(Ảnh gốc: Sưu tầm, Edit: Phương Uyên)
I.

“Đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu
Một thân bách nghệ, lại sầu đàn ông”.

Nhiều năm về trước lúc tuổi chừng đôi tám, bướm lượn ong vờn, thị Cầm đã tự giễu mình như thế, chẳng ngờ đến hồi hoa tàn nhụy rữa, hương phai phấn nhạt, nàng vẫn chưa dứt khỏi cái kiếp đào hoa.

Người ta thường bảo ngày vui chóng tàn, còn ngày buồn thì đuổi mãi chẳng chịu đi cho. Quân Minh đặt chân lên mảnh đất của cha ông nàng chưa trọn mười năm, nàng đã thấy nỗi hờn căm như trải suốt một đời. Đường từ Thượng Tư về Thất Nguyên giữa cơn binh lửa bỗng dài thăm thẳm, chẳng trách nàng đi mãi chưa đến được quê nhà đã bị quan tri châu bắt lại.

Ông châu rủa thầm, bọn đàn bà đái không qua ngọn cỏ mà cứ nghĩ mình khôn, con hát kia lại cả gan tròn mắt bảo ông rằng cái món nhạc cụ đang bọc trong túi vải là cây đàn tỳ bà được Thiên triều mang sang Giao Chỉ . Khốn nỗi chúng có biết đâu ông là một người say mê âm luật, vừa nhìn đã nhận ra sự dối trá bởi món nhạc cụ ấy từ thời Thiên tử lên ngôi đã được cải tiến, có thêm mấy phẩm giữa thân đàn, phải đâu trơn đuột, trần trụi, sống sượng như cái bản mặt của thị Cầm. Vẫn còn may mấy đời nhà nàng ăn ở tốt, ông châu chẳng những tài hoa lại rất mến chuộng mỹ nhân, chỉ cần nàng tự tay đập nát cây đàn phát ra thứ âm thanh não nuột khốn khổ ấy trước mặt ông rồi theo ông về xem cây đàn “thật”, nếu tấu được một khúc Hoài Âm bình Sở hoặc Bình sa lạc nhạn , biết đâu ông vui trong bụng sẽ tha mạng sống.

Nàng Cầm nghe ông nói xong thì tay chân run lẩy bẩy, mọp lạy đến sưng vêu cả trán:

- Con lạy ông lớn, sinh thời thầy con chỉ có cây đàn này bầu bạn, giờ thầy con bạc phần mất sớm…

Chừng thấy gương mặt lạnh như tiền của ông chẳng mảy may rung động, nàng lại thấp giọng nỉ non:

- Ông thương ông xót cho con nhìn vật nhớ người, con nguyện làm trâu ngựa đĩ điếm hầu ông.

Bọn lính theo hầu quan bỗng rộ lên cười, nàng đẹp thì còn đẹp đấy, nhưng làm sao bì được với lũ tì thiếp mới mười tám đôi mươi đang nằm ở nhà chờ quan đoái hoài, hay gì một đóa hoa tàn mà mang sắc hương ra dụ ngọt?!

Chẳng ngờ ông châu chán ngán gái tơ, nay bỗng đâm hứng thú với một con hát đã toan về già . Ông bước đến nâng mặt nàng, đưa tay lau đi vết bụi đất lấm lem, ngón tay gầy guộc nhăn nheo vuốt lên cái cổ trắng ngần, đôi mắt hẹp dài nheo nheo lại như đang định giá một món hàng:

- Mày đã nói đến vậy, ông cũng muốn thử xem.

Thị Cầm lập tức được đưa vào một nhà dân gần đó cho quan lớn giày vò.

Cây tỳ bà nằm chỏng chơ trên nền đất khô cằn, sợi tơ đồng phản chiếu ánh mặt trời long lanh như giọt lệ. Bỗng đâu có giọt nước rơi xuống thân đàn, phải chăng ông trời thương xót hồng nhan nên khóc trận mưa rào sau bao ngày khô hạn? Bọn lính canh đã nép vào hiên trú mà đợi mãi chẳng thấy mưa đâu bèn đến gần xem, hóa ra là phân chim chứ trời cao nào có mắt…?!

Đợi thêm chốc nữa, ông châu xong việc, ả đào hát lại bị vứt ra sân với thân thể rã rời, tấm lụa đen bọc đầu đã rơi khỏi khi nào để lộ mái tóc ngắn nham nhở như chó gặm, lưng áo rách bươm loang lổ máu đào. Mấy tên lính canh ái ngại nhìn, thị Cầm không buồn che chắn nữa.

Bọn đàn ông đến chốn thổ đĩ tìm vui còn biết nói ngọt mấy câu tỏ vẻ phong lưu, còn cho chút bạc khi xong chuyện, có đâu khốn nạn như cái thân nàng, đã hầu người còn phải chịu đòn roi sỉ vả?!

- Con đĩ già to gan lớn mật, mày câm điếc hay đui mù mà không biết lệnh để tóc dài của Thiên triều? – Quan ông giận dữ bước đến giơ chân toan đạp nàng, rồi dường như nghĩ ra cách gì ác độc hơn, ông đi về phía cây đàn.

Thị Cầm đang uất nhục tưởng như chết đi được vẫn tiếc di vật của thầy, lao đến dùng thân chặn trước mũi giày quan, ông không do dự đạp thẳng lên gương mặt ông vừa hôn hít vuốt ve.

Nàng níu chặt chân ông, khóc rống:

- Con lạy ông, ông thương tình con mới hầu ông mà tha tội cho thầy con. – Nàng dường mất trí, xem vật như người, quan lớn vẫn chẳng dừng chân.

Đấy, bảo thị Cầm mặt dày sống sượng có sai đâu, chuyện nhục nhã như thế mà cũng mang ra chỗ đông người nói được, làm như cứ sợ người ta nhìn bộ dạng của nàng còn không đoán được chuyện gì. Đám đông bắt đầu nổi sự hiếu kỳ, người đay nghiến, kẻ khóc than, lại thêm tiếng lao xao bàn tán, đông vui chẳng khác gì phiên chợ.

- Kẻ nào ồn ào làm hứng thơ của ông chạy mất? – Từ quán nước nhỏ bên đường, một giọng nói uể oải vọng sang.

Thị Cầm run rẩy ngẩng mặt lên, mái tóc xác xơ lòa xòa và nước mắt giàn giụa cũng không che được vẻ rực rỡ đến chói mắt từ người đang tiến lại gần: một thân áo dài dệt tơ, lưng thắt dây thao, hài thêu, mũ cánh chuồn lại thêm gương mặt đẹp như Thần Phật đang phe phẩy quạt.

Nét mặt nàng chuyển từ đau đớn sang ngỡ ngàng, lại từ ngỡ ngàng sang kinh hãi, giữa lúc ông châu và bọn lính hầu còn chưa biết đại quan nào mới đến, nàng lắp bắp mãi mới nói được mấy từ:

- Ông… ông Cung… sao ông lại ở đây? –

Rồi như nhớ ra điều gì, nàng thảng thốt đưa tay che miệng. – Chẳng lẽ Mã đại nhân…?

Họ Mã còn gọi là “đại nhân”, có thể là ai khác hơn vị Tổng binh khét tiếng tàn bạo mà Thiên triều phái sang Giao Chỉ, tên chỉ có một chữ Kỳ?! Quan tri châu vừa nghe đến phương danh đại tướng, bộ dáng uy quyền bỗng dưng mất sạch, rụt rè hỏi người mới đến:

- Ngài là…?!

- Bổn quan họ Dương, lần này chỉ thay đại nhân đến làm chút chuyện. Ả đàn bà kia phạm tội gì mà ông châu nặng tay đến vậy? – Quan lớn trỏ thị Cầm.

- Ả ta là người của thượng quan sao? – Ông châu mặt biến xanh như tàu lá.

- À không. – Thượng quan Dương Cung phẩy quạt cười. – Chẳng qua năm ngoái ở Thất Nguyên có nghe thị đàn một lần, ngón nghề cũng khá… - Mấy chữ cuối ông kéo dài đầy ý tứ.

Ông châu mồ hôi mẹ mồ hôi con thi nhau đổ, không biết phải ăn nói thế nào, cuối cùng bước đến giằng thị Cầm ra khỏi cây đàn tội vạ, dâng lên quan lớn để thanh minh:

- Bẩm thượng quan, ả này to gan chống lệnh, chẳng những cắt tóc ngắn đi chân trần mà còn dám giữ lại nhạc cụ của bọn man di.

Thượng quan nhận lấy cây đàn, nét mặt tươi đẹp như hoa bỗng sa sầm:

- Chỉ có chừng đó thôi à? Ông châu cầm tội chứng trên tay mà không phát hiện ra thì cũng lạ đấy! – Quan toan trao lại cho ông châu, giữa chừng như đổi ý, buông tay để cây đàn rơi xuống đất. – Đời nào có thứ tỳ bà nặng thế này?

Cây đàn chạm lên nền đất khô nứt, vỡ giòn, mấy quyển sách từ đâu rơi vương vãi. Dương Cung thong thả cúi người nhặt lấy một quyển, nheo mắt đọc:

- Thượng đại nhân, Khưu ất dĩ, hóa tam thiên, thất thập sĩ…

Còn không phải là thứ sách bọn trẻ con dùng tập viết, đứng đầu trong danh sách cần tiêu hủy đã ban ra mấy năm trước hay sao?! Thị Cầm đang quỳ mọp, cúi gằm, bị ông châu dùng sách kia tát thẳng lên đầu.

- Phản rồi! Phản rồi! – Tri châu nửa giận run người, nửa sợ phải tội tắc trách, không ngừng trút đòn lên tấm thân con hát, đoạn quay sang quan lớn. – Bẩm thượng quan, châu tôi có mắt như mù mới không nhận ra bản mặt xảo trá của con đào hát hết thời, mong ngài bỏ quá cho, tôi sẽ đốt ả cùng với mớ giấy lộn kia ngay lập tức!

- Ấy, đừng nóng! – Thượng quan lại phe phẩy quạt. – Thiên tử ta có dạy, ép uổng người chỉ sinh oán hận, Thiên triều ta dùng đức phục người, phải để con điếm nọ cam tâm nuôi dài tóc, tẩy trắng răng, đem nhạc khúc của Thiên triều mà dạy cho người thân, họ hàng, con cháu, chừng đó đức giáo hóa của ta mới gọi là thành.

- Ông lớn dạy chí phải. – Cái lưng của ông châu lại cong thêm một chút, lòng thầm mừng rỡ vì thoát nạn. – Vậy bây giờ…?!

- Đốt đàn và sách là được, mang ả kia về để quan đích thân dạy bảo. – Thượng quan che miệng ngáp dài. – Phủ của ngài chắc vẫn còn phòng trống, quan ở tạm vài ngày có được phỏng?

- Dạ còn, còn chứ! Có điều… - Ông châu ái ngại nhìn dáng vẻ nhơ nhớp của thị Cầm.

- Ông châu ngại à? – Dương Cung gấp cây quạt, đưa đến nâng cằm ả tội nhân đang siết chặt nắm tay gục mặt trên nền đất. – Chỉ cần ả dặm chút phấn son thì nhất định khác hẳn đấy, quan không ngại.

- Dạ không… đương nhiên không ạ! – Ông châu vội phân trần.

Thị Cầm cứ thế bị đưa đi.

Cây đàn long phím vỡ bầu lẫn trong mớ sách mà nàng cố công giấu diếm, phút chốc hóa thành ngọn lửa ngùn ngụt cháy giữa trời khô hạn. Nàng gắng ngoảnh lại nhìn, lửa liếm cả vào trong đáy mắt.

***

Tối ấy, thị Cầm được tắm gội sạch sẽ rồi đưa đến phòng quan lớn.

Dưới ánh đèn leo lét, da thịt trắng trẻo mịn màng lồ lộ hiện ra cho bàn tay thon dài của quan trên thỏa sức vuốt ve. Động tác của thượng quan Dương Cung như thể một vị thánh đang ban phép lành cho kẻ dưới, gương mặt uất ức đau thương của con hát dần giãn ra rồi bỗng hóa thanh thản lạ lùng.

Rất lâu sau, thượng quan vẫn nhìn chăm chăm vào tấm lưng trần chằn chịt vết thương của thiếu phụ, đôi mắt không lộ ra chút cảm xúc gì.

- Còn đau không? – Quan hỏi, thị Cầm chỉ khẽ lắc đầu, mặt vẫn rúc sâu vào gối. - Không ngờ thằng châu ấy lại là một tên bệnh hoạn. Tôi xin lỗi… – Ngón tay mịn màng đẹp tựa thiếu nữ của ngài vuốt lên những lằn roi rươm rướm máu, đoạn vuốt sang những vết sẹo đã mờ, giọng cứ đều đều như nói chuyện của ai xa lạ.

Bờ vai thị Cầm khẽ động, quan lớn áp người lên lưng nàng, vùi mặt vào trong mớ tóc bị ông châu xén nham nhở ban trưa giờ đã thơm sực hương nhài, vai ông cũng run run.

Rồi không hẹn mà cả hai cứ thế rũ ra cười, cười đến chảy nước mắt, cười đến quặn thắt ruột gan, cười như đang xem hội.

- Thằng châu ấy có bệnh hoạn mới ngu si, có ngu si mới dễ tin cậu là cận thần của Mã Kỳ. – Thị Cầm xoay người lại véo mũi Dương Cung, ánh mắt đa tình ướt át, môi cong cớn như hờn dỗi, không còn tí nào dáng vẻ của thiếu phụ cam chịu đến nhẫn nhục ban ngày. – Lần này nhanh gọn hơn tôi nghĩ, chỉ mất tí máu và tóc, suýt quên… còn ít ngày chép lại mớ sách quý kia, cũng mỏi tay phết đấy.

- Phải rồi, tất cả là nhờ đào hát tài sắc nhất phủ Thất Nguyên. – Dương Cung ôm nàng trong ngực. – Ây chà, ngày mai tôi phải đòi hắn bao nhiêu châu báu thì người đẹp mới bớt giận đây?

- Cậu Ngã à! – Nàng đưa tay chặn lên đôi môi mỏng. – Lần này không cần thù lao cho chị, lâu lắm mới được hai ông quan lớn tranh giành, sướng phết chứ đùa!

Trên tóc nàng vang lên tiếng cười khe khẽ.
Thị Cầm tựa đầu lên ngực cậu Ngã của nàng dụi dụi một hồi cho thỏa cơn cười. Đã bao lần như thế, một người xướng, một kẻ tùy, họ xuôi Nam ngược Bắc mà lừa được biết bao người. Lúc nàng dùng kế mỹ nhân, khi chàng đóng vai nam sủng. Không cần biết trong tay họ có thứ gì, quan trọng là người khác tưởng họ có những gì, nhất là khi hai người họ lại sở hữu vẻ ngoài nọ, sắc đẹp kia, những vở kịch cứ thế xuôi chèo mát mái, đến đâu cũng không sợ thiếu kế sinh nhai, cũng không lo chẳng của ăn của để.

Cười mệt, nàng như nhớ ra chuyện gì, chợt thở dài, im lặng lúc lâu rồi cất giọng ngâm nga, ánh mắt như trôi về nơi nào xa vắng lắm:

“Thuở xưa chúng gọi cô Cầm
Sớm đưa, chiều đón, đêm thầm nhớ mong
Bây giờ chẳng ngóng chẳng trông
“Bà Đàn” gọi ngược là xong một đời...”

***

Đêm sau đó, một bóng dáng nhỏ bé lầm lũi lẻn ra khỏi phủ tri châu, đến một nhà dân ở ngoại thành. Bọn đàn ông lưng rộng vóc dài nhìn rương châu báu đặt trên bàn mà mắt long lanh sáng, bởi họ không tin chàng trai tứ cố vô thân và cô đào hát chân yếu tay mềm lại có thể thành công lừa được quan tri châu nổi tiếng khắc nghiệt của xứ này. Họ nghĩ về ông Chứng, ông Ngọc, ông Thiện - những người vì dân mà đứng lên giờ đã không thể trở về, nghĩ về những người đồng đội nghĩa quân đã không còn dịp uống rượu cùng nhau nữa, nghĩ về những bà mẹ xa con, những người vợ khóc chồng, nghĩ đến lời hứa của người thanh niên có gương mặt đẹp như hoa mang tên Lê Ngã kia nhiều tháng trước:

- Các anh có muốn giàu sang thì hãy theo ta.

Khi ấy đã có người phản ứng liền ngay lập tức:

- Đất nước còn bị bọn xâm lăng giày xéo, dẫu tiền muôn bạc vạn cũng vinh hiển cao sang được với ai?

Đáp lại, người con trai ấy chỉ cười nhạt:

- Ta không biết giàu rồi có sang không chứ nghèo thì chắc chắn là hèn đấy!

Đến bây giờ họ đã hiểu ra vẻ ngạo mạn ấy từ đâu mà có.

Họ không cần giàu sang, nhưng có vẻ như cuộc đời của họ đã sáng hơn.

Đất nước này biết đâu sắp thoát khỏi đêm trường…