Đa tình kiếm khách, vô tình kiếm

A Phi
Gã xuất hiện lần đầu bằng 1 hàng dấu chân cô độc. Không, lúc này gã chỉ là 1 thiếu niên trẻ trung, 1 cậu bé. Cậu bước đi cô độc giữa trời băng đất tuyết. Lý Tầm Hoan đã mở lời mời, cậu cũng không lên xe ngựa ấm áp. Sau này tạm hiểu vì cậu không muốn nợ ai bất cứ cái gì.
Cậu cô độc thật, kiếm của cậu càng cô độc hơn. Kiếm của cậu chỉ đâm, các thể loại, mọi tư thế, tất cả các góc độ. Đâm, đâm và đâm.
Thân thế của cậu bí ẩn. Từ nhỏ đến lớn không ai dạy cậu luyện bất cứ thứ võ công hay kiếm thuật gì. Cậu chỉ luyện đâm, cậu luyện tập không phải kiếm, cậu luyện nhân sinh đói khát, cơ khổ vào công cụ săn bắt để lấp đầy cơn đói.
Kiếm của cậu là 1 thanh sắt dẹt, không nhọn, không sắc, phía cuối một đầu dùng 2 miếng gỗ mỏng dài kẹp 2 mặt bản sắt rồi buộc lại. Không bao kiếm, treo lủng lẳng bên hông.
Thiết Giáp Kim Cương lần đầu thấy thanh kiếm ấy ông ta cho rằng đấy là đồ chơi của con nít. Nhưng đương nhiên, sự thật không đơn giản vậy. Thanh kiếm đồ chơi đấy không để chơi, thanh kiếm ấy giết người. Đúng hơn là đâm người, đâm cổ người. Đâm nhanh hơn tất thảy. Đơn giản nhỉ. Nhanh hơn kẻ khác. Thế thôi.
Có nhiều người sẽ hỏi cậu mạnh cỡ nào? Tôi sẽ nói: cậu rất mạnh, rất đáng sợ. Còn đến mức nào thì bó tay. Vì Ông Say đếch viết rõ, thời điểm đó cơ bản là cậu chỉ mở một lỗ máu trên cổ họng đám tép riu và không người thường nào nhìn rõ kiếm của cậu.
Cậu cũng có 1 bản năng săn mồi kì lạ để theo dấu con mồi bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu. Cùng với cá tính kiên nghị có hơi bướng bỉnh và sự kiên trì cứng cỏi đặc dị, cậu là 1 thợ săn gần như hoàn hảo.
Nhưng khi "cậu" trở thành "gã" vào 2 năm sau thì gã đã 'yếu' đi rồi.
Cũng vì thế mà Lý Tầm Hoan đã phải cầu tình Lữ Phụng Tiên (không phải Lữ Bố - Tam Quốc đâu. Xếp thứ 5 Binh Khí Phổ, cũng từng dùng 'kích', sau đổi dùng chỉ công thì có tiến bộ đáng kể và khả năng là đã thăng hạng nhưng chưa có cơ hội thể hiện đã nhũn nhoét) không giết gã, cho gã thắng để lấy tự tin.
Thậm chí Lý Tầm Hoan còn nhờ Lữ Phụng Tiên giết 'thiên hạ đệ nhất mỹ nhân'. Ý muốn nhờ đó kéo A Phi khỏi vòng đoạ lạc dưới gấu váy của Lâm Tiên Nhi.
Ừ, nghe máu chó nhàm chán. Nhưng tôi muốn bạn biết, những tình huống nhàm chán giống vậy trong các tiểu thuyết kiếm hiệp sau này đều bắt nguồn từ tình huống này đấy (hoặc ít nhất đây là 1 trong những nguồn).
Và đương nhiên, cái mưu kế cấp bậc tiểu học ấy của Lý Tầm Hoan sau đó cũng lật kèo bật thẳng vào mặt anh. Vì, ờ... Lữ Phụng Tiên cũng muốn dùng Lâm Tiên Nhi để luyện 'chỉ công'.
Cho đến khi dứt mũi khỏi mùi hải sản dưới đũng quần của Lâm Tiên Nhi (nam nhân duy nhất trong truyện chỉ được hửi mà không tớp được gì. Không tính Lý Tầm Hoan) thì gã mới trở lại là A Phi thuở ban đầu. Hoặc có lẽ có sự trưởng thành hơn rồi.
Kinh Vô Mệnh
Là bảo tiêu, là phó thủ, là đồ tể, là cánh tay trái đắc lực của Thượng Quan Kim Hồng-bang chủ Kim Tiền Bang.
Nói là cánh tay trái vì thật là cánh tay trái. Hắn dùng kiếm bằng tay trái. Và hắn thật sự đi theo Thượng Quan Kim Hồng như hình với bóng, gần như nghĩa đen luôn, hai kẻ này phối hợp với nhau kiểu kiểu như 1 người có 2 thân thể vậy, đều cả nhịp thở và nhịp bước.
Kiếm thuật tay trái của hắn hiểm độc, khó phòng. Thường nhân thường tập phòng thủ đỡ, né đòn đa phần với đối thủ thuận tay phải. Nhưng hắn dùng cổ tay trái, đâm xéo quái dị khiến cảm giác đối thủ bị lệch lạc, khó nắm bắt và càng khó phòng ngừa. Đồng thời kiếm của hắn còn nhanh đến đáng sợ. Đối thủ của hắn chẳng kịp nhìn thấy kiếm của hắn đã mất mạng.
Đời hắn sống vì Thượng Quan Kim Hồng. Hắn được Thượng Quan Kim Hồng huấn luyện, dạy dỗ để trở thành cái bóng lạnh lùng vô cảm và vô nhân tính. Khi Thượng Quan Kim Hồng cần hắn sẽ đến lấy đi 'mệnh' của kẻ khác, khiến kẻ đó 'vô mệnh'. Bất kể ai hay thứ gì ngáng đường cũng không ngăn được hắn đoạt đi 'mệnh' của mục tiêu. Thậm chí nếu 'mệnh' của hắn là thứ vướng víu thì hắn cũng sẽ ném nó đi như rác rưởi.
Đôi mắt cá chết, trống rỗng vô hồn, nhìn ai cũng như là một người chết đang nhìn một người chết khác vậy. Đôi mắt ấy chỉ thay đổi vì Thượng Quan Kim Hồng. Hắn có lẽ tôn trọng, sợ hãi và có lẽ có chút yêu thương Thượng Quan Kim Hồng.
Khó có thể nói đó là loại tình cảm gì nhưng có thể nói Thượng Quan Kim Hồng là người duy nhất trên đời khiến hắn để ý. Thậm chí - theo Lâm Tiên Nhi đó là sự ghen tuông với những người có vẻ được Thượng Quan Kim Hồng yêu thích.
Còn Thượng Quan Kim Hồng có nói: "Chỉ cần hắn giết người vì ta. Hắn giết ai cũng được" (không biết thật lòng hay không vì đặt trong bối cảnh giữa trận đối đầu của lão với Lý Tầm Hoan. Và Thượng Quan Kim Hồng vừa được biết rõ Kinh Vô Mệnh đã giết con trai độc nhất của lão)
Nhưng Kinh Vô Mệnh có 1 bí mật, thứ bí mật chỉ có người 'vô mệnh' mới được biết.
Khi khắp giang hồ ai cũng kinh sợ thanh kiếm nhanh, độc, hiểm, chuẩn hắn cầm bằng cánh tay trái. Thì sự thật là hắn dùng tay phải vung kiếm còn nhanh hơn cả tay trái. Hắn luyện kiếm tay phải trong bí mật. Hắn để dành thanh kiếm tốc độ hơn, chết chóc hơn để phòng bị vị chủ nhân đáng sợ của hắn.
Lý Tầm Hoan đã nhận xét: "Hắn có thể chết vì Thượng Quan Kim Hồng nhưng không muốn chết trong tay Thượng Quan Kim Hồng".
A Phi đấu Kinh Vô Mệnh
Lưỡng đại tuyệt đỉnh kiếm thủ cùng thời. Thân thế bọn họ thì khác biệt nhưng kiếm đạo của họ giống nhau kỳ lạ.
Đều dùng thứ kiếm mỏng, nhọn, dễ gãy, không có kiếm cách, đều không dùng vỏ kiếm. Đến cả cách buộc kiếm bên hông cũng giống nhau, khác là 1 bên phải, 1 bên trái.
Ánh mắt A Phi bừng bừng cháy rực thiêu đốt địch thủ nhưng nó thật ra bình tĩnh lạ kỳ.
Gương mặt Kinh Vô Mệnh đơ cứng, lạnh lẽo, thậm chí giống như máu của hắn cũng không lưu động nữa.
Bọn họ có từng giao thoa, có từng so kiếm??? Đương nhiên. Hai kẻ dùng kiếm tuyệt đối trong thời điểm đó của giang hồ, lại giống nhau đến vậy. Đương nhiên họ đã so kiếm.
Nhưng trước tiên nên có vài so sánh làm nóng sơ sơ đã:
'Thiên Cơ Bổng' - đệ nhất Binh Khí Phổ đương thời - Tôn Bạch Phát khẳng định: hai kẻ này đúng ra không nên được coi là biết võ công. Họ chỉ biết giết người.
'Long Phụng Song Hoàn' - đệ nhị Binh Khí Phổ - có nhận xét: kiếm của Kinh Vô Mệnh hiểm độc và hung tàn hơn còn kiếm của A Phi thì ổn hơn.
'Tiểu Lý Phi Đao' - đệ tam Binh Khí Phổ thì cho rằng: A Phi giết người vì cần giết, Kinh Vô Mệnh giết người vì để giết người.
Giao thoa giữa họ cũng khá đặc sắc. Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân-Lâm Tiên Nhi trơ tráo vất bỏ A Phi đi theo Kinh Vô Mệnh. Đệ nhị Binh Khí Phổ-Thượng Quan Kim Hồng thì trực tiếp đổi Kinh Vô Mệnh bằng A Phi để làm cái bóng của lão.
Pha tráo đổi "người mình yêu" quá kinh điển giữa 2 vị kiếm thủ (tôi nói kinh điển tức là thú vị về nhân sinh cuộc đời, đừng nghĩ bậy)

Ai thắng??? Ai chết???

Lần đầu . Chưa rút kiếm nhưng hai vị kiếm thủ đã so kè bằng mắt cực gay gắt.
Sơ đấu bị Long Tiêu Vân phá hoại bằng việc dùng phi tiêu định đánh lén A Phi.
Kiếm của Kinh Vô Mệnh chém bay phi tiêu. Kiếm của A Phi chớm vung lên, nhưng gã kịp thời dừng lại. Như đã nói, gã bình tĩnh vô cùng.
Nhưng thoáng qua là biết vị. Kinh Vô Mệnh biết nếu đấu tiếp hắn sẽ thắng, A Phi sẽ chết. A Phi cũng đã nhận ra. Nhưng Kinh Vô Mệnh không giết A Phi và để gã đi. Vì “...ngươi là A Phi…”
Hiệp hai (ngay sau đó, vẫn tính là lần đầu) A Phi rốt cuộc chọn ở lại  vì Kinh Vô Mệnh muốn giết Lý Tầm Hoan.
Kiếm của A Phi cách Kinh Vô Mệnh ba phân rưỡi . Kiếm của Kinh Vô Mệnh chỉ đâm vào vai A Phi không sâu vì Lý Tầm Hoan phóng đao cứu gã.
Không ai chết. Kinh Vô Mệnh dùng tiểu đao của Lý Tầm Hoan trực tiếp phế tay trái của mình rồi rời đi.
Lần thứ hai . Không quá nhiều giao thiệp lòng vòng. Duy chiến mà thôi.
Kiếm tay phải của Kim Vô Mệnh cách cổ họng A Phi ba phân rưỡi . Kiếm trúc của A Phi vừa đúng đặt lên mi tâm của Kinh Vô Mệnh.
Vẫn cmn không ai chết. A Phi cũng không giết Kinh Vô Mệnh vì "... ngươi là Kinh Vô Mệnh..."
Hai người sau này còn thoáng hiện trong trong hậu truyện của Diệp Khai và Phó Hồng Tuyết. Nhưng theo tôi nhớ cả 2 xuất hiện ở những vụ việc khác nhau, không có giao thoa.
Không hoa lệ mà thâm u nhiều tầng như kiếm đấu Tử Cấm Thành. Những trận đấu của A Phi và Kinh Vô Mệnh trần trụi và chết chóc hơn. Giữa đường tơ kẽ tóc sinh tử phân định vì vài li khoảng cách.
Tôi cho là những trận đấu ấy cũng biểu hiện rất nhiều suy cảm về thắng và bại, về sống và chết của người nhân gian Hùng Diệu Hoa trong thời điểm đó.
Người sống còn thở, còn suy nghĩ, còn tự hỏi, còn nhớ nhung, mơ mộng, còn cười được, còn khóc được. Người chết là hết, vạn sự giai hưu.
Thế thôi.