Mọi người có biết vì sao chúng ta phải bỏ ra rất nhiều tiền để thuê một người môi giới bất động sản hay một chuyên viên tư vấn chứng khoán không? Tại sao ta không thể tự bán một căn nhà hay tự đưa ra quyết định mua/bán cổ phiếu cho chính bản thân mình? Đương nhiên ai cũng sẽ trả lời rằng những người môi giới thì biết nhiều về thị trường nhà đất, tâm lý người mua hơn, hay chuyên viên tư vấn chứng khoán thì hiểu nhiều về thị trường tài chính, phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật hơn chúng ta rất nhiều. Nhưng tựu chung lại, thứ họ có mà chúng ta không có chính là thông tin, họ có những thông tin mà chúng ta không có về lĩnh vực mà họ có chuyên môn.
Thông tin bất cân xứng: Đâu là chanh, đâu là đào?


Trong cuộc sống hay kinh tế học, thông tin là một thứ vô cùng quan trọng và có thể quyết định rất nhiều các biến số kinh tế. Nếu như thông tin minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận với tất cả mọi người, chúng ta gọi đó là trạng thái cân xứng thông tin. Hầu như các học thuyết kinh tế học đều giả định rằng các giao dịch xảy ra trong trạng thái cân xứng thông tin, nhưng thực tế thì không phải như vậy, thông tin bất cân xứng xảy ra nhiều hơn, khi các chủ thể xoay quanh một hoạt động kinh tế không biết tất cả và chính xác những thông tin cần biết để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Vậy tại sao điều này lại quan trọng và nó ảnh hưởng như thế nào đến từng cá thể trong nền kinh tế? Một ví dụ tiêu biểu để chứng minh cho điều này chính là về việc định giá các sản phẩm, nếu như bạn đã từng học qua những kiến thức cơ bản về thị trường tài chính thì sẽ biết rằng, giá của bất kỳ sản phẩm nào (bao gồm cả cổ phiếu) đều là một sự phản ánh của thông tin, điều này đúng từ những mớ rau ngoài chợ cho đến bức họa Mona Lisa. Những người bán rau trong cùng 1 khu chợ sẽ luôn luôn bán với giá 3,000đ cho một mớ rau mùi và không thể thay đổi, còn bức tranh monalisa có thể được đấu giá từ hàng nghìn, hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu euro và gần như không ai có thể xác định được giá thực sự của bức tranh đó. Lý do ẩn giấu đằng sau sự khác biệt này chính là sự cân xứng thông tin. Thông tin ở các khu chợ (thị trường cạnh tranh hoàn hảo với vô số người mua và bán) là gần như hoàn toàn cân xứng, mọi người bán và người mua sẽ đều biết được giá trị thực sự của mớ rau mùi, nên giá sẽ do thị thường tự quyết định và mọi người phải tuân theo (price taker). Còn đối với bức tranh kia, do là độc nhất (thị trường độc quyền) nên giá trị thực hay nói cách khác là thông tin về bức tranh sẽ trở nên bất cân xứng, chỉ người bán mới biết được giá trị thực sự của bức tranh. Điều này dẫn đến một hệ quả có thể dễ dàng quan sát, đó là hoạt động đấu giá và đấu thầu sẽ chỉ được tổ chức ở các thị trường độc quyền và gần độc quyền (độc quyền tập đoàn) chứ không bao giờ xảy ra ở thị trường cạnh tranh hoàn hảo.
Một ví dụ nữa cho hiện tượng thông tin bất cân xứng đó chính là việc kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty. Mọi người khi tham gia đầu tư chứng khoán sẽ thường nghiên cứu về báo cáo tài chính của các công ty mà mình định đầu tư vào để xem công ty đó có đang trên đà tăng trưởng không, nhưng liệu những báo cáo tài chính đó có thực sự đáng tin cậy nếu như hệ thống thông tin và hoạt động kiểm toán của Việt Nam còn chưa hoàn thiện? Thế nên việc đưa ra quyết định đầu tư sẽ không hoàn toàn chính xác cho dù bạn có kiến thức rất sâu về tài chính, khiến cho thị trường tài chính sẽ không thực sự đi theo hướng dự đoán của các nhà đầu tư. Hiểu được điều này sẽ giúp nhà đầu tư đào sâu vấn đề và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn hơn rất nhiều.
Thông tin bất cân xứng (Asymmetric information) là gì? Tác động của thông  tin bất cân xứng

Thông tin bất cân xứng có 2 tác động chính là lựa chọn đối nghịch (adverse selection) và rủi ro đạo đức (moral hazard). Hiểu đơn giản thì lựa chọn đối nghịch là việc bạn lựa chọn một option mà không thực sự là option mang lại lợi ích lớn nhất cho mình do không đủ thông tin để biết được cái nào là tốt hơn), giống như ví dụ ở trên khi bạn mua một bức tranh cao gấp nhiều lần giá trị thực sự của nó. Còn rủi ro đạo đức là việc các bên tham gia giao dịch không tuân thủ theo nội dung của hợp đồng mà không ai phát hiện ra, giống như việc bạn mua bảo hiểm nhưng cố tình gây ra thiệt hại (dưới hình thức bất khả kháng) để nhận được tiền bồi thường vậy. Và 2 hệ quả này sẽ tác động rất xấu đến nền kinh tế, người mua, người bán, người đầu tư sẽ không đưa ra quyết định (mua, bán, đầu tư) mang lại nhiều lợi ích nhất cho họ, khiến cho nguồn lực không được tận dụng một cách tối đa và trở nên phi hiệu quả.
Hiểu rõ về hiện tượng thông tin bất cân xứng sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về cách để có thể tối ưu hóa nguồn lực cũng như đưa ra được những quyết định chính xác.