“Học nhiều vào con, thế mới đậu Đại học được cho nhà mình đỡ khổ, cho người ta bớt khinh mình đi đấy..”
“Cố học nha mậy, học làm cái gì ra nhiều nhiều tiền á”
Nghe câu chuyện của đàn em mình ở trường cấp ba trước đây tôi học mà thương, thấy hình ảnh của mình đâu đó ngày trước. Bây giờ các em còn chưa biết mình thích gì, mình giỏi gì, vậy mà phải lựa chọn một ngã rẽ lớn cho cuộc đời rồi..

Giờ này năm trước tôi cũng đang trong cuộc đua khốc liệt để ôn tập chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia.
Có lẽ vì tôi may mắn, cuộc chiến của tôi kết thúc chóng vánh đúng theo dự kiến của bản thân: Sáng ôn bài, chiều ôn bài, đăng kí nguyện vọng, tiếp tục ôn, đi thi, đỗ Đại học. Một công thức chuẩn mực khiến ai cũng gật gù hài lòng.
Đây là những gì người ta nói với tôi trong suốt thời gian ôn thi Đại học:
Đại học không phải là tất cả nhưng nó là con đường ngắn nhất để đến với thành công”
Đại học sẽ là cánh cửa quyết định số phận của em”
“Đỗ được trường Đại học tốt là một chiến thắng rồi cháu”
Đại học là..
Đại học sẽ..
Đại học….Đại học học….Đại..
ĐẠI HỌC!
Tôi đã bị tẩy não và tất cả với tôi chỉ còn lại hai từ “Đại học”.

Và bây giờ đây, tôi đang ngồi nơi giảng đường mà biết bao người mong ước, sống cuộc đời sinh viên mà nhiều sinh viên khác khát khao có được, làm những điều chỉ có thể làm trong tuổi trẻ này, tại nơi này.
Nghe thật tuyệt vời các bạn nhỉ..
Từ từ, dừng lại tí nè, có phải ta đã ém nhẹm đi một cuộc chiến nào đó? Cuộc chiến còn quan trọng hơn cả kì thi Trung học phổ thông Quốc gia? Nghĩ lại, tại sao mọi người tham gia vào cuộc chiến?
Vì để vào được Đại học sao? Có lẽ nhiều bạn cũng như gia đình đều nghĩ như vậy. Chẳng lẽ không phải vì bạn có một ước mơ được làm một điều gì đó nên mới sống chết để được vào Đại học sao? Như trở thành người truyền cảm hứng, thành doanh nhân với cuộc sống trong mơ, trở nên thật nổi tiếng hay vân vân mấy vạn mơ ước khác mà Đại học chính là con đường (mà dường như) dễ dàng để hiện thực hoá chúng nhất?
Ít nhất ở nơi tôi từng sống, học Đại học là để kiếm được một công việc làm ra thật nhiều tiền.
THẬT NHIỀU TIỀN!
Vì thế mà dường như mọi người đều mờ mắt với hai từ Đại học mà quên đi câu hỏi: Học cái gì? Để làm gì???

Có người chậc lưỡi bảo, học cái gì chả được nếu làm được nhiều tiền, sống một đời sung túc, nhàn hạ. Thế nên thiên hạ “nô nức” đăng kí nguyện vọng, nhà nhà đăng kí nguyện vọng, từ những ngành “thượng vàng” như bác sĩ, công an cho đến những ngành (được cho là) “hạ cám” như công nghệ thực phẩm, kế toán, giáo viên.. Xin chưa nói tới việc tại sao chúng ta dè bỉu những nghề trên bởi lí do thì nhiều ghê lắm! Hãy nói về việc đăng kí nguyện vọng. Nhớ mãi hồi ấy bạn tôi kháo nhau rằng: “Đăng kí đại đi chứ biết đâu, điểm thi cao đi đã rồi tính tiếp!”

Đăng kí nguyện vọng: Trận chiến tối thượng bị lãng quên..

Có thể bây giờ các bạn chưa nghe tôi đâu, rằng khoảng thời gian đăng kí nguyện vọng mới là cuộc chiến khốc liệt nhất. Đáng buồn là thế đó vậy nên để tôi kể bạn nghe những câu chuyện mà chỉ khi học “Đại học” rồi các bạn mới biết ha.
Tôi là một sinh viên năm nhất, xa nhà và không có người thân nơi thành thị nên đành ở kí túc xá. Một phòng tám người, đều là năm nhất lóc nhóc kéo lên thành phố kiếm cái chữ. Lạ ở chỗ có một người mà phải ít lâu tôi mới biết là lớn hơn mình một tuổi. Không phải thi trượt năm ngoái, anh học rất giỏi và đậu vào một trường Đại học đáng mơ ước của nhiều người. Anh đã nghỉ học và quyết định thi lại (sau một kì học Đại học). May mắn thay, anh đỗ Đại học lần thứ hai và học những điều khác hoàn toàn so vs những gì anh đã thấy ở trường cũ.
Người bạn đầu tiên của tôi trong câu lạc bộ là một người con gái đặc biệt, tôi đã nghĩ như thế trước khi nhận ra rằng lại thêm người nữa hơn tôi một tuổi quyết định rẽ cuộc đời mình theo một hướng khác, từ một trường Đại học nổi tiếng về nghệ thuật thành một trường chuyên về kinh tế.
Nói đến chuyện học kinh tế, chúng ta đều nhớ đến nó như một cơn sốt, một “hot trend” của nhiều năm trước nhỉ. Đông đến nỗi người ta mới bắt đầu nghĩ đến câu hỏi “học kinh tế để làm gì?” Mà đơn giản là kinh tế là gì?? Thôi kệ, nghe nói làm ra nhiều tiền nên cứ đăng kí đã.

“Anh thích nghệ thuật lắm, nhưng lại nghĩ rằng chỉ khi giàu có thì sáng tác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều” một tiền bối khoá trên đã tâm sự với tôi như vậy đó các bạn, hồi đó anh nghĩ học kinh tế thì mới giàu!
Cuộc đời đôi lúc như cuộc chơi mà chúng ta bị những thứ hào nhoáng làm cho mờ mắt, không thấy được điều thực sự quan trọng. Có những người nhận thấy, kịp lúc. Có những người nhận thấy, trễ một nhịp, đành trả giá để bẻ lái sang đường mới. Bất hạnh hơn, những người nhận ra quá trễ và không thể làm gì hơn ngoài đi tiếp trên con đường đó. 
Vậy các bạn ơi, có thực sự kì thi THPT Quốc gia là cuộc chiến khốc liệt nhất? Qua câu chuyện về những cá nhân xuất sắc đã từng cho rằng kì thi ấy là trận chiến duy nhất, có lẽ các bạn sẽ thể hiểu (thêm đôi chút).

Là một người sắp bước vào trận chiến, làm thế nào đây các bạn?

Thực sự nếu là trước đây, tôi thực chẳng biết nói thế nào cho các bạn. Thế nhưng một người đã giải đáp cho tôi những câu hỏi đó, một cách đầy tình cờ nhưng dường như (lại là) hiển nhiên.
Cô là một giảng viên đứng tuổi. Thực sự điều tôi chú ý chỉ là cô nói chuyện rất hay, đặc biệt hay. Hôm qua cô đặt câu hỏi cho cả lớp, rằng:
“Này các bạn trẻ, các bạn chọn học trường này, ngành này là để phát triển điểm mạnh hay khắc phục điểm yếu của bản thân??"
Cả lớp ngỡ ngàng trước câu hỏi, đặc biệt là tôi, người chưa bao giờ đặt câu hỏi đó cho bản thân dù đã học gần hết năm nhất Đại học. 
Tự hỏi các bạn sẽ trả lời câu hỏi ấy như thế nào? Riêng lớp tôi là một màn im lặng, chỉ có một tên duy nhất nhao nhao “để khắc phục điểm yếu ạ”. Cô cười (như mọi khi), hỏi cậu rằng tại sao lại như thế, vì cậu “buôn bán kém” nên vào đây khắc phục à?
Cậu sinh viên này trả lời rất tự nhiên, rằng vì thế mạnh và niềm đam mê của cậu ta là thiên văn học nhưng việc học và nghiên cứu những vì sao (có vẻ) thật là vô bổ và quan trọng nhất là (sẽ) không “kiếm được nhiều tiền” nên cậu ta đã học kinh tế với mong muốn “kiếm được nhiều tiền hơn”.
Câu chuyện của cậu ta có vẻ chẳng khác gì câu chuyện của tiền bối yêu nghệ thuật. Chỉ đơn giản là có lẽ anh ấy đã không học ca học này với chúng tôi.
Cô nhìn một cái gì đó thật xa xăm, cất giọng: “ Đã trải qua mấy chục năm thăng trầm, có lẽ tôi đã có thể trả lời được câu hỏi ấy. Học để khắc phục điểm yếu là không sai, thế nhưng lại là việc làm không hiệu quả bởi nếu bạn yếu mà có thể học để tốt lên thì bạn là một con người đa năng, thích nghi cao nhưng không phải là cá nhân xuất sắc. Còn nếu các bạn yếu nhưng học cũng không giỏi hơn thì thôi ha, các anh chị đã rẽ sai đường.”
Để đơn giản hoá những thứ phức tạp trên giảng đường Đại học, hãy lấy thỏ và rùa ra làm ví dụ..
Câu chuyện ngụ ngôn mà rùa và thỏ là nhân vật chính kết thúc ra sao có lẽ ai cũng biết, rằng cần cù sẽ thắng lười biếng, chứng minh cho câu nói “cần cù bù thông minh” mà ai ai cũng truyền tai nhau..

Thế nhưng các bạn ơi! Mấy ai trong cuộc đua của cuộc đời lại là con thỏ lười biếng? Khi những bà tiên, ông bụt ắt rằng đã hoá thạch hết cả thì cuộc sống hiện tại mở ra một thực tế khốc liệt, rằng bây giờ là thời đại của những con thỏ, đua nhau bằng tài năng, bằng thế mạnh của chính mình. Cá nhân nào nhận ra điều đó sớm, ắt thắng rất nhiều người khác dù chỉ nhanh hơn một giây.

“Phát huy thế mạnh, nắm bắt cơ hội!

Điều này đúng cho tất cả mọi người mà mở rộng hơn nữa là cho các quốc gia trên thế giới, trong tình hình cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.”
Giảng viên của chúng tôi đã kết thúc bài giảng của mình như thế, thật đáng tiếc cho những ai hôm đó cúp học.
Cả đêm tôi nằm nghĩ về những gì đã học, về những người bạn đã quyết định để trở thành người như hôm nay. Liệu có còn giải pháp nào cho nút thắt ấy??
Có lẽ cuộc đời tôi là một chuỗi cơ duyên vì chỉ ngay ngày hôm sau, một giảng viên khác đã cho tôi câu trả lời (một cách đầy tình cờ mà dường như tôi đang xem một bộ phim với mạch tình tiết đi đúng theo ý khán giả).
Thầy trẻ, năng động và luôn đầy năng lượng. Không biết vì sự kiện gì, thầy nói với lớp: “Các bạn này! Hãy dẹp ngay trong mình ý tưởng bỏ Đại học để ôn thi vào một trường mới đi nhé. Vì sao ư, thứ nhất, các bạn chưa chắc đã đậu Đại học lần thứ hai trong đời, mà đã đậu, là các bạn học lại từ đầu, bỏ phí một năm kia cả về tiền bạc và thời gian. Không phải tôi cổ suý các bạn học cái các bạn không thích, nhưng các bạn có thể học tiếp chuyên ngành thứ hai sau khi đã học xong chuyên ngành ban đầu. Có thể là mất thời gian nhưng lúc đó, các bạn đã đầy đủ kiến thức cơ bản cũng như trải nghiêm để biết mình thích và phù hợp với cái gì.”
Có thể thấy cách giải quyết của thầy đưa ra mang tính chủ quan cao, bởi không phải ai cũng có thể theo học nhiều năm như thế, và còn nhiều lí do khác nữa. Nhưng, có một điều (mà tôi cũng học được ở Đại học) là bạn sẽ có thể làm được chỉ khi bạn nghĩ bạn làm được, không có gì là không thể khi có ý chí kiên cường.

Người thật việc thật, ta học được gì?

Vậy, như một giáo viên cấp ba vẫn thường hay làm, hãy nghĩ lại xem chúng ta học được gì qua những câu chuyện phía trên (Tin tôi đi, ở Đại học bạn phải tự rút ra kết luận cho bản thân đấy, hãy quý trọng thời gian còn lại ở cấp ba hơn)
Thử mọi lúc có thể: Bạn nhận được một việc làm thêm? Một lời mời tham gia chương trình trải nghiệm? bạn cảm thấy mọi thứ thật tốn thời gian và vô bổ? Trong điều kiện có thể hãy trải nghiệm những gì bạn thích để thư thách bản thân có thực sự thích, giỏi và phù hợp với nó hay không.
Định vị bản thân: Bạn là ai? Bạn giỏi cái gì? Những gì bạn yêu thích? Mong muốn của bạn trong tương lai? Vân vân và mây mây. Định vị bản thân nói đơn giản thì chi là xác định mình đang đứng ở đâu mà thôi thế nhưng bạn thấy đó, sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Một cách khôn ngoan thì bạn nên xác định càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt những điều tôi đã liệt kê phía trên. Quá lười để đọc lại? Đây nhé, Bạn là ai? Bạn giỏi cái gì? Bạn yêu thích cái gì? Mong muốn của bạn trong tương lai? Thế nhé!
Thực sự là còn một khía cạnh cần phải được định vị nữa đó là điều kiện gia đình của bạn. Bởi lẽ đôi khi là rất khó khăn cho bạn cũng như gia đình theo đuổi một ngôi trường cao cấp vượt ngoài khả năng tài chính mặc dù vẫn có khối cách để theo đuổi nếu bạn có đủ ý chí và nội lực.
Chủ động tìm hiểu: Đại học là một thế giới mới đối với các bạn. Hãy chủ động, không ai đem đến cho bạn thứ gì không công cả trừ gia đình của bạn. Tìm hiểu qua các trang tuyển sinh, diễn đàn, đến các buổi tư vấn tuyển sinh, “thân chinh” đến trường, gặp gỡ sinh viên…. Tất tần tật sẽ đem lại cho bạn một cái nhìn đa chiều mà sau khi tìm hiểu xong, bạn có thể nghĩ bản thân hành nghề tư vấn tuyển sinh quách đi cho rồi (cười).
Hãy cố gắng hết mình để thực hiện những điều trên, chỉ với việc hoàn thành một phần khiêm tốn là bạn đã có thể tự tin để bước vào cuộc chiến mà nếu, bạn đọc được những dòng này quá trễ, cứ cố gắng hết sức và bạn cũng đã sẵn sàng hơn nhiều người.
Với tuổi đời non choẹt của một sinh viên sắp kết thúc năm nhất Đại học, tôi dại khờ gửi đến các bạn những dòng này. Có lẽ thật mỉa mai khi một người quá trẻ như tôi lại đi viết về trải nghiệm sống và những bài học như thế. Nhưng các bạn ạ, tôi thực sự đã trưởng thành hơn rất nhiều kể từ khi lên Đại học mà các bạn chắc chắn cũng sẽ như thế bằng cách này hay cách khác.
“Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ Đại học của bản thân..” thầy tôi, một người mất sáu năm để có thể đỗ vào một trường Đại học và hiện nay đang là tiến sĩ đã nói như thế. Học được nhiều lắm các bạn ạ.
Dưới góc nhìn của một sinh viên, có lẽ tôi chưa biết được quyết định không học Đại học sẽ tác động lên con người ra sao bởi vẫn có rất nhiều người thành công mà không qua bất kì trường lớp nào cả. Ý nghĩ của tôi vẫn chỉ là một chiều, những con người thành công kia cũng như tôi và các bạn, là những thực thể yếu đuối và nhỏ bé trong vũ trụ rộng lớn này. Có thể bạn giàu, bạn nghèo, chỉ đơn giản là hãy làm những gì làm bạn cảm thấy hạnh phúc. Chọn lựa Đại học hay không, chọn ngành nghề nào là do bạn quyết định. Chỉ cần quan niệm rằng bất cứ quyết định nào bạn đưa ra, không chỉ khiến cuộc đời bạn thay đổi mà còn làm cả thế giới đổi thay, dù ít hay nhiều. 

Lời kết cho sự dài dòng

Đọc qua những gì tôi viết, bạn cảm nhận được điều gì? Ắt có nhiều bạn hỏi tôi của ngày hôm nay có đi “đúng hướng” không? Tôi chỉ có thể cười trừ bởi tôi cũng không biết nữa (thực sự là như thế!). Con đường bạn đi đôi khi không còn quá quan trọng, quan trọng là bạn đi với ai. Còn tôi của ngày hôm nay, đầy kỉ niệm vui buồn, đủ hạnh phúc và tin tưởng, chỉ có điều đang viết văn trong giờ Lí thuyết xác suất thôi (cười). Đừng lo các bạn ạ, Đại học đôi lúc đáng sợ và mệt mỏi nhưng như tôi đã kể đó, mỗi ngày đi học ở đây thực sự là một ngày mới mà bạn chỉ mong chờ xem thứ mình học được sẽ là gì.
Cố lên bạn nhé, cả một chặng đường dài lắm còn ở phía trước!
Chân thành cảm ơn Anh và các bạn, cô, thầy đã cho tôi có những trải nghiệm thật tuyệt vời nhất để viết nên những dòng này. 
“Cuộc đời là chuyến phiêu liêu để tìm thấy chính mình...