Tôi có đọc được câu chuyện này trên báo Tuổi Trẻ Thủ Đô: 
“Noh Eun-woo (25 tuổi) đang làm việc tại một cửa hàng làm đẹp ở trung tâm Seoul, nợ hơn 12.000 USD trên thẻ tín dụng song cô xem đây là con số nhỏ. “Tôi biết có những người nợ 80.000 - 100.000 USD. Bạn thân của tôi thậm chí đã sử dụng tới 5 thẻ tín dụng”. Cô Noh Eun-woo thừa nhận thường xuyên mua túi xách hàng hiệu ba tháng một lần nhưng lạc quan rằng cô chỉ mất khoảng 2 đến 3 năm để trả hết nợ.”
Điều tôi thắc mắc qua câu chuyện này, là nếu như không có đủ tài chính để chi trả, vậy tại sao người ta vẫn tiêu?
Câu trả lời là do sự dễ dàng và tiện lợi trong việc “Thanh toán tín dụng”. Tại Châu Á, sự bùng nổ của tín dụng tiêu dùng đã mở ra cánh cửa tiện nghi, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro từ việc vay mượn quá mức. Điều này đặc biệt quan trọng khi giới trẻ không phải ai cũng có kĩ năng cân bằng tài chính cá nhân đủ tốt. Theo báo “The Guardian”, trong những năm gần đây, nợ hộ gia đình và cá nhân của Hàn đã tăng tương đương hơn 100% GDP của nước này. Cuộc khảo sát năm 2018 của Viện nghiên cứu Seoul cũng cho thấy mỗi hộ gia đình đang nợ khoảng 44.000 USD, so với tổng thu nhập bình quân đầu người của cả nước là 33.790 USD. 
Vậy tại làm sao mà giới trẻ Hàn Quốc lại phải điêu đứng vì các khoản nợ tín dụng này? Từ những câu chuyện tại Hàn, có thể rút ra được gì đối với thế hệ trẻ tại Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung?

Đặc điểm của thị trường tín dụng Hàn Quốc

Khi bước vào thị trường tín dụng Hàn Quốc, bạn sẽ lập tức cảm nhận được sức sống mãnh liệt của một nền kinh tế hiện đại bậc nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2022, Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cá nhân vượt trội, với con số ấn tượng lên tới hàng trăm tỷ won. Điều này không chỉ thể hiện sự thịnh vượng của thị trường tài chính, mà còn phản ánh một sự thay đổi lớn trong thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong cái vũng nước ấy, giới trẻ tại Hàn Quốc đang dần trở thành những “con cá” tiềm năng. Đối với họ, tín dụng không chỉ là phương tiện để tiêu dùng, nó còn là công cụ để đầu tư vào bản thân, để khởi nghiệp, thậm chí là giải trí. Một báo cáo gần đây cho biết, khoảng 70% người tiêu dùng dưới 30 tuổi có ít nhất một thẻ tín dụng, điều này chứng minh sức hấp dẫn mạnh mẽ của tín dụng đối với thế hệ trẻ.
Theo thời gian, công nghệ phát triển, người ta đã có khả năng ra ngoài mua đồ mà chẳng phải cầm theo ví hay tiền mặt, quẹt cái mã QR là xong. Đặc biệt đối với quốc gia có tốc độ áp dụng công nghệ nhanh nhất thế giới như Hàn Quốc. Các ứng dụng tài chính thông minh, dễ sử dụng đã thực sự làm thay đổi cách thức mà người tiêu dùng tiếp cận với tín dụng. Từ việc thanh toán không tiếp xúc đến việc quản lý tài chính cá nhân, công nghệ đã giúp giảm thiểu rào cản và mở rộng cánh cửa cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ, để họ có thể sử dụng tín dụng một cách hiệu quả hơn. Sự thuận tiện trong việc thanh toán cũng phần nào thúc đẩy nhu cầu chi tiêu của giới trẻ. Có lẽ không chỉ riêng ở Hàn. Nói đâu xa, chắc hẳn rất nhiều bạn trẻ đang xem Video này cũng đang sở hữu giỏ hàng Shopee có trị giá lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu. 
Mua nhiều = Giảm giá
Mua nhiều = Giảm giá
Nhưng đồng thời, sự thuận tiện trong việc thanh toán tức khắc cũng dễ khiến người ta mất kiểm soát trong việc chi tiêu. Để đáp ứng nhu cầu tất tay của các bạn trẻ, “tiền tín dụng” là giải pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, đi kèm với nó là một cái “bẫy tín dụng” gây nên hậu quả nặng nề nếu không được kiểm soát kỹ lưỡng. 

“Bẫy tín dụng” đưa giới trẻ vào cảnh “tán gia bại sản”

Khi nhắc đến thực trạng nợ tín dụng của giới trẻ Hàn Quốc, không khó để cảm nhận được vấn đề nan giải mà xã hội này đang đối mặt. Thống kê gần đây cho thấy, tổng nợ tín dụng cá nhân trong nhóm người dưới 30 tuổi đã vượt qua mức kỷ lục, chiếm đến 20% tổng nợ tín dụng cá nhân toàn quốc. Tổng số nợ mà người Hàn phải gánh là hơn 1,5 nghìn tỷ USD, gần ngang với GDP nước này là 1,63 nghìn tỷ. Một con số quá khủng khiếp khi nó phản ánh một bức tranh rộng lớn hơn về những thách thức mà giới trẻ phải đối mặt.
Các hình thức nợ phổ biến có thể phân loại rộng rãi thành nợ thẻ tín dụng, nợ vay tiêu dùng cá nhân và nợ sinh viên. Trong số này, nợ thẻ tín dụng chiếm tỉ trọng lớn nhất, với số lượng thẻ tín dụng phát hành tăng vọt, không ít người trẻ rơi vào bẫy mà không lường trước được hậu quả. Vậy, nguyên nhân nào đã khiến giới trẻ Hàn Quốc sa lầy vào cảnh nợ nần? 
Sự dễ dàng tiếp cận tín dụng là yếu tố chủ chốt. Những người thu nhập thấp cũng có thể có khả năng sở hữu thẻ tín dụng. Nguyên do của điều này đến từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á hồi năm 1997, các nước vay vốn đầu tư từ nước ngoài quá mức trong khi tiền tệ nội địa mất giá, gây ra sự sụp đổ của khá nhiều tập đoàn lớn. Đối với Hàn, tiêu biểu nhất là Daewoo, phải trải qua quá trình tái cấu trúc để rồi vẫn bị phá sản. Theo World Bank, GDP Hàn giảm từ 5,5% của năm 1997 xuống còn -6,7% vào năm 1998. 
Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc cầu cứu tới gói cứu trợ của Quỹ tiền tệ Quốc tế, chính phủ Hàn đã phải giảm thuế đối với các khoản thanh toán qua thẻ tín dụng để thúc đẩy chi tiêu. Với việc ngân hàng và các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ vay vốn một cách nhanh chóng và tiện lợi, không phải trải qua quá nhiều thủ tục hay yêu cầu phức tạp như ở Việt Nam. Chi cần qua một vài cú click chuột hoặc những thủ tục đơn giản, không ít người trẻ đã bị cám dỗ bởi "thanh toán tín dụng" mà không nhận ra bản thân đang lún sâu vào vũng nợ do chính mình tạo ra.
Một trong những lý do chính là áp lực công việc. Phải thừa nhận rằng đi mua sắm luôn là cách tốt nhất để giải tỏa căng thẳng sau chuỗi ngày làm việc mệt mỏi. Nhất là ở đất nước có nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu thế giới, những người lao động càng phải chịu áp lực khủng khiếp hơn. Theo Korea Herald thống kê năm 2018, người Hàn có tỉ lệ tự giải thoát bản thân do áp lực công việc và kinh tế ở mức 24,7/100.000 người. 
Để có được công việc thu nhập ổn định thì phải cạnh tranh đấu đá với rất nhiều người khác. Có việc rồi thì phải còng lưng để cày kéo, vì vậy mà nhu cầu chi tiêu vào các loại hàng hóa và dịch vụ, từ thiếu yếu đến tùy chọn, lại càng được tăng cao đáng kể. 
Chỉ cần tìm từ khóa “áp lực công việc tại Hàn” thôi là ra cả núi kết quả, trong đó chẳng thiếu câu chuyện của những người tìm tới chi tiêu như một cách giải tỏa. Nhu cầu mua sắm cho đỡ áp lực lại càng được tăng cao. Khi mà “chủ nghĩa tiêu dùng” ngày càng phát triển trên toàn thế giới, không chỉ riêng với Hàn Quốc, các ông lớn chỉ sợ bạn không có tiền để mua, chứ họ chẳng thiếu gì mặt hàng, cũng như các cách thức thu hút người tiêu dùng chi tiền cho mặt hàng đó. 
Đối với nữ giới, có khoảng 55% người chọn việc mua sắm quần áo, giày dép, phụ kiện… như một phương pháp để giảm bớt áp lực trong công việc. Những người này chi trung bình khoảng 51.500 won cho mỗi lần mua sắm. Trong khi 34.8% nam giới lại chọn chi tiền cho các hình thức giải trí như chơi Game, thể thao, mua sắm các vận dụng theo sở thích, chi 11.700 won cho mỗi lần như vậy. Các khoản chi này còn có riêng một thuật ngữ gọi là “shibal biyong”, được hiểu là “khoản chi tiêu đáng nhẽ không nên có nếu như không bị stress”. 
Đối với những người đã có công việc cùng khoản thu nhập ổn định, họ có thể thanh toán được khoản chi của mình. Nhưng còn một bộ phận khác chỉ kiếm được vừa đủ trang trải phí sinh hoạt thì sao? 
Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, hầu hết người Hàn Quốc yêu thích các sản phẩm xa xỉ, chỉ 22% trong số người được hỏi nói rằng việc phô bày quần áo và phụ kiện đắt tiền là không tốt, mức này thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (38%) và Nhật Bản (45%).
Hình ảnh cá nhân và mức tiêu dùng cao cấp đang trở thành một cách để thể hiện vị thế của người Hàn, dù thu nhập của họ cũng chẳng cao đến mức có thể chi trả tất cả mọi thứ. Tất nhiên là cầm trên tay iPhone 15 Pro Max sẽ khác bọt hơn nhiều so với cầm theo một chiếc smartphone tầm trung, mặc áo Gucci ra đường không khác gì vua khoác long bào cả. Bởi vậy mà không ít bạn trẻ đã vay mượn để mua sắm những sản phẩm “High-end”, với suy nghĩ là “tháng sau tiền về, mình sẽ bù lại khoản chi này”. Nhưng đôi khi, chưa bù xong khoản vừa rồi thì lại sinh ra thêm một món hàng khác “cần phải thanh toán ngay và luôn”. Từ đó mà thách thức lớn nhất lại chính là ý thức quản lý tài chính của cá nhân. 
Nhiều người trẻ hiện tại không được trang bị đủ kiến thức để quản lý tài chính của mình một cách hiệu quả. Họ có thể dễ dàng vung tay quá trán mà không nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm và đầu tư cho một mục tiêu dài hạn hơn. 
Tất nhiên tôi cũng không thể nhận định ở mọi trường hợp rằng mọi khoản nợ đều do người trẻ tiêu tiền không có kiểm soát được. Vẫn còn đó những nguyên do chính đáng như câu chuyện của cặp vợ chồng vay tín dụng để mở quán kinh doanh, đen đủi thế nào lại dính đúng đợt dịch Covid-19 nên không có khả năng thanh toán khoản nợ. Ngoài ra, cũng phải thừa nhận rằng chi phí sinh hoạt tại Hàn càng ngày càng trở nên đắt đỏ. Theo phân tích của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cứ 5 người thuộc độ tuổi 19-39, thì có 1 người đang phải gánh nợ do chi phí sinh hoạt đang quá cao so với mức thu nhập. 
Tất cả các yếu tố trên đều chỉ ra rằng thanh toán tín dụng hoàn toàn có thể trở thành con dao 2 lưỡi, dù vô tình hay cố ý. Và nợ tín dụng có thể gắn liền với nhiều hệ quả sâu rộng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân. Và phần lớn giới trẻ thường không nhận thức đầy đủ về tác động mà nợ tín dụng có thể gây ra.

Tác động tới cá nhân và xã hội

Một trong những tác động rõ rệt nhất của nợ tín dụng chính là sự ảnh hưởng đến tài chính cá nhân và khả năng tiết kiệm. Nợ tín dụng có thể nhanh chóng trở thành một gánh nặng lâu dài, đặc biệt khi lãi suất tích tụ khiến khoản nợ ban đầu phình to. Các bạn trẻ thường thấy mình trong tình trạng "làm việc để trả nợ", làm được bao nhiêu là bù lãi hết sạch, chẳng còn bù nỗi gốc ban đầu, và việc này không những cản trở họ từ việc dành dụm cho tương lai mà còn từ việc đầu tư vào cơ hội phát triển cá nhân. Như câu chuyện của Vietnamnet đưa tin: “Một nữ nhân viên phục vụ quán bar 36 tuổi (xin giấu tên) cho biết, cô đã đi làm từ năm 20 tuổi nhưng đầu năm 2021 đã phải nộp đơn xin phá sản vì không còn khả năng trả khoản nợ 100 triệu won (1,8 tỷ đồng) đã vay qua nhiều năm để chi trả cho sinh hoạt phí.”
Ngoài ra, không thể không nhắc đến hậu quả về mặt tâm lý và sức khỏe mà nợ tín dụng gây ra. Stress tài chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng và lo âu, thậm chí trầm cảm ở người trẻ. Sự lo lắng về việc làm sao để trang trải các khoản nợ, cùng với áp lực phải duy trì một mức sống nhất định, thường xuyên đè nặng lên tâm trí họ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe thể chất như mất ngủ, căng thẳng, đau đầu, và nhiều triệu chứng khác. Khi ấy, người mắc nợ sẽ rơi vào tình trạng không còn đủ sức để mà tiếp tục cày kéo trả tiền nữa. Từ đó mà họ phải sống hoàn toàn phụ thuộc vào tiền tín dụng bởi vì không còn khả năng đi làm, hoặc bị thất nghiệp. Vay khoản này để đắp vào khoản kia, càng khiến họ bị chìm sâu hơn vào những khoản nợ tín dụng ấy. 
Bên cạnh đó, “nợ tín dụng” không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân cá nhân người gánh nợ, mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế của quốc gia. 
Nợ xấu, hay nợ không có khả năng thu hồi, có thể làm chậm quá trình đầu tư và tiêu dùng – những động lực chính cho sự phát triển kinh tế.  Đối với những người trẻ lạm dụng tiền tín dụng để tiêu xài, họ cũng sẽ có ít nguồn lực hơn để đóng góp vào thị trường tiêu dùng và đầu tư vào những dự án dài hạn, từ đó hạn chế đáng kể sức mạnh tiêu thụ nội địa và đóng góp vào GDP của đất nước.
Bên cạnh đó, nợ tín dụng cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo ra vấn đề an sinh xã hội và bất bình đẳng. Các khoản nợ cao gắn liền với rủi ro tài chính cá nhân, có thể đẩy người vay vào tình trạng nghèo đói hoặc tăng cường sự phụ thuộc vào các chương trình trợ giúp xã hội. Điều này không những tạo áp lực cho hệ thống an sinh xã hội mà còn có nguy cơ phân chia sâu sắc hơn giữa những người có khả năng quản lý tài chính cá nhân tốt và những người không làm được. Khoảng cách giàu nghèo được nới rộng, và tàn bạo hơn, là không cho người ở dưới một cơ hội để đi lên.
Theo khảo sát của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc vào năm 2015, 7 trong 10 thanh niên Hàn Quốc tin bất bình đẳng thu nhập là một vấn đề lớn. Theo dữ liệu mới nhất, trong 36 nước thành viên Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), Hàn Quốc xếp thứ 31 về bất bình đẳng thu nhập. Trung bình mất 10,4 tháng để một người trẻ tại Hàn có thể kiếm được việc làm, số người có việc làm ở độ tuổi 20 năm 2023 cũng giảm 63.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. 
Điều này, nếu không được giải quyết, có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn của nợ nần và bất bình đẳng xã hội, làm gia tăng gánh nặng lên các thế hệ tương lai và ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của xã hội. Giải pháp cho vấn đề này yêu cầu một chiến lược đa ngành, từ giáo dục tài chính trong trường học cho đến việc thực thi chính sách tín dụng khôn ngoan, nhằm giúp giới trẻ không chỉ thoát khỏi nợ nần mà còn có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của quốc gia.

Tìm đâu cho ra một sự phòng bị, hay là một lối thoát?

Trước tình hình nợ tín dụng đang càng ngày càng gia tăng, bản thân chính phủ Hàn cũng đang đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề này. 
Theo như chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC), ông Koh Seung-beom, chính phủ đã áp dụng các tính toán cho vay chặt chẽ hơn đối với các khoản vay thế chấp để tránh những trường hợp “ai cũng có thể vay”. Một thuật ngữ mới được ra đời gọi là “DSR”, tỷ lệ dịch vụ nợ. DSR đo lường số tiền mà người vay cần phải trả trong các khoản thanh toán gốc và lãi, nhưng phải tương ứng với thu nhập hàng năm của chính người vay. Từ đó mà có thể phân loại được xem người vay tiền có đủ khả năng để chi trả cho khoản vay của họ không, và trả đủ trong vòng bao lâu để tránh khoản tiền không thể thanh khoản. Tỉ lệ DSR càng cao, người vay sẽ càng khó để chi trả khoản nợ. Hiện tại, Hàn Quốc đang có tỉ lệ DSR vô cùng chặt là 13.6%, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Australia. Nhờ DSR mà Hàn Quốc có thể kiềm chế các khoản nợ hộ gia đình tăng cao, đồng thời giảm thiểu số nợ mới sẽ phát sinh trong tương lai. 
Vậy còn đối với những người hiện đang bị mắc kẹt trong các khoản nợ thì sao? Tôi không thể bảo họ học theo nhân vật chính của bộ phim Squid Game, chơi game bán mạng để lấy tiền được. Điều mà tôi cảm thấy điều mà những người mang nợ cần là một bàn tay chìa ra để giúp họ tự thoát ra khỏi vũng lầy của mình. Thật tốt nếu các tổ chức thuộc chính phủ và phi chính phủ cho họ một cơ hội. Có thể đến ở dạng tư vấn tài chính, hỗ trợ hướng nghiệp và tìm kiếm việc làm, cho họ một cái cần câu cơm mới và ý chí của họ sẽ làm hết những điều còn lại. 
Đổi đời không anh?
Đổi đời không anh?
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, những giải pháp này không thể cản được những người có lối sống phóng khoáng về mặt tài chính, “thấy quan tài mà chưa đổ lệ”, nhất là đối với giới trẻ và những tấm chiếu mới chưa trải sự đời. Từ đây, “giáo dục” và “phổ cập”, phòng bệnh hơn chữa bệnh, là biện pháp tối ưu nhất. 
Có một kĩ năng rất cần thiết mà tôi thấy được rất ít quốc gia áp dụng vào giảng dạy tại trường học, đó là kỹ năng quản lý chi tiêu và lập kế hoạch tài chính cá nhân. Rút từ chính bài học của cá nhân, có lẽ do từ bé, tôi đã được phụ huynh cho 10.000đ tiêu vặt mỗi tuần, hết cấm xin thêm. Bởi vậy mà tôi dần học được khả năng lập kế hoạch chi tiêu sao cho vừa cái ví bé nhỏ của mình, để rồi sau này khi đã thực sự kiếm ra được đồng tiền, bài học thuở bé nay tự nhiên lại hữu dụng đến lạ thường. Chưa kể rằng ở trong xã hội, hở ra một tí là báo đài đưa tin “người đi, dép ở lại” trên cầu Long Biên vì cảnh vỡ nợ, nghe thoáng thôi cũng thấy sợ. Điều mà tôi thắc mắc ở đây là chẳng lẽ ở Hàn, người ta lại chưa nhìn thấy điều đấy bao giờ? Hay là do cách nuôi dạy ở bên đó rất khác với bên mình?
Tất nhiên rằng tất cả những hướng giải quyết kia chỉ nằm lại ở lý thuyết và sách vở. Và bạn cũng chẳng cần phải quan tâm nếu bạn làm chủ được mức chi tiêu của bản thân. 
Thông qua những gì đã và đang xảy ra đối với giới trẻ Hàn Quốc, không chỉ chính phủ Việt Nam, mỗi người chúng ta cần phải nghiêm túc tính toán cẩn thận được rủi ro trước khi có ý định sử dụng “tiền không phải của mình” để đầu tư một cái gì đó. Thuê một chuyên gia tư vấn tài chính cũng chẳng phải một ý tệ, nhỉ?