Có thể các bạn đã từng bắt gặp cụm từ này ở đâu đó hoặc được nghe người khác nói đến. Vậy làm những gì mình thích có gì hay mà tại sao tất cả mọi người luôn muốn hướng tới điều này?
Nghe thì có vẻ hơi trừu tượng và mông lung đúng không? Để Sơn lấy một ví dụ cho các bạn dễ hình dung như sau: Có 2 tiệm sửa xe máy ở cạnh nhau, 1 người mở tiệm vì lý do cơm áo gạo tiền, còn 1 người thì vì yêu thích và đam mê với những chiếc xe mà mở tiệm, theo bạn thì tiệm nào sửa tốt hơn và đông khách hơn? Đương nhiên câu trả lời là tiệm của người có sở thích và đam mê xe sẽ đông khách hơn, bởi người đó đang làm những gì mình thích nên luôn có sự nhiệt huyết và đam mê với nghề, điều đó tạo ra được uy tín và chất lượng kèm theo.
Theo quan điểm cá nhân thì Sơn thấy khi trưởng thành chúng ta sẽ có 2 xu hướng nghề nghiệp.
Xu hướng thứ nhất và cũng là xu hướng số đông, đa số mọi người trong từng hoàn cảnh hoặc vì lý do nào đó thường chọn nhanh một công việc để đáp ứng cho nhu cầu cơm áo gạo tiền, với mong muốn hướng tới sự đầy đủ và ổn định, thành thật mà nói xu hướng này thường dẫn tới trạng thái làm việc có nhiều áp lực và khả năng sáng tạo trong công việc không cao, mọi thứ gần như đi theo một vòng xoáy chỉ để đáp ứng được những nhu cầu cần thiết về mặt vật chất, mà yếu tố tinh thần có lẽ không nhiều.
Xu hướng thứ 2 thuộc về số ít, những người này làm được những điều mình thích mà vẫn duy trì được những nhu cầu vật chất cộng thêm niềm vui và nhiệt huyết cho công việc mình đang làm thì cuộc sống sẽ tuyệt hơn rất nhiều, các bạn rất dễ nhận ra những người này xung quanh mình trong đời sống hàng ngày hoặc trên mạng xã hội, họ thường vui vẻ và nổi trội hơn so với người khác.
Đương nhiên là mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, không phải cuộc sống tất cả mọi người ai cũng có nhiều sự lựa chọn. Và Sơn rất tôn trọng tất cả mọi người dù mọi người đang làm gì và ở độ tuổi nào, suy cho cùng thì chẳng ai muốn làm những điều mình không thích cả, tất cả đều tìm đến cái đích gọi là hạnh phúc cho một cuộc đời. Quay trở lại vấn đề Sơn chắc hẳn có rất nhiều bạn đã từng tự đặt câu hỏi cho chính mình là bản thân thực sự thích điều gì và muốn làm gì cho cuộc mình đời trong tương lai, câu trả lời rất là khó và khá rộng theo ý kiến chủ quan của Sơn. Vậy thì bây giờ chúng ta cùng nhau làm rõ tại sao tìm ra được sở thích và đam mê lại khó như vậy.
Trước hết Sơn muốn nói với các bạn, việc các bạn lo lắng không biết mình thực sự thích gì không phải là lỗi của các bạn. Chúng ta cùng thẳng thắn với nhau vấn đề từ khi học cấp 1 cho đến khi tốt nghiệp cấp 3, chúng ta luôn được giáo dục theo một khuôn mẫu chung theo lối học thuộc và thành tích, dù muốn dù không thì mô hình giảng dạy đó vẫn đang tồn tại cho đến bây giờ, việc này dường như là 1 nền tảng mặc định đầu đời của đại đa số chúng ta. Từ bé chúng ta giống như  là những cây bonsai được cắt tỉa và uốn nắn theo ý tưởng của người chăm sóc. Sự uốn nắn cần thiết này không chỉ tác động vào cách hành xử mà cả lối tư duy cá nhân. Một cách vô thức trong hành trang bước vào hành trình cuộc đời khi trưởng thành của mỗi người sẽ mang theo những khuôn mẫu và kỳ vọng của thầy cô và những người thân yêu. Xét về tổng thể theo Sơn điều đó không có gì là tệ cả, trái lại nó là điều kiện cần và đủ về mặt nền tảng, vì tất cả mọi người cũng chỉ muốn chúng ta hoà nhập cộng đồng một cách tốt nhất và giúp chúng ta có sự nhận thức cơ bản, để đứng vững trước những thử thách của cuộc sống, các bạn có thể tưởng tưởng điều đó giống như một cái vòng an toàn bảo vệ trong tư tưởng, ngăn chúng ta không nên mạo hiểm làm những điều vượt ra ngoài khuôn khổ đã được truyền tải.  
Tuy nhiên, cuộc sống luôn có 2 mặt và những khuôn khổ và kỳ vọng cũng vậy, mặt trái của những điều trên sẽ là cơ chế tự động kìm hãm sự tư do ý chí và làm chìm đi năng lực sáng tạo tiềm tàng của mỗi cá nhân.
Chúng ta thường suy nghĩ và hành động trong tư duy khuôn mẫu, theo quan điểm của triết học thì điều này gọi là vùng an toàn tư tưởng, hiểu đơn giản thì đi theo đường mòn nó dễ dàng hơn so với việc tự tìm ra lối đi khác biệt. Sơn lấy ví dụ như nếu bố mẹ làm công nhân viên chức thì xu hướng con cái cũng sẽ chọn theo nghề tương tự hoặc được bố mẹ khích lệ để hướng theo ngành nghề đó, vì nó đã có sẵn nền tảng và tương lai khá là dễ hình dung, bạn chỉ việc hoàn thành những chứng chỉ cần thiết và yên vị nơi được định sẵn.
Điều đó dẫn tới việc khi trưởng thành chúng ta thường không biết mình thực sự thích gì và đam mê của mình ở đâu, hoặc là khi chúng ta tìm ra được con đường cho sở thích và đam mê rồi và dự đinh sẽ thực hiện nó nhưng cần mạo hiểm và phải đối diện với muôn vàn khó khăn không lường trước, thì trong suy nghĩ sẽ dựng một bức tranh về những cái nhìn của những người thân và những mối quan hệ bên ngoài, dẫn tới chúng ta sẽ đắn đo và không tự tin để làm nó vì kiểu gì cũng sẽ xuất hiện những suy nghĩ ngăn cản ví dụ như nhỡ thất bại chúng ta sẽ bị chê cười và phán xét. Những cái tư tưởng đối lập đó chính là cách hoạt động của cái vòng an toàn trong tư duy, ngăn cản những ý tưởng vượt ra ngoài khuôn khổ cũ kỹ. Hiểu đơn giản thì nó sẽ chiếm quyền tự quyết của ý chí và buộc chúng ta phải tư duy theo số đông, và theo ý tưởng của người truyền tải dẫn dắt, điều này dẫn tới việc chúng ta luôn làm theo những gì người khác muốn và luôn lo sợ người khác nghĩ về mình thế nào, rồi mặc cho năng lực sáng tạo và đam mê tiềm tàng trong bản thân chìm sâu vào quên lãng
Để có thể làm chủ và bước ra khỏi cơ chế này thì Sơn có vài điều nhắn gửi các bạn là chúng ta buộc phải hành động, để tìm ra công việc mà mình cảm thấy phù hợp, phải dám thực hiện những ý tưởng mà các bạn cảm thấy nó sẽ rất tuyệt khi mình đạt được. Những ý tưởng đó có thể đúng hoặc sai, nhưng muốn kiểm chứng là nó đúng hay nó sai chỉ ngồi nghĩ thì không bao giờ bạn có thể sàng lọc những ý tưởng đó. Hãy list lại tất cả những điều bạn mong muốn sau đó thì khoanh vùng những cái thực tế nhất và sát với khả năng của bản thân. Những điều mong muốn trong bản thân như hạt giống của riêng bạn đang chờ đợi tới lúc bạn bắt tay vào tưới nước để nảy mầm.
Các bạn phải hiểu rằng là trên thế giới này không có gì gọi là sự chuẩn bị hoàn hảo cả, trong cuộc đời phải có những chuyến phiêu lưu mạo hiểm để hiểu rõ chính bản thân mình. Dĩ nhiên mọi thứ cần được lên kế hoạch sau đó suy nghĩ và nghiền ngẫm trước khi đưa ra quyết định, nhưng nếu cứ chờ mãi cho đến khi chắc chắn được 100% rồi mới bắt đầu thì có thể mọi chuyện đã quá muộn màng. Giả sử như có thất bại đi chăng nữa, hãy nhớ rằng không có người thầy cuộc sống nào tốt hơn thất bại cả, mọi sự trải nghiệm lúc thực hiện đều là của riêng các bạn, nó vô giá không gì có thể đánh đổi.
Có một điều cần phải nói lại, trong quá trình chúng ta hành động, cái vòng an toàn vẫn tạo ra những cái suy nghĩ đối lập để chống lại những tư tưởng đang ở bên ngoài, việc của chúng ta là phải sáng suốt nhìn nhận ra điều đó, các bạn không việc gì phải cân nhắc là lựa chọn của chúng ta có đúng hay không, mà nên cân nhắc chúng ta có cảm thấy mình đang làm những điều tuyệt vời cho cuộc đời mình hay không. Không ai có thể biết chính xác khả năng của chính mình nếu không qua sự trải nghiệm. Vạn sự khỏi đầu nan, cho nên là đừng bỏ cuộc giữa chừng, từng bước từng bước một, các bạn có thêm sự tự tin, khả năng nhẫn nại và sức chịu đựng, đặc biệt là những bài học vô giá.
Nếu có thể thì các bạn hãy đọc hoặc nghe thật nhiều sách, với thời đại công nghệ thì chúng ta có thể làm điều đó ở bất cứ đâu và đừng kén chọn đầu sách, từ tâm linh cho đến kinh tế học, những cuốn sách không làm chúng ta trở nên giỏi hơn ngay lập tức nhưng nó sẽ từ từ làm sạch tâm hồn và giúp bạn mở rộng cách mà bạn đang nhìn vào cuộc sống, và biết đâu đến một ngày bạn gặp được cuốn sách của cuộc đời mình. Có một câu nói Sơn rất tâm đắc như thế này: “ Bạn đọc Profile của người ta 100 lần, người ta cũng không phải là của bạn. Nhưng nếu bạn đọc cuốn sách 100 lần, kiến thức chắc chắn là của bạn.”
Chỉ khi các bạn sẵn sàng hành động thì tất cả mọi thứ và bức tranh toàn cảnh của cuộc đời mới hình thành và bạn mới biết nên tô màu gì là phù hợp cho bức tranh cuộc đời mình. Chúng ta không hề giống nhau nên đừng cố gắng bắt chước để trở thành một ai đó, điều đó sẽ biến bạn thành một cái máy sao chép và không thể khai thác năng lực sáng tạo tiềm tàng, hãy là một miếng ghép đặc biệt trong bức tranh tổng thể của thế giới. Và quan trọng nhất là tìm được niềm vui và nhiệt huyết với những điều mình đang làm và đang có. Hành trình phiêu lưu đi tìm chính mình luôn luôn ở đó chờ các bạn lên đường.
Hạnh phúc tương đương với việc bạn được làm những gì mình thích và thích những gì mình làm.