Picture: My Library by Tom Gauld

Thế kỷ thứ 21 Tây lịch, đệ nhị thập niên, Đông Lào quốc, người ta rộ lên phong trào đọc sách. Triều đình khuyến khích việc xuất bản. Các ty, cục xuất bản đua nhau mua bản quyền sách từ các nước ngoại bang. Nhà in lúc nào cũng có người vào ra tấp nập. Các hội, bang, thư quán, phường đọc sách mọc lên như nấm.
Tiết Xuân phân, Đinh Dậu niên, 2017 năm sau Công nguyên, một anh thợ nail biên:
Anh hùng nghĩa sĩ ở xã hội Đông Lào hầu hết đều bàn đến cái lợi của việc đọc sách, nhưng không ai nói đến cái hại của nó. Học trò xin nêu ra dăm ba điều hại:
Thứ nhất, đọc sách cũng giống như nghe kinh, xem porn hay nghe hát, tất cả đều phải hiểu được dụng ý của tác giả. Người đọc sách chẳng những phải hiểu được ý tác giả, còn phải giữ được cái nhìn khách quan.
Tác giả nói gì cũng nghe răm rắp là không được, khả năng bị nô lệ tư tưởng là rất cao. Nếu độc giả không biết cách giữ cho mình một cái đầu nóng và một trái tim lạnh, thì đọc sách cũng giống như thẩm thấu “thứ cặn bã của thánh nhân” vậy.
Ở thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tề có một ông vua là Hoàn Công (桓公). Hoàn Công đương ngồi đọc sách ở trong nhà. Ngay lúc ấy ở ngoài hiên có một anh thợ mộc tên là Luân Biển đang ngồi đẽo bánh xe, anh này là một tay rất hài hước, khi nghe tiếng đọc sách rất ư khô khan trong người thấy khó ở.
Luân Biển mới vào nhà hỏi Tề Hoàn Công rằng: “Tâu bệ hạ, bệ hạ đang đọc sách gì vậy?” Hoàn Công ngạc nhiên trước sự bất kính của của Luân Biển, nhưng cố đáp: “Trẫm đang đọc sách của thánh nhân."
Luân Biển lại hỏi: “Thế thánh nhân hiện còn sống không?” Hoàn Công đáp: “Thánh nhân đã qua đời từ lâu rồi."
Luân Biển nghe vậy tỏ ra vô cùng ngạc nhiên: "Ồ, ra thánh nhân đã chết từ đời tám hoánh nào rồi, vậy thì sách bệ hạ đang đọc đây chắc chắn là những thứ cặn bã của cố̉ nhân để lại."
Tề Hoàn Công nghe vậy tức giận nói: “Trẫm đang đọc sách của thánh nhân, ngươi là một anh thợ mộc ất ơ, đầu óc lúc nào cũng chứa toàn những dùi đục với rìu búa thì biết cái đếch gì mà cũng chõ mõm vào, ngươi dám nói sách của cổ nhân là cặn bã, nếu ngươi không nói rõ được nguyên nhân thì ta cho đít ngươi trổ bông.”
Luân Biển thản nhiên đáp: “Xin bệ hạ bớt giận, thần chẳng qua chỉ dựa theo kinh nghiệm làm bánh xe của mình mới nói vậy thôi. Ví như đẽo mộc chẳng hạn, nếu đẽo nhỏ rồi thì mộng bám không khít, không thể chắc chắn được. Còn như đẽo quá to thì lại không thể lắp vào mộng cái, cho nên chỉ có đẽo cho vừa phải, không to mà cũng không nhỏ thì mộng mới bám chặt, bánh xe mới không bị xộc xệch. Kỹ thuật này có thể dùng lời nói để miêu tả. Còn những thứ độc đáo và tuyệt diệu trong học vấn của cổ nhân thì làm sao có thể nói rõ ràng được, cho nên những thứ bệ hạ đang đọc đây chẳng phải cặn bã của cổ nhân là gì?"
Hoàn Công nghe xong, cảm thấy lời nói của Luân Biển rất có lý, nên không nỡ bắt tội, lại thưởng cho hắn thùng dầu ăn.

Đọc thêm:

Thứ nhì, sách trong thiên hạ nhiều vô số, nếu không chọn được những quyển sách phù hợp thì sự học như mò kim đáy bể. Tài nguyên của con người (thời gian, sự minh mẫn, và tiền bạc) là hữu hạn, trong khi sách thì hầu như vô hạn. Nên vấn đề là đọc như thế nào, chứ không phải là đọc bao nhiêu.
Học trò có một ông bạn luôn miệng bảo rằng “Tớ không bao giờ kết bạn với những người chỉ đọc duy nhất một loại sách.” Thế mà có một hôm, học trò giới thiệu cho hắn ta một tác phẩm nhân gian hiếm có, chỉ được lưu truyền nội bộ, không xuất bản, hắn lại chê.
Tác phẩm ấy làm mưa làm gió suốt những năm giữa cuối thế kỷ 20, đi sâu vào ký ức của bậc cha, chú chúng ta. Đó một truyện ngắn xuất sắc về lĩnh vực miêu tả tâm lý và ngoại hình nhân vật. Kiệt tác ấy mang tên Cô Giáo Thảo. Nhắc đến Cô Giáo Thảo, ta làm sao quên được hồi ức tốt đẹp của một thanh niên mới lớn lên Sài Gòn học, và gặp cô giáo trẻ của mình. Tình cảm cô trò mới cao quý làm sao, mới hào sảng làm sao, thế mà anh bạn của học trò lại từ chối. Thế chẳng phải hắn quá mâu thuẫn với phương châm sống của mình chăng?
Quay lại cách đọc sách, con người hiển nhiên có xu hướng làm những thứ mình thích và không làm những thứ mình ghét. Người đọc sách mà cứ đọc mãi một loại sách thì rất dễ bị bó hẹp tư tưởng, mà bó hẹp tư tưởng thì cũng có khả năng dẫn đến bảo thủ và tự cao.
Thời gian gần đây cộng đồng mạng hay tập trung phê phán những bạn trẻ đọc sách self-help (loại sách dạy thành công kiểu như “Tay trắng dựng cơ đồ,” hay đại loại mấy sách dạy kiếm tiền). Người ta nói rằng, những cuốn sách self-help kia cũng giống như thứ cần sa tinh thần, ngoại trừ làm cho độc giả cảm thấy khoan khoái giống như thủ dâm ra thì cũng chẳng có được gì. Nhận định trên có phần đúng. Nhưng hãy suy xét lại, tư duy tích cực là một trong những yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công, nên đây cũng là loại sách không thể thiếu.
Giờ hãy đi đến kệ sách của bạn và phân loại xem, những cuốn sách của bạn có thể phân loại thành mấy chủ đề? Nếu chỉ toàn sách self-help như truyền cảm hứng hay dạy làm giàu thì bạn đã có một khởi đầu rất tốt. Điều kế tiếp là hãy tìm một loại sách khác mà đọc, như Cô Giáo Thảo chẳng hạn (học trò sẽ không dán link ở bài viết này).

Đọc thêm:

Thứ ba, nhiều người chỉ xem sách là một thứ trang sức. Vật chất là một thứ tài sản hữu hình, còn tri thức là thứ tài sản vô hình. Muốn khoe tri thức một cách hữu hình thì sách là giải pháp rất tốt. Trong nhà có một tủ rượu quý cũng tốt đấy, nhưng không bằng có một tủ sách to.
Hồi còn học phổ thông, học trò không đẹp trai, gia cảnh cũng chỉ “thường thường bậc trung." Lúc ấy cũng chẳng có gì lấy số, lấy má với đám bạn trong lớp.
Nhân lúc vừa mới đọc xong Binh Pháp Tôn Tử, học trò liền đặt ra chiến lược cho riêng mình là không nên cố gắng so bì điểm mạnh của đối phương (vì có cố gắng đến mấy cũng không giàu và đẹp như tụi nó được), ta phải tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình. Vâng, đó chính là sách. Và thế là trong suốt những năm cấp ba ấy, vào giờ rảnh học trò lại lấy sách ra đọc.
Cái cảm giác ngồi đọc sách trong giờ giải lao làm cho ta hệt như một bậc đại trí giả sống trong cảnh trần tục, bát nháo của đám hậu sanh tiểu bối vậy. Ngoài ra còn được bạn bè dán cho cái nhãn là uyên bác. Phê lắm đa.
Cuối đoạn, anh thợ nail lại biên:
Đọc sách là việc tốt, nô lệ tư tưởng tác giả là việc xấu. Chọn sách phù hợp giống như chọn đúng bạn để chơi (hoặc đúng loại porn để xem), và không nên chơi duy nhất một loại bạn (cũng như không nên xem chỉ một loại porn). Cuối cùng, mua sách để khoe khoang thì phí tiền lắm các mầy ạ.
______________
Note: 
Tiêu đề bài viết chỉ mang tính chất câu view rẻ tiền. Bài viết có nhiều lỗi chánh tả, dùng từ, và đặt câu, anh em nào thấy lỗi xin vui lòng comment bên dưới để học trò sửa lại. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp. 
Sincerely, 
Anh Thợ Nail