100 đồng là tờ tiền khơi gợi lại nhiều kỷ niệm với thế hệ đầu 8x đổ lại. Vào khoảng thời gian 100 đồng được phát hành năm 1992, tờ 100 đồng là niềm mơ ước của rất nhiều trẻ em, là tờ tiền giắt ví của nhiều bà mẹ bỉm sữa nội trợ ngày nào. 100 đồng từng đủ để mua được 1 mớ rau muống, một niềm hạnh phúc nho nhỏ ngày đông với một bát cháo sườn nơi phố cổ, hoặc 1 túi bỏng đủ loại cho trẻ em ngoài cổng trường sau giờ tan học…

Sức mua của tờ 100 đồng tại thế kỷ trước đã từng rất lớn. Nói cách khác, nó có thể được coi là cả một gia tài với nhiều người.
Cho tới thời điểm hiện tại, tờ 100 đồng dường như đã không còn giá trị lưu  hành trên thị trường. Trên thực tế, tờ 100 đồng hiện tại đang được sưu tầm với giá 20,000 VNĐ/tờ - gấp 200 lần giá trị thực của nó. Giờ đây, thật khó để có thể nghĩ ra được mặt hàng tiêu dùng nào có thể được mua với giá vài trăm đồng, kể cả với những nhà buôn có mối quan hệ tốt đẹp với nhà sản xuất và được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt.
Vậy ta có thể mua gì với 100 đồng ở thời điểm hiện tại? 
Khi đặt 100 đồng và sự miễn phí lên bàn cân, đa số người tiêu dùng sẽ cho rằng họ không thực sự quan tâm đến sự chênh lệch nhỏ. Một hóa đơn mua hoa quả theo kg tại Vinmart nhỉnh lên vài chục hoặc vài trăm đồng không khiến người tiêu dùng cân nhắc khi thanh toán. 
Dan Ariely, nhà kinh tế học hành vi, đã kiểm chứng tính hợp lý của giả thuyết này. Trong một nghiên cứu của ông, khi những người tham gia nghiên cứu được hỏi sẽ chọn loại Socola nào – 1 viên Socola Kiss của Hershey với giá 1 cent (~233 đồng) hay 1 viên Socola cao cấp của Lindt với giá 15 cent, 3/4 người được hỏi chọn viên Lindt Thụy Sỹ. Ở trường hợp này, chất lượng được coi trọng hơn giá thành, và vài nghìn đồng không đem lại lợi thế cạnh tranh cho viên Kiss ngọt ngào vị dầu thực vật. Lần tiếp theo, Dan thực hiện một nghiên cứu tương tự với duy nhất 1 điểm khác biệt – Dan giảm giá 2 loại Socola xuống 1 cent. Hành vi phản ứng lại với sự miễn phí khiến kết quả thay đổi hoàn toàn: 2/3 số người được hỏi chọn Socola Kiss miễn phí thay vì chọn Lindt, dù sự khác biệt về giá chỉ vỏn vẹn vài trăm đồng.

Không phải ngẫu nhiên mà sự miễn phí trong tiếng Anh lại được bắt đầu bằng chữ F và gây khoái cảm cho mọi người thuộc mọi giới tính đến vậy. 83% người tiêu dùng Mỹ được khảo sát thẳng thắn thừa nhận họ thích sở hữu sản phẩm miễn phí từ doanh nghiệp, và một nửa số được khảo sát muốn được nhận nhiều món đồ miễn phí hơn nữa. Ngẫm lại ở bối cảnh xã hội VN thu nhỏ, chắc hẳn những bà mẹ mua lốc sữa Vinamilk cận đát tẩm bổ cho con cái để được nhận chiếc bát tặng kèm là hình ảnh thân thương xảy ra tương đối thường xuyên trong mỗi gia đình Việt. 
Điểm chung của những tình huống bóc bánh không phải trả tiền này là người tiêu dùng vừa thỏa mãn được nhu cầu cá nhân, vừa giữ được sự tự trọng trong trao đổi “không công bằng”.
Nhưng thực sự doanh nghiệp có đang chịu thiệt khi chấp nhận nỗi lo không trả tiền và không chắc chắn về khả năng quay lại của khách hàng? 
Tại Mỹ, các marketer đầu tư 17 tỉ đô hàng năm cho món đồ quảng cáo miễn  phí, nhiều gấp 3 lần cho SEO và Google AdWords. Vậy từng ấy tiền tạo nên  bao nhiêu khác biệt? Không ai thực sự chắc chắn, người ta chỉ biết:
- Trước khi nhận món đồ miễn phí, 55% mua hàng từ doanh nghiệp; sau khi nhận món đồ miễn phí, con số này tăng lên thành 85%.
- 7 tháng là con số trung bình mà một người giữ món đồ miễn phí – một con số tuyệt vời cho mục tiêu nhận diện thương hiệu.
- Chi phí trung bình cho 1 lần hiển thị (CPI) của món đồ miễn phí là $0,004 (~93,18 đồng) – rẻ hơn mọi phương tiện truyền thông.
Chỉ với tờ 100 đồng con ngày nào, một nhu cầu mới, một thói quen mới, một hành vi mới dần thâm nhập vào hoạt động hàng ngày của bạn – và kết quả là sự xuất hiện của những sản phẩm tiêu dùng trị giá hàng trăm, hàng triệu đồng có mặt trong căn nhà hiện tại. 
Nếu bạn là một người tiêu dùng, hãy cẩn thận với những gì miễn phí, còn nếu bạn là một doanh nghiệp, liệu bạn có thể mua được điều gì có ích hơn  cho công ty mình chỉ với 100 đồng nếu không phải là sự miễn phí?