Làm sao để thấu cảm và phát triển lòng trắc ẩn?
Sự thấu cảm và lòng trắc ẩn luôn hiện diện trong tất cả chúng ta và chỉ cần có điều kiện cụ thể để được bộc lộ và tỉnh thức.
Dựa trên câu chuyện có thật, The Intouchables (Không thể chạm tới) - Một tác phẩm điện ảnh được chuyển thể đã “chạm” sâu vào tâm lý người xem bởi giá trị nhân văn về lòng trắc ẩn.
Với những chi tiết rất đời và mạch cảm xúc nhẹ nhàng, chúng ta có thể thấy hai nhân vật mặc dù đối lập, tưởng chừng không bao giờ có thể hiểu hay hòa hợp được với nhau nhưng cuối cùng lại vẫn trở thành đôi bạn thân chí cốt.
Sẽ ra sao nếu bạn là một kẻ nghèo khó, từ nhỏ đã không được học hành đàng hoàng, cuộc sống phải lo chạy từng miếng cơm, manh áo để rồi sớm phải ra tù vào tội? Thật khó để có thể đồng cảm với những người sinh ra vốn ngậm sẵn “thìa vàng”, có kẻ hầu người hạ, cơm bưng chén rót tận nơi đúng không?
Hay khi chúng ta thường nghe câu nói “mây tầng nào gặp gió tầng nấy” thì lại càng khẳng định cho việc ta chỉ hợp với người nào cùng tần số và tư tưởng với ta, đó là mình chưa xét đến các khía cạnh khác, đại loại như “trái dấu thì hút nhau”. Vậy điều gì ở đây đã giúp những con người kia - Thô lỗ, cục cằn với tinh tế, quý phái lại có thể cùng “tầng” và đồng hành với nhau lâu đến vậy?
Phải chăng nó xuất phát từ sự hiểu và cảm thông, sau đó động lòng trắc ẩn với phiên bản con người kia của đối phương? Theo mình là vậy!
Một phiên bản được cho là không hoàn hảo kết hợp với một phiên bản khác tưởng chừng hoàn hảo, từ nhân phẩm, học thức, địa vị, kinh tế... là khập khiễng, ít nhất dưới con mắt người đời nhận xét. Nhưng sự thật, họ đều là những đứa con “ngoài rìa” của xã hội, bị chối bỏ hoặc phân biệt đối xử.
Như thế có thể thấy sự thấu cảm và lòng trắc ẩn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối, hàn gắn và phát triển một mối quan hệ. Vậy chúng ta có thể làm gì để rèn luyện và duy trì những giá trị ấy? Mình dùng “rèn luyện” thay vì “bắt đầu” bởi vì tin rằng lòng trắc ẩn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta.
Trước khi đi sâu phân tích về góc độ tâm lý, chúng ta nên phân biệt rõ khái niệm giữa thấu cảm và lòng trắc ẩn. Nói một cách dễ hiểu, thấu cảm (empathy) là khi chúng ta hiểu được cảm xúc, hoàn cảnh mà người kia đang phải đối diện, bởi vì chính bản thân ta đã trực tiếp trải qua hoặc có kinh nghiệm trong trường hợp ấy; Còn lòng trắc ẩn (compassion) là khi ta thực hiện hành động, cử chỉ nào đó thể hiện sự giúp đỡ hay hỗ trợ đối phương dựa trên sự hiểu của bản thân.
Ngoài ra, còn một yếu tố khác là thương/thông cảm (sympathy) để tạo nên vòng tròn lòng trắc ẩn. Thương cảm là khi ta cảm thông cho hoàn cảnh của ai đó, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ ấy thôi.
Trong đó, những yếu tố cấu thành vòng tròn được nuôi dưỡng, bổ trợ lẫn nhau thông qua kiến thức và sự hiểu biết để tạo nên nhiều chu kỳ mới. Đó chính là quá trình xây nhà (trắc ẩn), bắt đầu từ nền móng (thương cảm) và những viên gạch (hiểu biết).
Vậy nên, mỗi khi mất phương hướng hay cảm thấy bản thân mình đang trở nên ích kỷ, đi ngược với giá trị cốt lõi, hãy nhớ lại vòng tròn lòng trắc ẩn để kịp thời nhận thức mình đang ở đâu và hướng cần làm tiếp theo là gì.
Dưới đây là 3 yếu tố tạo nên lòng trắc ẩn, được phát triển bởi tiến sĩ Kristin Neff - Nhà nghiên cứu về sự phát triển đạo đức và khái niệm bản thân.
(1) Cảm thông và hiểu cho nỗi đau, khiếm khuyết của người khác: Trước một hoàn cảnh éo le, chúng ta không nên xem nhẹ và cho rằng vấn đề mà người kia đang đối mặt là vớ vẩn, không xứng đáng để bận tâm.
(2) Nhân loại chung thay vì cô lập: Ta nên có ý thức bản thân mình có thể rơi vào hoàn cảnh kia bất kỳ lúc nào, chứ không chỉ riêng một ai đó.
(3) Nhìn nhận dưới góc độ chánh niệm: Chánh niệm ở đây là trạng thái tâm trí không phán xét, cởi mở và dễ tiếp thu. Trong đó, mỗi chúng ta nhìn nhận sự việc như nó vốn là và tránh trường hợp biến tấu hóa nhiều nhất có thể.
Ví dụ: Khi nghe một người bạn kể họ bị chồng đánh, bạn ngay lập tức “biến tấu hóa” sự việc và cho rằng không có lửa làm sao có khói, nó phải làm gì đấy mới bị chồng đánh.
Như vậy, bạn đã đi ngược tư duy chánh niệm, từ đó sẽ rất khó để xây dựng sự thấu cảm. Một khi đã không thấu, không hiểu thì lòng trắc ẩn dĩ nhiên cũng không được hình thành.
Sau khi đã nâng cao nhận thức, cũng như ý thức về lòng trắc ẩn thông qua lý thuyết vòng tròn và những đặc điểm cấu thành, giờ là lúc cần hành động để trả lời cho câu hỏi làm sao để phát triển giá trị cốt lõi này.
Quay trở lại khái niệm “những viên gạch” - Vốn hiểu biết, kiến thức, bằng chứng để xây dựng và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn. Đây chính là chìa khóa giúp chúng ta mở ra cánh cửa kết nối, hàn gắn những tâm hồn.
Hãy học cách lắng nghe để tìm hiểu về thế giới nội tâm của người khác, có thể thông qua văn học, nghệ thuật hay giao tiếp… để “chạm” được đến vùng đất ta chưa từng đặt chân tới. Bằng cách này, chúng ta có thể tìm ra điểm tương đồng để kết nối với đối phương dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, việc nhận thức rõ ràng bản chất của nỗi đau và khát khao chuyển hóa sự tiêu cực cũng là điều thiết yếu cần có. Bởi vì nếu “đứa trẻ bên trong” bạn bị tổn thương thì bạn cũng không thể nào đồng cảm được với bất hạnh của người khác.
Ngoài ra, một số phương pháp sau cũng có thể giúp bạn phát triển lòng trắc ẩn như khuyến khích hợp tác thay vì cạnh tranh, kể câu chuyện thay vì liệt ra những thống kê trừu tượng, hạn chế phân biệt đối xử và đừng sống như một “miếng bọt biển” - Hoàn toàn gánh lấy đau khổ của người khác như của riêng mình.
Cuối cùng, mình vẫn luôn tin rằng lòng trắc ẩn là một phẩm chất mang tính di truyền của con người. Nó hiện diện trong tất cả chúng ta và chỉ cần có điều kiện cụ thể để được bộc lộ và tỉnh thức.
“Đôi khi, bạn phải bước vào thế giới của một ai đó để nhận ra điều bạn đang thiếu trong chính thế giới của mình” - The Intouchables.
* Nguồn tham khảo:
* Tham khảo thêm: Bài tập thực hành về lòng trắc ẩn: https://self-compassion.org/category/exercises/
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất