1. Hãy cho bọn đàn ông mặc váy

Hiểu lầm về đàn ông mạnh mẽ.

Từ những năm 1980, trước làn sóng mạnh mẽ của nữ quyền. Đàn ông trở nên lạc lõng khi bị làn sóng này cáo buộc những giá trị nam tính truyền thống đã chống lại phụ nữ. 
Để giúp nam giới xác định lại vai trò mới trong xã hội và thoát khỏi quan niệm độc hại như nữ quyền đã cáo buộc. Shepherd Bliss đã khởi xướng phong trào “The mythopoetic men’s movement”. Nhưng phụ phẩm của phong trào này đã sinh ra từ sự hiểu lầm của nhóm đàn ông quá khích (Red Pill là một trong số đó). Nghiên cứu đã cho thấy, đàn ông quá khích từ đống phụ phẩm này có ba tiêu chí:
Mạnh mẽ: yêu cầu thể chất khỏe mạnh, hung hăng và chai lì về mặt cảm xúc.
Không có tính nữ: không được biểu lộ cảm xúc, đặc biệt là sự nữ tính. Không nhận bất kỳ sự giúp đỡ từ mọi người
Quyền lực: phải có địa vị, quyền lực, tài chính. Nhận được sự tôn trọng của xã hội.
Vấn đề này đã gây ra hiểu lầm cực lớn về phong trào của Shepherd. Bởi vì từ ban đầu, đàn ông đi theo phong trào “The mythopoetic men’s movement” chỉ để bảo vệ mình trước nữ quyền và đi tìm giá trị mới. Để xóa bỏ những cáo buộc kể trên, chính Shepherd Bliss đã cách ly những kẻ quá khích ra khỏi phong trào, và đặt ra cụm từ “toxic masculinity” để chỉ đó như một căn bệnh cần được chữa trị.
Qua bài viết này, tôi muốn chứng minh với các bạn một điều: nếu một người đàn ông cách ly ra khỏi những giá trị nữ tính và chỉ nâng tầm duy nhất giá trị nam tính. Chắc chắn, anh ta không có quyền lực gì trong tay hay là sự trưởng thành đầy đủ về mặt nhận thức. Anh ta chỉ là thằng con nít đang trong tuổi dậy thì, bướng bỉnh, cục mịch, muốn tách ra khỏi mẹ mình mà thôi. 
Đàn ông Scotland và váy Kilt  - Nguồn: <a href="https://www.facebook.com/ukinvietnam/photos/a.10156812527615544/10156871367560544/?type=3">UK in VietNam</a>
Đàn ông Scotland và váy Kilt - Nguồn: UK in VietNam
Trong phần tiếp theo tôi sẽ nói về các đức tính, giá trị mà nhiều người đàn ông thành công đã học được từ phụ nữ, ví như: ngăn nắp - trật tự, bi quan và khả năng giao tiếp như một nghệ thuật.

2. Ngăn nắp và Trật tự

“Sự gọn gàng là một đức hạnh, sự cân đối thường là một yếu tố của cái đẹp.”
Winston Churchill

Ngăn nắp giúp giảm thiểu dung lượng quá trải trong đầu phụ nữ.

Một sự thật hiển nhiên, đa số chị em phụ nữ luôn yêu thích sự ngăn nắp. Điều đó không cần phải chứng minh nữa. Nhưng tại sao họ yêu thích sự ngăn nắp đến vậy? Hiện tại, phụ nữ đảm nhiệm nhiều đầu việc hơn chồng, họ vừa đóng góp vào kinh tế của gia đình, vừa chăm con, vừa chăm căn nhà, vừa chăm luôn cả cái bếp - nơi tạo ra 3 bữa ngon lành mỗi ngày cho gia đình. 
Như vậy, phụ nữ buộc bản thân phải sống ngăn nắp để tiết kiệm thời gian tìm kiếm đồ đạc, và giảm thiểu thói chần chừ thiếu quyết đoán trong lúc làm việc. Mặt khác, môi trường sống lại là thế lực vô hình nhào nặn nên hành vi của người làm chủ môi trường đó. Khi đặt các vật phẩm có trật tự theo từng nhiệm vụ cụ thể, người chủ môi trường sống có thể hình dung ra nhu cầu sử dụng vật phẩm ngay lập tức. Tất nhiên, họ không cần phải thường xuyên nhắc nhở bản thân phải sử dụng vật phẩm cho mục đích nào đó. Tóm lại, ngoài việc tiết kiệm thời gian nhờ vào ngăn nắp và trật tự, người phụ nữ còn làm cho não của họ tránh lãng phí năng lượng vào những rắc rối thừa thãi.
Đàn ông thì khác, họ là những kẻ “nhìn thẳng” khi làm việc, tức là họ cắm đầu cắm cổ làm một việc cho đến khi nó hoàn thành thì thôi. Để nâng cao năng suất làm việc hơn, đàn ông trong mọi ngành nghề đã học thói quen ngăn nắp của phụ nữ.
Nhóm đàn ông đông đảo ở đây là các anh Shipper, trước khi giao hàng, họ sắp xếp các kiện hàng theo nhóm dựa theo lịch trình để tiết kiệm xăng và thời gian vận chuyển. Một nhóm khác là kỹ sư IT, họ cũng thiết lập thói quen phân loại các file tệp để tránh tâm lý bực bội vì tốn thì giờ tìm kiếm file tệp cần thiết.
Robert Caro và văn phòng ngăn nắp ở thành phố New York - Nguồn: www.popularmechanics.com
Robert Caro và văn phòng ngăn nắp ở thành phố New York - Nguồn: www.popularmechanics.com
Robert Caro, một nhà báo nổi tiếng người Mỹ chuyên về viết tiểu sử về các nhân vật chính trị Hoa Kỳ đã từng giành giải Pulitzer, và cùng nhiều giải thưởng khác trong suốt sự nghiệp viết báo. Một trong những yếu tố nhỏ đã đóng góp vào sự thành công của ông chính là căn phòng làm việc trật tự, ngăn nắp ở thành phố New York:
Nơi đặt sách, cách sắp xếp sổ ghi chép, đồ đạc treo trên tường, thậm chí trang phục mặc tới văn phòng. Đặc biệt, trật tự đặt các vật phẩm trong căn phòng đó không có nhiều thay đổi trong suốt sự nghiệp của Robert Caro. Ông nói: “Tôi tự rèn luyện để trở thành một người có tổ chức”

Phụ nữ nhìn bao quát, đàn ông nhìn thẳng.

Ngăn nắp không chỉ phô ra ở bên ngoài, mà bên trong tư duy của người phụ nữ cũng vậy. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự mệt mỏi, kiệt sức và bực mình, vì bộ não của phụ nữ bẩm sinh có khả năng lưu trữ một lượng lớn các sự kiện tích cực lẫn tiêu cực nhiều hơn đàn ông.
Thời còn đi học, tôi không hiểu tại sao các bạn nữ thường tỉ mỉ chăm chút cho sơ đồ tư duy, soạn đề cương. Đặc biệt là môn văn, dàn ý là thứ được họ chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi bài kiểm tra. Cho đến khi tôi bị mẹ gô cổ đi rửa một đống chén sau bữa tiệc gia đình. Tôi nhận ra rằng... Tôi mệt… À không… mẹ tôi đã làm sáng tỏ tại sao các bạn nữ kia lại hay sắp xếp tư duy của họ một cách trật tự lên những trang giấy.
Khi tôi lúng túng không biết rửa nồi trước hay rửa chén trước, không biết sắp xếp sao cho gọn đống chén đĩa to đùng trước mặt. Bà nhìn cái sự lọng cọng đó của tôi và bắt đầu cáu gắt: 
“Sao mày ngu thế hả con!?” “Này... động não xem, khi rửa chén thì mày cần làm gì để bớt lọng cà lọng cọng!?”
“Con không biết, mẹ hướng dẫn con đi” - Tôi dỗi ngang.
Bà xắn tay áo, chen vào chỗ tôi đang đứng rồi bắt đầu hướng dẫn từ đầu đến cuối:  
“Rửa chén có 4 bước, đầu tiên là thu dọn thức ăn thừa, tráng sơ chén đĩa; thứ hai, sắp xếp chúng thành từng chồng theo từng loại; thứ ba, rữa cho kỹ; cuối cùng là tráng cho thật sạch và xếp chén đĩa thành từng loại một lần nữa.” 
Vậy, phụ nữ đã tư duy ngăn nắp như thế nào? 
Tư duy theo kiểu Mandal Art
Tư duy theo kiểu Mandal Art
Đầu tiên, họ đặt một đối tượng ra làm chủ đề chính, sau đó đặt câu hỏi xung quanh chủ đề và trả lời câu hỏi, từ đó họ tạo ra các các biến phụ xung quanh chủ đề. Nếu đối tượng công việc có vẻ hệ trọng, họ lại phân tích các biến phụ đó ra như họ đã làm với chủ đề, rồi sắp xếp các biến đã biết vào ngăn nào đó trong tâm trí. 
Tất nhiên, giáo sư Cal Newport - tác giả sách Deep Work đã tận dụng tư duy ngăn nắp trong những lúc anh ta đi bộ đến nơi làm việc. Dalai Lama cũng như vậy, trong lúc thiền, ông đã tận dụng kiểu tư duy kể trên để phân tích các vấn đề hóc búa. 
Nguồn: youtube
Tuy nhiên, việc tưởng tượng, phân tích và vẽ ra bốn phương tám hướng của một vấn đề có thể gây ra tác dụng phụ. Chị em sẽ hay lo lắng, bi quan và dễ bị những suy nghĩ tiêu cực lôi kéo thường xuyên.

3. Bi quan không hẳn là xấu.

“Làm khi lành để dành khi đau”
Thành ngữ

Các mẹ, các chị đi theo chủ nghĩa bi quan.

Khi mẹ của bạn nghe đài báo nói rằng "thiếu ngủ khiến bạn có nguy cơ béo phì và đái đường", thì bà ấy sẽ càm ràm về thói thức đêm đủa bạn. Chuyện quản lý tiền nong của gia đình cũng vào tay bà, bà ấy nhịn thèm, không tiêu xài phung phí. Bởi vì bà ấy nghĩa rằng: "lỡ ngày mai, chồng bị bệnh, con cần học phí thì sao?
Các chị em thường mang theo túi xách. Trong đó có rất nhiều vật dụng liên quan tới chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe. Tôi tin rằng, họ lúc nào cũng nghĩ ngoại hình của mình nếu không vừa mắt với người đối diện thì họ sẽ gặp nhiều trục trặc trong giao tiếp. Bất kỳ dấu hiệu xấu nào trên da cũng là một biểu hiện của sức khỏe đang có vấn đề.
Cho nên, tư duy phòng bị là bản năng của phụ nữ khi đối phó với rủi ro trong tương lai.

Nguyên nhân nào khiến họ bi quan?

Thống kê của Hiệp hội lo lắng và trầm cảm Hoa Kỳ về rối loạn lo âu của phụ nữ so với đàn ông vào năm 2021.
Phụ nữ được chẩn đoán có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu cao gần gấp đôi nam giới trong đời. Trong năm 2021, tỷ lệ mắc bất kỳ chứng rối loạn lo âu nào ở nữ giới (23,4%) cao hơn nam giới (14,3%).
Nguyên nhân của những lo âu đến từ:
- Phụ nữ bẩm sinh có khả năng tiếp thu và ghi nhớ nhiều thông tin, sự kiện hơn đàn ông, đồng nghĩa với việc họ sẽ khó tháo gỡ những sự kiện gây tổn thương tinh thần của họ.
- Sau tuổi dậy thì, nguy cơ mắc trầm cảm ở nữ giới cao gấp đôi. Một số chuyên gia tin rằng, nguy cơ trầm cảm cao này có liên quan đến sự thay đổi nồng độ *Hormone* xảy ra trong suốt cuộc đời của họ, thay đổi này biểu hiện rõ ở tuổi dậy thì, mang thai và mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt,…
Có thể hiểu rằng, phụ nữ thường để đau khổ trong tâm, trong khi đó đàn ông lại quên đi nhanh chóng nỗi đau của mình. Điều hiển nhiên, chúng ta luôn thấy tư duy phòng ngừa luôn xuất hiện ở phụ nữ để phòng tránh những biến cố lặp lại. Kết quả, phụ nữ là bậc thầy trong cuộc đua sống thọ với đàn ông.
Phụ nữ Việt Nam có tuổi thọ cao hơn nam giới (76,1 so với 71,1). 
Nhưng phụ nữ đã làm thế nào để chiến thắng đàn ông trong cuộc chiến về tuổi thọ?      

Lợi ích của bi quan theo phương án B của Phụ nữ       

Khi lo âu, xu hướng chữa lành tốt nhất mà phụ nữ hay làm là chăm sóc con cái và thú cưng, chia sẻ những câu chuyện đã qua với chồng & bạn thân.
Họ thường xuyên ngủ đủ giấc (8 tiếng) và khuyến khích con cái làm điều tương tự như họ. Tất nhiên, hai nhà khoa học Matthew Walker và John Medina đồng ý hai tay với mẹ và vợ bạn. Hai nhà khoa học cho rằng, ngủ đủ giấc là liều thuốc chữa lành bệnh trầm cảm hiệu quả vì nó giúp bạn quên đi những sự kiện đau thương. Ngoài ra, ngủ đủ giấc còn giúp giảm nguy cơ: tắc nghẽn và giòn động mạch vành, đột quỵ và suy tim xung huyết, tiểu đường, béo phì.
Khi ăn uống, phụ nữ có kỷ luật hơn đàn ông. Họ ăn uống theo phép trừ, tức là cái gì không tốt cho sức khỏe thì họ sẽ kiêng hoặc là ăn vừa đủ.
Đối với tài chính, phụ nữ có xu hướng kiểm soát nghiêm ngặt chi tiêu. Họ thuộc nhóm những người đi theo chủ nghĩa tối giản trong việc vứt bỏ những khoản đầu tư vô thưởng vô phạt. Tất nhiên, họ chỉ tập trung vào khoản có lợi cho gia đình như bảo hiểm, quỹ tiết kiệm, chi phí học tập của con cái, các khoản đầu tư vào sự nghiệp của chồng.
Tôi tin rằng, một người đàn ông bi quan như người phụ nữ, luôn là một người đàn ông chuẩn GEN-TÔ-LÔ-MẦN: Anh ta làm ra 100 nghìn, thì anh ta đã nghĩ tới việc làm sao để tạo 1 triệu. Làm ra một triệu rồi thì lại nghĩ làm sao để kiếm ra 10 triệu. Và cứ như thế tăng lên cho đến khi đạt tới cực hạn của anh ta trong khả năng kiếm tiền. Nhưng đó không phải là lòng tham, lúc họ làm như thế họ lại nghĩ về gia đình của mình: “lỡ có ngày gia đình ra đường ở thì sao?”
Tất nhiên, nếu một người đàn ông biết chăm sóc bản thân như một quân nhân: ngăn nắp từ căn giường cho đến ngoại hình, rồi đến tư duy “luôn có phương án B trong tác chiến” thì được chị em đánh giá cao. Không cô gái nào có thể cảm thấy an toàn, khi cô ấy phải sống chung với một người đàn ông vô trách nhiệm với bản thân và cuộc đời của anh ta cả.
Mà nhắc tới quân nhân thì tôi lại nhớ đến bộ phim Greyhound với sự góp mặt của tài tử Tom Hanks. Đương nhiên, bộ phim này có liên quan sâu sắc tới nghệ thuật “buôn dưa lê” chuyên nghiệp của chị em.

4. Khả năng giao tiếp như một nghệ thuật.

Súng bên súng đầu sát bên đầu. Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Bài thơ: Đồng chí - tác giả: Chính Hữu

Giao tiếp bằng mệnh lệnh và phản hồi.

Trong phim chiến hạm thủ lĩnh. Nhân vật chính - Trung tá Ernest Krause (do Tom Hanks thủ vai) là thuyền trưởng của tàu khu trục USS Keeling, mã hiệu “Greyhound”. Đây là lần đầu Ernest Krause được giao nhiệm vụ chỉ huy nhóm 37 tàu hộ tống và tàu vận chuyển vượt qua vùng “Đố Đen” ở Đại Tây Dương đến Liverpool. Vùng “Hố Đen” rất nguy hiểm, địa điểm này đầy rẫy tàu ngầm U - boat của Đức quốc xã, và đội của ông không được bảo vệ bởi không quân đồng minh.
Greyhound 2020 - Nguồn: Youtube.
Khi giao chiến nổ ra giữa nhóm tàu U Boat với 37 tàu Đồng Minh. Điều Ernest Krause có thể làm lúc này, không phải là ngồi chễm chệ trong khoang Trung tâm Chiến thuật, và hét lớn vào mặt nhóm thủy thủ đoàn: “Làm gì đi chứ, mấy thằng đần !!!”
Thực tế, Krause đã tuân thủ nguyên tắc đưa ra mệnh lệnh và phản hồi giữa buồng lái, trung tâm chiến thuật bộ phận vũ khí.
Để phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận. Họ đã bỏ qua cấp bậc và coi vai trò của nhau là ngang hàng, tất cả thành viên trên tàu khu trục Greyhound đều là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Thuyền trưởng Krause đưa ra mệnh lệnh cho các bộ phận thực thi nhiệm vụ. Sau đó, các bộ phận phản hồi hàng loạt các thông tin cần thiết cho Krause cân nhắc và đưa ra các quyết định tiếp theo. Có thể nói, việc phản hồi cũng là một dạng mệnh lệnh gửi đến thuyền trưởng để ông ta thực thi nhiệm vụ chỉ huy của mình.
Ngoài ra, các mệnh lệnh và phản hồi cũng được chuẩn hóa với mục đích giúp thủy thủ đoàn tiếp nhận thông tin nhanh chóng mà không cần giải thích lại.
Tuy nhiên, phong cách giao tiếp và làm việc nhóm này có liên quan gì tới phụ nữ? 

Phụ nữ giỏi làm việc nhóm, đàn ông giỏi tranh đấu.

Có khi nào, các ông con trai đã cảm thấy bực mình khi bị chị em dỗi một cách khó hiểu chưa? Vào ngày chủ nhật đẹp trời, lúc 5h chiều. Cô người yêu muốn đi ăn bánh đồng xu và uống cà phê muối với bạn. Nhưng cô ấy lại đưa điện thoại cho bạn xem video review hai món kia. Sau đó cô ấy không nói thẳng mà nhắc nhở bạn là “sắp tới giờ ăn tối và bụng thì đang đói”. Nhưng không, bạn bị “đần”, bạn không hiểu cách giao tiếp với phụ nữ. 
Bạn nói: “Anh không thích ăn thứ đó, để anh chuẩn bị bữa tối cho em”. 
Kết quả là một cuộc tranh cãi nổ ra cho tới tận 7h tối, cô ấy thì nằm ôm gối khóc tỉ tê trên giường, còn bạn thì bực mình và khó hiểu không biết cô ấy muốn gì.
Nguyên nhân nào làm phi vụ đu trend “cà phê muối và bánh đồng xu” bị vỡ tan tành? Đó là vì phong cách giao tiếp của hai giới có điểm khác biệt.
Theo những chia sẻ của John Medina về công trình của nhà nghiên cứu hành vi Deborah Tannen. Bà Tannen đã dành một thời gian dài quan sát hành vi và ghi hình cách thức các cô bé, cậu bé tương tác với nhau. 
"Vâng, mấy ông thì biết gì về nghệ thuật nói chuyện của chúng tôi"
"Vâng, mấy ông thì biết gì về nghệ thuật nói chuyện của chúng tôi"
Bà thấy rằng, các cô bé sử dụng ngôn ngữ tinh tế, tạo ra các mối quan hệ khăng khít bền chặt thông qua trò chuyện và thường hạn chế dàn xếp ngôi thứ. 
Các bé gái khi giao tiếp thường nhìn trực tiếp vào mắt của nhau, nghiêng người và nói rất nhiều. Mặc dù các bé gái cũng phân ngôi thứ như con trai, nhưng chúng sẽ gạt bỏ ngôi thứ bằng ngôn ngữ tinh tế
Khi hợp tác giải quyết một vấn đề hóc búa nào đó, một bé gái sẽ ra các mệnh lệnh theo kiểu gợi ý và được các bé gái khác trong nhóm phản hồi trở lại. Từ đó, các bé gái đã mở ra một cuộc thảo luận để cùng nhau giải quyết vấn đề. 
Cụ thể hơn, nếu cô bé A muốn uống nước, A sẽ gợi ý cho cô bé B: “Bạn có khát nước không?”. Cô bé B tiếp nhận thông tin sẽ phản hồi trở lại A. Sau đó, A và B bắt đầu một cuộc thảo luận rồi đưa ra quyết định là cùng nhau chia sẻ chai nước. 
Trái lại, nếu một bé gái trong nhóm đưa ra mệnh lệnh uy quyền kiểu: “đưa chai nước đây” như con trai, thì chắc chắn rằng cô bé sẽ bị nhóm cho ra rìa.
Trong khi đó, các cậu con trai bị ngại giao tiếp bằng ánh mắt, không giỏi giao tiếp bằng lời và thích đưa ra mệnh lệnh “uy quyền”. Ví dụ, cậu bé B mắc đái, B sẽ “ra lệnh” với bạn nam khác: “Ê, đi đái với tao không mày?” Đặc biệt, chúng thích đưa ra ngôi thứ và tranh giành thứ hạng trong nhóm. Đương nhiên, kẻ mạnh sẽ lãnh đạo nhóm, còn kẻ yếu trong nhóm thường là chân sai vặt.
Tất nhiên, không phải cậu bé nào cũng thuộc nhóm trên. Để tạo mối quan hệ khăng khít với bạn bè, con trai có xu hướng làm việc một mình và không trao đổi chia sẻ kinh nghiệm khi giải quyết vấn đề. Nhưng chúng thường giải quyết vấn đề bằng cách khác, đó là tranh tài và so sánh năng lực của nhau.
Khi lớn lên, những đặc tính về hành vi giao tiếp và ngôn ngữ giữa hai giới càng được củng cố hơn.
Trên phim và nghiên cứu là như thế. Nhưng ngoài thực tế có khác biệt không? 
Vào năm 1947, nhà triết học thực nghiệm Walter Brattain và nhà lý thuyết lượng tử John Bardeen, họ đã tạo ra một loạt đột phá dẫn đến tranzito bán dẫn thành công đầu tiên.
Để đạt được phát minh mang tính cách mạng này.
Hai nhà khoa học đã tương trợ nhau trong suốt quá trình nghiên cứu. Brattain sẽ tập trung cao độ tạo ra thiết kế thử nghiệm tận dụng từ học thuyết của Bardeen. Sau đó, Bardeen sẽ rút ra kết luận và mở rộng lý thuyết dựa trên thiết kế của Brattain.
Như vậy, hai ông vẫn giữ thái độ làm việc của đàn ông là làm một mình trong cùng dự án cho đến khi tạo ra các thành quả, và chọn phương thức giao tiếp như phụ nữ: Không tranh đua, không phân biệt ngôi thứ, cùng đưa ra gợi ý và phản hồi để bổ trợ thành quả cho nhau.
Từ nghiên cứu và thực tế kể trên. Chúng ta có thể thấy, nếu đàn ông học được cách giao tiếp của phụ nữ, thì họ có thể làm việc nhóm xuất sắc như thế nào. Giống như Trung tá Ernest Krause trong phim chiến hạm thủ lĩnh - một “lãnh đạo cùng kéo xe bò với nhân viên”, thay vì “lãnh đạo ngồi trên xe bò để nhân viên tự kéo”.
Tất nhiên, phụ nữ được xem là có năng lực trong vai trò lãnh đạo cũng được đánh giá cao như trung tá Krause. Các chị cũng quyết đoán, đồng thời sở hữu khả năng giao tiếp trời phú. Nhưng con đường lãnh đạo của các chị có vẻ khó khăn hơn đàn ông, nguyên nhân là từ những định kiến sai lầm về giới của những người mà chị ta chịu trách nhiệm quản lý. Giống như nghiên cứu trên đã nói: Bị nhóm chị em cho ra rìa khi một ai đó trong nhóm đưa ra mệnh lệnh như con trai. 

#Kết

Như tôi đã chứng minh, các bạn hãy quên chuyện đàn ông không cần phụ nữ trong quá trình phát triển bản thân đi. Cứ để bọn đàn ông học hỏi từ phụ nữ cách “mặc váy”. Từ đó, bọn chúng sẽ làm những điều vĩ đại và không tưởng.

Nguồn tham khảo

Deepwork - Cal Newport Luật trí não - John Medina Atomic Habits - James Clear