Ok, xét về thẩm quyền để nói thì tôi không đủ để khuyên mọi người hãy làm việc và học tập như thế nào vì chính tôi cũng không có thành tựu gì đáng nể để mà "chia sẻ kinh nghiệm" ngoại trừ việc tôi có học lực tốt và đã tích lũy cho mình kha khá kiến thức về nhiều lĩnh vực. Nhưng sau đây là những mẹo tôi đã học và tích lũy được khiến cho tôi tiến bộ rõ rệt. (PS: Những thứ tôi nói không phải do tôi nghĩ ra, đây đều là những mẹo và phương pháp học có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet, tôi sẽ tổng hợp những cách cá nhân tôi cho là dễ dàng và hiệu quả nhất và giải thích chúng. Những điều tôi nói về làm việc cũng có thể áp dụng cho học tập)

1/ Hãy tập trung

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên do tập trung luôn luôn là yếu tố cần phải có và ai cũng biết điều đó. Nhưng rất còn nhiều người người không thực hành, hầu hết chúng ta đều thiếu tập trung trong công việc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất tổng thể bởi vì không ai làm việc tốt nếu không tập trung, xao nhãng về những thứ ngoài lề.
Đưa ra một ví dụ, văn hóa làm việc ở nước ta là vừa làm vừa lướt mạng xã hội, nhắn tin, nói chuyện phiếm, do đó mà năng suất của mỗi cá nhân không cao và họ mang lại giá trị ít hơn so với các nước khác trong cùng thời gian làm việc. Thế nên dù lao động có trình độ không thiếu nhưng cũng không thể sánh được so với các nước phương Tây như Đức. Tại Việt Nam, chuyện tiếp tục công việc tại nhà, trả lời email gấp giữa đêm khuya là chuyện thường như ở huyện. Còn ở Đức, các doanh nghiệp không được gửi email liên quan đến công việc sau giờ hành chính và họ chỉ làm việc khoảng 40 giờ/tuần, dù thế năng suất của họ hơn hẳn chúng ta. Vì chúng ta làm việc thiếu tập trung, kém hiệu quả nên thời gian làm việc phải trải rộng để hoàn thành công việc. Vậy làm sao để tập trung? Để mà khuyên thì ta nên hạn chế xem các nền tảng video ngắn như TikTok, Youtube Shorts, Facebook Reels,.... Nói đến tác động xấu của những nền tảng ấy là vô kể, nhưng trong khuôn khổ bài viết thì tôi sẽ chỉ nói về tác động đến sự tập trung. Khi mà chúng ta xem rất nhiều clip trong một thời gian ngắn thì sự tập trung sẽ bị phân tán rất nhiều, không có đủ thời gian để não bộ có thể phân tích đến nội dung và xử lí chúng (dù thực sự chẳng có mấy nội dung bổ ích trên các nền tảng ấy). Về lâu dài dẫn đến sự tập trung bị giảm đi, các bạn nếu là một con nghiện video ngắn có thể kiểm chứng bằng cách xem một video trên Youtube cỡ 10 phút thôi, các bạn sẽ thấy rõ sự tập trung bị phân tán và dễ dàng chán sau chỉ 5-6 phút xem. Đến việc xem video trong 5-6 phút còn bị phân tâm thì nói gì đến tập trung làm việc cả mấy tiếng đồng hồ liên tục. Vậy nên ta tốt nhất là hạn chế xem những video ngắn. Tiếp theo, khi làm việc hãy triệt tiêu những tác nhân gây xao nhãng, tắt thông báo điện thoại, đóng các tab mạng xã hội và chắc chắn cả tinh thần, sức khỏe của bạn ổn định. Đừng quan tâm đến những thông báo Facebook đó, hầu hết chúng chả có gì hay ho cả, mà có hay ho thì cũng tập trung vô công việc của mình, tắt hết thông báo đi, nhắn tin này nọ để sau. Việc ta cần quan tâm ở ngay trước mắt, hãy có trách nhiệm về công việc của mình và giữ tinh thần thoải mái khi làm việc.

2/ Khởi động não một chút

Có một điều mà một số người không để ý khi họ có ý định bắt đầu công việc hoặc làm bài tập, đó chính là khởi động bộ não. Việc khởi động não giúp bạn có khởi đầu công việc tốt hơn do ta đã làm quen với việc hoạt động trí óc, điều này không những khởi đầu công việc thuận lợi hơn mà còn giúp cho những công đoạn sau trở nên dễ thở hơn. Ví dụ, việc tôi làm toán khi mà não tôi không còn bị ì ạch giúp tôi làm bài tập tốt hơn, về sau thì tinh thần thoải mái hơn do không bị gặp trở ngại ban đầu. Với những môn học hoặc công việc cần sự logic thì việc não được chuẩn bị sẽ giúp cho ta không những làm quen được mà còn hiệu quả và chất lượng hơn
Ta nên khởi động bằng việc chơi một ván cờ vua ngắn (cỡ 10 phút) với những máy tính không quá khó nhằn vì mục đích của bạn là làm cho não không bị ì ạch, không phải hơn thua. Việc chơi thua thì sẽ giúp tinh thần đi xuống và dẫn đến sa đà vào những ván tiếp theo để "phục thù" người chơi hay máy tính đó rất mất thời gian. Nếu ta làm quen được với việc tính toán trong cờ vua thì chuyện đảm nhiệm những công việc cần logic sẽ dễ thở hơn. Nếu bạn không biết chơi thì nên học cờ vua, yên tâm đi, nếu mục đích của bạn là chỉ chơi cho vui thì không cần học một mớ lí thuyết đâu, chơi khoảng 2-3 ván cờ là bạn nắm được luật chơi cơ bản và biết được cách đi của quân cờ. Hoặc bạn có thể bắt đầu bằng những tác vụ liên quan đến nhiệm vụ cần làm từ dễ rồi đến khó dần, nhưng nó sẽ tốn thời gian hơn dù hiệu quả cũng không hơn chơi cờ vua là mấy.

3/ Nghe nhạc, nhưng phải đúng cách

Việc nghe nhạc khi làm bài tập hay chạy deadline không còn là chuyện xa lạ gì với chúng ta, âm nhạc thực sự có thể giúp chúng ta tập trung hơn và năng suất hơn. Nhưng mà không nhiều người nghe nhạc đúng cách gây xao nhãng và giảm chất lượng công việc.
Hạn chế nghe nhạc có lời, vì nhạc có lời khiến bạn phân tán sự chú ý đến việc người nghệ sĩ kia hát gì, ý nghĩa là gì mà ít quan tâm đến công việc đang thực hiện
Vặn nhỏ âm lượng xuống, tiếng nhạc quá to sẽ át mất dòng suy nghĩ đang chạy trong đầu bạn mà gây phản tác dụng, nên để mức volume ở 40 trở xuống. Hoặc nghe nhạc nhẹ (tùy mỗi người, có người nghe nhạc nhẹ nhàng sẽ tốt hơn, có người nghe nhạc rock, edm sẽ tốt hơn)
Chọn đúng dòng nhạc, việc chọn đúng dòng nhạc cũng quan trọng như việc cho gia vị vào món ăn, chạy deadline thì nên nghe nhạc giao hưởng hơi "cháy" một tí như của Vivaldi, Bach, Beethoven,... Mà bạn cũng chẳng cần phải đi tìm, search từ khóa "Classical music for deadline/math studying" là người ta có sẵn cho bạn luôn. Lo-fi cũng là một lựa chọn không tồi, do tính chất nhẹ nhàng đặc trưng nên nó cũng giúp rất nhiều cho việc tư duy do không quá nổi bật để thu hút sự chú ý, tuy vậy nếu cần tốc độ thì nghe classical sẽ phù hợp hơn.

4/ Kỉ luật hơn và đặt mục tiêu rõ ràng

Người ta có câu "Bạn cần kỉ luật, không phải động lực", tôi cũng có câu châm ngôn "Sự thông minh sẵn có giúp bạn đi nhanh, nhưng chỉ có kỷ lục đưa bạn đi xa". Kỷ luật luôn là mấu chốt dẫn đến thành công, không có kỷ luật, dẫu có thông minh đến đâu cũng hóa bất tài.
Động lực khác kỉ luật, nó giúp bạn có năng suất nhanh trong một khoảng thời gian ngắn, rồi biến tan đi mất. Vì động lực nó thuộc về cảm xúc mãnh liệt nhất thời. Nếu cứ ôm khư khư cái động lực mà thiếu đi sự kỉ luật thì khó mà thành công được. Tôi không phủ định vai trò của động lực, động lực cũng là thứ giúp bạn thành công, không có động lực thì bạn làm gì cũng thấy vô nghĩa. Tuy vậy vai trò của động lực luôn và phải xếp sau kỉ luật. Đặt cho mình những thứ luôn phải hoàn thành mỗi ngày và thời gian cố định cho việc đó, ví dụ: 2 tiếng tự học kĩ năng mềm, 1 tiếng đọc sách, hoàn thành phần A của dự án B. Đừng chia theo những tác vụ nhỏ nhặt, hướng đến mục đích mà làm.
Tuyệt đối không được ỷ bản thân có tố chất hay năng lực mà quên đi kỉ luật, một cá nhân xuất sắc luôn luôn được trui rèn bởi những khó khăn trong quá khứ. Tôi có một người chị họ, chị ấy không quá xuất chúng (theo lời chị nói) nhưng luôn đặt cho mình những kỉ luật và nghiêm khắc với bản thân trong suốt chục năm trời, và kết quả chị ấy đạt giải nhất trong kì thi học sinh giỏi tỉnh môn vật lí và đồng thời là thủ khoa trong kì thi tuyển sinh với 45đ tổng 3 môn. Tuy thành tích học tập không nói lên tất cả, nhưng điều ấy chứng minh tầm quan trọng của kỉ luật đối với công việc của cá nhân mỗi người.

5/ Giữ sức khỏe, tinh thần trong trạng thái ổn định

Không cần bàn cãi nhiều, chỉ khi bạn khỏe mạnh, tâm trạng ổn thì bạn mới có thể học hành và làm việc tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Một trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể cường tráng" để khẳng định sự quan trọng của sức khỏe, trong đó có cả chuyện ảnh hưởng đến công việc và học tập. Khỏe mạnh về thể chất không những cho bạn năng suất mà còn giúp bạn thoải mái hơn khi làm việc. Vậy nên ta nên sống điều độ hơn, ăn uống lành mạnh hơn và tập thể thao nhiều hơn, không những sức khỏe được cải thiện mà chất lượng công việc cũng được nâng cao.
Sáng sớm là thời gian bạn tỉnh táo nhất, sau khi ngủ (đủ 8 tiếng) thì cơ thể chúng ta sẽ trở nên rất năng động. Nên sắp xếp để thức dậy sớm, tỉnh táo cho công việc và học tập.
(PS: Tôi sẽ không nói là tôi viết nên dòng này lúc 3h sáng đâu =(( )

6/ Đừng trì hoãn, đừng dồn cả núi việc đến cùng lúc

Một tính xấu mà tôi thấy rất nhiều người gặp phải đó chính là trì hoãn. Sự trì hoãn diễn ra liên tục, ta đùn đẩy công việc sang cho tương lai, đến khi mà tình hình tệ hơn mới bắt đầu làm hoặc thậm chí không làm. Trì hoãn chính là sự lười biếng, mà lười biếng không thể nào có kết quả tốt được. Nếu bạn dồn nhiều việc đến cùng một lúc, khi tiến hành vào thời điểm hạn chót đến gần sẽ gây nhiều phiền toái như: áp lực về công việc khi bạn đã để việc chất như núi, nó cứ thế ào ào đổ lên người bạn; áp lực về thời gian khi mà deadline đã sát bên nhưng bạn vẫn chưa động tay gì. Trong tình hình cam go ấy bạn có thể vượt qua được, nhưng tôi cam đoan kết quả sẽ rất hời hợt và thiếu chất lượng.
Để vượt qua sự trì hoãn cần có động lực và sự kỉ luật. Hãy lên danh sách những việc cần làm, rồi sắp xếp theo trình tự: quan trọng và khẩn cấp, quan trọng nhưng không khẩn cấp, không quan trọng và không khẩn cấp. Hãy suy xét thấu đáo vì không phải việc gì cũng cần thiết như bạn nghĩ. Đồng thời giữ suy nghĩ "Đường nào cũng phải làm, sao không làm bây giờ".
Vượt qua sự trì hoãn đã là một phần của thành công. Không trì hoãn giúp bạn hoàn thành công việc sớm hơn, từ đó mà có thời gian xem lại và hoàn thiện những thứ còn thiếu sót, chất lượng cũng từ đó mà đi lên.