Tôi rảo bước trên cầu. Cây cầu run bần bật qua những bước tôi đi. Tiếng còi xe, ánh sáng chói lòa, đoàn tàu đang đến.

 Xịch xịch xịch

Bây giờ là buổi đêm. Đoàn tàu không biết rời ga hay về ga. Chẳng mấy chốc đuôi tàu khuất xa tầm mắt. Bất giác tôi nhớ trích đoạn huyền thoại “Hai Đứa Trẻ” làm chấn động lứa 2000 thi Đại Học năm nay.
Trong hình ảnh có thể có: tàu hỏa, bầu trời và ngoài trời
Ảnh: Friends of Long Bien Bridge

Khác với miêu tả của đoạn trích đậm tính nghệ thuật trên, dọc hai bên cầu hiện giờ là các đôi trẻ, họ chim nhau, vài đôi ôm nhau, vài đôi táo bạo hơn: đá lưỡi và sờ mó nhau. Nghĩ cũng thú, cuộc cách mạng tình dục ngầm khiến giới trẻ của chúng ta ưa hò hẹn ở vài chỗ lãng mạn. Cầu Long Biên là một chỗ lãng mạn như thế.
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đám mây, cầu, ngoài trời và nước
Ảnh: Cao Tiến Duy

Với tôi, Long Biên không chắc là lãng mạn lắm. Đúng hơn là cổ kính, hào hùng và đáng ngưỡng mộ. Khi tôi đang viết bài này cây cầu của chúng ta đã được 116 tuổi. Sắp bằng tuổi của người già nhất quả đất hiện tại. Với số năm đó, 3.000 công nhân xây cầu năm nào chắc hiện tại xương cốt cũng đã hòa với đất, với nước của Đại Việt ta.
Le pont Doumer, dans l'album Dieulefils, vers 1910

Tôi lại rảo bước trên cầu. Cây cầu tiếp tục run bần bật. Xe cộ vẫn chạy trên cầu bất kể đêm ngày.

'Uống nước không cháu”- Cô bán nước đon đả.

Tôi nở một nụ cười thật tươi- nụ cười vẫn thường được dạy trong các trang sách Self Help tôi hay đọc. Và buông ra một câu từ chối chuẩn kỹ năng mềm 4.0:

“Dạ không ạ. Cháu cảm ơn bác”.- Rồi đi thẳng.

Không phải tôi không thích uống nước, tôi khát bỏ mẹ. Nhưng từ khi biết rõ tật chặt chém của bà con ở đây tôi cũng đỡ khát phần nào: 50k cốc nước chanh, 100k thuê cái chiếu, 100k đĩa hướng dương...
Tôi ngẫm nghĩ, nếu bác gái biết được những thứ mà cầu Long Biên trải qua liệu bác có làm vậy.
Rằng là vào sáng sớm tháng 2 năm 47, 1000 anh em Văn nghệ sĩ, tri thức và trung đoàn thủ đô đã từng vượt qua cầu an toàn tuyệt đối dưới gầm cầu khi trên cầu có đầy rẫy lính viễn chinh Pháp đang tuần tra. Rằng là cây cầu đã tiễn chân những thằng lính Pháp cuối cùng về mẫu quốc trong năm 1954.
Tôi dừng lại, ngồi lên thành cầu. Tận hưởng những làn gió mát thổi từ sông Hồng vào. Gió đêm mát rượi. Gió ở Sông Hồng đượm mùi phù sa và hơi thở của người Hà Nội. Cái áo sơ mi của tôi bay lật phật trong gió. Hà Nội mùa này oi ả hơn bao giờ hết, được tận hưởng những cơn gió này là dễ chịu hết mực.
Tôi thở dài. Gió mang tiếng thở của tôi đi xa. Gió xoa dịu tâm hồn tôi. Gió đưa tôi về với những ký ức mà người Hà Thành hiện đại đang cố chối bỏ.
Tôi đã từng đọc được một câu văn rất tâm đắc như thế này:

“Một người có ký ức hoàn toàn mới, sẽ là một con người mới.

Một thành phố bị mất ký ức, sẽ trở thành một thành phố khác.”

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, xe đạp và ngoài trời
Ảnh: David Alan Harvey 

“Giống như người dân Hà Nội khi xưa đã tự mình, dù là hồn nhiên trong cơn say cách mạng, đập bỏ đi những substance của thành phố chỉ vì cho rằng nó thuộc Pháp. Kể từ khi Bà Đầm Xòe sụp đổ ở Cửa Nam, những ký ức bình đẳng bác ái cũng mất đi. Để rồi hôm nay người Hà Nội sẵn sàng chửi nhau chỉ vì vô tình chạm xe ở đèn đỏ ngã tư, hay tranh cướp hoa ở hội chợ. Một Hà Nội xô bồ và vô liêm, chèn ép nhau không chỉ vì chức quyền, đất đai mà có khi chỉ vì hơn nhau một tiếng gáy. Một Hà Nội vơ vét không phải vì đói khát. Một Hà Nội chiếm đoạt tương lai ngay từ quá khứ của chính mình.”

Mọi chuyện rục rịch từ đầu năm 2014, khi bộ Giao Thông Vận Tải đề xuất 3 đề án về cầu Long Biên. Nhưng thực chất cả 3 đều được các chuyên gia nhận định là phá hoại cầu, phá hoại di sản.
Đối với tôi cây cầu như một người mẹ già, rất già. Trước đây người mẹ ấy chưa bị thay thế bởi cầu Thăng Long, cầu Chương Dương. Người ta kể lại rằng :” ngày nào cũng vậy đội cầu sơn sửa suốt ngày cần mẫn, nắng cũng như mưa bám trên thành cầu, cọ gỉ thanh giằng, sơn từng tí một bằng chổi quét tay, cọ cạo gỉ bằng bàn chải sắt, thủ công hết mực và cây cầu vẫn luôn đẹp và sạch, tươi tắn trong trạng thái được mọi người cần đến.”
Dân tộc Việt mình thật lạ, khi đã khấm khá hơn một chút, có những thứ thay thế tốt hơn một chút chúng ta đã vội quay lưng với những thứ ngày xưa từng nâng đỡ, che trở mình.
Thực tế cuộc sống cũng vậy, nhiều bà mẹ Việt Nam khi sống đã chẳng được đối đãi ra sao, khi sắp chết thì đỏ sâm nhung, khi chết thì ma chay ầm ĩ, con cái khóc rống lên được vài tiếng cốt để chứng minh lòng hiếu thảo.
Mà điều này không chỉ nằm ở Hà Nội. Gần đây cũng đang nổi lên vụ đòi đập bỏ Dinh Thượng Thơ 160 tuổi ở Sài Thành nữa. Dư luận vẫn chưa hề nguôi ngoai...
Tôi vẫn tiếp tục ngồi trên thành cầu, cây cầu rung lên từng cơn, gió vẫn mơn man thổi. Tôi lẩm nhẩm.

19 nhịp cầu, 20 trụ cầu, mỗi trụ cao 40m, 131 vòm cầu gạch, dài 2.3 km, ...

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, ngoài trời và nước
Ảnh: Dung Tran Quoc

Đây là thông số tôi nhớ vanh vách. Một thằng sinh viên Kỹ Thuật chuyên ngành Xây Dựng như tôi luôn phải học những cái như vậy. Khô khan nhưng chuẩn xác.
Lịch sử lại dạy tôi những điều mềm mại hơn. 19 nhịp 20 trụ thì vào năm 67 và 72 Mĩ nó ném bom hỏng cmn 9 nhịp và 4 trụ rồi. Tôi cười chua xót, nhân quyền cái gì.
Gần đây bộ Giáo Dục công bố điểm Sử. Sử luôn luôn nằm trong top những môn dễ nhất nhưng lại có điểm kém nhất. Tôi rất buồn. Einstein từng nói “Giáo dục là thứ gì còn lại sau khi anh đã quên những gì anh học ở trường.” Tôi nghĩ rằng giáo dục đã thất bại ở Việt Nam, ít nhất là trong ngành Lịch Sử. Để rồi một thế hệ lãnh đạo vô tình hay cố ý có thể đòi đập bỏ đi những thứ quý giá như Long Biên hay dinh Thượng Thơ vậy.

Điều tôi lo nhất không phải thế hệ tôi, mà là khi tôi có con cái, khi chúng hỏi về quá khứ của dân tộc mình. Tôi sẽ ú ớ mà lảng sang chuyện khác. Và sẽ chẳng bất ngờ khi nó lớn lên và đòi đập đổ công trình của thằng bố và thằng chú nó xây ra.
Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cầu, đêm và ngoài trời
Ảnh: Linh Pham


Link tham khảo
https://bit.ly/2KP6Kgx
https://bit.ly/2lVmEej
https://bit.ly/2Nb9CoK
https://bit.ly/2tXmEPv
https://bit.ly/2zxtKPX

Nếu bạn quan tâm đến dự án Save Long Biên của chúng tôi: https://www.facebook.com/Friends-of-Long-Bien-Bridge-1445235155568259/

Don’t burn bridges behind you!