Lúc thảm kịch xảy ra
Lúc thảm kịch xảy ra
Sáng nay mình đọc báo mạng, và một loạt tin bài được đăng tải về vụ cháy chung cư ở phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tin hot đầu tiên trong ngày lại là một tin buồn và ám ảnh...
Một số thông tin được đăng tải
- Thời gian xảy ra sự việc: vào khoảng 0h46 ngày 24/05/2024
- Địa điểm: Ngõ 43/98/31 phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội
- Hiện trường: nhà ở gia đình, cho thuê để ở và sửa chữa xe điện, ngôi nhà cách mặt phố Trung Kính khoảng 200m (quy mô nhà: gồm 1 nhà 2 tầng, 1 tum bố trí sân phơi thoáng và 1 dãy nhà 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, hành lang hở phía trước); nhà được xây dựng với diện tích khoảng 150m2 trên tổng diện tích khu đất xây dựng là 205m2, phần diện tích còn lại khoảng 55m2 là sân trống bố trí để xe máy, xe đạp, xe đạp điện; ngôi nhà đã được trang bị bình chữa cháy được bố trí tại sân và hành lang các tầng nhà.
- Thiệt hại: 14 người được xác định là tử vong, 03 người bị thương được cấp cứu tại bệnh viện. Có thông tin cho rằng gia đình chủ nhà đã thoát được ra ngoài, cái này chưa kiểm chứng. Tài sản cháy rụi tại hiện trường
Sau thảm hoạ là đống đổ nát hoang tàn
Sau thảm hoạ là đống đổ nát hoang tàn
Phản ứng
Ngay khi phát giác cháy, người dân xung quanh đã tổ chức cứu hoả tại chỗ cũng như gọi cho đơn vị cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Phía cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã khẩn trương tiếp cận hiện trường cứu hộ, tuy nhiên do ngôi nhà nằm trong ngõ sâu nên đã gặp khó khăn trong việc cứu hộ. Các lực lượng chức năng đã xuyên đêm cố gắng cứu được càng nhiều người ra khỏi đám cháy càng tốt.
Phải kéo vòi từ tận ngoài đường lớn vào
Phải kéo vòi từ tận ngoài đường lớn vào
Nguyên nhân do đâu?
Hiện thời thì các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra làm rõ song song với việc cứu chữa những người còn sống sót, đồng thời đảm bảo an toàn cho các ngôi nhà xung quanh.
Hiện trường
Hiện trường
Theo như một số thông tin được đăng tải thì ngôi nhà này có diện tích tầng 1 sử dụng để mua bán, sữa chữa xe điện. Như vậy thì có khả năng tầng 1 ngôi nhà vào thời điểm xảy ra cháy sẽ là nơi tập kết rất nhiều xe điện. Mình nghe được một số người cho rằng pin xe điện là một yếu tố thủ phạm gây nên bi kịch, tuy nhiên do không có kiến thức sâu về mảng này nên mình không dám khẳng định. Với kinh nghiệm cũng từng ở chung cư mini dạng này, mình có một số suy nghĩ như sau:
- Mang tiếng là "Chung cư mini" - mình cũng chưa rõ ai là người đặt ra khái niệm này, và dựa theo quy chuẩn nào. Vì đối với mình thì các chung cư được xây dựng và nghiệm thu theo rất nhiều quy định chặt chẽ về an toàn xây dựng, vật liệu, không gian, diện tích, điện nước, phòng chống cháy nổ, ... Còn với những phòng được quảng cáo là chung cư mini rồi cho gia đình, học sinh sinh viên thuê - đa phần mình thấy chỉ là căn nhà cao tầng, chia số phòng ra cho thuê và lắp thêm công tơ tính tiền điện - Hết.
- Về hạ tầng điện, cái này thì trải nghiệm của bản thân mình là thực sự tồi tệ. Điện rất chập chờn, vào những khung giờ cao điểm mùa nắng nóng thì hiện tượng yếu điện, hoặc thậm chí là sập đường điện là diễn ra quá thường xuyên. Dù mỗi toà nhà thế này (tạm gọi là toà nhà cho to) thường đều được cắt cử 01 ông gọi là Kỹ thuật Điện Nước chăm chút, nhưng thực tế thì họ sẽ không bảo trì kiểm tra thường xuyên. Nếu xảy ra sự cố mà mình gọi thì sớm nhất cũng phải ngày hôm sau mới có người sang xử lý. Chứ không mong chờ chủ chung cư mini gia cố đường điện phù hợp lượng người sử dụng được ạ.
- Về phòng cháy chữa cháy: Ngày trước thì gần như không có gì luôn. Nhà nào cẩn thận thì đặt được 1 vài bình cứu hoả ở tầng 1 (thường là khu vực để xe) mà không rõ là những bình này để bao nhiêu năm rồi vì trông còn rỉ sét hết cả. Còn lại tất cả những thứ như cầu thang thoát hiểm, hệ thống phòng cháy chữa cháy là gần như 99% không có (nhà riêng lấy đâu ra xây thoát hiểm và hệ thống như chung cư xịn). Sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ hồi năm 2023 khiến hơn 50 người tử vong thì một số chung cư mini có lắp thêm hệ thống thang khẩn cấp, nhưng có được đơn vị chức năng nghiệm thu đạt tiêu chuẩn hay không thì chưa rõ. Còn những chung cư mini nằm tít trong hang cùng ngõ hẻm, ít bị để ý thì không rõ có tự giác chấp hành hay không.
- Về ý thức của người dân: cái này theo mình là một yếu tố rất đáng quan tâm. Mình xin liệt kê một số ví dụ như sau:
+ Đa số những chung cư dạng này, người dân thường để xe tầng 1, và không phải chủ nhà nào cũng nghiêm túc trong việc bố trí khu vực rõ ràng. Người dân đi làm/đi học về nhiều khi cũng mệt mỏi/lười biếng, cứ vứt xe một chỗ thôi, không thèm quan tâm có chừa lại lối đi hoặc lối dắt xe cho người khác hay không. Hồi đó mình ở chung cư mini mà mỗi lần lấy xe ra ngoài sẽ phải dành chừng 10 - 15 phút để mang được xe mình ra ngoài, và trả lại xe của những người khác về chỗ cũ. Nhiều hôm mình bất lực vì thấy xe chèn hết tất cả các không gian có thể di chuyển, thậm chí mình phải trèo qua các yên xe để có lối đi - như vậy có thể thấy chúng ta tự bít đường thoát của chúng ta, nếu không may xảy ra cháy thì hàng chục chiếc xe cháy ngùn ngụt sẽ tạo thành một bức tường ngăn cản chúng ta tìm lối thoát.
+ Xe điện - sạc xe điện: Cho tới nay thì chưa ai dám khẳng định những vụ cháy thế này là đều do pin xe điện phát nổ. Tuy nhiên theo mình biết thì một phần do công nghệ sạc hiện chưa tối ưu, các xe muốn sạc thì đều phải mất vài tiếng sạc nên thường các hộ gia đình luôn cắm điện sạc qua đêm. Đây có lẽ là một mối mối lo lớn, vì đa số các cơ quan quản lý vẫn khuyến cáo người dân không sạc các thiết bị điện qua đêm, vì khó phòng tránh và xử lý sự cố.
+ Thói quen sử dụng điện: bây giờ thì chúng ta có vô vàn thiết bị điện tử xung quanh. Ngày trước sinh viên đi học thì giỏi lắm cắm được cái đèn học, thêm cái quạt, còn bây giờ sinh viên đi học thì việc đầu tiên khi thuê nhà là đếm xem trong nhà có bao nhiêu ổ cắm điện. Cơ man thiết bị hiện hữu ở xung quanh chúng ta như Điều hoà, Tủ lạnh, Máy tính bảng, Laptop, Tivi, ..... tất nhiên với những thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày như Quạt, Tủ lạnh, Điều hoà thì vẫn bắt buộc phải sử dụng - có chăng nếu bạn xót khi nhìn hoá đơn tiền điện cuối tháng thì cố gắng sử dụng tiết kiệm hơn thôi. Còn những thiết bị KHÔNG QUÁ MỨC QUAN TRỌNG (ý mình là không bắt buộc phải Sạc/Sử dụng qua đêm) như Điện thoại, Máy tính, Đồ chơi công nghệ, ... thì mọi người nên lưu tâm. Tốt nhất là không cắm điện, cắm sạc qua đêm mà làm gì cả.
Để mà được thế này đã được tính là quá rộng rồi đấy ạ. Không phải chỗ nào cũng được vậy đâu
Để mà được thế này đã được tính là quá rộng rồi đấy ạ. Không phải chỗ nào cũng được vậy đâu
Vậy chúng ta có thể làm gì?
Thực tế phũ phàng là người lao động thu nhập thấp không có quá nhiều lựa chọn. Để tiết kiệm được thời gian di chuyển từ nhà tới cơ quan/công ty, tìm được những nơi trọ gần trung tâm là thứ tiên quyết. Mà càng gần trung tâm thành phố thì đất càng chật, người càng đông - để có được mức giá vừa phải, gần như 99% phải chọn những chung cư mini vừa đông đúc chật chội, vừa nằm tít trong nơi hang cùng ngõ hẻm. Điều này cũng khiến cho những mối nguy về phòng cháy chữa cháy tăng cao hơn.
Xe cứu hoả không vào được đâu ạ, vừa sâu vừa chật
Xe cứu hoả không vào được đâu ạ, vừa sâu vừa chật
Có một số quan điểm cho rằng "Sao không ra ngoại thành vừa rộng vừa rẻ, cứ cố bám víu cả đời trong cái xó đấy rồi mua lấy khổ nhọc?". Cái này thì đúng với người này nhưng chưa chắc đúng với người khác.
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nếu được quyền lựa chọn ắt không ai chọn ở nơi chật chội xấu xí làm gì.
Vì những yếu tố mình liệt kê bên trên, mình cho rằng để giải quyết vấn đề an toàn nơi ở sẽ là bài toán hóc búa và lâu dài (xin phép không lấn sân và không trả lời bình luận liên quan tới lĩnh vực đao to búa lớn như Quy hoạch đô thị hay Trách nhiệm các cơ quan ạ). Cá nhân mỗi người hãy cố gắng hạn chế rủi ro có thể xảy ra hết mức có thể ạ.
Kết bài, mong mỗi cá nhân chúng ta nâng cao ý thức về sử dụng điện/phòng cháy chữa cháy để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên có thể xảy ra.
Cố gắng học thuộc vì bản thân và vì cả cộng đồng
Cố gắng học thuộc vì bản thân và vì cả cộng đồng