Hai tháng sau khi báo cáo luận văn tốt nghiệp đại học, tôi có mặt ở xứ “cờ hoa”. Cũng như bao du học sinh khác, tôi phải đi làm để trang trải sinh hoạt phí. Thường thì du học sinh không có nhiều sự lựa khi đi làm thêm, quanh quẩn cũng chỉ bưng phở với dũa nail. Ba tuần sau khi đến nơi mới, tôi đến phụ việc tại một tiệm nail nằm ở trung tâm thành phố, cách nhà chừng mười phút lái xe. Ở Việt Nam, một thói quen thường trực của tôi là đặt một hai quyển sách ở nơi làm việc, khi nào ít việc thì lôi chúng ra xem. Vì đã là du học sinh, thay vì đọc sách tiếng Việt, tôi thiết nghĩ nên chuyển “gu” sang văn học Anh. Những quyển kinh điển được ưu tiên đọc trước, vì những kiến thức trong ấy, bằng cách nào đó có thể làm giàu cho vốn sống của tôi về người Tây và tiện thể, để mở ra cơ hội giao du vào giới trí giả bên này. Làm việc ở tiệm nail ba ngày một tuần, khi nào vắng khách là mang sách ra đọc.
Thực ra đọc sách ở tiệm nail ngay cả khi vắng khách cũng không mấy dễ dàng, tôi rất dễ mất tập trung; chốc lát lại có khách gọi hỏi giá cả, đặt lịch hẹn, người ra kẻ vào tuy không nhiều nhưng cũng đủ làm cho sự tập trung bị dán đoạn. Mỗi lần bị phân tán tư tưởng, tôi phải tập trung lại từ đầu và việc này cực ngốn thời gian. Hè năm ngoái, phải mất hơn một tháng để tôi hoàn thành quyển The Hundred-Year-Old Man Who Climbed Out the Window and Disappeared (Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất) của nhà văn Thuỵ Điển Jonas Jonasson – mặc dù tôi đã đọc quyển tiếng Việt từ trước. Quyển The Intelligent Conversationalist (tạm dịch: nhà đối thoại thông minh) thì xong sớm hơn một chút vì nó được viết theo lối khoa học, chia theo từng phần tách biệt, không cần phải dõi mạch truyện như những quyển tiểu thuyết văn chương.
Mỗi lần bị gián đoạn, tôi đã phải đọc đi đọc lại một câu rất nhiều lần, và nhiều khi là cả đoạn văn. Sau nhiều lần phải chống chọi với môi trường “khắc nghiệt” như vậy, tôi bắt đầu nhận ra rằng: ở một mức độ nào đó, đây chính cũng là quá trình một nhà văn phải trải qua để có được một quyển sách hoàn chỉnh. Tác giả của một tác phẩm phải vật lộn với từng từ, cân nhắc từng câu, rồi đưa câu thành đoạn, đoạn hợp thành chương và từ đó quyển sách mới thành hình.
Tôi cũng không suy nghĩ nhiều về chuyện này mãi cho đến khi học một vài môn trong chuyên ngành văn chương Anh. Richard Seehuus, một trong các giáo sư yêu thích của tôi đã giới thiệu một phương pháp đọc khá hay mà trước đó, tôi đã tình cờ được trải nghiệm tại tiệm nail. Phương pháp này có tên là “Đọc như một nhà văn” (Read like a writer). Khi bạn đọc như một nhà văn tức là bạn phải suy nghĩ xem, tại sao tác giả lại sử dụng phương pháp lập luận này thay vì phương pháp lập luận khác. Tại sao tác giả lại chọn luận điểm này trong vô vàn các luận điểm? Tại sao Nam Cao lại chọn chi tiết “bát cháo hành” thay vì những chi tiết khác cho tác phẩm Chí Phèo? Tại sao Nguyễn Du lại chọn phương pháp so sánh ước lệ thay vì miêu tả trực tiếp nhan sắc Kiều? Khi bạn xác định và trả lời được những câu hỏi như thế, là bạn đã tiến gần hơn với cách viết chuyên nghiệp hoặc có thể tránh được những lỗi mà các tác giả non tay mắc phải.
“Đọc như một nhà văn” là phương pháp bạn phải tìm hiểu cách từng phần của văn bản được ghép vào nhau và căn nhắc xem có nên áp dụng những phương cách ấy vào bài viết của bạn hay không. Vậy “đọc như một nhà văn” khác với cách đọc thông thường như thế nào?
 Hầu hết chúng ta đọc để lấy thông tin. Đọc một quyển sách nấu ăn để nấu món bánh xèo miền Tây. Đọc báo thể thao để xem kết quả giải Ngoại hạng Anh tối qua, lướt Facebook để xem ai vừa mới bình luận vào ảnh bạn. Đọc quyển sách lịch sử về các triều đại phong kiến Việt Nam. Đó là đọc để lấy thông tin, “đọc như một nhà văn” đòi hỏi một sự khác biệt.
Năm 1940, nhà thơ, nhà phê bình văn học Allen Tate đã bàn về hai cách đọc trên như sau, ông quan niệm: 
“Có nhiều cách đọc, nhưng tựu chung lại có hai cách chính. Hai cách này giống như cách ta quan sát một công trình kiến trúc. Nếu công trình ấy có sử dụng cột Corinthian (một loại cột phổ biến trong kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ) và bạn là một người hứng thú với sử học, bạn có thể nghiên cứu về nguồn gốc và sự phát triển của cột Corinthian. Nhưng nếu bạn là một người đam mê kiến trúc, bạn có thể phớt lờ về khía cạnh lịch sử; thay vào đó, bạn sẽ tìm hiểu về kết cấu của nó, từ tổng thể công trình cho đến từng chi tiết nhỏ nhặt. Còn nếu bạn muốn xây một cái cột ấy cho riêng mình, bạn hiểu thật chính xác kết cấu và cách thức xây dựng”.
Charles Moran, giáo sư ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Massachusetts cũng khuyến khích phương pháp đọc này, vì ông cho rằng, khi ta “đọc như một nhà văn”, ta sẽ hiểu và đồng hành cùng người viết trong từng câu chữ. Ta có thể quan sát cách người đó đưa ra quyết định, xem họ “đúc khuôn” cho bài viết như thế nào.

Đọc thêm:

Khi bạn “đọc như một nhà văn”, nhiệm vụ chính của bạn là tìm hiểu cách mà một tác phẩm được xây dựng và áp những kiến thức ấy để làm giàu cho kỹ năng viết của mình. David Jauss cũng so sánh tương tự, ông viết: "Việc đọc sẽ là vô nghĩa trừ khi bạn học cách đọc như một nhà văn. Bạn phải nhìn vào một quyển sách một người thợ mộc nhìn vào một ngôi nhà, kiểm tra kỹ lưỡng các chi tiết để xem chúng được thực hiện như thế nào". Có lẽ, tôi nên đổi tựa đề bài viết thành “Đọc như một kỹ sư xây dựng” hay “Đọc như một anh thợ mộc” thì hợp lý hơn.
Vậy làm thế nào để ta có thể “đọc như một nhà văn” và vận dụng những gì học được từ phương pháp này nâng cao trình độ của bản thân? Tôi xin tổng hợp sáu thành tố mà ta cần lưu ý.
Thứ nhất là dụng ý của tác giả. Dụng ý chính là trái tim của tác phẩm. Hãy tự hỏi, tác giả đang viết về vấn đề gì? Thể loại văn bản tác giả sử dụng có đang hỗ trợ người đó đạt được mục đích không? Làm thế nào để tác giả ấy đạt được mục đích của bài viết? Những gì tác giả chọn đề cập liệu có thuyết phục? Hay đơn giản hơn, trước khi bắt đầu đọc một quyển sách, bạn hãy thử đoán xem mục đích của tác giả là gì? Độc giả tiềm năng của tác phẩm này là những ai?
Thứ nhì là kết cấu của tác phẩm. Kết cấu là cách tổ chức và bố trí các ý trong tác phẩm, và cũng như cách người viết chuyển từ ý này sang ý kia, đoạn này sang đoạn kia, chương này sang chương kia. Những đại văn hào kiểm soát nhịp độ câu truyện ra sao? Tại sao nhà văn này lại sử dụng quy nạp thay vì diễn dịch? Bạn cũng nên lưu ý về thủ thuật chuyển đoạn tác giả sử dụng? Thí dụ khi đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa, bạn tự hỏi những thủ pháp nào nhà văn La Quán Trung đã vận dụng lại kiến độc giả vừa kết thúc một hồi truyện dài, lại muốn lật sang hồi kế tiếp? Hơn nữa, bạn phải để ý xem họ làm phần “kết bài” như thế nào? Hãy nhớ đến cái kết bài gần đây bạn được đọc, kết bài ấy có để lại cho độc giả nhiều điều suy ngẫm không?

Điểm kế tiếp là giọng văn. Giọng văn hay ngữ điệu là phương tiện thể hiện tính cách của nhà văn hoặc các nhân vật trong tác phẩm. Làm thế nào để nhà văn thổi hồn cho tác phẩm? Làm thế mà các văn sĩ tạo ra dấu ấn cho riêng mình để không bị hoà tan với hàng ngàn, hàng vạn người viết khác?
Cách lựa chọn từ ngữ của tác giả. Bạn hãy để ý đến cách mà nhà văn lựa chọn từ ngữ để diễn đạt ý tưởng. Những kỹ thuật nào (tu từ, ẩn dụ, cường điệu, nhân hoá, so sánh…) mà nhà văn sử dụng để làm tác phẩm của họ mạch lạc hơn, đáng nhớ hơn và hiệu quả hơn? Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, không nghiễm nhiên mà Nguyễn Tuân mệnh danh là “thầy phù thủy ngôn từ”. Trước hết, ông có vốn từ vựng phong phú đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, sau nữa là cách ông vận dụng vốn kiến thức ấy một cách thuần thục và tự nhiên vào trong văn của mình.
Nhịp điệu. Ta có thể gọi đây là tính nhạc trong tác phẩm. Một tác phẩm đạt đến đỉnh cao về độ trau chuốt và khả năng lựa chọn từ ngữ, nó sẽ có một giai điệu rất êm tai. Ví dụ trong Hịch Tướng Sĩ có một đoạn được xem là kinh điển:“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.”Đoạn này được Trần Quốc Tuấn vận dũng lối viết biền ngẫu, một thể văn gồm nhiều vế đối nhau theo cặp, mỗi cặp gọi là một "liên". Nghe mới êm tai làm sao! Trong Cung Tâm Kế, nhân vật Lưu Tam Hảo được mẫu thân dặn dò là phải “nói điều hay, làm việc tốt, có lòng thiện”, nếu ta sửa câu này thành “nói điều đúng đắn, làm việc tốt, có lòng dạ bồ tát” thì cũng được, nhưng tính thẩm mỹ của câu nói đã giảm đi bội phần.
Cuối cùng, những chi tiết nhỏ nhặt nhưng lại rất quan trọng. Những chi tiết này bao gồm cách tác giả ngắt câu, sử dụng các dấu câu, cách chuyển đoạn, cách tác giả phân chia độ dài của đoạn, độ dài từng phần của bài viết. Bạn hãy dành thời gian để ý đến trình tự xảy ra của các biến cố, cách các giả tự sự, thứ tự xuất hiện của các nhân vật... Sau đó bạn hãy tự trả lời cho câu hỏi: Nếu tác giả làm khác đi những yếu tố trên, thì tác phẩm đó sẽ thay đổi như thế nào? Cảm xúc của độc giả sẽ biến thiên ra sao?
Tóm lại, “đọc như một nhà văn” giúp ta đồng hành cùng tác giả trên từng câu chữ. Giúp ta thả hồn vào trong tác phẩm, từ đó làm giàu hơn cho kiến thức và tâm hồn mình. Hơn nữa, thời đại bùng nổ của thông tin đang đi đến cao trào và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thông tin tràn lan trên tất cả các phương tiện, dù muốn hay không ta vẫn phải đối mặt với những thông tin nhảm nhí và thiếu khoa học hằng ngày. “Đọc như một nhà văn” giúp ta có một tư tưởng độc lập, không bị lệ thuộc vào người viết.
Đọc-viết là hai tác vụ diễn ra song song và liên tục trong suốt vòng đời của một cá nhân. Hơn bao giờ hết, viết là một trong những kỹ năng tối quan trọng trong thị trường lao động. Viết cũng là cách để bạn truyền đi thông điệp của chính mình, để tâm tư của bạn được lắng nghe và giúp chúng tồn tại lâu bền. Để trở thành một người viết hiệu quả, trước hết phải là người “biết đọc” và phương “đọc như một nhà văn” sẽ giúp bạn đạt được những gì bạn muốn truyền đạt.

_______
Anh Thợ Nail
Bài cùng chủ đề:
Tài liệu tham khảo: 
Jauss, David. “Articles of Faith.” Creative Writing in America: Theory and Pedagogy.  Ed. Joseph Moxley. Urbana, IL: NCTE, 1989. Print.
Moran, Charles. “Reading Like a Writer.” Vital Signs 1.  Ed. James L. Collins. Portsmouth, NH: Boynton/Cook, 1990. Print.
Tate, Allen. “We Read as Writers.” Princeton Alumni Weekly  40 (March 8, 1940): 505- 506. Print.
Bunn, Mike. How to Read like a Writer. The Saylor Foundation, 2011.
Peha, Steve. Reading: Read Like a Writer -- Comprehension Strategies Six Traits Assessment, www.ttms.org/say_about_a_book/read_like_a_writer.htm. Accessed 24 Sept. 2017.