Ảnh : Dương Lê
-"Bao lâu rồi bạn chưa về trường cũ"
- "1 năm"
-"Nhớ trường, nhớ thầy cô. nhớ bạn bè không"
-" Có"
-"Muốn quay về không ?"
-"Không !"
13315232_1030456157048961_4400263929890323738_n


                                                                     Ảnh: Dương Lê
          Những ngày cuối tháng 5, ve kêu thật nhiều và lòng người cũng nặng trĩu thật nhiều. Tôi đứng nép bên góc cửa sổ, ném ánh mắt nhỏ bé vào khoảng không vô định ấy, cố thu cả ngôi trường rộng lớn vào trong tầm mắt, để khắc sâu và níu giữ những kỉ niệm đẹp đẽ của năm tháng đã qua. Ngày chia tay buồn lắm, những cái ôm thật chặt, những giọt nước mắt lăn trên đôi hàng mi, những tiếc nấc đầy xót xa và nghẹn ngào. Ngày ấy, tôi từng tự vấn bản thân rằng, sao không khí lại u sầu, ảo não đến như vậy. Lớn lên mới hiểu, người ta buồn không phải do từ đó trở đi không còn gặp lại nhau nữa, mà những công việc hằng ngày, đã trở thành thói quen, giờ sẽ không còn được tiếp tục. Hoặc có thể do những năm tháng ấy tươi đẹp đến độ, khi trôi qua đi, người ta khó mà chấp nhận một cách nhanh chóng được. Trong những kí ức ấy, tuyệt nhiên không có những bài toán, bài lí loằng ngoằng và rắc rối, cũng chẳng thể nào xuất hiện những câu văn, câu sử dài dằng dặc cần phải học thuộc. Nhiều triết gia, danh nhân nổi tiếng hay có những câu kiểu như" việc học đưa chúng ta đến những chân trời mới" hay đại loại như "học, học nữa, học mãi" . Cái đấy thực ra chỉ đúng một phần thôi. Đa phần học sinh đến lớp không chỉ để học, thậm chí việc học còn gây nhàm chán cực độ và chiếm một khối lượng thời gian rất nhỏ. Bởi lẽ, 10 năm, 20 năm hay 30 năm sau, người ta tuyệt nhiên không còn nhớ tới những bài giảng trên lớp, những thành tích cao trong học tập, mà chỉ còn lại những trò nghịch ngợm, những giờ phút vui cười cùng nhau.
            Hôm nay, tôi bất giác nhớ về trường cũ, giờ này những năm về trước, cả trường vẫn đang vui vẻ lắm. Bởi trường chuyên nào chẳng thế, học sinh không chỉ có cho mình vốn kiến thức đủ rộng, đủ sâu để tham gia các kì thi mà còn được trang bị đầy đủ những kĩ năng mềm, chính những hoạt động ngoại khóa thường kì sẽ làm nên điều đó ! Một mùa 26/3 nữa lại về, những hoạt động thường niên được thay thế bằng những trò chơi trí tuệ, hào nhoáng và thực long lanh. Nó như màu viên ngọc trai to nhất được đính lên vương miện của nữ hoàng Anh.  Thật xứng với danh trường chuyên của một tỉnh. Các em học sinh bây giờ được học trong một ngôi trường khang trang hơn, rộng rãi hơn, tiện nghi hơn. Các em có căng tin, có kí túc xá, có nhà thể chất thật to, thật đẹp. Sau cùng, các em nhận lại được gì ? Về một sự hãnh diện ảo vọng hay một liều thuốc tinh thần đúng nghĩa, đưa các em thoát khỏi những giờ phút học tập căng thẳng ? Có lẽ tôi đã hiểu vì sao khi chuyển trường, các thế hệ học sinh lại buồn đến vậy. Trường mới rộng hơn, tình cảm cũng giảm sút. Trường mới hiện đại hơn, những trò chơi dân gian ngày ấy, giờ cũng chẳng còn. Bây giờ, nhà trường lo cho các em nhiều thứ quá ! Lo các em không đi học đầy đủ, sẽ không thu nạp được đầy đủ kiến thức. Lo các em vận động mạnh, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trầy xước chân tay. Lo các em sau này hư hỏng, nên thắt chặt kỉ cương, nề nếp. Tôi lại thở phào "May mà ngày ấy, mình được lo ít quá, mà giờ cũng tạm ổn, may, nhỉ ?"
             Tôi không lạ lẫm khi trường cũ thay đổi, vì từ trước đến nay, nền giáo dục Việt Nam vốn dĩ đã thành ra như vậy. Tôi chỉ ngạc nhiên là bởi, tại sao, trước giờ, trường tôi đi theo một lối đi riêng, mọi thứ vẫn ổn, vẫn sản sinh ra những thế hệ học sinh đủ tốt để phục vụ cho cái đất nước này, vậy thì tại sao cần thay đổi ? Có lẽ một phần nào đó là nằm ở tư duy của người quản lí , nhưng thay đổi, có chắc đem lại điều tốt đẹp, hay càng ngày làm mọi chuyện càng tệ hơn. Sẽ là thất bại của một nền giáo dục nếu cứ bắt con người học nhiều như vậy. Ở những nền giáo dục phát triển, học sinh được phát triển đầy đủ về mọi mặt, cả thể chất lẫn tinh thần. Nhiệm vụ của nhà trường là tạo được sự hứng thú cho các em, chứ không phải bắt ép và gò bó. Những thứ ấy, chỉ nên áp dụng trong quân ngũ, còn lại, đều sẽ là thất bại toàn tập. Hãy để năm tháng cấp 3 của các em là khoảng trời tươi đẹp, để sau này khi đi xa, sẽ nhớ đến thật nhiều, chứ không phải một nỗi ám ảnh, thường trực và khôn nguôi. Còn đối với các em, thanh xuân chỉ có một lần trong đời, hãy cứ sống hết mình, để sau này không phải nuối tiếc vì ngày ấy mình chưa từng trải nghiệm !
              Bài viết của một người con Lam Sơn gửi về từ những miền xa nhớ !
                                                                         Hà Nội, 27/3/2018, dài dòng và kể lể
                                                                                                Vũ Đức Hưng