Khủng hoảng tuổi 15
Mười lăm tuổi là cột mốc tôi bước vào cấp ba và là một giai đoạn đầy khủng hoảng. Nhờ may mắn, chúng tôi từ một trường cấp hai làng...
Mười lăm tuổi là cột mốc tôi bước vào cấp ba và là một giai đoạn đầy khủng hoảng. Nhờ may mắn, chúng tôi từ một trường cấp hai làng nhàng chuyển sang một ngôi trường "chọn" của khu vực. Sự chênh lệch về thứ bậc giữa hai ngôi trường, sự thay đổi đột ngột về tải trọng chương trình học, sự giao lưu với những bạn học đến từ nhiều môi trường khác nhau, cộng với tâm sinh lý biến động của tuổi dậy thì đã tạo nên hàng đống khủng hoảng. Tôi đã phải chứng kiến (lẫn trải qua) chuyện khóc lóc, vò bài kiểm tra hay thậm chí là self-harm.
Cảm giác khủng hoảng, thất vọng, dày vò đó bắt đầu từ khi chúng tôi gặp những con điểm thấp đầu tiên - trong khi trước đó chúng tôi đều là những học sinh giỏi - và bắt đầu dịu bớt khi chúng tôi đã có điểm thấp ở hầu như tất cả các môn học (chứ không phải nhờ thành tích học hành khá lên). Sau này gặp lại một người bạn từng rạch nát tay khi phải nhận con điểm 0 hồi đầu lớp mười, tôi nhắc lại chuyện ấy, nó mỉm cười nhẹ nhàng rằng: "Hồi đó tao còn ngây thơ quá. Lúc đó điểm số là tất cả đối với tao. Giờ thì khác rồi."
Khủng hoảng tuổi mười lăm thường đẩy đứa trẻ đến đường cùng hơn cả, bởi ở lứa tuổi đó cuộc sống chỉ gói gọn ở việc học và đó cũng là thước đo duy nhất để đánh giá khả năng của một đứa trẻ. Thậm chí, có khi sức học còn bị dùng để đánh giá đạo đức, khi mà một học sinh trung bình không thể đạt hạnh kiểm tốt bởi người lớn cho rằng học yếu là do không có ý chí và thiếu siêng năng. Điều đẩy đứa trẻ đến tuyệt vọng không phải là do thành tích kém, mà thường do thái độ của những người lớn. Đó là sự đổ lỗi cho đứa trẻ, cho rằng đứa trẻ "lười biếng", hoặc "không xứng đáng" với những đầu tư mà đứa trẻ đã được nhận. Đồng thời, đó còn là sự thờ ơ của người lớn trước tình trạng tâm lý mà đứa trẻ đang gặp phải, khi người lớn cho rằng vấn đề của con trẻ chỉ là điều nhỏ nhặt trong khi chuyện của người lớn còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Nhưng với tôi, mức độ đau đớn hay khủng hoảng không phụ thuộc vào mức độ to tát của vấn đề, mà nó phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa khả năng chịu đau của một người và mức độ gây "đau đớn" của vấn đề. Tức là, cùng với một cú sốc, một người lớn đã phải trải qua nhiều lần vấp ngã sẽ cảm thấy không là gì, nhưng với một đứa trẻ vốn quen bước đi trên thảm cỏ xanh thì nó có thể tạo ra tổn thương dai dẳng.
Vấn đề tâm lý ở học đường còn đến từ những giáo viên độc hại. Trường cấp ba của tôi thời kỳ đó do thay đổi về cách tuyển sinh nên sức học của học sinh đầu vào thấp đáng kể. Các giáo viên thất vọng vì cho rằng lứa chúng tôi đang phá hoại truyền thống của trường, và do đó hình thành những cảm xúc tiêu cực, rồi đẩy cơn tiêu cực ấy vào chúng tôi. Đồng thời, ở cái thời điểm thông tin chưa phổ biến và chữ nghĩa là con đường học hành duy nhất, tôi cảm thấy giáo viên phần đông là một chiều, áp đặt, tâm lý "thượng đẳng" ở những giáo viên "môn chính" - những môn phải làm nhiều bài tập - và tâm lý bất mãn ở những giáo viên "môn phụ" - những môn chủ yếu học thuộc lòng. Ở cái tuổi đó, những đứa trẻ bắt đầu hành trình định vị bản thân, vẫn chưa thực sự hiểu đâu là cái mình có, cái mình muốn, cái mình cần. Do vậy, những nhận định tiêu cực dễ dàng thấm sâu vào đầu óc những đứa trẻ, khiến chúng vô thức gán những định kiến của người lớn vào bản thân mình, từ đó dễ có tâm lý yếu kém, thất bại.
Tôi vẫn cứ hay suy nghĩ về những cơn khủng hoảng tâm lý ấy. Tuổi mười lăm không phải là khoảng thời gian khủng hoảng duy nhất, mà khủng hoảng sẽ chực chờ đến ở những cột mốc chuyển đổi giai đoạn trong cuộc đời. Chẳng hạn, cuối cấp ba khi phải lựa chọn ngành nghề để theo đuổi, đầu đại học khi phải bước vào một môi trường mở hoàn toàn khác, cuối đại học khi phải chuẩn bị đối mặt với cuộc sống đi làm có vẻ "khắc nghiệt" hơn, khi bắt đầu đi làm và bỡ ngỡ trước những thực tế khác biệt so với kỳ vọng cùng với sự mơ hồ về định hướng, về đâu là giá trị thực sự mà bản thân đang có... Điểm chung của những giai đoạn này là đây đều là những cột mốc chuyển tiếp, và là một bước chuyển bắt-buộc-phải-đến, bất kể chúng ta đã thực sự sẵn sàng về kiến thức, kỹ năng lẫn tâm lý để đối mặt với chúng hay chưa. Đồng thời, đó cũng là lúc ta phải lựa chọn. Thế hệ chúng ta vẫn thường được cho là một thế hệ "sung sướng" bởi có rất nhiều cơ hội và có thể tự lựa chọn cái gì là phù hợp cho mình. Nhưng mặt khác, khủng hoảng của thế hệ cũng đến từ chính sự tự do lựa chọn đó. Bởi lẽ, quyền lợi luôn đi kèm với trách nhiệm. Với sự tự do và đa dạng về lựa chọn mà thời đại mang đến, những đứa trẻ thời nay đồng thời còn bị kết án phải thành công, phải hạnh phúc. Do vậy, tuy được hưởng điều kiện vật chất đầy đủ hơn nhưng gánh nặng kỳ vọng mà xã hội đặt lên những đứa trẻ ngày nay lại nặng nề hơn rất nhiều so với những thế hệ trước, và điều này không phải người lớn nào cũng cảm nhận được.
Đã nhiều năm kể từ cái tuổi mười lăm của tôi, xã hội đã bớt gay gắt hơn, những giáo viên năm xưa của tôi có vẻ cũng đã cởi mở và tôn trọng sự đa dạng trong năng lực của học sinh hơn, nhưng dường như khủng hoảng tâm lý vẫn cứ chực chờ trên đầu những đứa trẻ. Nếu như khủng hoảng của những đứa trẻ là do cú sốc chuyển tiếp giai đoạn, thì nhiệm vụ của mọi người là không được để cho những đứa trẻ cô độc, nên đứng cạnh và nhìn cùng một hướng thay vì đứng trước mặt để đứa trẻ tự mò mẫm đi theo. Và nói về chương trình học, phải chăng nên có một sự chuyển tiếp nhẹ nhàng giữa hai cấp học để đứa trẻ không bị choáng ngợp rồi từ đó đâm ra tự ti và thất vọng, để cột mốc tuổi mười lăm bớt khắc nghiệt đối với những đứa trẻ chỉ mới chập chững bước vào đời.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất