Tôi viết những dòng này vào đêm muộn, lúc tâm trí tôi lại trải qua cuộc khủng hoảng hiện sinh định kỳ.
Tôi từng cố tỏ ra mình ổn. À, có lẽ tôi vẫn đang tỏ ra mình ổn. Tôi, cũng như bao người khác, chỉ thích đăng những thứ tốt đẹp lên mạng xã hội, và giấu nhẹm đi những điều không ổn của bản thân mình. Điều này có gì là sai chứ? Ai lại chẳng muốn người khác ngợi khen cuộc sống của mình.
Nó không có gì là sai cả, chỉ là tôi thấy trớ trêu khi thấy mình cũng là nạn nhân của phong trào “sợ khủng hoảng” mà chính mình cũng góp phần tạo nên. Khi xung quanh ai cũng trông có vẻ hạnh phúc, ai cũng đăng ảnh cười tươi rói ở những địa điểm thú vị, thì việc ta ở nhà một mình và buồn trong mới thật thảm bại làm sao. Trong vô thức, ta đã để cho xã hội định đoạt giá trị bản thân mình, rằng tôi phải có đam mê, tôi phải có bạn bè, tôi phải làm hoạt động cộng đồng thì tôi mới là người “thành công”. Còn nếu trong cả năm lục album ảnh không có nổi một tấm ảnh đi từ thiện để đăng Facebook, hay không có đam mê để cập nhật bio thì rõ ràng là tôi thất bại rồi.
Bài viết này, từ một đứa trông-có-vẻ-triển-vọng như tôi, muốn cho các bạn thấy rằng thực ra ai cũng có khủng hoảng, ai cũng có mông lung, và ở tuổi đôi mươi đứa nào nói mình không có vấn đề thì 99% đang xạo.
Ngay chính tôi, một người suốt ngày đăng Facebook ảnh thành tích, rồi viết bài phân tích nhân sinh các kiểu trên mạng xã hội, cũng đã và đang đối diện với những khó khăn của riêng mình.
Chạy theo lời hiệu triệu của các tác giả Self-help, tôi cố gán cho bản thân thứ gọi là đam mê. Tôi biết mình rất yêu thích việt viết và cũng có chút năng khiếu với con chữ, nhưng theo mô hinh Ikigai thì tôi còn phải tìm thêm cả cách để kiếm ra tiền và cách để đóng góp cho xã hội nữa. Thế là trong một năm tôi đổi định hướng đến 3 lần. Nào là freelance copywriter, rồi làm brand marketing (không liên quan đến viết lắm, i know), và gần đây nhất lại thử theo hướng nghiên cứu học thuật. Bây giờ tôi đã tìm được đam mê chưa? Rồi. Nhưng tôi đam mê các sắc màu của cuộc sống, tôi đam mê những cuộc trò chuyện sâu sắc, tôi đam mê những giây phút mình đọc comment và có người cảm ơn về những giá trị mình trao trong các bài viết. Còn tôi chẳng đam mê một lĩnh vực cụ thể nào cà. Tôi còn quá trẻ để biết suy nghĩ này là đúng hay sai, nhưng tôi tự tin rằng chỉ cần tôi sống hết mình, và sống có trách nhiệm với những người xung quanh, thì không có đam mê cũng chẳng sao.
Còn hạnh phúc à? 4 tháng trước tôi vừa nằm trong bệnh viện để chữa bệnh lưng, vừa edit video du lịch với bạn bè từ 1 tháng trước với caption biết ơn cuộc sống của mình. Edit xong thì đâu đó tầm 3 phút sau tôi lại nghĩ về sự bất hạnh của bản thân; tại sao các bạn khác nghỉ hè thì đi thực tập, đi chơi các kiểu còn mình lại phải ở nhà chữa lưng.
Cũng cùng khoảng thời gian đó, tôi bị crush từ chối (trước đó 3 ngày tôi bảo với bạn “chắc chắn mình sẽ có người yêu”). Nghĩ cũng buồn. Buồn cười. Cười trong sự đau khổ và thất vọng về bản thân. Dồn thêm sự đau khổ về thể xác và tinh thần đó là sự bất lực khi bố mẹ mở tiệm bánh mới nhưng vì đau lưng nên tôi không phụ được gì. Nhìn bố mẹ làm việc đến kiệt sức, các trận cãi vã cũng tăng dần lên khiến tinh thần của tôi ngày nào cũng như bị ai đó cầm búa gõ vào.
Tôi chạm đáy.
Kể ra để các bạn biết một thằng suốt ngày viết thơ tình (các bạn ai muốn đọc thì comment tôi gửi cho vài bài), suốt ngày đăng ảnh với caption biết ơn gia đình và cuộc sống cũng có những phút giây khủng hoảng. Vậy nên bạn không có gì phải thấy tệ về mình.
Ngẫm lại, một trong những điều khiến sức khoẻ tinh thần của tôi tồi tệ hơn trong thời gian đó (và có lẽ bây giờ vẫn còn) là sự kỳ vọng cao về hạnh phúc của mình. Tôi tự thấy bản thân mình xứng đáng có người yêu xinh, có một đam mê mãnh liệt, có sức khoẻ tốt và có một gia đình hạnh phúc (người gì đâu mà tham lam). Tôi đã nhìn thấy những nhân vật trên mạng xã hội có cuộc sống như thế, vậy tại sao tôi lại không có được? Để rồi khi cuộc sống không như mong muốn, sự kỳ vọng chuyển sang sự thất vọng, sang những đêm trằn trọc suy nghĩ về giá trị bản thân, và không ít lần than với bố mẹ rằng tại sao lại sinh con ra như vậy.
Hạnh phúc âu cũng đến từ sự kỳ vọng
Hạnh phúc âu cũng đến từ sự kỳ vọng
Có lẽ nếu tôi biết giảm bớt sự kỳ vọng, nếu tôi chấp nhận rằng mình đang khủng hoảng và điều này là bình thường, thì có lẽ tôi đã bớt khốn khổ hơn.
Vốn dĩ ai cũng có một mặt nào đó cần khắc phục trong cuộc sống, kể cả những người có vẻ “thành công” nhất. Tỉ phú Elon Musk vẫn gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc và hàn gắn mối quan hệ với con gái. Khoa học gia Einstein cũng gặp khó khăn trong đời sống gia đình như bao người khác. Ai cũng có khó khăn, chỉ là bạn có biết hay không thôi.
Viết những dòng này không phải là để các bạn đọc xong rồi bảo ai rồi cũng có khó khăn mà thôi, rồi chẳng chịu giải quyết khó khăn của chính mình. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng bạn không nên để những dòng status của người khác quyết định tiêu chuẩn hạnh phúc của chính mình. Họ hạnh phúc? Ừ kệ họ. Tôi khủng hoảng? Tôi vẫn là tôi.
Cái tôi quan tâm ở đây là sau tất cả những khủng hoảng tôi gặp phải, tôi vẫn không để nó cướp đi niềm tin về bản thân, và về tương lai. Vốn dĩ những khó khăn, những hoang mang cũng là một phần vẻ đẹp của con người. Bởi nhờ đó mà ta biết được mình còn có thể cải thiện hơn nữa. Chứ như cái lũ cuộc sống hoàn hảo rồi thì có cái gì để phấn đấu đâu?