Kinh tế 24: Đằng Sau Thâm Hụt Thương Mại Mỹ (Chuỗi bài) - Châu Thanh Vũ
Đằng Sau Thâm Hụt Thương Mại Mỹ (Chuỗi bài) Đằng Sau Thâm Hụt Thương Mại Mỹ (Chuỗi bài) Một trong những vấn đề nổi cộm nhất...
Đằng Sau Thâm Hụt Thương Mại Mỹ (Chuỗi bài)
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất của năm 2018 là những cuộc chiến tranh thương mại của TT Donald Trump với các đối tác lớn: Mỹ, Đức, Canada, Mexico, vv. Lý do chính là Trump tố cáo các đối tác giao thương “không công bằng”, phá giá đồng tiền (ví dụ: giữ đồng nhân dân tệ yếu để hàng hoá Trung Quốc rẻ hơn), đánh cắp công nghệ, khiến cho xuất khẩu của Mỹ bị trì trệ, không bì kịp với lượng hàng Mỹ nhập khẩu. Hậu quả, như Trump thường xuyên cáo buộc, là lượng thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ qua nhiều thập niên gần đây.
Tình hình thâm hụt thương mại của Mỹ
Thâm hụt thương mại, định nghĩa là nhập khẩu trừ xuất khẩu, là thước đo nói lên tình hình buôn bán của Mỹ với thế giới. Nếu thâm hụt thương mại là âm, Mỹ đang sản xuất và bán được nhiều hàng hoá và dịch vụ cho thế giới hơn là Mỹ mua của thế giới. Ngược lại, nếu thâm hụt thương mại là dương, Mỹ đang mua nhiều hàng hoá, dịch vụ của thế giới hơn là lượng Mỹ bán được.
Về mặt thống kê, Trump nói đúng: kể từ năm 1980, Mỹ đã bắt đầu thâm hụt thương mại nặng nề và ngày càng nhiều. Năm 2017, thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc là 375,6 tỉ USD, với Đức là 63,7 tỉ USD, và với Hàn Quốc 23,1 tỉ đô. Nếu cộng tất cả các đối tác lại, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ hằng năm của Mỹ vào khoảng hơn 500 tỉ USD trong thời gian gần đây. Hay nói cách khác, mỗi năm người Mỹ tiêu thụ 500 tỉ USD giá trị hàng hoá và dịch vụ nhiều hơn số lượng có thể sản xuất được trong nước.
Tuy nhiên, Trump chỉ đúng về mặt số liệu. Nhưng hiểu và nhận định đúng con số thâm hụt thương mại đó phức tạp hơn là việc điểm mặt chỉ tay tố cáo Thế giới không công bằng với Mỹ, như cách mà Nhà Trắng đang làm.
Chuỗi bài viết về thâm hụt thương mại này
Trong chuỗi bài viết này, tôi sẽ phân tích sâu hơn về vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ.
Trong kỳ 1, “Trump và Tư Duy Từ 500 Năm Trước“, tôi bắt đầu bằng việc phân tích vì sao cách mà chính trị gia, báo chí, và nhiều độc giả khác hiểu về thâm hụt thương mại – “xuất khẩu là tốt, nhập khẩu là xấu” – là rất lỗi thời và có nhiều lỗ hổng.
Trong kỳ 2, “Mỹ: Công ty Tài chính – Bảo hiểm của mọi quốc gia“, tôi sẽ nêu lên 2 cách giải thích thâm hụt thương mại mà dưới cách giải thích ấy, thâm hụt thương mại là tốt cho nước Mỹ, chứ không phải là xấu. Tôi sẽ giải thích vì sao thâm hụt thương mại không phải thể hiện việc nước Mỹ tiêu dùng vượt khả năng sản xuất để đến cảnh nợ ngập đầu, mà lại thể hiện rằng các nước khác đang hàng năm “trả công” cho Mỹ bằng hàng hoá và dịch vụ vì một điều mà Mỹ làm cho thế giới.
Trong kỳ 3 (kỳ cuối), “Thâm hụt thương mại chỉ là ảo giác?“,tôi sẽ thay đổi góc nhìn hoàn toàn và khám phá khả năng thâm hụt thương mại chỉ là một “ảo giác”. Nước Mỹ không hề xuất khẩu kém như mọi người nghĩ. Vì một lý do nào đó (sẽ được nêu ra trong bài kỳ 3), chúng ta chỉ không thấy được xuất khẩu của Mỹ mà thôi.
Kết lại, tôi nghĩ thế giới thương mại và tài chính quốc tế thật sự phức tạp. Nếu không cố gắng đào sâu để hiểu, mà chỉ dùng số liệu bề nổi để đưa ra chính sách thì sẽ dễ dẫn đến những chính sách sai lầm. Hy vọng mọi người sẽ đón đọc chuỗi bài này và có một cách hiểu đúng, đầy đủ hơn về thâm hụt thương mại; để hiểu rằng thâm hụt thương mại không phải là cái cớ đúng cho những cuộc chiến tranh thương mại của vị Tổng thống Mỹ hiện tại.
Bài 1: Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ
Nước Mỹ “bị đối xử tồi tệ” là luận điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thường nói kể từ khi tranh cử cho đến nay. Nhưng cường quốc số 1 thế giới mà “bị chèn ép” hay con số thâm hụt thương mại 500 tỉ USD mỗi năm của Mỹ chứa đựng bí mật gì?
Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ
Nước Mỹ “bị đối xử tồi tệ” là luận điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thường nói kể từ khi tranh cử cho đến nay. Nhưng cường quốc số 1 thế giới mà “bị chèn ép” hay con số thâm hụt thương mại 500 tỉ USD mỗi năm của Mỹ chứa đựng bí mật gì?cafef.vn
Nước Mỹ “bị đối xử tồi tệ” là luận điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thường nói kể từ khi tranh cử cho đến nay. Nhưng cường quốc số 1 thế giới mà “bị chèn ép” hay con số thâm hụt thương mại 500 tỉ USD mỗi năm của Mỹ chứa đựng bí mật gì?cafef.vn
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất của năm 2018 là những cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump với các đối tác lớn: Mỹ, Đức, Canada, Mexico... Lý do chính là Trump tố cáo các đối tác giao thương "không công bằng", phá giá đồng tiền (ví dụ: giữ đồng nhân dân tệ yếu để hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn), đánh cắp công nghệ, khiến cho xuất khẩu của Mỹ bị trì trệ, không bì kịp với lượng hàng Mỹ nhập khẩu. Hậu quả, như Trump thường xuyên cáo buộc, là lượng thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ qua nhiều thập niên gần đây.
Thâm hụt thương mại, định nghĩa là nhập khẩu trừ xuất khẩu, là thước đo nói lên tình hình buôn bán hàng hoá, dịch vụ giữa Mỹ với thế giới. Nếu thâm hụt thương mại là âm, Mỹ đang sản xuất và bán được nhiều hàng hóa và dịch vụ cho thế giới hơn là Mỹ mua của thế giới. Ngược lại, nếu thâm hụt thương mại là dương, Mỹ đang mua nhiều hàng hoá, dịch vụ của thế giới hơn là lượng Mỹ bán được.
Về mặt thống kê, Trump nói đúng: kể từ năm 1980, Mỹ đã bắt đầu thâm hụt thương mại nặng nề và ngày càng nhiều. Năm 2017, thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc là 375,6 tỉ USD, với Đức là 63,7 tỉ USD, và với Hàn Quốc 23,1 tỉ đô. Cộng tất cả lại, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ hằng năm vào khoảng hơn 500 tỉ USD trong những năm gần đây. Nói cách khác, mỗi năm người Mỹ tiêu thụ 500 tỉ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn số lượng sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, Trump chỉ đúng về mặt số liệu. Đằng sau những con số thâm hụt thương mại kia là một sự thật phức tạp hơn là việc điểm mặt chỉ tay, tố cáo thế giới không công bằng với Mỹ như cách mà Nhà Trắng đang làm. Nước Mỹ có thực sự dễ bị đối tác dắt mũi không? Người Mỹ có thực sự đang tiêu xài vượt khả năng không?
Câu trả lời đơn giản là không. Thâm hụt thương mại thực ra chỉ đang thể hiện khả năng tiêu thụ mạnh mẽ của người Mỹ từ những nguồn thu nhập quốc tế khác. Vì những lý do khách quan, những nguồn thu nhập này đã bị bỏ ra khỏi phần thu nhập ở tài khoản vãng lai (current account) của nước Mỹ, tạo ra ảo giác nước Mỹ nghèo hơn so với thực tế.
Thâm hụt thương mại song phương năm 2018 của Mỹ.
Trump, cũng như nhiều người khác, có vẻ tin rằng xuất khẩu là tốt, còn nhập khẩu là xấu. Dù gì đi chăng nữa, xuất khẩu làm tăng thu nhập và tài sản của một quốc gia, trong khi nhập khẩu làm điều ngược lại. Dưới quan điểm này, con số thâm hụt 500 tỉ USD mỗi năm là tin xấu cho nước Mỹ.
Hoá ra, Trump không phải là người đầu tiên nghĩ như thế này, mà đây là tư duy rất phổ biến của châu Âu từ những năm 1400, có tên là "Chủ nghĩa Trọng Thương" (Mercantilism – chú trọng vào thương mại). Chủ nghĩa này đề xuất các chính sách tăng cường xuất khẩu và hạn chế hết sức nhập khẩu, nhằm thu về càng nhiều vàng bạc cho ngân khố quốc gia càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ 18, chủ nghĩa trọng thương gặp rất nhiều chỉ trích và ngừng là tư tưởng chủ đạo của phương Tây.
Sự bãi bỏ rào cản thương mại và chủ nghĩa trọng thương đã giúp nước Anh bùng nổ thương mại và vươn lên vị trí nền kinh tế số 1 thế giới ở thế kỷ 19.
Thứ nhất, những người tin vào chủ nghĩa trọng thương, như Trump, thường quên đi "lợi thế tương đối" của một quốc gia. Thử giả sử nước Mỹ có thế mạnh để sản xuất ô tô, nhưng không có thế mạnh sản xuất thép. Một người theo chủ nghĩa trọng thương sẽ đề xuất Mỹ làm hoàn toàn chiếc ô tô trong nước, từ khâu sản xuất thép đến khâu ráp ô tô để tối đa xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Nhưng đây không phải là điều tối ưu. Mỹ sẽ tốt hơn nếu tập trung dành toàn bộ nguồn lực của mình để làm điều Mỹ có thế mạnh, đó là sản xuất ô tô sử dụng thép nhập khẩu, thay vì phải tự sản xuất và sử dụng thép nội địa mua với giá cao hơn.
Chỉ trích thứ hai cho rằng chính sách này không bền vững. Lý do là lượng vàng bạc tích tụ được do xuất khẩu quá nhiều sẽ làm tăng lượng tiền trong nền kinh tế và tạo ra lạm phát trong nước. Giá hàng hóa nội địa sẽ ngày càng đắt so với giá hàng nhập khẩu, khiến nhập khẩu trở nên hấp dẫn, phản lại tác dụng của các chính sách hạn chế nhập khẩu.
Chỉ trích cuối cùng và cơ bản nhất là: con người tiêu thụ hàng hoá, không phải vàng bạc. Ý tưởng của chủ nghĩa trọng thương cũng giống như một cá nhân nhịn ăn, nhịn mặc, dùng hết nguồn lực để tạo ra hàng hóa buôn bán cho người khác để tích lũy vàng suốt đời. Người thông minh là người biết kiếm tài sản và tiêu thụ dần tài sản qua thời gian, chứ không chỉ luôn luôn tích luỹ. Một quốc gia cũng thế.
Chính quyền Trump cũng có vẻ chuộng chính sách phát triển của 6 thế kỉ trước, áp thuế nhập khẩu lên đối tác, cắt thâm hụt thương mại để cuối cùng người chịu ảnh hưởng là người Mỹ: phải mua từ thép đến thức ăn trong siêu thị với giá cao hơn. Mỹ sẽ thu nhiều tiền hơn từ xuất khẩu, trong khi lượng hàng hóa Mỹ có thể tiêu thụ được lại giảm đi.
Một ví dụ về tác hại của chiến tranh thương mại là giá thuế áp lên thép nhập khẩu của Trump đã tăng giá sản xuất cho General Motors, công ty sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ, lên hơn 1 tỉ đô mỗi năm. Đây là một yếu tố thúc đẩy General Motors vừa đóng cửa 5 xưởng sản xuất ô tô ở Mỹ và Canada, cắt giảm 15.000 việc làm.
Nói tóm lại, mặc dù luồng tư tưởng "xuất khẩu là tốt, nhập khẩu là xấu" đã không còn là tư tưởng chủ đạo trong chính sách giao thương từ 3 thế kỉ trước, tư tưởng này dường như đang quay trở lại.
Một câu trả lời đơn giản nhất để giải thích thâm hụt thương mại của Mỹ là nước Mỹ chỉ đang sử dụng "tối ưu" túi tiền của mình mà thôi.
Để đơn giản hóa vấn đề, thử tưởng tượng thương mại quốc gia như thu chi của một gia đình. Các gia đình thường tiết kiệm nhiều hơn mỗi khi có thu nhập cao hơn trung bình, để dành tiền đối phó với những lúc thu nhập bị thấp hơn (như khi mất việc chẳng hạn). Ngược lại, những lúc khốn khó, chúng ta sẽ muốn tạm thời vay mượn để tiêu thụ.
Một quốc gia cũng thế. Thâm hụt thương mại là một kế hoạch thu chi hoàn toàn tối ưu trong những lúc nền kinh tế gặp khó khăn, phát triển chậm hơn bình thường. Trong những năm thuận lợi, nền kinh tế xuất khẩu, giảm nhập khẩu, tạo ra thặng dư thương mại, tăng tài sản quốc gia.
Dưới góc nhìn này, thâm hụt thương mại không phải là điều gì xấu, mà chỉ là phản ứng tối ưu của một quốc gia của một nền kinh tế đang gặp khó khăn mà thôi.
Điểm yếu của lời giải thích này? Mỹ đã thâm hụt thương mại được gần 30 năm! Lời giải thích trên có thể giải thích chu kỳ kinh tế, bấp bênh của vài quý đến vài năm. Nhưng với một vấn đề kinh niên như thâm hụt thương mại của Mỹ, có lẽ chúng ta cần một lời giải thích khác "kinh niên" hơn.
Kỳ tới: Chuyện tiêu hoang quá mức và thu nhập ngầm ít người biết của nền kinh tế Mỹ
Bài: Châu Thanh Vũ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Harvard
Thiết kế: Hương Xuân
Bài 2: Chuyện “tiêu hoang quá mức” và thu nhập ngầm ít người biết của nền kinh tế Mỹ
Có một cách khác để hiểu thâm hụt thương mại của Mỹ: Mỹ có thể liên tục nhập siêu, tiêu thụ nhiều hơn tự mình sản xuất vì phần còn lại đang phải chi trả cho Mỹ tiền công của một “dịch vụ” mà họ cung cấp cho thế giới.
Chuyện “tiêu hoang quá mức” và thu nhập ngầm ít người biết của nền kinh tế Mỹ
Có một cách khác để hiểu thâm hụt thương mại của Mỹ: Mỹ có thể liên tục nhập siêu, tiêu thụ nhiều hơn tự mình sản xuất vì phần còn lại đang phải chi trả cho Mỹ tiền công của một “dịch vụ” mà họ cung cấp cho thế giới.cafef.vn
Có một cách khác để hiểu thâm hụt thương mại của Mỹ: Mỹ có thể liên tục nhập siêu, tiêu thụ nhiều hơn tự mình sản xuất vì phần còn lại đang phải chi trả cho Mỹ tiền công của một “dịch vụ” mà họ cung cấp cho thế giới.cafef.vn
Tôi có lý do đặt từ "dịch vụ" trong ngoặc kép. Thông thường, việc xuất khẩu các loại hình dịch vụ mà chúng ta biết đến – du lịch, tư vấn, tài chính, kế toán – đều được tính vào con số xuất khẩu được dùng để tính thâm hụt thương mại, do đó không thể là câu trả lời cho câu hỏi về thâm hụt thương mại của nước Mỹ.
Loại hình "dịch vụ" của Mỹ mà tôi đang muốn nói tới là một dạng dịch vụ tài chính – bảo hiểm, không phải là hợp đồng rõ ràng mua từ các công ty tài chính – bảo hiểm của Mỹ mà chúng ta biết. Đó là một dịch vụ được cung cấp ngầm thông qua danh mục đầu tư quốc tế của các quốc gia.
Trước khi đưa ra giải thích cụ thể, tôi sẽ đưa ra một bằng chứng ủng hộ lập luận này. Kể từ năm 1980 đến năm 2011, khi cộng dồn tất cả thâm hụt thương mại qua các năm lại (phần người Mỹ tiêu thụ vượt thu nhập), người Mỹ đã "tiêu hoang" tầm 60% GDP của mình, vào khoảng 9 nghìn tỉ USD. Nếu đây thực sự là "tiêu hoang" mà không có thu nhập, phần tài sản quốc gia của Mỹ (Net foreign asset) cũng đã phải thâm hụt ngần này tiền. (Đường màu xanh trong đồ thị dưới).
Trên thực tế, tài sản của Mỹ tuy cũng giảm, nhưng giảm nhẹ hơn rất nhiều, vào khoảng 25% GDP, hay tầm 3,75 nghìn tỉ USD. Điều đó cho thấy nước Mỹ có 9 - 3,75 = 5,25 nghìn tỉ USD thu nhập trong 30 năm ấy mà đã không được ghi vào thu nhập trong tài khoản vãng lai (current account).
Dữ liệu: Lane và Milesi-Ferretti. Tính toán và đồ thị: tác giả.
Một điều không thể chối cãi là hệ thống tài chính của Mỹ tốt hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Điều này thể hiện qua khả năng huy động vốn của các tổ chức tài chính Mỹ cho các dự án đầu tư lớn – tốt hơn so với phần còn lại của thế giới. Vì lý do đó, ở các nước đang phát triển, nguồn cung vốn ít hơn, khiến lãi suất nội địa rất cao.
Thử tưởng tượng 2 nước: Mỹ và Trung Quốc. Mỹ có một nền tài chính phát triển hơn, thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn, và với nguồn cung vốn dồi dào, lãi suất nội địa của Mỹ thấp hơn so với Trung Quốc. Khi hai nước này mở cửa hệ thống tài chính và đón nhận vốn ngoại, sẽ có một luồng vốn chảy từ nước có lãi suất nội địa thấp hơn (Mỹ) sang nước có lãi suất nội địa cao hơn (Trung Quốc), do nguồn vốn đầu tư dồi dào của Mỹ sẽ muốn tìm kiếm các khoản đầu tư trả lãi cao hơn ở Trung Quốc.
Trên thực tế, sẽ có nhiều loại chứng khoán với các loại rủi ro khác nhau. Sẽ có những loại đầu tư rất an toàn (trái phiếu ngắn hạn của chính phủ Mỹ), và cũng có các loại đầu tư rất rủi ro (ví dụ: một công ty cỡ vừa ở Trung Quốc). Trong trường hợp này, khi hai nước mở cửa và hội nhập tài chính, những nhà đầu tư Trung Quốc, với hệ thống tài chính kém phát triển hơn, sẽ muốn đổ tiền vào các đầu tư an toàn ở Mỹ. Trong khi đó, hệ thống tài chính Mỹ, với khả năng đương đầu rủi ro có khả năng sẽ muốn vươn ra đầu tư vào các công ty rủi ro hơn và cho lãi suất cao của Trung Quốc.
Minh họa: 7pm
Đó là dịch vụ tài chính, còn Mỹ cung cấp "bảo hiểm" cho Trung Quốc và các nước khác như thế nào? Ở đây không phải là dịch vụ bảo hiểm cung cấp bởi các công ty của Mỹ, mà đang nói về một khía cạnh "bảo hiểm ngầm" hơn: sự an toàn của đồng USD.
Dịch vụ "bảo hiểm" này diễn ra dưới dạng một hợp đồng ẩn như sau. Như đã nói ở trên, sau khi hội nhập kinh tế, Mỹ sẽ có nhiều đầu tư rủi ro dưới dạng FDI hoặc đầu tư danh mục (portfolio flows – ví dụ như mua nợ hoặc cổ phiếu của các công ty). Các khoản đầu tư này thường được tính bằng tiền bản địa. Ngược lại, các nước khác giữ phần lớn đầu tư vào Mỹ dưới dạng tài sản an toàn.
Trong thời kỳ bình thường, tăng trưởng tốt, Mỹ đầu tư rủi ro hơn sẽ được lãi cao hơn. Phần lãi này sẽ nằm dưới dạng lãi vốn (việc tăng giá cổ phiếu hoặc chứng khoán nợ của các công ty). Ngược lại, các nước khác đầu tư vào Mỹ an toàn hơn nên được lợi nhuận thấp hơn. Điều này giống như các nước khác đang "trả tiền" cho Mỹ để Mỹ chịu xử lý các khoản đầu tư rủi ro hơn của nước mình. Phần "trả tiền" này không nằm trong thống kê thương mại, nhưng người Mỹ hoàn toàn có thể dùng phần tài sản này để mua hàng hóa của thế giới.
Để kết thúc phần so sánh Mỹ như một công ty bảo hiểm: Trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, đồng USD thường tăng giá trị rất nhanh. Điều này rất lợi cho các nước khác, vốn dĩ đầu tư nhiều vào đồng đô Mỹ. Ngược lại, các công ty nước ngoài tụt giảm giá trị (do đầu tư bằng đồng tiền địa phương), khiến Mỹ bị nghèo đi.
Dữ liệu thực tế cung cấp bằng chứng ủng hộ cho lập luận nên trên. Dữ liệu từ Cục Phân Tích Kinh Tế Mỹ (BEA) cho thấy khoảng 60% tài sản của Mỹ sở hữu bởi nước ngoài là dưới dạng trái phiếu Mỹ – rất an toàn và lãi suất cực thấp, trong khi Mỹ lại sở hữu rất nhiều tài sản nước ngoài như FDI hoặc đầu tư danh mục (portfolio investment), trả lợi tức đầu tư trung bình cao hơn nhiều. Tính đến 2011, mức đầu tư ròng (tài sản trừ đi nợ) vào các hình thức rủi ro như FDI hay đầu tư danh mục của Mỹ vào khoảng hơn 2 nghìn tỉ USD, và ngược lại cho các nước đang phát triển.
Mỹ giữ nhiều tài sản rủi ro của các nước đang phát triển (như BRICS). Dữ liệu: Lane và Milesi-Ferretti. Tính toán và đồ thị: tác giả.
Độ chênh lệch về lợi tức đầu tư là bao nhiêu? Nghiên cứu bởi hai nhà kinh tế Helene Rey (ĐH Kinh tế London) và Pierre-Olivier Gourinchas (ĐH Berkeley) cho thấy mức chênh lệch lợi tức (excess return) của Mỹ so với các nước đang phát triển là vào khoảng 2.5 đến 3%, với dữ liệu từ năm 1950 cho đến nay. Tất nhiên một phần lớn của mức chênh lệch này là biến động tỉ giá. Tuy nhiên, khi so sánh giữa thời kỳ Bretton Woods (trước năm 1971), khi tỉ giá của hầu hết các nước là cố định so với đồng USD, và thời kỳ hậu Bretton Woods, thì con số 2.5% chênh lệch lợi tức này là không thay đổi.
Thử tính nhẩm: Mỹ nợ nước ngoài vào khoảng 33 nghìn tỉ USD, trong khi sở hữu khoảng 25 nghìn tỉ USD tài sản của nước ngoài (số liệu từ BEA). Thử áp dụng mức lợi tức 2% cho nợ Mỹ phải trả và lợi nhuận 4% cho tài sản Mỹ sở hữu ở nước ngoài, mỗi năm Mỹ kiếm được:
25.000*4%-33.000*2%=340 tỉ USD
chỉ từ việc đầu tư rủi ro ở nước ngoài.
Thế Mỹ có thực sự "trả tiền bảo hiểm" cho các nước trong giai đoạn khó khăn không? Rey và Gourinchas cho thấy với sự tăng giá của đồng USD trong khủng hoảng năm 2008, Mỹ mất đi một lượng tài sản tương ứng 19% GDP chỉ trong 2 năm.
Người Mỹ không "tiêu hoang", họ có thu nhập "ngầm" mà nhiều người khác không biết.
Kết lại, chúng ta có thể thấy "thâm hụt thương mại" không phải là người Mỹ xài đồng tiền họ không có, mà là người Mỹ đang tiêu xài từ một khoản thu nhập khác mà người ta chỉ thường bỏ qua.
Với lời giải thích này, chúng ta đã có thể giải thích được "một nửa" của thâm hụt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, thực sự tài sản ngoại của Mỹ đã giảm xuống đáng kể trong 30 năm (khoảng 25% GDP). Điều gì có thể giải thích sự sụt giảm tài sản này?
Xin các bạn đón đọc kỳ cuối: Nửa sự thật còn lại của "ảo giác" thâm hụt thương mại nước Mỹ
Bài: Châu Thanh Vũ, NCS Tiến sĩ Đại học Harvard
Thiết kế: Hương Xuân
Bài 3: Nửa sự thật còn lại của “ảo giác” thâm hụt thương mại nước Mỹ
Sự chênh lệch trong lợi tức đầu tư cho phép Mỹ tiêu thụ nhiều hơn lượng hàng mình xản xuất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa của sự thật. Một nửa sự thật kia là tài sản của Mỹ vẫn trên đà giảm từ năm 1970, và đã giảm đáng kể.
Năm 2017, thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ vào khoảng 35%. Sau khi Trump cải cách thuế, con số này đã được giảm xuống vào khoảng 21% bắt đầu từ năm 2018. Để trốn mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao, nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ - một trường hợp điển hình là Apple - đã thực hiện nhiều chiến dịch chuyển lợi nhuận ra các thiên đường thuế (Ireland!). Điều này vô tình khiến cho một phần đáng kể xuất khẩu và lợi nhuận của Mỹ không được đếm vào cán cân thanh toán của Mỹ. Do đó, rất có thể phần còn lại của thâm hụt thương mại chỉ là một ảo giác do các doanh nghiệp trốn thuế tạo nên.
Năm 2013, một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ dẫn đầu bởi Thượng Nghị Sĩ (TNS) John McCain và TNS Carl Levin đã giúp làm rõ hơn quá trình chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ.
Để hiểu rõ hơn quy trình trốn thuế, hãy thử lấy ví dụ của Apple.
Theo số liệu thống kê từ IHS Markit, mỗi chiếc iPhone X được sản xuất với chi phí khoảng 370,25 USD, với phụ kiện đến từ nhiều nước châu Á, cuối cùng được lắp ra ở Trung Quốc. Chiếc iPhone này sẽ được bán lại cho 1 công ty Apple ở Ireland (dưới tên Apple Sales International (ASI)) với giá bằng chi phí sản xuất. Về mặt thống kê, hoạt động sản xuất chiếc iPhone đến nay tạo ra được 370,25 USD cho xuất khẩu của Trung Quốc.
Công ty ASI sẽ bắt đầu phân phối những chiếc iPhone này lại cho người tiêu dùng ở châu Âu và châu Á với giá gần 1,000 USD/chiếc. Do đó, Ireland sẽ xuất siêu khoảng 600 USD (400 USD nhập khẩu để bán lại với giá 1.000 USD) cho mỗi chiếc iPhone.
Đóng neo lợi nhuận ở Ireland giúp Apple chỉ phải đóng thuế khoảng 0.5-2% mỗi năm so với mức thuế 35% ở Mỹ
Công ty này có thể bán iPhone - được bảo vệ tác quyền tại Mỹ - mà không bị đánh thuế Mỹ nhờ vào một "hợp đồng chia sẻ chi phí". Theo đó, ASI sẽ chỉ cần trả 60% chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của Apple Mỹ, vào khoảng 6 tỉ USD mỗi năm, để thu được hầu hết lợi nhuận bán iPhone của Apple trên thế giới, vào khoảng 75 tỉ USD.
Điều đáng nói là, phần lợi nhuận này chỉ phải chịu thuế rất thấp (0.5-2%) ở Ireland so với mức thuế 35% ở Mỹ.
Trên sổ sách, hoạt động bán iPhone ở nước ngoài của Apple sẽ giúp Trung Quốc xuất khẩu khoảng ~ 35 tỉ USD, Ireland xuất siêu khoảng $34 tỉ USD (=75 - 35 - 6 tỉ USD), còn Mỹ chỉ bán được 6 tỉ USD công nghệ. Đáng ra, nếu Apple sản xuất ở Trung Quốc rồi nhập vào Mỹ để bán lại, thì Mỹ đã có thể xuất siêu được 40 tỉ USD, thay vì chỉ 6 tỉ USD.
Việc trốn thuế của Mỹ có thể thấy khá rõ qua mục tích lũy thu nhập tái đầu tư (cumulative reinvested earning) ở các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ. Ví dụ như, công ty ASI là một công ty con sở hữu bởi 2 người Mỹ (luật sư của Apple). Phần lợi nhuận của ASI không mang về Mỹ sẽ được tính vào thu nhập tái đầu tư (tiền để lại ở công ty con).
Lấy dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế (BEA), tổng mức tái đầu tư tích lũy của Mỹ hiện vào khoảng 18% GDP. Con số trốn thuế thực sự có thể sẽ thấp hơn 18%, nhưng ít ra ước tính này cho biết đây là một kênh quan trọng.
Nói đến đây, xin khẳng định lại rằng thâm hụt thương mại không phải do Mỹ bị đối tác dắt mũi, càng không phải do người Mỹ tiêu hoang vượt khả năng chi trả. Thực tế, nước Mỹ không phải "nghèo đi" như Donald Trump tuyên bố. Đầu tiên, Mỹ kiếm thêm được thu nhập cao từ việc đầu tư rủi ro ở các nước khác. Thứ hai, vì các tập đoàn đa quốc gia trốn thuế, một phần không nhỏ lượng xuất khẩu không được ghi vào sổ sách thương mại của Mỹ.
Sau cải cách thuế của Trump năm 2017, các công ty Mỹ rút lợi nhuận từ nước ngoài về Mỹ
Thống kê chính thức về thâm hụt thương mại và tài sản ngoại của Mỹ vẽ nên một bức tranh u ám. Nhưng hiểu rằng thực trạng nền kinh tế có u ám như thế không là hết sức cần thiết để đưa ra chính sách đúng đắn. Nhiều nhà kinh tế, các think-tank, và quốc hội Mỹ đã lên tiếng. Câu hỏi còn lại là: chính quyền hiện tại có lắng nghe hay không?
Rất có thể cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hoàn toàn là để chống Trung Quốc ăn cắp công nghệ Mỹ như Trump nói, còn thâm hụt thương mại chỉ là cái cớ. Tuy nhiên, những dấu hiệu sụt giảm trong thị trường chứng khoán Mỹ cũng như nguy cơ ngày càng cao của một cuộc khủng hoảng không những ở Trung Quốc, mà sẽ có tác động lên toàn cầu có vẻ như là một cái giá đắt phải trả.
Bài: Châu Thanh Vũ, NCS Tiến sĩ Đại học Harvard
Thiết kế: Hương Xuân
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất