, chứ không phải NGÀNH GIÁO DỤC. Lý do là bởi khi xét dưới góc độ nhà quản lý, dưới góc độ vĩ mô, thì bạn buộc phải bỏ qua tính cá nhân.
Nếu bạn là chủ nhiêm một lớp có 30 cháu. Bạn chắc chắn có thể đảm bảo được tính cá nhân. Con A thích khen ngợi và có năng khiếu âm nhạc. Con B nhanh nhẹn, hòa đồng, giỏi trong kỹ năng vận động. Con C thì tư duy logic tuyệt vời và thích các thử thách khó. Ok! Tuyệt! Nhưng nếu bạn quản lý 1 ngôi trường có 2000 học sinh thì bạn không thể đánh giá từng học sinh theo cách đó. Quản lý cả một nền giáo dục với 20 triệu học sinh - sinh viên thì lại càng không. Ở vị trí đấy, bạn buộc phải bỏ qua tính cá nhân và nhìn nhận mọi thứ dưới tính toàn thể.
Vì thế, điểm số là công cụ BẮT BUỘC PHẢI CÓ để đánh giá chất lượng học sinh, chất lượng giáo viên, chất lượng của từng trường học. Và những bài thi được thiết kế chuẩn hóa, với mẫu đáp án có sẵn (ngay cả với môn Văn) là điều hiển nhiên không thể khác.
Nếu không tổ chức thi cử, bạn có cách nào để quản lý chất lượng giáo dục cho 20 triệu HS-SV?
Nếu không tổ chức thi cử, bạn có cách nào để quản lý chất lượng giáo dục cho 20 triệu HS-SV?
Thử hình dung về một kỳ thi đảm bảo tính cá nhân như nhiều người đòi hỏi. Và bạn là giám khảo. Thay vì những bài thi được chuẩn hóa, thang điểm được chuẩn hóa, bạn phải đến gặp từng học sinh, phỏng vấn trò chuyện với mỗi con 20 phút. Và bạn có 1000 học sinh cần gặp. Chào mừng đến với địa ngục.
Mà đấy còn là nhẹ nhàng. Vì tôi tin rằng để đánh giá chính xác về năng lực của một người thì 20 phút trò chuyện là không đủ. Không những vậy, đánh giá về học sinh lại phụ thuộc vào cảm nhận của cá nhân của giám khảo. Cho nên rõ ràng là nó không hề công bằng. Bởi cùng một học sinh thì giám khảo A có thể đánh giá cao trong khi giám khảo B lại đánh giá thấp. Thậm chí với cùng 1 giám khảo thì cũng không công bằng. Nếu sáng nay vợ tôi tặng tôi 1 nụ hôn trước khi đi chấm thi, nhiều khả năng là thí sinh sẽ được hưởng lợi. Còn nếu tôi bị vợ mắng, có lẽ thí sinh sẽ nhận được bảng đánh giá không mấy khả quan. Một kỳ thi như vậy sẽ trở nên cực kỳ hỗn loạn và thiếu công bằng.
Cho nên, khi kêu gọi đề cao tính cá nhân của học sinh, tôi không bao giờ gắn kèm những lời chỉ trích dành cho ngành giáo dục. Nói chính xác thì tôi không chỉ trích bất cứ ai. Tôi chỉ kêu gọi hướng tới điều nên làm, chứ không chỉ trích những người chưa thực hiện điều nên làm ấy. Và những bài viết như vậy thì tôi không hề hướng đến các nhà quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô. Mà tôi hướng về mỗi gia đình hoặc mỗi giáo viên. Đó mới là những đối tượng phù hợp để thực hiện tinh thần giáo dục đề cao tính cá nhân.
Gia đình là thành tố quan trọng nhất trong giáo dục, không phải nhà trường hay xã hội
Gia đình là thành tố quan trọng nhất trong giáo dục, không phải nhà trường hay xã hội
Bộ trưởng có 20 triệu học sinh - sinh viên để quản lý. Ông ấy không thể làm việc với từng cá nhân. Hiệu trưởng có 2000 học sinh để quản lý, bà ấy cũng không thể. Giáo viên có 30 con trong lớp. Cô ấy có thể đề cao tính cá nhân của trẻ TRONG MỘT CHỪNG MỰC nào đó. Còn mỗi gia đình chỉ có vài đứa con. Họ mới là đối tượng có thể làm tốt nhất việc này. Cho nên, nếu bạn là phụ huynh và bạn cảm thấy nền giáo dục chưa làm thỏa mãn những kỳ vọng của bản thân thì hãy nhìn vào gương trước tiên. Liệu bạn đã làm tốt vai trò của người cha người mẹ? Liệu bạn đã giáo dục con đúng cách?
Một bà mẹ đòi hỏi "con phải giỏi hơn cái Giang nhà hàng xóm" thì chẳng thầy cô hay bộ trưởng nào có thể giúp con nhận thức được tính cá nhân của riêng con. Bởi những người quan trọng nhất với con đang hủy hoại đi tính cá nhân ấy, gò ép con vào một tiêu chuẩn có tên là "cái Giang". Con không được học theo cách của riêng con, giỏi theo cách của riêng con.
Một ông bố tuyên bố rằng: "Tầm của bạn đến đâu, tiền của bạn đến đó." cũng đang hủy hoại tính cá nhân của con anh ta. Vì sao ư? Anh ta dùng tiền làm thước đo DUY NHẤT để đánh giá tầm của con người. Có khác gì dùng điểm số làm tiêu chí duy nhất để đánh giá học sinh đâu. Sẽ chẳng có thầy cô hay bộ trưởng nào giúp được con anh ta tìm thấy tính cá nhân của riêng mình. Họ, cho dù giỏi đến đâu, cũng không thể đóng vai trò lớn hơn anh ta trong việc giáo dục đứa trẻ.
Còn nếu bạn không phải phụ huynh mà là một người quan tâm đến giáo dục đơn thuần, hãy tự nhủ xem liệu bạn có cách nào để quản lý chất lượng của 20 triệu đứa trẻ mà không dùng điểm số? Đừng nói với tôi về "Bài học Phần Lan". Khi bạn có diện tích đất và trữ lượng tài nguyên tương đương Việt Nam nhưng chỉ phải quản lý và nuôi sống dân số ít hơn Hà Nội thì bạn sẽ dễ dàng đứng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng giáo dục.

LỜI KẾT

Xã hội cần những phản biện để tiến lên. Chắc chắn ngành giáo dục nên lắng nghe và cần lắng nghe những ý kiến trái chiều để hoàn thiện dần "quốc sách hàng đầu". Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong phần lớn trường hợp, người ta đưa ra ý kiến phản đối không phải để giúp ngành giáo dục hoàn thiện hơn, mà để thể hiện cái tôi cá nhân của riêng họ. Nên phản biện giáo dục, nhưng đừng đòi hỏi và chỉ trích một cách mù quáng. PS: Tác giả bài viết là admin của kênh Youtube HAM HỌC chuyên về khoa học và giáo dục. Nếu được, rất hy vọng bạn ủng hộ tác giả bằng cách bấm theo dõi kênh. Cảm ơn bạn rất nhiều!