Dù rất thích đọc về những quan điểm và tranh luận trên Spiderum, mình luôn cảm thấy hơi mệt mỏi với những cuộc 'cung đấu' trên mạng. Có những cuộc tranh luận cực kì căng thẳng, gay gắt và theo mình thấy, không cần thiết. 
Có những bài viết khá sâu sắc, thể hiện những quan điểm và cá tính đặc biệt của người viết. Đã là quan điểm cá nhân, không thể tránh khỏi những điều có tính chủ quan. Vì vậy những bài viết này dễ trở thành mục tiêu của nhiều quan điểm trái chiều. Thay vì chọn cách bổ sung, đóng góp, chúng ta lại thường thấy những bài phản biện cực logic, cực tư duy, nhưng lại trên tinh thần đấu trí, công kích.
Nhưng việc gì chúng ta phải đem thù hằn vào câu chữ? Chúng ta đâu khác nhau bao nhiêu đúng không? Có lẽ mỗi chúng ta chỉ đang muốn tiến gần hơn với tri thức và sự thật. Vậy thì mình cùng một team rồi, nhỉ? 
Vì vậy, điều mình muốn chia sẻ là, chúng ta hãy thử thay đổi tinh thần từ tranh luận sang thảo luận. Vì khi xây dựng và đóng góp từ những ý kiến chủ quan, chúng ta sẽ tìm được những sự thật khách quan quý giá hơn.


Trước hết, hãy phân biệt rõ ràng thế nào là khách quan và chủ quan:
- Khách quan: Cái mà nhiều người nhìn thấy
- Chủ quan: Cái mà chỉ có mình bạn thấy  

Quan điểm là gì?
Để mở rộng hơn về đề tài này, chúng ta nên thảo luận thế nào là QUAN ĐIỂM. Nếu dịch nghĩa ra nghĩa đen, nó chính là điểm nhìn của bạn, tại nơi mà bạn đứng. Nó là thế giới quan của bạn.





Khi đối diện với quan điểm của người khác, điều nằm trong vùng nhìn thấy của cả 2 bạn cùng thấy,  sẽ là QUAN ĐIỂM CHUNG của 2 bạn.






Tuy nhiên trong đa số các cuộc thảo luận, chúng ta còn có yếu tố thứ 3: Những SỰ THẬT KHÁCH QUAN đến từ XÃ HỘI. Đây là những điều đã được số đông công nhận, và có bằng chứng khó phủ nhận, ít nhất là trong phạm vi của xã hội đó.





Điều này tạo ra những điểm giao như sau
Những điểm giao trong quan điểm của Bạn, Người khác, và Xã hội
VÙNG LÝ TRÍ
Sự thật không bàn cãi:
Sự thật được xã hội công nhận khách quan,
mà cả bạn và đối phương đều hiểu biết đến.
Sự thật bạn thấu hiểu 
Điều khách quan trong xã hội mà bạn hiểu,
mà đối phương chưa biết đến.
Sự thật họ thấu hiểu 
Điều khách quan mà họ biết, bạn thì chưa.
Sự thật không ai biết 
Còn phải hỏi nữa hả?
VÙNG CẢM TÍNH
Cảm xúc và quan điểm của bạn
Điều bạn tin, bạn cảm thấy đúng,
dựa trên giác quan, trải nghiệm, cuộc đời bạn.
Nhưng sẽ chưa có bằng chứng khách quan.
Cảm xúc và quan điểm của người ta
Bạn tin được, tại sao người ta không tin được?
Bạn cần tôn trọng khu vực này.
Điều đồng cảm
Điều mà bạn và đối phương chia sẻ và có cùng quan điểm.
(Chung niềm tin, hoàn cảnh, , tôn giáo, phong cách sống…)



Trong một cuộc thảo luận, cần tôn trọng QUAN ĐIỂM của nhau và hiểu rõ mục đích thảo luận là để hiểu người ta nói và nói người ta hiểu.
Khi thảo luận về những điều trong VÙNG LÝ TRÍ
  1. Hãy tìm những sự thật không bàn cãi để làm ngữ cảnh và tiếng nói chung. 
  2. Bạn có thể sử dụng những sự thật bạn thấu hiểu làm dẫn chứng. Nhưng đừng dùng nó để công kích, tạo cho đối phương rằng bạn nói họ thiếu hiểu biết.
  3. Khi đối phương nói đến những sự thật họ thấu hiểu, hãy tìm sự kiểm chứng. Có thể bạn sẽ học được thêm điều gì đó.
  4. Khi không đủ dữ kiện, nên tìm thêm sự thật không ai biết. Có thể cả 2 bạn đều chưa đủ dữ kiện để cuộc thảo luận này tiến xa hơn.
Khi thảo luận về những điều trong VÙNG CẢM TÍNH
  1. Chia sẻ quan điểm cá nhân của mình để tìm sự đồng cảm, nhưng đừng áp đặt những quan điểm này như sự thật.
  2. Lắng nghe quan điểm cá nhân của họ và thấu cảm để hiểu họ đến từ phương diện nào.
  3. Tìm những điều đồng cảm để có thể chia sẻ, thấu hiểu cảm xúc nhau hơn. 



Sẽ có những lúc bạn không tìm được những điểm chung.
Có thể là vì bạn và đối phương quá khác nhau, không đứng cùng một
MẶT PHẲNG (common ground)
Điều này đòi hỏi bạn phải THAY ĐỔI GÓC NHÌN (shift your perspectives)
Có thể chúng ta sẽ luôn tranh cãi nếu không tìm được một mặt phẳng chung.
Luôn có cách để bạn xích lại gần hơn với đối phương. Nếu bạn cởi mở, muốn tìm hiểu và có nhiều kiến thức, TẦM NHÌN của bạn sẽ rộng ra. Nếu vẫn giữ nguyên những định kiến và cái tôi, bạn sẽ ngày càng thu hẹp TẦM NHÌN.
Hãy tìm cách tăng sự thấu hiểu và thấu cảm của mình.
Hãy nhớ rằng, bạn muốn nói, và đối phương cũng muốn nói. 
THẢO LUẬN là một câu chuyện 2 chiều.
Hãy hiểu rõ mục đích truyền thông của mình.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau cũng không sai.  

TRUYỀN LÀ PHẢI THÔNG, 

TRUYỀN MÃI KHÔNG THÔNG SẼ BỊ THÂM, 

ĐÃ THÂM THÌ KHÔNG CÓ THIÊNG.  

P/S: Nửa đêm đang viết bài này, mình nhìn thấy bài viết từ Spiderum team về đề tài Ứng xử với nhau trên Spiderum. Tuyệt ghê.
5 giây quảng cáo nhẹ. Nếu bạn ở Sài Gòn và là người thích tư duy, hãy tìm hiểu thử lớp học De—Sign: Thiết Kế Tư Duy. Nhờ học lớp này mình mới viết được bài này. Và còn gặp được nhiều người có tư duy thú vị nữa.